“Kẻ nào chưa từng mắc phải lỗi lầm cũng là kẻ chưa bao giờ thử làm việc gì cả ”
Nghiệm ngẫm cái câu châm ngôn của Albert Einstein, tôi đã cảm giác những con chữ tí tách nảy mầm. Với tôi, người cầm bút trước tiên phải có lòng can đảm; bởi cái cõi mênh mang ấy thường mang đến những hệ lụy không ngờ Viết văn đâu dễ. Ngoài việc phải chung sống hòa thuận với cái bản thảo của tác phẩm đang cưu mang, cũng là cái cảm giác luôn “tội nghiệp cho chính mình”. Tội, là nếu mình viết dở là đã vô tình “hành hạ cái cảm giác của người đọc.
Nguyên tắc chính của viết văn là- nếu đủ can đảm và sự tự tin thì bạn hãy cho phép mình viết bất kỳ điều gì mình thích. Mâu thuẫn nơi tôi là sự trói buộc của tâm hồn vào cuộc đời. Mà Đời cứ nóng bỏng réo rít như sôi, chẳng như cây để lòng yên như lá. Viết, với tôi chỉ để làm tươi lại những héo nhàu cái tâm tư lãng đãng. Lắm khi đắm đuối trong cái “cõi riêng”; tôi viết cứ như cái xe đạp không phanh, lãng quên cả những cái dấu chấm, phẩy trên những dòng văn… viết xong, đọc lại là muốn… đứt hơi!
Tôi vẫn luôn tự cười với những trang viết của chính mình; ví như một cái vòng tròn đồng tâm và tâm điểm là cái tôi người viết. Các nhà văn của lớp trước đã “la lên” rằng, “Sống rồi hãy Viết”. Nhưng chẳng phải ai cũng ý thức điều này khi dấn thân vào văn chương. Vẫn biết người cầm bút bộc lộ thái độ sống của mình “thông qua” những tác phẩm đầy ắp những lý tính, am tường, cả những suy nghĩ trước hiện thực cuộc đời bằng nghệ thuật ngôn từ … Và người đọc thì vẫn lắng nghe, chờ đợi… Nhưng ngôn ngữ có khi cũng chỉ là quan điểm độc thoại một chiều. Sự tìm kiếm cho mỗi người viết một “đối từ”, để người đọc có thể hiểu, và cảm nhận cũng là một thử thách!

Viết cũng là sự giải tỏa với cái “nỗi đau” của riêng mình. Chữ nghĩa với tôi là một định mệnh. Những định mệnh ràng buộc và chẳng thể lý giải đơn thuần bằng lời nói. Viết, ở khía cạnh nào đó là sự trở về với bản ngã hồn nhiên nhất của riêng tôi. Chưa vội bàn đến những câu chữ. Chỉ dừng lại ở cảm xúc. Lặng lẽ, tự tình trên bàn phím. Có lẽ vì vậy, tôi đã can đảm lấy cái tên “Cõi riêng Đặng Mỹ Hạnh”. Xin cảm ơn (một độc giả có cái tên LKL ở GA đã “ quá vui mừng khi Trẻ giao cho Đặng Mỹ Hạnh một cái ‘cõi riêng’ ” Tôi hiểu, cũng từ nơi đây ở cái “cõi trên” này (từ của Hoàng Định Nam và Họa sĩ Bảo Huân “gán” cho cái “cõi riêng” của tôi) là – tôi được phép mênh mang viết và lơ lửng. Với tôi, “nghiệp” viết gắn liền với sở thích xê dịch; viết ký sự, chụp hình; phiêu lãng tầm mắt và phiêu lãng tâm hồn trên những vùng đất. Sự mở rộng tầm nhìn ở những khía cạnh mới của thực tại luôn đi cùng với ngôn từ và cảm xúc.
Độc giả gặp tôi trên những trang viết; ngoài đời họ ưu ái khi nhận ra tôi, như nhận ra một “người quen” nào đó trong cuộc sống. Tôi thì khó thể nhầm lẫn giữa thành công và danh tiếng – vì cái danh từ này chẳng hề có trong cái tự điển… sống của tác giả. Trong ngôn ngữ đời thực, mỗi yếu tố đều không chỉ mang ý nghĩa mà còn là sự đánh giá (của độc giả) về những tư tưởng của bạn.
Và dù viết chỉ là một nhu cầu tự thân để giải tỏa. Phá bỏ sự vô cảm- phá bỏ cái im lặng. Giải tỏa cho chính mình đó là điều hạnh phúc. Hương vị hạnh phúc cũng là sự giải thoát tâm tư. Có thể vì vậy mà nhà văn Colm Tóibín đã đưa ra lời khuyên cho những kẻ sĩ là, “nếu phải đọc, hãy đọc tiểu sử của các nhà văn bị phát bệnh tâm thần ” Và nghiệm lại, tôi thấy đọc hay viết cũng chẳng bao giờ vô ích; bất kể đó là hạnh phúc hay bi kịch. Từ trong sâu thẳm trái tim thì cuộc đời chẳng dành cho riêng ai; dẫu cuộc đời đã đem lại cho tôi ít nhiều những vết thương nhức nhối… Chẳng hiểu vì đâu những ý nghĩ của tôi về hạnh phúc con người bao giờ cũng pha lẫn sầu đau.
Tôi nhớ lại những câu thơ huyền nhiệm của Francisco de Quevedo: “Ngày hôm qua đã qua; Ngày mai thì chưa tới; ngày hôm nay cứ trôi đi và không dừng lại dù chỉ một khoảnh khắc; Tôi là cái Tôi đã là và cái Tôi sẽ là và là một cái Tôi đang là mỏi mệt…”
Tôi gieo chữ trên cánh đồng hạn hán… tâm tư. Và những con chữ khô cong, như một dấu hỏi quay ngược về hỏi lại tôi, “viết cái gì vậy? Hiểu chết liền!”