Tư tưởng của Karl Marx, qua những gì ông viết, lâu nay được nhiều đồ đệ cho là cao siêu… như kinh thánh, đọc hoài không hiểu… hết! Nếu cần tóm gọn tư tưởng ấy, dựa trên những gì các chế độ Cộng sản đã làm, có thể nói trong một câu… của chính ông: hạnh phúc là đấu tranh. Sự đấu tranh này không phải “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” như lời cụ Nguyễn Trãi. Ngược lại, đấy là đấu tranh bằng bạo lực và… khủng bố (cả thể xác lẫn tinh thần). Nhiều người dân Mỹ vào những năm 60 thế kỷ trước, vì không thấy rõ bản chất ấy của chủ nghĩa Cộng sản, đã đưa ra khẩu hiệu “make love, not war” khi biểu tình phản đối chính phủ Mỹ giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa tự vệ chống lại sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt. Dù sao, khẩu hiệu ấy nếu áp dụng vào những hoàn cảnh khác, trong đời thường, rất hợp lý và hợp tình. Hãy yêu nhau đi, đừng có đánh nhau nữa, dù cho bất cứ lý do gì! Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng từng được cho là phản chiến, sau này đã đưa ý tưởng đậm tính nhân bản ấy vào nhạc của ông:

Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn
Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm
Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng
Dù đêm súng đạn, dù sáng mưa bom
Hạnh phúc chẳng phải là cái gì cao siêu hay phải tranh đấu (như kiểu Karl Marx) mới có. Đơn giản cứ yêu nhau là xong; càng nhiều càng tốt, như một nghiên cứu vừa được công bố mới đây của ông Tim Wadsworth, giáo sư xã hội học của trường đại học University of Colorado Boulder. Ông đã thăm dò ý kiến của hơn 15 ngàn người Mỹ rồi phân tích và kết luận: càng yêu nhau người ta càng hạnh phúc. Dĩ nhiên sự yêu nhau này không chỉ nói ngoài miệng, đầu môi chót lưỡi, mà phải thể hiện (nhiều) qua hành động. Tiếng Anh gọi là MAKE LOVE; tiếng Việt, có lẽ dịch sát… rạt tiếng Anh, gọi là làm tình. Báo cáo của ông nói rằng những ai rủ người khác “yêu nhau đi” hai, ba lần một tháng thì xác suất có hạnh phúc cao hơn 33 phần trăm so với những người quanh năm suốt tháng không làm ăn gì cả. Tỉ lệ ấy tăng lên 44 phần trăm nếu tuần nào cũng “quên ngày quên tháng” và sẽ là 55 phần trăm nếu mỗi tuần hai, ba lần mặc kệ “súng đạn, mưa bom”. Đặc biệt, nếu ai đó làm hai, ba lần một tháng nhưng biết người khác đều đặn mỗi tuần một lần thì xác suất ấy giảm đi 14 phần trăm. Nghĩa là thấy người khác sung sướng hơn mình thì niềm hạnh phúc bị giảm đi. Ngược lại, thấy mình sung sướng hơn người khác thì hạnh phúc mới được trọn vẹn.

Tim Wadsworth
Karl Marx thích đấu tranh nhưng không biết tránh đâu cái bản tính ấy của con người khi ông cố phác họa ra thiên đường Cộng sản đầy hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà ông đã chủ trương xóa bỏ giai cấp để ai cũng giống ai, không ai hơn ai. Con đường ông vẽ ra bằng mực nhưng sau này bị ngập đầy máu và nước mắt của nhân loại. Chung quy cũng chỉ vì sự ham thích bạo lực, đấu tranh mà ra. Chứ cứ yêu nhau, kiểu nào cũng được, thì nhân loại dễ có hạnh phúc hơn. Không nhiều thì ít chứ không đến nỗi phải chịu nhiều khổ đau như gần trăm năm qua! Người Mỹ tuy cuộc sống cũng có nhiều nỗi trầm luân như bao người khác nhưng họ rất thực dụng, đã chọn cách êm ái nhất để có được hạnh phúc tương tự như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời