Menu Close

Có một ngày đẹp như chuyện thần tiên…

Nhà thơ Bùi Minh Quốc xuất thân từ Miền Bắc, học đại học ở Hà Nội, đi B vào chiến trường Miền Nam, làm phóng viên quân đội cho tới 1975. Ông sống ở Đà Lạt, Lâm Đồng, nổi tiếng với “Bài thơ về hạnh phúc”, cuộc đi đọc thơ cấm với Hữu Loan ở Miền Trung, thu thập chữ  ký đòi tự do, và bài “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn”. Khoảng năm 2007, Bùi Minh Quốc kêu gọi một cuộc đại đoàn viên, đại trùng phùng giữa các văn nghệ sĩ, gọi là “Một ngày đẹp như chuyện thần tiên, ngày chúng ta ôm nhau khóc, ôm nhau cười”.

 

 

Cái ngày vừa được nói đến ở trên là ngày nào vậy cà? Nó có không trên cõi đời này? Có lẽ mình cũng đã từng được thấy một ngày như thế – được thấy chứ không phải được sống. Vâng, Nguyễn đã được thấy một ngày như thế, thấy trên… màn ảnh. Đó là ngày quân Đồng Minh giải phóng Paris, được dựng lại trong cuốn phim The Last Time I Saw Paris với Van Johnson (?) và Liz Taylor đóng vai chính. Ngày ấy, cả thành phố Paris cùng ôm nhau khóc, ôm nhau cười, ôm nhau nhảy múa và… hôn nhau! Cho tới ngày hôm nay vẫn còn tấm ảnh chụp một anh lính Mỹ xa lạ ôm hôn nồng cháy cô gái Paris không quen biết. Hình ảnh hai người được tạc thành tượng và trưng bày ở quảng trường Times Square, New York. Nguyễn nghe nói như vậy, không biết hư thực ra sao, e phải nhờ Đinh Cường hỏi Lê Thị Hàn, tác giả Những Bức Thư Nữu Ước nổi tiếng.

Trên là Ngày Chiến Thắng 8 tháng 5 năm 1945. Có thể nói đó là một ngày đẹp như chuyện thần tiên. Còn ngày 30 tháng 4 -1975? Đó là ngày, nói như ông Võ Văn Kiệt, có nhiều người vui nhưng cũng có cả triệu người khóc. Cả triệu người khóc -hơn thế chứ, hầu như toàn dân miền Nam đều khóc như những cơn mưa đổ xuống Sài Gòn sau ngày đó. Khóc những giọt lệ đắng chứ không phải những giọt lệ vui mừng như trong Ngày Chiến Thắng 8 tháng 5 năm 1945 ở Paris. Khóc vì những đổ vỡ, chia lìa, đớn đau. Khóc vì bao nhiêu giấc mơ tan như bong bóng nước ngày mưa. Các bạn của Nguyễn còn nhớ không, ngày ấy chúng ta nhìn nhau xanh mặt. Và em thì đôi mắt không còn ánh vui, em đi tóc rũ trong mưa. Ôi còn cảnh nào buồn hơn:

28 tháng tư. em vào tân sơn nhất
đêm. địch pháo phi trường. em ôm hai con
trời tối đen. gió chạy. kêu ngoài bãi
không bóng người. không một ngọn đèn

Vậy, ngày 30 tháng 4, như ta vừa thấy, là ngày khởi đầu của bao nỗi oan khiên: cuộc sống chó ngựa, lớp vào trại cải tạo, lớp buôn bán chợ trời chụp giựt, lớp đi kinh tế mới, lớp vượt biên… Những ngày nối tiếp gục đầu, chết dúi

… Thành quách thế, nhân dân khác hẳn
Bụi bay trông nhơ bẩn áo người

Họ ngoài mặt không thò nanh vuốt
Cấu xé người nhai nuốt ngọt ngon
Hồ Nam kia mấy trăm chòm
Gầy còm xơ xác, không còn thịt da

(Phản Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du, bản dịch cũ
 – trích từ PTNN)

Vậy ngày 30 Tháng Tư dứt khoát không thể là một ngày đẹp như trong chuyện thần tiên được. Nó là một ngày chưa hề có trong lịch sử VN một trăm năm qua. Và có thể không bao giờ có. Đó là ngày trong mơ tưởng của nhà thơ Bùi Minh Quốc (được Bố Già Phạm Duy sinh thời minh họa). Vâng, nhà thơ Bùi Minh Quốc đề nghị như thế này: “Tổ chức một cuộc, xin tạm gọi, đại đoàn viên, đại trùng phùng thơ nhạc Việt. Ngày ấy, những đứa con thơ nhạc của Mẹ Việt Nam, sau bao đau thương vì chiến tranh và ly tán, từ khắp các chân trời góc biển về gặp nhau, cùng nhau mỗi người cất lên tiếng thơ tiếng nhạc tiếng ca của lòng mình yêu dân yêu nước yêu tự do và yêu nhau. Đấy, cái ý tưởng của tôi chỉ có thế, giản dị chỉ có thế. Giản dị mà đẹp, đẹp như chuyện thần tiên như anh Phạm Duy đã mường tượng. Cái ngày đẹp như chuyện thần tiên ấy, tôi nghĩ, hoàn toàn không có gì là xa vời, bởi nó nằm trong khát khao sâu thẳm triền miên của mỗi chúng ta, trong khả năng tổ chức của chúng ta. Mà cam đoan không tốn kém một xu công quỹ. Bởi vì mỗi chúng ta sẽ đến với ngày ấy bằng cách tự túc ăn ở và đi lại, các sao và siêu sao sẽ không lấy tiền cát-sê, thậm chí, biết đâu đấy, sẽ có khối người tự nguyện xin được đóng tiền không giới hạn cho ban tổ chức để được đọc một bài thơ, hát một bài hát. Đương nhiên sẽ không thiếu các sao (doanh nhân) Việt đầy hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ những văn nghệ sĩ nghèo.

Viết đến đây, tôi đã bắt đầu sống, trong mơ màng, cái ngày đẹp như chuyện thần tiên ấy, tôi sẽ được tay bắt mặt mừng và nghe Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Hiền, Trần Thái Hòa… hát, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Đinh Linh… đọc thơ, ngâm thơ. Phần tôi, ngày ấy chỉ xin 30 giây để góp tiếng thơ của mình, với bài thơ 4 câu này:

Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đã đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu…

(Đà Lạt chớm xuân 2007)

Trước hết, Nguyễn không hề nghi ngờ thiện chí và ý hướng tốt đẹp của nhà thơ Bùi Minh Quốc trong việc đề nghị tổ chức một ngày họp mặt, đoàn viên, hội ngộ, trùng phùng giữa các văn nghệ sĩ. Với Nguyễn, tấm lòng của nhà thơ Bùi Minh Quốc rất là trong sáng và vô cầu (có thể còn hơn cả Thiền Sư Nhất Hạnh). Một ngày đẹp như chuyện thần tiên, ngày chúng ta ôm nhau khóc, ôm nhau cười… Đó là một ngày của ước mơ đối với hết thảy các văn nghệ sĩ. Riêng Nguyễn cũng ước có ngày được bắt tay uống ly rượu mừng với Nguyễn Trọng Tạo, Bùi Minh Quốc… cũng như ôm Ý Nhi, Nguyễn Thị Hoàng rồi cùng nhau kéo đi uống cà phê hay uống bia ở một quán văn nghệ nào đó. Nhưng e như rứa là quá mơ mộng và… tham lam. Tuy thế, biết đâu điều đó rất có thể xảy ra mà không cần nhờ ai tổ chức, miễn là ta có tấm lòng đến với nhau.

Tuy nhiên, ở đây có điều cần phải được nói lên: Một ngày như thế liệu có được nhà cầm quyền CS cho phép không. Và có bị nhà cầm quyền lợi dụng không. Ngày đó, chúng ta có phải mời (như Thiền Sư Nhất Hạnh đã có thư long trọng mời) những Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng… đến chủ trì không? Và liệu những người như Tuệ Sỹ, Dương Nghiễm Mậu… (ở trong nước), và Nguyễn Đình Toàn, Doãn Quốc Sỹ… (ở ngoài nước) có thể đến dự? Ấy là chưa kể trong hàng văn nghệ sĩ của ta lâu nay đã có truyền thống “có anh thì không có tôi”. Riêng nhà thơ Bùi Minh Quốc ao ước được nghe Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Hiền, Trần Thái Hòa… hát, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Đinh Linh… đọc thơ. Điều này thiết tưởng không khó, Bùi Minh Quốc cứ qua đây (hoặc cứ ở yên trong nước, sẽ có một ngày quý vị ấy về thăm) thì cầu được ước thấy thôi. Cuối cùng thì Nguyễn phải nói là rất thích bốn câu thơ của Bùi Minh Quốc trích dẫn trong bài. Có bài nào hay như thế nữa thì xin anh post lên lưới để Nguyễn và các bạn ở đây xem cùng.

TN –  Viết lần đầu 2010 – Xem lại April 2013