Tôi bật dậy nhìn đồng hồ thấy 10 giờ. Một giấc ngủ dài, sâu, không chút mộng mị. Ngủ như chết không nghe tiếng chuông báo thức vào lúc 8 giờ. Người thấy tràn đầy sức sống. Những mệt mỏi ngày hôm qua tan biến đâu mất, đầu óc tỉnh táo khiến lòng hân hoan. Tôi bước lại vén tấm màn cửa sổ. Ánh nắng ùa vào ngập cả căn phòng. Bên kia đường một dãy tòa nhà kính xanh lơ cao bảy tám tầng ngang tầm nhau, đây đó treo vài băng rôn đủ màu bằng tiếng Hàn không biết viết gì. Nhìn qua bên trái, có dòng kênh nhỏ xíu lượn theo bờ cỏ may lao xao trong gió. Cảnh quan sạch sẽ, tinh tươm. Hình như là công viên trong khu nhà ở, cây cối xanh tươi, có đường chạy xe đạp, phía sau là một dãy chung cư cao tầng. Cái này nối tiếp cái kia đơn điệu trông giống mô hình đồ chơi, thiếu sinh động nhấp nhô cao thấp như ở Incheon nhưng hiện rõ nét đẹp của một thành phố phát triển hiện đại. Tôi bỗng nghêu ngao câu thơ ai đó thành một giai điệu ngẫu hứng: “Phố còn in dấu cỏ may / là còn in những dấu giày tha hương”, rồi phá lên cười nắc nẻ cho sự lãng mạn ngây ngô của mình.
Tôi quay lại, nhìn quanh căn phòng mà tối qua chỉ thấy duy nhất có cái giường nệm êm ái. Sàn lát gỗ, có cả bàn viết và cái ghế, một tủ lạnh nhỏ, một lò vi sóng, máy giặt máy sấy, bếp núc sạch trơn. Nói chung tiện nghi đầy đủ không thiếu thứ gì. Bên hông còn có tủ áo âm tường, trên mặt cửa đính một mảnh giấy:
Chào người mới đến,
Trong tủ có đủ móc áo còn tốt để dùng, cái tivi làm bầu bạn những khi buồn chán. Chúc mọi sự tốt lành!
Tom.
Thì ra căn phòng này của một giáo viên mới rời khỏi đây trước khi tôi đến và để lại những thứ còn dùng được cho người đến sau. Cái anh chàng Tom này thật tỉ mỉ đến cái móc áo mua chi rất nhiều nhưng không có lấy một cái nồi nấu cơm. Chắc những ngày ở đây anh ta toàn ăn hamburger. Chợt nhớ cái hamburger chị Young mua cho đêm qua ngon lạ. Khi người ta đói, ăn gì cũng thấy ngon. Đó chỉ là cách nói thôi. Tôi từng ăn biết bao cái hamburger của Burger King. Miếng thịt bò của Burger King ở Hàn quốc có khác, đậm đà hơn, gia vị hơn. Ngược lại nước Coke dường như nhạt hơn một chút. Không phải do nước đá tan ra làm loãng. Chính hương vị quen thuộc của nó làm cho tôi nhận ra được sự khác biệt này. Tôi cho rằng không phải người ta tùy ý gia giảm khẩu vị mà có nghiên cứu hẳn hoi. Dựa trên sở thích và thói quen của con người ở một nước nào đó. Và chắc chắn tôi sẽ chọn món hamburger cho thực đơn trong tuần.
Tôi bật tivi. Hình ảnh rõ. Đồ tốt có khác, lại còn có cable. Nhưng không sao rà được kênh nước ngoài. Tiếng người xướng ngôn viên đọc tin tức đều đều, những âm tiết phát ra kéo dài nghe hơi nặng tai, âm điệu gằngằn nhưng nhẹ nhàng hơn tiếng Đức. Mở tivi nghe tiếng người cho có bầu bạn, chứ chẳng hiểu mô tê chi ráo trọi. Mà thôi, còn gì hơn, được ở căn phòng miễn phí như thế này, khác chi khách sạn ba sao đâu nhỉ. Tôi mở va li xếp đồ vào tủ, tắm táp, chuẩn bị cho một ngày mới với công việc mới.
Trung tâm Anh ngữ tư nhân nơi tác giả đang dạy
Thế nhưng một ngày mới chưa kịp vui đã chợt tắt ngúm khi tôi bước chân vào tòa nhà. Điều làm tôi hụt hẫng đây là một trường mầm non. Nhìn lướt qua những hình ảnh sinh hoạt phóng to treo đầy trên vách tường cạnh bàn tiếp tân, thấy Joana, Stanley và vài ba người nước ngoài khác nhăn răng tươi cười chụp hình chung với lũ trẻ. Cô tiếp tân dẫn tôi lên tầng hai đến phòng Hiệu trưởng. Tâm trạng tôi lúc này rối bời, bực tức như bị lường gạt. Trong hợp đồng ghi rõ là dạy tiếng Anh cho học sinh lứa tuổi cấp hai, đâu phải làm cô bảo mẫu. Tôi ghét con nít. Thiên chức của người phụ nữ là thích trẻ con. Biết thế. Nhưng quá sớm để tôi nghĩ về chúng, học cách chăm sóc hay tìm hiểu tâm lý trẻ nhỏ. Là con một trong nhà, từ bé tôi được hưởng tình yêu thương của Ba Me dành cho một cách trọn vẹn. Có lẽ điều đó khiến tôi trở nên ích kỷ. Hồi nhỏ có lần Ba Me hỏi: “Con muốn có em không?”. Tôi lắc đầu nguầy nguậy và ghi nhớ chuyện này trong đầu. Kể từ đó về sau tôi ghét nghe tiếng con nít mè nheo, tiếng khóc thét hay phải quát nạt, dọa dẫm, dụ dỗ đút từng muỗng cơm. Mỗi khi thấy người hàng xóm vừa cho con nhỏ ăn vừa quát tháo rượt chạy vòng vòng là tôi ra mặt. Đứa bé thấy tôi nhìn trừng, im re thin thít như nhìn thấy cọp.
Tôi sinh tuổi con Mèo. Tuy thế Me nói tôi tuổi Mẹo bước qua tuổi Thìn nên tính tình nóng nảy, cứng đầu, liều lĩnh như đàn ông con trai. May mà con rồng có cái đuôi con mèo nên cũng dịu dàng và dễ dụ. Người tuổi này hoạt bát, có thiên hướng lãnh đạo. Lãnh đạo đâu chưa thấy, chỉ toàn thấy “lãnh đạn” hết lần này đến lần khác. Những kiến thức bốn năm đại học đối với tôi trở nên vô dụng hơn bao giờ hết. Học một đàng, ra trường một nẻo. Nhà trường đào tạo cho sinh viên bước chân ra đời giống như những người đi mò sò dưới biển khơi, nhưng lại quên dạy cách đập bể con sò đó.
Giờ đây, tôi có khác gì kẻ lạc lối, mò mẫm từng bước đi tìm đường ra. Liệu mình có thể làm tốt được bất kỳ công việc gì, trong khi những chuyện chẳng dính dáng đến sở học của mình cứ đeo bám mãi. Càng nghĩ, tôi càng tức giận. Hễ không thích, không hài lòng chuyện gì thì ba chữ “giận đó nhe” lộ in trên nét mặt, không giấu vào đâu được. Bạn bè nói tôi quá trực tính cho nên thiếu vẻ thùy mị vốn có của một đứa con gái. Trực tính dễ gây mích lòng. Không biết đó là một tính tốt hay xấu nhưng tôi không có con đường lựa chọn. Trong hoàn cảnh này, thẳng thắn nói thật “tôi không thích”, có khác nào làm cho người khác không thích tôi. Chả dại! Lời nói thật lúc này chẳng có tác dụng gì. Bỏ cuộc ư? Một thất bại thảm hại!
Chị Young pha cho tôi cốc trà sâm rồi nói: Đây là thức uống hằng ngày giống như trà của người Việt. Trà sâm rất tốt cho sức khỏe, chỉ cần đun nước sôi rồi cho vào. Cửa hàng tạp hóa cạnh bên có bán, giá rẻ hơn siêu thị nhiều. Ở đó bán đủ thứ kể cả thực phẩm. Lát nữa sau khi tan lớp, cô Kim sẽ đưa cô sang đó xem cho biết. Có khi cũng cần mua những thứ cho việc nấu nướng tại nhà. Căn phòng cô đang ở của giáo viên Tom. Anh chàng này rất vui tính, đến từ Úc nhưng cả năm không bao giờ nấu nướng, chỉ toàn đi ăn tiệm. Ngược lại, thầy Stanley cô gặp đêm qua, lại thích vào bếp. Anh ta nấu được cả món ăn Hàn rất ngon. Chiều, cô mang hộp trà sâm này về. Nếu thấy thích, nên thường xuyên dùng. Tốt lắm đấy! À, tiện thể tôi có nhờ Kim sáng mai đưa cô đi thăm thành phố để hướng dẫn cô sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Cách nói từ tốn, trầm ấm và ân cần của chị Young làm tâm trạng tôi có chút nguôi ngoai. Không hiểu sao chị không bắt đầu vào vấn đề chính mà lại cứ vòng vo tam quốc, hết chuyện này đến chuyện nọ. Cả chuyện chị từng có thời gian bốn năm sống ở Houston theo học Đại học Rice, ngành tiếng Anh. Thậm chí chị còn cho biết chị mang họ Lee (Lý), hậu duệ đời thứ 34 của Hoàng tử Lý Long Tường con vua Lý Anh Tông lưu vong sang Cao Ly. Nói đoạn, chị dừng lại hỏi: “Linh có nghe dòng họ Lee ở Hàn Quốc bao giờ chưa?”. Tôi gật đầu đáp: “Có đọc trên mạng. Ngay cả Tổng Thống đầu tiên Đại Hàn Dân Quốc Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) đã từng tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt Nam. Nhưng tiếc một điều, ông ta chẳng biết nói tiếng Việt”.
Tôi cũng vậy. Những gì không biết đều có thể học, phải không? Chị hiệu trưởng gật gù nhìn tôi nói với ánh mắt ẩn chứa nhiều hàm ý.
Dường như chị Young đọc được những suy nghĩ trong đầu tôi hay đó chỉ là cách giao tiếp thông thường tạo mối quan hệ gần gũi giữa hai người xa lạ, cho dù mối quan hệ “đồng hương” đó, có dùng hỏa tiễn tầm xa bắn cũng không tới. Trước đây khi ông Obama được bầu làm Tổng Thống, người dân xứ Kenya nhảy múa vui mừng cứ như thể ông sẽ làm luôn Tổng Thống xứ này. Cái mối quan hệ dòng giống xem ra cũng khá hiệu quả trong mọi vấn đề từ chính trị cho đến giáo dục.
Cục giận tôi ngậm nãy giờ đã bị chị Young biến thành cục kẹo chảy tan trong miệng. Chị có đủ kinh nghiệm và biết áp dụng những sự kiện vào câu chuyện để hóa giải mối nghi ngờ hoặc lái suy nghĩ của người đối diện theo ý mình.
Niềm an ủi duy nhất của tôi được Hiệu trưởng bố trí chỉ dạy 12 tiết cho lứa tuổi mẫu giáo, 16 tiết còn lại dạy cho học sinh tiểu học từ 6 giờ đến 9 giờ tối ở một Trung tâm sinh ngữ cũng của chị Young điều hành cách trường năm phút đi bộ. Hệ thống trường tư mẫu giáo dạy tiếng Anh trong mười năm trở lại đây nở rộ trên khắp đất nước Hàn quốc, mặc dù chính phủ chưa chính thức cho phép nhưng cũng không cấm hàng trăm ngôi trường như thế này hoạt động miễn không quảng cáo. Đó chính là lý do trong hợp đồng tuyển dụng phải ghi là dạy tiếng Anh cho học sinh cấp hai như chị Young giải thích. Phụ huynh sẵn sàng đóng học phí rất cao để xin cho con em mình theo học chương trình tiếng Anh ngay từ còn bé để lên các cấp học sau này theo kịp bạn bè. Chính học phí cao nên lương giáo viên mẫu giáo tiếng Anh cũng cao hơn các trường cấp hai và cấp ba của nhà nước, vì thế thu hút nhiều giáo viên các nước nói tiếng Anh đến dạy.
Không biết chính xác thế nào. Hôm hai cha con tôi đến Lãnh sự quán Hàn quốc ở Houston, thấy có bảng hướng dẫn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh cho trường trung học công lập với mức lương một triệu bảy won một tháng (khoảng 1600 đô). Trong khi trường tư thục Apollo của chị Young trả tôi hai triệu won và thêm một tháng lương thứ 13 khi mãn hợp đồng. Tôi có một tuần để làm quen với công việc mới.
Hết giờ. Kim đưa tôi xuống phố. Hai đứa trạc tuổi nhau nên dễ thân quen. Kim hỏi thích không? Thích gì? Dạy học. Tôi cười méo miệng. Chợt nghĩ trong đầu, vấn đề không phải là làm những gì mình thích, nhưng là thích những gì mình làm.
Hàn… nhí học tiếng Anh!
NL