Menu Close

Xin đừng quên nhau…

Tối hôm qua, nói chuyện với cha tôi qua điện thoại, tôi hỏi ông cụ đang làm gì, cha tôi bảo giờ này Úc là 2 giờ chiều, bố đang ở ngoài vườn, sắp sửa uống trà.

Tôi nhớ những năm còn mẹ tôi, tôi thường về thăm nhà vào mùa Thu, khoảng Tháng Ba, Tháng Tư, và thường ngồi ngoài vườn với cha mẹ uống trà nói chuyện cũ. Tôi hình dung góc vườn sau, nơi có giậu Nguyệt Quý dày và cao, vừa che nắng chiều, vừa là bức vách ngăn vườn nhà với vườn hàng xóm. Tôi nhớ động tác quen thuộc của cha tôi vừa kéo chiếc ghế gỗ, chậm chạp ngồi xuống, vừa rót trà và bắt đầu nói chuyện:

– Mọi năm, giờ này là mấy chú ở Việt Nam đã email hỏi thăm bố, nhưng sáng nay mở máy, vẫn chẳng thấy gì.

Nếu như còn mẹ tôi, mẹ sẽ ngồi ở ghế đối diện với cha tôi và nói:

– Tại bố mong quá đấy chứ, phải đến ngày 29, hay 30 các ông ấy mới gửi thư cho bố!.

Những lúc ấy, tôi loanh quanh đâu đó, thế nào cũng góp một câu đại loại như:

– Con thấy cứ đến đầu Tháng Tư là mọi người đã nhớ đến ngày mất miền Nam. Các bạn con ở Đà Nẵng nhắc đến vụ mất miền Nam từ đầu Tháng Ba, là tháng mình mất Huế, Đà Nẵng.

….  

Sau này, không còn mẹ tôi, tôi không về nhà vào dịp Tháng Tư nữa, nhưng những lần tôi về, dưới nắng hè chói chang của Tháng 11, 12, cha con tôi cũng ngồi uống trà ở góc vườn và nhắc lại chuyện xưa: chuyện gia đình nội ngoại trước ngày di cư; tâm sự và những đắn đo giữa lương tâm chức nghiệp, giữa tính nhân bản và hận thù của người lính VNCH trong cuộc chiến.

Cha tôi thường kể về những lần chiến trận sôi động, số thương binh của mình và của phe bên kia được trực thăng tải thương chở về quân y viện rất đông. Lính của mình còn phải nằm hai người một giường, lấy đâu chỗ cho kẻ thù, thế nhưng đã có những người lính VNCH bị thương nhẹ, dành chỗ nằm của mình cho người lính bên kia bị thương trầm trọng. Cha tôi nói, những thái độ này đã làm nên nhân cách của người lính VNCH.

Cha tôi cũng nhắc đến những năm trong trại tù cải tạo. Việc người cộng sản bắt cha tôi và đồng đội của ông gánh phân, bốc phân, hay làm lao động khổ sai, hoặc bỏ đói v.v….chỉ làm rõ hơn cái mặc cảm thua kém của người cộng sản trước người lính VNCH. Thua kém cả về văn hóa cũng như về nhân cách.

……

Chợt có tiếng của cha tôi ở đầu dây bên kia:

– Alo, con còn đó không?

Tôi giật mình trả lời:

– Ồ, dạ con đây, con lan man nghĩ lại những năm còn mẹ, con về nhà cũng dịp này, chúng ta cũng nói chuyện về Tháng Tư. Bố vẫn nhận được thư của các chú đồng đội đều đều phải không ạ?

Giọng bố tôi xa vắng:

– Từ ngày mẹ con mất, bố uống trà một mình, lại càng nhớ những  năm tháng cũ, mới biết vui buồn đều quý cả. Một vài bác ở Quân Y với bố thì vẫn liên lạc, nói chuyện nhảm cho qua ngày. Còn các chú thuộc các đơn vị tác chiến, quen nhau qua quân y viện, như chú Đạt, chú Hy… thì đến Tháng Tư mới viết thư kể về cái ngày cuối cùng họ phải rời bỏ đơn vị. Hình như đến Tháng Tư, người lính mới  nhớ đồng đội và đơn vị cũ nhiều hơn, và hình như cần nhau hơn, để chia sẻ phân trần cho vơi nỗi khổ mất nước. Đôi lúc bố cảm thấy như vậy, nên cứ Tháng Tư là bồn chồn mong thư. Năm ngoái không có thư của chú Phiên, không biết có chuyện gì xảy ra cho chú ấy không? Những người quen biết chú ấy thì không còn ai ở Đà Nẵng hay Quảng Ngãi cả. Bố lo quá!

Trong số những người lính mà cha tôi nhắc đến, có chú Phiên là người tài xế cuối cùng của cha tôi, trước khi cha tôi đổi vào Sàigòn nhận nhiệm sở mới. Tôi nhớ chú Phiên nhiều nhất vì chú ấy đã đem đến cho gia đình tôi con bé Dân khiến chúng tôi được sống những năm tháng tuyệt vời, nhiều tiếng cười và cũng thật nhiều nước mắt.

Tôi nói trong xúc động:

– Bố ạ, Tháng Tư bố và các bác, các chú, nhớ đồng đội,nhớ đơn vị cũ, nhớ chiến trường xưa. Tụi con  thì nhớ lúc khuôn viên đại học vắng hoe, giảng đường đóng cửa. Việt Cộng chưa chiếm được Sàigòn nhưng việc mất Huế và Đà Nẵng, rồi cuộc thoái quân ở Cao Nguyên đã khiến mọi người xôn xao. Đất nước đang ở trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, nên không ai còn tâm trí để giữ thăng bằng cho cuộc sống bình thường nữa. Con nhớ, khi mất miền Nam, bố bị đi tù, con bé Dân bị đuổi không được ở nhà, chúng con phải nghỉ học, vì lý lịch gia đình xấu, phải đi thủy lợi, nông trường…

Nước mắt tôi chan hòa khi nhớ đến chuyện con bé Dân. Bố tôi bảo:

“Thôi, bên đấy cũng khuya rồi, con đi nghỉ đi, bố cũng sửa soạn vào nhà xem có thư các chú ấy chưa? Bố nóng ruột lắm rồi. Mai cha con mình nói tiếp.

Tôi nhớ….

Ngày ấy, quê chú Phiên  ở Quảng Ngãi. Gia đình chú chỉ có hai chị em, cha mẹ mất sớm, chị của chú làm rẫy nuôi em. Tới tuổi quân dịch chú đi lính, người chị ở nhà lấy chồng là người đàn ông góa vợ cùng xóm. Ba năm sau, chị có bầu, người chồng hy vọng chị sẽ sinh con trai, nhưng con bé Dân ra đời, và đôi mắt thơ ngây của nó đã chạm phải ánh mắt sắc lạnh ghét bỏ của cha. Mẹ nó có bầu vài lần nữa nhưng đều bị hư. Năm Dân lên tám tuổi, không hiểu vì lý do gì, mẹ nó nhảy xuống giếng tự vẫn. Cha nó cưới người vợ khác.

Chú Phiên muốn đem đứa cháu gái về nuôi, nhưng cha của Dân không chịu. Một hôm không biết có chuyện gì, cha nó đào hố chôn sống nó, may nhờ hàng  xóm cho hay, chú Phiên chạy sang kịp, moi đất đem đứa cháu gái tội nghiệp lên và chở thẳng đến nhà cha mẹ tôi, nhờ cha tôi cứu nó và nuôi giùm, lúc đó nó mới 10 tuổi, năm ấy tôi mới học đệ Tứ. Hình ảnh con bé đen đủi gầy gò, tóc cháy vàng, cột thành một búi rối bời sau gáy, với đôi mắt căng cứng sợ hãi đã in sâu trong trí tôi.

Sau một tháng nằm bệnh viện, mẹ tôi đón Dân về nhà, nó ăn được chút chút, nhưng đi không vững. Hình như nó không nghe được tiếng gọi, và khi nói không phát ra âm thanh. Cha tôi bảo nó bị hành hạ và bị chôn sống, nên quá sợ, khiến bị hoảng loạn. Cũng may các cơ quan nội tạng của nó không bị hư hại. Các giác quan cũng như một số cơ quan chức năng phụ của cơ thể sẽ phục hồi, nhưng không biết được bao nhiêu phần trăm.

Dân đến với gia đình tôi trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế, nên chị em chúng tôi thương nó lắm. Như một phép mầu huyền diệu nó trở thành đứa em song sinh với em gái thứ ba của tôi, vì hai đứa cùng tuổi.

Dần dần nó ăn được ngủ được, bắt đầu chơi với chúng tôi, bắt đầu nói chuyện líu lo, nhưng chẳng ai hiểu nó nói gì. Mẹ tôi bắt đầu dạy nó nói và học vần ABC. Việc học chữ quả là thử thách quá lớn cho con bé, nhưng nó tiến bộ thấy rõ khi học nói. Nó tập gọi bố mẹ, anh chị thật tự nhiên. Gia đình chúng tôi như đông hơn, ồn ào hơn, tiếng các em tôi cười đùa với Dân nhiều hơn, to hơn. Dân lớn theo những tiếng cười tươi vui ấy, trong khi nó chỉ biết cười ngặt nghẽo và không ra tiếng.

Mẹ tôi cho Dân đến trường các Soeur, hy vọng với phương pháp dạy đặc biệt, Dân sẽ học dễ dàng hơn, nhưng con bé vẫn không thể học theo cùng các bạn. Mẹ tôi đành phải cho nó ở nhà và mỗi tối tôi có nhiệm vụ kèm nó học. Phải cố gắng lắm, đến năm tôi học đệ nhất, Dân mới biết ráp vần những chữ đơn giản.

Tôi đậu Tú Tài phần II năm 70, vào Sàigòn học đại học. Đến năm 73, cha tôi thuyên chuyển về Sàigòn, cả gia đình vào theo. Dân lúc này đã là cô gái khá xinh xắn, đôi mắt hạt bí của nó bắt đầu lấp lánh nét e thẹn. Nó đọc được báo, viết được chữ, nhưng tất cả đều rất chậm và nói năng vẫn còn ngọng nghịu.

Năm 75, cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, cha tôi và chồng tôi bị gọi đi tập trung cải tạo, tôi dọn về ở với mẹ và các em. Một hôm, tổ dân phố mời họp về trường hợp gia đình tôi. Mẹ tôi lo là họ sẽ bắt gia đình đi kinh tế mới, hoặc cho cán bộ ngoài Bắc vào ở chung nhà; nhưng chúng tôi không một ai ngờ rằng, họ buộc mẹ tôi phải cho con  bé Dân về lại Đà Nẵng! Mặc dù mẹ tôi đã trình bày rằng Dân là đứa bé bị bạc đãi đến tàn tật, gia đình tôi đã nhận nuôi nó từ nhỏ. Nó không còn người thân và nó không thể sống một mình, dù lúc bấy giờ nó đã 19 tuổi. Nhưng họ vẫn cho là bố mẹ tôi nuôi người làm, là bóc lột nhân dân!

Nghe nói không còn được ở với gia đình nữa, Dân khóc nấc lên không thành tiếng. Tôi chưa bao giờ nghe Dân khóc, chỉ biết tiếng cười của nó không thể ra khỏi thanh quản, và tiếng nói của nó khào khào, nhỏ rí, ngọng nghịu. Dân cứ há miệng không thở và nước mắt tuôn ra như suối, tôi sợ nó nghẹt thở, nên vuốt lưng nó liên hồi và nói vào tai nó rằng: Dân vẫn ở với bố mẹ và các anh chị em. Nó bớt khóc, nhưng đôi mắt vẫn mở to sợ hãi tột cùng, hình ảnh thảm thiết của tuổi thơ hình như đang từ từ rõ nét trong trí nhớ lùng bùng của nó.

Cả một tuần lễ chúng tôi suy nghĩ nát óc nhưng vẫn không tìm được cách nào có thể giữ Dân lại với gia đình. Sau cùng, mẹ tôi đem Dân đến chùa nhờ Sư Bà, cũng là Cô của tôi, che chở. Năm 81, Sư Bà viên tịch, mẹ tôi đem Dân qua tu viện Regina Pacis, nơi tôi nội trú thời sinh viên, nhờ các Soeur coi sóc. Năm 84, Dân xin đi tu làm Soeur thuộc dòng Thánh Phao Lồ. Lúc ấy tôi đã vượt biên. Mẹ tôi kể ngày Dân khấn nguyện, mẹ và các em có đến dự. Cả nhà xúc động và mừng cho cuộc đời của Dân từ nay được bình yên.

Các em tôi lần lượt vượt biên và định cư tại Úc. Chúng tôi làm giấy bảo lãnh cho cha mẹ và Dân, nhưng nó từ chối không đi, và bảo đã tìm được tình yêu thương và sự che chở bao la nơi Thiên Chúa.

Những năm sau này, khi bị bệnh nặng, mẹ tôi hay nhắc đến Dân và khóc: “Khi bố mẹ sửa soạn sang Úc, Dân có về thăm và chụp ảnh với bố mẹ. Nó buồn, nhưng không khóc. Hôm bố mẹ ra phi trường, mẹ tưởng nó không đi tiễn được vì không xin được phép Mẹ Bề Trên, nhưng khi bố mẹ sắp vào phòng cách ly, thì nó chạy đến, nó ôm mặt mẹ vào đôi tay nhỏ bé bịn rịn nói: “Mẹ ơi, đừng quên con, cả nhà đừng quên con!” Mẹ thương nó quá. Mẹ nghĩ, lẽ ra, biết nó được ơn kêu gọi, mẹ phải thấy hạnh phúc đang vây quanh nó, nhưng sao nhìn nó bé nhỏ trong chiếc áo dài trắng của người nữ tu, mẹ thấy nó lủi thủi, cô đơn làm sao!. Mẹ bỏ nó không đành!”

Hôm mẹ tôi mất, chúng tôi báo tin cho Dân theo địa chỉ cũ, nhưng không thấy hồi âm. 

Mẹ tôi mất đã bốn năm, Dân vẫn bặt tin. Nhưng Tháng Tư lại về, hạnh phúc và thương đau cùng trỗi dậy, khiến tôi nhớ và thương lắm những năm tháng cũ. 

PDH – 04/13