Cả năm nay, bà Lân không được khỏe, bà nghĩ tuổi già, không bệnh này cũng bệnh nọ, nên không quan tâm lắm. Nhưng sau nhiều thử nghiệm, bác sĩ cho biết bà bị ung thư phổi thời kỳ thứ III. Nghe tin này, bà xuống tinh thần và không thiết sống nữa. Tuy vậy, bà vẫn theo lời khuyên của bác sĩ chữa bằng xạ trị, rồi hóa trị. Bà yếu dần, và cần người chăm sóc, cũng như làm công việc nhà. Các con bà đề nghị thuê một phụ nữ người Mễ đến giúp lau chùi nhà cửa một hai lần trong tuần, nhưng bà nghĩ đến đứa cháu, con của người chị họ.
Sau năm 75, đại gia đình bà cũng như mọi người, chạy tứ tán. Người bác họ của bà đưa cả nhà gồm 8 người đi vượt biên năm 76, nhưng chẳng may bị bắt lại, và bị nhốt tù, người con gái lớn lúc ấy 20 tuổi, bị tên cai tù cưỡng hiếp và chị có thai. Quá xấu hổ và nhục nhã, nên khi sinh con xong, chị đã uống thuốc quyên sinh. Đứa bé gái được ông bà ngoại nuôi nấng. Con bé lớn nhanh và trổ mã chẳng mấy chốc nó đã là cô gái thanh xuân. Năm 18 tuổi, nó bỏ học, tự ý lấy chồng nhưng hai năm sau, vợ chồng bỏ nhau. Sau đó, cuộc đời nó truân chuyên, ba chìm bảy nổi. Bà Lân thương nó nhưng không biết làm thế nào. Bây giờ mắc bệnh nan y, bà muốn đem nó sang Mỹ vừa phụ bà lo việc nhà, vừa là để cho nó đổi đời. Bà bàn với chồng:
– Tôi nghĩ mình sẽ bảo lãnh con Phượng sang bên này, nó giúp tôi dọn dẹp nhà cửa chợ búa, và cũng có cơ hội làm lại cuộc đời.
Ông Lân gật đầu bảo:
– Tùy bà, nếu thấy cần thì bảo lãnh nó qua, chứ ở đây có người Mễ họ chịu làm công việc dọn dẹp nhà cửa, tiền công cũng không mắc mỏ gì!.
Bà Lân nói giọng cương quyết:
– Thôi, tôi muốn ông giúp tôi làm giấy bảo lãnh con Phượng. Nếu cần bảo đảm tài chánh, thì ông kêu thằng Hai đứng giùm.
– Được rồi, bà yên tâm. Vụ tài chánh thì không lo, nhưng phải hỏi ý nó xem nó có muốn sang không đã chớ?
– Tôi nghĩ là nó sẽ nhận lời. Mấy kỳ mình về Việt Nam, nó nói với tôi ước gì nó được qua Mỹ.
Ông Lân đi tới đi lui trong phòng làm việc. Suốt đêm hôm qua ông không ngủ được. Việc bảo lãnh Phượng sang Mỹ xảy ra như một giấc mơ. Ông nhớ lại thời gian ông về Việt Nam năm 2005 .
Hôm ấy vợ chồng ông đến thăm ông Phú người anh họ bên vợ. Gần đến giờ cơm, Phượng ào vào nhà tươi mát và rực rỡ. Thân hình cân đối gợi cảm, đặc biệt là đôi mắt to đen với hàng mi đậm, đã khiến ông Lân sửng người. Ông không ngờ con bé Phượng gầy gò mười mấy năm trước bây giờ lại đẹp và quyến rũ như vậy.
Sau giây phút hàn huyên, Phượng cho biết cô đang làm việc cho một tiệm massage, và mời ông bà ghé qua thử một lần cho biết.
Vài hôm sau, thấy ông Lân đến tìm, Phượng vừa thích thú vừa ngạc nhiên hỏi: Chú đến một mình hả? ông Lân ngượng nghịu: “Ừ”.
Phượng mời ông Lân vào phòng. Sau khi chà xát dầu aroma lên khắp người ông Lân, từng ngón tay điêu luyện của Phượng đánh thức từng thớ thịt trên cơ thể ông Lân, vừa massage Phượng vừa hát nho nhỏ, có lúc thì thầm trống không: “Có muốn gì thêm không?” không thấy ông Lân trả lời, Phượng ghé sát vào tai ông thủ thỉ: “Tí nữa chở Phượng về nha.”
Từ đó cho đến ngày rời Việt Nam về lại Mỹ, ngày nào ông Lân cũng lấy cớ đi thăm bạn bè để đến với Phượng. Ông lăn xả vào Phượng, ông cần Phượng. Từ mấy năm nay, bà Lân hầu như không còn ham thích chuyện gối chăn. Ông nghĩ có lẽ ông cũng vậy, nên đời sống hai vợ chồng vẫn êm ả. Nhưng từ khi gặp Phượng, những yêu đương nồng nàn, buông thả, không che đậy cảm xúc của nàng, khiến ông mê đắm. Phượng đã cho ông những giây phút thần tiên. Phượng là người đàn bà mà ông tìm kiếm. Ông nhớ trước ngày ông trở về Mỹ, nằm bên ông Phượng âu yếm bảo: “Phượng sẽ là vợ chú bất cứ khi nào chú trở về thăm Việt Nam” Những lời nói ấy khiến ông cảm động và yêu Phượng. Ông biết từ nay, ông không thể thiếu Phượng.
Sau đó, cứ hai năm, vợ chồng ông lại về Việt Nam một lần, ông tìm đến Phượng bất cứ giờ phút nào ông có thể, họ đã có thời gian tuyệt vời bên nhau. Đã có lúc ông muốn tìm cách sống luôn với Phượng, nhưng Phượng không bằng lòng, lấy lý do là không nên làm khổ bà Lân, là cô của Phượng, cứ giữ thế này cũng tốt rồi.
Bây giờ bất ngờ vợ ông muốn đem Phượng sang, tim ông đập loạn xạ vì sung sướng, vì hạnh phúc.
Ông bấm điện thoại gọi Phượng:
– Phượng hả, chú Lân đây.
– Ô! chú đang ở đâu đấy, đừng nói với Phượng là đang đứng trước nhà nhé, Phượng chết vì sung sướng đấy!
– Cũng gần như thế, cô bị bệnh nặng, muốn bảo lãnh Phượng sang bên này, chăm sóc cho cô
Lặng yên ở đầu dây bên kia, ông Lân sửng sốt:
– Phượng, còn đó không?
Giọng Phượng ướt sũng:
– Dạ, Phượng đây, không thể ngờ được. Phượng sẽ được gặp chú, ở bên chú, yêu chú.
Ông Lân cảm động:
– Chú cũng nhớ và yêu Phượng lắm, yêu nhiều lắm Phượng có biết không?
Thời gian trôi thật nhanh, đã đến ngày Phượng sang Mỹ. Chuyến bay từ Sàigòn, chuyển tiếp ở Đài Loan, sau đó đến San Francisco. Hôm đó bà Lân phải làm chemo, nên mệt không đi được, chỉ có ông Lân đi đón Phượng. Chuyến bay đến đúng giờ, ông Lân hồi hộp như chàng trai trẻ đứng chờ người yêu, thấy Phượng xuất hiện ở cửa hải quan, ông nhìn nàng không chớp mắt cho đến khi Phượng chạy đến ông, hai người ôm ghì nhau, hôn nhau đắm đuối. Trên đường ra xe, ông Lân điện thoại cho bà Lân, bảo máy bay trễ ba tiếng, ông ở lại chờ. Sau khi Phượng lên xe, ông víu Phượng xuống vừa hôn vừa thì thầm: “Chú đã book khách sạn, chúng ta về đó rồi hãy về nhà sau”. Cả hai lại ghì chặt nhau không rời.
Ông Lân và Phượng ra khỏi khách sạn lúc 8 giờ tối. Trên đường về nhà, Phượng ngồi sát vào ông Lân, lim dim tận hưởng hạnh phúc. Ông Lân cho xe vào sân, nói Phượng xuống trước, ông cho xe vào garage rồi vào sau. Bà Lân đứng chờ ở cửa phòng khách, Phượng ôm bà Lân giọng xúc động: “Cô ơi, cô gầy quá!” Bà Lân mắt đỏ hoe, nhưng cố pha trò: “Thì cháu phải ráng tẩm bổ cho cô nhé? Cháu đi rửa mặt rồi còn ăn cơm, chắc là hai chú cháu đói lắm rồi!” Ông Lân vừa vào nhà bằng cửa sau, đi thẳng vào phòng thay quần áo.
Phượng nhanh nhẹn giúp bà Lân sắp cơm ra bàn. Ông Lân ăn qua loa, rút vào phòng làm việc và đóng cửa. Ăn xong, Phượng dọn dẹp và hàn huyên với bà Lân. Bà chỉ cho Phượng phòng ốc trong nhà. Căn nhà hai tầng với bốn phòng ngủ. Một phòng ngủ đôi và 1 phòng chiếc ở tầng dưới, ông bà Lân sử dụng từ mấy năm nay khi ông bà không còn ngủ chung. Hai phòng trên lầu, một là phòng làm việc của ông Lân và một phòng nay dành cho Phượng.
Bà Lân nói chuyện một lúc thì mệt và muốn đi ngủ. Phượng giúp bà vào phòng, tắt đèn, đóng cửa và xách valise lên lầu. Phượng đang tìm công tắc để bật điện trong phòng, thì ông Lân từ trong bóng tối đã ôm lấy Phượng, kéo nàng vào phòng thì thào: “Đêm nay xuống với anh nhé!”. Phượng rúc đầu vào ngực ông Lân gật đầu.
Phượng xả nước đầy bồn và ngâm người trong nước ấm. Những mệt nhọc của chuyến đi đã được ông Lân đền bù ở khách sạn lúc chiều, và đêm nay nữa. Phượng tận hưởng hạnh phúc hiện tại và không dám nghĩ đến ngày mai.
Căn nhà thật tĩnh lặng, Phượng tắm xong đã lâu, nàng sắp quần áo vào ngăn tủ, và ra khỏi phòng, cẩn thận khoá trái cửa và rón rén đi trong bóng đêm, xuống dưới nhà. Ông Lân đợi sẵn, kéo Phượng vào, khoá cửa.
Sau bữa ăn sáng, chờ Phượng dọn dẹp xong, bà Lân bảo Phượng ra phòng khách, bà muốn nói chuyện.
Chừng một tuần lễ nay, Phượng cảm thấy bồn chồn không yên, bà Lân vẫn thương mến nàng, không có gì chứng tỏ bà biết những vụng trộm giữa ông Lân và Phượng. Ông Lân vẫn giữ tính ít nói cố hữu, và trước mặt bà Lân, ông tỏ vẻ không quan tâm đến nàng, đôi lúc còn xa cách nàng. Phượng nghĩ mọi việc đều an toàn.
Nhưng đôi lúc, Phượng cảm thấy bà Lân có ý dò xét nàng, ánh mắt của bà bất chợt nhìn Phượng rồi nhìn ông Lân, những lúc như thế Phượng run bắn cả người, chỉ sợ bà đã biết chuyện.
Phượng ngồi đối diện với bà Lân, nhỏ nhẹ:
– Thưa cô, có điều gì cô muốn nói với cháu.
Bà Lân nhìn Phượng ngần ngại:
– Cháu thôi chồng từ năm nào?
Phượng thót cả tim, tại sao bà Lân lại hỏi chuyện này. Phượng ngập ngừng nói:
– Dạ, cũng hơn chục năm rồi cô ạ, sau khi thôi người chồng đầu tiên, cháu có gặp một người nữa, nhưng không đi đến đâu .
Bà Lân nắm tay Phượng, nhẹ nhàng:
– Cô có điều này muốn nói với cháu.
Phượng hồi hộp, tim nàng đập nhanh muốn vỡ lồng ngực. Tiếng bà Lân chậm rãi:
– Cháu còn trẻ, nên có người để bầu bạn và nương tựa lúc tuổi già, cháu có nghĩ đến chuyện này không?
Phượng im thin thít, nàng không hiểu bà Lân sẽ nói chuyện gì, nàng linh cảm thấy hình như bà Lân biết điều gì đó. Mồ hôi ướt đẫm hai tay, Phượng cúi đầu run run hỏi:
– Cô muốn nói chuyện gì ạ?
Bà Lân bảo Phượng sang ngồi bên bà, bà hỏi:
– Hơn một năm nay, cháu ở với cô chú, cháu thấy chú thế nào?
Phượng run bần bật, ấp úng:
– Dạ
– Cô biết chú lớn tuổi hơn cháu nhiều, nhưng chú là người đàn ông tốt. Đứng đắn và có trách nhiệm. Cô yêu chú nhiều lắm, nhưng cô bị bệnh, nên đời sống vợ chồng kém cỏi khiến chú trở nên khép kín và xa cách. Cô mong cháu nhận lời giúp cô đem chú trở lại như một người bình thường, cô cảm ơn cháu lắm.
Phượng thực sự không tin những gì nàng vừa nghe, nước mắt Phượng tràn ra, Phượng lắp bắp:
– Cô nói sao ạ? cháu với chú Lân
Bà Lân nhìn Phượng, ánh mắt nài nỉ:
– Suốt ngày chú đi làm, về nhà lại lo cho cô, cuộc sống của chú thật vô vị, cô xin cháu giúp cho chú!. Hãy yêu chú, hãy đem sự sống đến cho chú. Hãy làm người tình của chú. Cô đã nói với chú, đã năn nỉ chú hết lời và chú bảo tùy ở cháu. Bắt đầu từ hôm nay, cháu hãy giúp cô chú nhé.
Đêm đã khuya, bà nghe tiếng chân xuống lầu, tiếng cửa mở . Bà lặng lẽ áp sát tai vào tường. Tim bà đập nhanh, nước mắt bà tuôn xối xả khi nghe âm thanh hạnh phúc cuồng nhiệt của hai kẻ yêu nhau. Họ nói họ yêu nhau từ nhiều năm trước và sẽ yêu nhau mãi mãi. Họ nói những kỷ niệm từ buổi massage đầu tiên, những thì thầm, âu yếm, gần gũi, khiến họ nhớ mùi nhau. Họ nhắc đến khách sạn gần phi trường. Họ kể với nhau về hàng trăm buổi trưa, buổi chiều chỉ có riêng họ với nhau trong căn nhà hạnh phúc ở đâu đó, như một tổ ấm kín đáo. Và bây giờ, họ bắt đầu nói đến những đứa con với sự chúc phúc của bà.