Cả tháng nay, Văn không ngủ được vì bất ngờ đọc một lá thư trong xấp hồ sơ bán nhà của ông Tính, cha chàng. Đêm nào Văn cũng trằn trọc, suy nghĩ, tìm cách giải quyết.
… Cách nay gần 30 năm, ông Tính, sau khi ra khỏi tù cải tạo, đã đưa gia đình gồm vợ và hai con đi vượt biên. Lúc ấy Văn mới lên sáu, Phong lên bốn. Năm năm sau, bà Tính sinh đôi thêm hai đứa con trai nữa, bà phải nghỉ việc ở hãng đóng hộp Pineaple, ở nhà chăm sóc con cái. Ông Tính làm thêm ca đêm trong hãng làm giấy hộp Tissue.
Tuy đời sống chật vật vì chỉ có một đầu lương nhưng gia đình ông bà sống khá êm ả theo dòng thời gian.
Khi Văn và Phong học xong trung học, hai anh em tìm được việc làm bán thời gian để tiếp tục lên đại học và phụ vào tài chánh gia đình, ông Tính đỡ vất vả hơn và không còn làm ca đêm nữa.
Lúc Văn và Phong cùng tốt nghiệp kỹ sư điện tử, Phong lập gia đình trước và ra ở riêng. Văn vẫn còn ở nhà với cha mẹ và hai em út. Thương cha cực khổ, nhiều lần Văn đề nghị ông Tính giảm bớt giờ làm việc, nhưng ông nói ông muốn đi làm, chứ ở nhà không biết làm gì cho hết thời giờ. Vả lại công việc ở hãng cũng không có gì cực nhọc.
Đời sống đang bình an, vậy mà… hai tháng trước, ông Tính đòi bán nhà. Văn nhớ hôm cha chàng nói muốn bán nhà, mẹ chàng ngơ ngác hỏi tại sao, ông nói: “Thì bây giờ tụi nó lớn hết rồi, mỗi đứa mỗi ngã, ở nhà lớn làm chi. Hơn nữa thời buổi khó khăn, ai cũng muốn thu gọn lại cho đỡ chi phí.” Mẹ chàng vẫn chưa hết ngạc nhiên, liền hỏi: “Con cái vẫn còn ở nhà, mình nói cái gì vậy? Nhà mình có ba phòng hà, hồi mấy đứa còn nhỏ, hai đứa một phòng, đã thấy chật chội. Bây giờ tụi nó lớn, thay vì mỗi đứa một phòng, anh em tụi nó vẫn phải ở chung với nhau, vậy mà mình kêu nhà lớn là làm sao?”
Ông Tính không trả lời, xô ghế đứng dậy, lấy chìa khoá xe, nổ máy, bỏ đi tới khuya.
Văn cũng nhớ lần sau cùng cha mẹ chàng bàn cãi về việc bán nhà, cha chàng bảo: “Tôi nói rồi, tôi bán cái nhà này. Tôi nghỉ, không đi làm nữa, làm cả đời rồi. Tôi muốn được sống cho ra sống, bà hiểu chưa?” Mẹ chàng lặng thinh, nước mắt chảy tràn trên má. Văn thương mẹ, mẹ chàng ít nói và nể trọng chồng, bà thường chấp nhận những quyết định của ông. Lần này bà can thiệp vào việc bán nhà, Văn hiểu phải là chuyện hệ trọng lắm. Điều này khiến ông Tính tức giận, không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng, khó thở.
Văn nhớ chàng đã xen vào cuộc tranh luận: “Thưa cha mẹ, lúc trước con cũng đã đề nghị cha nên giảm giờ làm việc, để có thì giờ nghỉ ngơi, nhưng cha từ chối. Bây giờ, cha đã tính như vậy, thì mọi việc cha mẹ để con lo và mình không cần phải bán nhà cha à. Đây là ngôi nhà kỷ niệm mấy chục năm cha mẹ làm lụng cực khổ mới có được, con nghĩ mình nên giữ lại”. Thật bất ngờ, ông Tính đập bàn, quát to: “Ai cho phép mày xen vào chuyện của cha mẹ hả? Nuôi chúng mày lớn để nghe chúng mày dạy bảo thế đấy hả? Tao nói bán nhà là bán nhà. Tao không cần chúng mày lo. Hiểu chưa?” Bà Tính sợ hãi ra dấu cho Văn đừng cãi lời cha. Văn bực dọc bỏ ra ngoài.
Việc bán nhà được ông Tính xúc tiến, Văn mơ hồ cảm thấy có sự rạn nứt giữa cha mẹ. Ông Tính thường xuyên vắng nhà, còn mẹ chàng buồn rũ rượi, đã có lúc bà thảng thốt hỏi Văn: “Cha bán nhà, rồi mẹ con mình ở đâu hả con?” Văn đã phải xin nghỉ một tuần để có thì giờ chăm sóc mẹ, và tìm cách giải quyết chuyện gia đình.
Trong lúc thu dọn ngăn kéo bàn phòng khách. Văn thấy tập hồ sơ bán nhà, mở ra xem, bất chợt chàng thấy một mảnh giấy nhỏ viết tay nằm lẫn trong mớ giấy chi chít chữ về điều kiện mua bán nhà. Nét chữ mềm mại, càng thôi thúc sự tò mò, Văn đóng chặt cửa và đọc:
Ngày…tháng …năm…
Anh yêu,
Em điện thoại hoài hổng gặp anh, em viết mấy chữ nhờ Trung đưa lại anh, để anh dễ tính. Căn chung cư bữa hổm mình đi coi, bây giờ chủ nhà cần bán gấp, nên giá chắc chắn sẽ hạ. Anh nhắm chừng nếu được, anh ghé em, rồi mình tới đó ngã giá coi sao, rồi đặt cọc nha. Bao nhiêu năm, tụi mình không có nơi chốn đàng hoàng, bây giờ tìm được căn này em rất ưng ý, không mua uổng lắm anh à!
À, Trung cũng nói với em, nếu căn nhà của anh hạ xuống cỡ ba bốn ngàn thế nào cũng có người mua. Hai căn giá cả ngang nhau, anh đổi căn đó lấy căn này, em thấy cũng gọn anh à!
Em chờ anh.
Nguyễn thị Bích Hường.
Đọc xong, Văn thừ người, ngồi phịch xuống ghế! Chàng đoán đến 95% đây là thư của một phụ nữ gửi cho cha. Văn phân vân muốn chất vấn cha về mối quan hệ bất chính này, đồng thời cũng không muốn mẹ biết chuyện. Nếu biết, bà sẽ bị tổn thương và đau đớn lắm! Nỗi đau sẽ khủng khiếp hơn vì mẹ chàng sẽ nín nhịn và sẽ chịu đựng một mình. Bà đã phục tòng chồng không khác một tín đồ thần phục Thần linh, vậy mà hình như bà chỉ là cái bóng cô đơn, lặng lẽ đứng ngoài cuộc đời của chồng. Văn xót xa cho mẹ và thương mẹ nhiều hơn.
Căn nhà rao bán đã hai tháng nay, có vài người vào xem nhưng không ai trả giá. Tuần trước, Văn nghe dường như cha chàng muốn hạ giá để bán gấp căn nhà. Càng nghĩ chàng càng giận cha sao nỡ đối xử với mẹ chàng như vậy.
Không ngăn nổi sự bực dọc, Văn điện thoại cho cha:
– Thưa cha con Văn đây ạ!
Tiếng ông Tính cụt ngủn:
– Chuyện gì?
Văn ngại ngùng:
– Thưa cha con muốn nói chuyện với cha…
Đầu dây bên kia im lặng một lúc:
– Nói đi!
– Dạ…con sẽ gặp cha ở quán café Starbucks ngay góc đường gần hãng của cha!
Giọng ông Tính nghiêm nghị:
– Cha không quen ngồi ở những nơi không đứng đắn đó!
Văn uất ức nói nhanh:
– Con muốn nói chuyện với cha về lá thư của người đàn bà tên Nguyễn Thị Bích Hường.
Cả hai yên lặng một lúc lâu, Văn nghe tiếng thở hắt nặng nhọc của cha:
– Được, mấy giờ!
– Dạ, nếu ngay bây giờ thì tốt ạ!
– Được.
Trời Tháng Năm, 6 giờ chiều mà nắng vẫn còn nóng rát, Văn đến quán Starbucks gọi hai ly café, và chọn cái bàn kê ở góc khuất phía trong tiệm ngồi chờ cha. Vài phút sau ông Tính cũng bước vào tiệm.
Vừa ngồi xuống ghế, ông nhìn Văn nghiêm khắc:
– Tại sao mày biết chuyện này?
– Con đọc lá thư trong hồ sơ bán nhà.
Ông Tính nhìn Văn với ánh mắt toé lửa, và gằn giọng:
– Bây giờ mày muốn gì?
Văn nhìn cha, chàng không nghĩ đây là người cha mà từ thời thơ ấu đến tuổi thanh xuân chàng ngưỡng phục. Cha chàng tuy nghiêm khắc, ít gần gũi con cái, nhưng chưa bao giờ ông lạnh lùng đến tàn nhẫn như thế này.
Văn yên lặng không trả lời, khiến ông Tính càng giận dữ. Mặc cảm tội lỗi pha trộn với hoàn cảnh không thể hành xử quyền của người cha, đã khiến ông mất hết phong thái nghiêm nghị, bình tĩnh thường ngày, ông trợn mắt chồm về phía Văn, rít qua kẽ răng:
– Thằng khốn, mày kể hết cho mẹ mày rồi hả?
Lúc này, Văn đã tự chủ hơn, chậm rãi nói:
– Thưa cha, con không bao giờ chờ đợi có ngày hai cha con mình nói chuyện trong hoàn cảnh này. Có ba việc con nghĩ cha con mình cần bàn bạc và cùng nhau giải quyết, làm thế nào để mẹ ít bị thiệt hại nhất.
Việc thứ nhất là mối liên hệ của cha với người phụ nữ khác: Con nghĩ cha nên thẳng thắn nói với mẹ. Con biết cha nói hay không nói, mẹ cũng sẽ không có phản ứng gì, mẹ sẽ im lặng chịu đựng. Nhưng con nghĩ cha nên nói một tiếng với mẹ, mẹ sẽ đỡ bị tổn thương hơn.
Việc thứ hai là cái nhà: Nếu cha nhất định bán, con sẽ mua lại căn nhà cho mẹ. Căn nhà có quá nhiều kỷ niệm từ hồi tụi con còn nhỏ, rồi đón hai thằng út chào đời. Con nghĩ mẹ sẽ không chịu đựng nổi nếu phải rời bỏ nó.
Việc thứ ba khá quan trọng: Nếu cha muốn sống chung với người khác, cha nên làm giấy ly dị mẹ. Như vậy, mẹ sẽ được hưởng một nửa số tiền bán nhà. Hiện tại mẹ không có một chút vốn liếng nào. Con nghĩ với nửa số tiền bán nhà, sẽ giúp mẹ rất nhiều trong những năm cuối đời.
Ông Tính căng mắt nhìn Văn. Văn nói nhỏ, nhưng ông nghe không sót một chữ nào. Sắc mặt ông tái mét, những thớ thịt nhỏ trên mặt ông co giật từng hồi. Ông nói không nhìn Văn:
– Mày muốn thế nào cũng được.
Văn đứng lên, cau mày:
– Cha suy nghĩ và cho con biết quyết định càng sớm càng tốt. Con phải về nhà, mẹ đợi cơm.
Một tuần lễ trôi qua, ông Tính không về nhà, cũng không liên lạc với Văn. Văn thương mẹ, đã có lúc chàng muốn đưa cho mẹ xem lá thư, rồi ra sao thì ra, nhưng lại thôi. Văn nghĩ đến ngày Mother’s Day sắp tới, chàng rụt rè hỏi mẹ: “Nếu cha không còn ở với mình, mẹ vẫn nấu bữa cơm đặc biệt cho chúng con nhân ngày Mother’s Day không?”
Bà Tính rưng rưng nhìn con: “Gia đình mình mấy chục năm nay, luôn có nhau trong những bữa cơm hàng ngày, và những bữa tiệc nhân sinh nhật của các con, hay ngày của mẹ, ngày của cha. Nay cho dù cha con có bỏ đi, hay mai mốt các con lập gia đình ở xa mẹ, mẹ vẫn nấu như ngày xưa, và chờ cha cùng các con về sum họp. Mẹ biết những gì đang xảy ra, mẹ buồn lắm, nhưng mẹ rất may mắn còn có con luôn ở bên mẹ!”
Văn ôm mẹ trong vòng tay, thầm cảm ơn Trời, mẹ chàng vẫn được khoẻ mạnh bình an. Văn tự hứa với lòng sẽ chăm sóc phụng dưỡng mẹ đến ngày bà trăm tuổi.
PDH – 05/13