Lời Tòa Soạn: Trong các số báo vừa qua, Trẻ đã đăng lần lượt:
1-Đến Nơi Xứ Xa,
2- Đêm Đầu ở Hàn Quốc,
3- Một Ngày Mới.
“Đó Là Deajen” là bài kỳ 4.
Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas)đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn.
Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Kim gõ cửa trong khi tôi còn đang ngủ thẳng cẳng. Tối qua sau khi dự bốn tiết học của lớp Joana và Stanley rồi chúng tôi đi ăn tối. Về phòng lại tôi còn tranh thủ video chat với Ba Me đến quá nửa khuya. Kim nói: “Bạn sửa soạn đi. Không vội đâu. Mình chờ. Hôm nay Thứ Bảy mình có trọn một ngày rong chơi thành phố.”
Trong phòng tắm, tôi nghe tiếng tivi léo nhéo một hồi, rồi hình như Kim nói tiếng Hàn với ai đó bằng giọng cao thảng thốt. “Ai vậy Kim?”. “Không có ai. Nói chuyện với cái tivi”. “Khùng hả Kim”.
Tự dưng tôi thốt ra một câu nói vô duyên không rút lại được. Có lẽ do nhập tâm mỗi lần Ba tôi nói “khùng hả con” khi nghe tôi phá lên cười hăng hắc trước câu nói đầy tính khôi hài của các diễn viên hài kịch chương trình Modern Family trên truyền hình. “Tại Ba không hiểu, nên không biết cười”. Những người trực tính thì thường khó kiềm chế tình cảm.
Chiếc Kia Morning của Kim đậu trong sân chung cư. Chúng tôi thả bộ ra phố đến trạm xe buýt gần trường. Kim nói ngày cuối tuần xe cộ đông hơn ngày thường vì người ta đi chơi hay mua sắm.
Xe Bus ở Daejeon – Nguồn wikimedia.org
Xe đạp chỉ dùng để “tập thể dục”. Xe gắn máy hiếm hoi và cũng chỉ dùng để giao hàng hay bánh pizza. Ngày thường phần đông người dân đi làm dùng xe buýt, tàu điện. Hai phương tiện giao thông này tiện lợi, có tuyến đường khắp thành phố; vé bán tháng hay năm trả bằng thẻ, mỗi lượt đi tốn khoảng một đô. “Bây giờ mình đi xe buýt vào trung tâm thành phố, khi về sẽ đi tàu điện cho biết.” Kim nói.
Từ ga tàu điện đi bộ về chung cư mất chừng mười phút. Chúng tôi bước vào xe, Kim lấy thẻ quẹt vào máy trả tiền hai lần. Ghế ngồi thoải mái, xe chạy êm ru.
Từ trước đến nay, ngoại trừ những năm lớp 9 lớp 10 đi học bằng xe buýt, đây là lần đầu tiên Kim chỉ cho tôi cách dùng xe buýt trong thành phố. Tàu điện tôi đã từng đi suốt một tháng trời lúc ở chơi với người chị bà con tại thành phố New York. Những phương tiện giao thông này chỉ cần chú ý một chút là biết sử dụng ngay không gì khó cả.
Xe chạy bon bon trên đường phố rộng rãi bốn lane. Qua vài con đường, tiệm ăn uống Mỹ hiện diện khắp nơi, Burger King, McDonalds, KFC, Starbucks, có cả hệ thống tạp hóa 7 Eleven. Walmart không thấy, nhưng anh chàng khổng lồ bán lẻ Cotsco chiếm lĩnh trọn một góc phố và còn nhiều thương hiệu khác nữa. Với dân số khoảng một triệu rưỡi người như thành phố tỉnh lẻ Daejeon mà có khá nhiều những công ty Mỹ đầu tư, đủ cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai còn nhiều hơn nữa. Phố xá khang trang. Đây đó có trang bị thùng rác công cộng ở góc đường. Nhưng những bịch rác vẫn vương vãi trên vỉa hè như thể người ta tiện tay vứt ra chờ xe đến nhặt. Hình ảnh này có thể làm một du khách như tôi chướng mắt.
Sự thay đổi thói quen để có một nếp sống văn minh thường không kịp với tốc độ phát triển một thành phố nhất là thành phố tỉnh lẻ.
Kim phản ứng ngay khi nghe tôi gọi thành phố Daejeon là “tỉnh lẻ”. Dường như Kim hiểu lầm hai chữ “tỉnh lẻ” theo một nghĩa khác hơn là ý nghĩa của một thành phố phát triển đúng mực. Thành phố nào lại không hình thành từ một thị tứ nhỏ? Daejeon cũng không ngoại lệ.
Trước khi sang Hàn quốc, bạn của Ba cũng tưởng tôi đến Seoul. Nhưng khi nghe nói Daejeon thì ai cũng trố mắt ngạc nhiên. Thành phố nào nhỉ? Ở đâu trên xứ kim chi? Chẳng biết. Một người nhờ đứa con có ông sếp là người Hàn quốc hỏi ra mới biết: Thành phố nhỏ mới phát triển, xếp hạng trung bình gần tỉnh Nam Chungcheong, dân tình còn giữ truyền thống cũ…
Ra phi trường, anh chàng kiểm soát an ninh, nhìn vé máy bay mỉm cười, thốt lên như chừng đã từng đến “Seoul, một thành phố đẹp”. Chứ nào biết tôi đến Hàn quốc làm gì, ở đâu trong một thành phố nhỏ có tên lạ hoắc Daejeon chưa từng xuất hiện trong đầu anh ta. Cũng như trong tâm hồn Kim lúc nào cũng nghĩ mình là dân thành phố lớn, hiện đại văn minh đâu thua gì những thành phố trên nước Mỹ.
Tôi không đính chính những gì mình nói ra khiến Kim phản ứng, như thế chỉ tổ làm thêm hiểu lầm câu chuyện đang nói. Mỗi người đều có quan điểm riêng trước một sự việc, một suy nghĩ riêng trước một vấn đề. Nhiều khi ta không đủ am hiểu, không đủ lời lẽ lý giải hợp tình hợp lý, khiến nảy sinh ra tranh cãi. Khỏa lấp bằng nụ cười là cách hòa giải vẹn toàn. Cũng có thể Kim sẽ hiểu chúng ta đang bị “trục trặc” ngôn ngữ cho dù cả hai đang nói chung một thứ ngôn ngữ thời thượng, làm những hành khách ngồi phía đối diện há hốc miệng, nghểnh tai nghe không biết hai con nhỏ kia đang nói chuyện chi mà căng thế!
Kim chỉ tay sang phía tòa nhà trước mặt, giới thiệu: Đó là trường Đại học Chungnam, nơi mình học ngành sư phạm tiếng Anh. Ra trường được nhận vào một trường Trung học công lập nhưng Kim muốn dạy ở một trường quốc tế cho dù đó là trường mẫu giáo. Vừa kiếm được đồng lương cao hơn trường của nhà nước vừa có nhiều điều kiện giao tiếp tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Thuận cả đôi đường. Hàn quốc dường như muốn phổ biến tiếng Anh trên khắp đất nước. Khẩu hiệu thành phố cũng dùng tiếng Anh “It’ s Daejeon”. Ngay cả một đứa trẻ mẫu giáo cũng chỉ biết Daejeon chứ không phải là “Đại Điền” khi còn là một thị trấn nhỏ thưa thớt dân cư. (Tôi không biết “It’ s Daejeon” còn có thêm ý nghĩa nào nữa, ngoài thông điệp nhấn mạnh niềm kiêu hãnh dành cho thành phố). Cuộc sống người dân thay đổi từng năm. Có của ăn của để, có xe hơi, đi du lịch nước ngoài và không tiếc tiền đầu tư giáo dục cho con cái mình. Daejeon là một thành phố khu vực nhưng có hai trăm viện nghiên cứu khoa học và công nghệ. Chỉ trong vòng hơn mười năm, Daejeon phát triển một cách ngoạn mục, hoàn toàn lột xác, thay đổi diện mạo mới, hiện đại, văn minh…
Cổng trường Đại Học Chungnam – Nguồn wikimedia.org
Kim nói trôi chảy không khác gì một sinh viên diễn thuyết đề tài “thành phố tôi yêu” trong đợt thi học kỳ. Cũng dễ hiểu được lòng tự hào của bạn khi nói về thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên đồng hành cùng với sự phát triển năng động của nó.
Bạn ơi! Như thế bạn hạnh phúc lắm đấy. Bạn được diễm phúc khi tận mắt nhìn thấy từng góc phố, từng con đường, từng tòa nhà đổi thay như thế nào, hay cả ngôi nhà của bạn đang sống. Những hình ảnh ấy sẽ để lại cho bạn một ấn tượng khó quên như một nhân chứng thời đại để vài chục năm sau, có dịp kể lại cho con cháu mình nghe. Thậm chí bạn có thể viết ra được một cuốn sách về thành phố mình bằng những tình cảm nồng nàn nhất.
Khi nghe bạn hỏi tôi có yêu thành phố mình không. Tôi thực sự băn khoăn chưa biết trả lời thế nào. Thành phố tôi đang ở hay thành phố quê hương? Hòa cùng niềm vui và lời nói say sưa của bạn kể về thành phố mình là tôi nói dối. Còn nói thật sẽ làm bạn cụt hứng. Bởi tình cảm tôi dành cho thành phố tôi đang sống một cách nhạt nhòa. Thành phố quê hương lại càng chẳng có chút hình ảnh gì trong đầu một đứa trẻ mới học lớp một đã cùng cha mẹ di dân đến Mỹ. Ở tuổi này, tôi chỉ biết ngôi nhà và ngôi trường là hai nơi đi và về. Còn những nơi khác? Mãi sau này khi tôi lên trung học, tập tành đi làm, biết thêm vài chỗ. Thú thật, chẳng có gì thay đổi đối với một đất nước, một thành phố hay bất kỳ thành phố nào khác trên nước Mỹ đã phát triển từ lâu. Nó giống như một cô gái chân dài kiều diễm, hôm nay chải tóc qua bên phải làm dáng, ngày mai tém tóc sang bên trái làm duyên. Cơ bản là nó đã định hình định dạng. Có thể nó đang thay đổi, nhưng ta không để ý lắm. Một khu gia cư, một khu thương mại, một bệnh viện hay những con đường xa lộ mở rộng hoặc xây dựng mới toanh. Mấy ai bận tâm! Sao vậy? Tôi dửng dưng trước những đổi thay về thành phố mình. Không như bạn dành trọn tình cảm cho thành phố Daejeon quê hương của mình bằng những lời ca ngợi trìu mến.
Biết được điều này, có thể bạn chê tôi là người không có lý tưởng, người không có quê hương cho dù tôi đã là người Mỹ. Tôi khác bạn ở chỗ bạn sinh ra và lớn lên trên đất nước của mình. Tôi sinh ra ở một đất nước này nhưng lại lớn lên, trưởng thành trên một đất nước khác. Tôi nói tiếng Việt rành rẽ, có thể đấu khẩu bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình một cách lưu loát nữa cơ. Thế nhưng nỗi hoài nghi về nguồn gốc vẫn cứ rành rành khi về thăm quê hương, tôi được xem là người nước ngoài không hơn không kém. Điều này không làm cho tôi tự hào như bạn tưởng đâu.
Chúng tôi xuống trạm, kiếm thức ăn nhanh cho bữa trưa, rồi đi thăm khu nhà chính quyền thành phố. Cuối tuần tòa nhà chính quyền không làm việc, nhưng nhiều người địa phương đến đây vui chơi trong công viên phía trước. Kim nói: Ngồi trên tầng lầu cao khoan khoái ngắm nhìn núi đồi ôm trọn thành phố vào lòng. Bạn có thể sử dụng laptop thoải mái, sóng wi-fi được cấp miễn phí. Còn tôi lại nghĩ, Daejeon một thành phố thân thiện và hòa nhập thiên nhiên. Một thành phố phát triển nhanh và đúng hướng. Điều này lý giải tại sao chính quyền chọn khẩu hiệu thành phố “It’s Daejeon” giản đơn nhưng lại có tính thuyết phục kéo người dân Seoul di cư về đây sinh sống.
Trên đường ra ga tàu điện, Kim có nhã ý mời tôi về sống chung với gia đình tiện việc ăn uống và giúp cô trò chuyện với người chị dâu Việt Nam mà ông anh cả vừa mới cưới về mấy tháng trước. “Cổ sống thui thủi trong nhà gần như một người câm”. Kim sợ một ngày nào đó, nghĩ quẫn làm liều giống những cảnh truyền hình đưa tin thì khổ.
Thật khó cho một người như tôi quen cách sống độc lập một mình. Từ chối thì sợ làm Kim mất vui nên đành ầm ừ có dịp sẽ ghé thăm. Buồn cười thay, một người cần nói tiếng Việt lại không có người để nói cho vơi đi nỗi buồn phương trời xa xứ. Trong khi một chị người Việt bán cửa tiệm tạp hóa nhỏ chỗ chiều qua tôi và Kim ghé mua thùng mì gói thì lại chối từ cụt lủn: “Campuchia”, khi nghe tôi hỏi “Chị có phải người Việt Nam?”.
NL