Menu Close

Các thời điểm quan trọng của Luật Y Tế mới

Hôm Thứ Năm 16-5-2013, Hạ Viện Hoa Kỳ do đảng Cộng Hoà kiểm soát một lần nữa bỏ phiếu bãi bỏ luật cải cách y tế của TT Barack Obama. Sự kiện này chánh yếu mang tính biểu tượng, vì chắc chắn bị Thượng Viện do đảng Dân Chủ nắm đa số bác bỏ. Đây cũng là lần thứ 37 Hạ Viện HK bỏ phiếu loại trừ ObamaCare.

Luat-y-te-My

Các vụ rắc rối mới nhất với sở thuế liên bang IRS (Internal Revenue Service) có thể đổ thêm dầu vào lửa. Mấy năm qua, IRS chiếu cố đặc biệt các tổ chức vô vụ lợi (non-profit) từng lớn tiếng đả kích phe Dân Chủ, cách riêng các nhóm hữu khuynh “Tea Party”. Nhiều chánh khách lưỡng đảng đòi hỏi mở ngay cuộc điều tra cấp liên bang. Áp lực lên IRS càng gia tăng vì người từng đứng đầu văn phòng thuế đang… lâm nạn – bà Sarah  Ingram – nay lại là thẩm quyền cao nhất, chịu trách nhiệm cho việc áp dụng luật y tế mới của IRS (theo ObamaCare, sở thuế có quyền đánh thuế “phạt vạ” những ai không mua bảo hiểm y tế kể từ đầu 2014).

Những diễn biến này phản chiếu sự chia rẽ trong thái độ của người Mỹ đối với luật y tế mới, mà người binh kẻ chống đều đông đảo. Thống kê đầu Tháng Hai 2013 của hãng thăm dò Rasmussen, có 48% cử tri tin bảo hiểm y tế sẽ khiến tình hình tệ hơn trong tương lai, trogn khi 51% thẳng thừng phản bác nó. ObamaCare đồ sộ và chi li phức tạp. Chỉ riêng bản văn luật gốc đã dài trên 2,700 trang. Thêm vào các quy định, ứng dụng thực tế, đến nay ước lượng đã lên đến khoảng 13,000 trang, và sẽ còn dài hơn nhiều lần sau khi đại sự hoàn tất

Sự kiện Hạ Viện đòi bãi bỏ cải cách y tế và các rối rắm hiện thời với sở thuế IRS là các thử thách mới nhất, nhưng chưa phải là cuối cùng, của luật ObamaCare. Sau đây là những cột mốc thời gian quan trọng của đạo luật lịch sử này:

– Ngày 31-7-2009. Dự luật cải cách y tế vượt qua vòng bỏ phiếu nội bộ trong Uỷ Ban Năng Lượng và Thương Mại Hạ Viện (House Committee on Energy and Commerce) với số phiếu 31 thuận 28 chống.

– Ngày 29-9-2009. Uỷ Ban Tài Chánh Thượng Viện (Senate Finance Committee) bác bỏ 2 điều khoản luật nhỏ, dự định thiết lập các hãng bảo hiểm sức khoẻ do chánh phủ liên bang trực tiếp điều hành.

– Ngày 24-12-2009, dự luật cải cách y tế được Thượng Viện thông qua với 60 phiếu thuận 39 chống.

– Ngày 21-3-2010, Hạ Viện HK bỏ phiếu đồng thuận với Thượng Viện, với 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống (100% Dân Biểu Cộng Hoà chống). Thời điểm này đang giữa nhiệm kỳ Quốc Hội khoá 111 do đảng Dân Chủ kiểm soát, dưới quyền Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (DC).

– Ngày 23-3-2010. Cải cách y tế được TT Barack Obama ký thành luật liên bang.

– Ngày 28-6-2012. Tối Cao Pháp Viện HK phán quyết đạo luật cải cách y tế là hợp hiến. Riêng điều khoản “Individual Mandate”, quy định cá nhân phải có bảo hiểm y tế, Toà Tối Cao nói chánh phủ liên bang có đủ thẩm quyền đánh thuế những người chưa có bảo hiểm y tế.

Luat-y-te-My2

Những người chống đối luật ObamaCare. Ảnh Alex Wong/Getty Images

– Năm 2010. Chừng 4 triệu cơ sở thương mại nhỏ (small business) hội đủ điều kiện để nhận tín thuế (tax credit) giúp họ mua bảo hiểm y tế cho nhân viên. Giới trẻ được ở lại trong các chương trình bảo hiểm sức khoẻ của cha mẹ đến tuổi 26. Luật định mọi chương trình bảo hiểm mới hiệu lực phải “cover” các dịch vụ y tế mang tính cách ngăn ngừa (preventive service) như xét nghiệm tiểu đường, thử cholesterol, khám ngừa bịnh ung thư, chụp quang tuyến ngực (mammogram), các tiêm chủng ngừa cảm cúm, sưng phổi, v.v… Bảo hiểm không được tính tiền “deductible”, “co-pay” hoặc “co-insurance” trong những trường hợp này. Khoảng 4 triệu người cao niên hội đủ điều kiện được nhận ngân phiếu $250 hồi tiền mua thuốc. Liên bang cũng thiết lập một khoản ngân sách mới $15 tỉ – gọi là “Prevention and Public Health Fund” – nhằm đầu tư cho các chương trình cải thiện sức khoẻ như: giúp bỏ hút thuốc, giúp giảm cân nặng, bớt bịnh béo phì, v.v… Từ 2010, ObamaCare cũng cấm hãng bảo hiểm từ chối bảo hiểm trẻ vị thành niên dưới 19 tuổi dựa trên tiền sử bịnh án. Luật cũng loại bỏ mức tiền tối đa mà bảo hiểm chi trả cho bịnh nhân (Lifetime Limit).

– Năm 2011. Bắt đầu có hiệu lực điều khoản quy định ít nhất 80% số tiền “Premium” thu từ khách hàng mỗi tháng, hãng bảo hiểm phải tiêu xài trực tiếp cho các dịch vụ y tế hoặc nghiên cứu y khoa (không được dùng trả lương thưởng hoặc chi phí quảng cáo). Nếu hãng bảo hiểm không đạt mục tiêu này, phải hoàn lại phần tiền dư cho khách hàng.

– Năm 2013. Từ đầu năm 2013, tất cả mọi người đi làm bắt đầu trả thêm thuế khi lãnh lương. Sắc thuế gọi là “payroll tax”, nay đã lên đến 7.65%. Những người  thu nhập trên $200,000 ($250,000 đối với vợ chồng) phải trả thêm 0.9% sắc thuế “Medicare Hospital Tax”. Các khoản thuế mới đáng kể khác: 3.8% trên số tiền lời từ đầu tư (investment income); 2.9% đánh lên các nhà sản xuất y cụ. Tháng Mười 2013, theo dự trù, sẽ đồng loạt ra mắt các trang web tên gọi “Health Insurance Marketplace”. Đây là nơi dân chúng và cả các công ty hãng xưởng có thể dùng để mua bảo hiểm y tế.

Luat-y-te-My3

Hôm Thứ Năm tuần qua, Hạ Viện Hoa Kỳ đòi bãi miễn ObamaCare với số phiếu 229 thuận 195 chống.

– Năm 2014. Đây là thời điểm quan trọng bậc nhất. Từ đầu năm, điều luật “Individual Mandate” quy định mọi người phải có bảo hiểm y tế, ai không có bảo hiểm sức khoẻ sẽ phải nộp thuế phạt vạ. Một cách chung, những người đã có bảo hiểm với sở làm sẽ được miễn phạt vạ, cũng như những người đang thọ nhận Medicaid, Medicare, và thành viên của các tổ chức được miễn trừ vì lý do tôn giáo và tín ngưỡng.

Mức phạt thấp nhất cho từng cá nhân là $95 mỗi năm, hoặc 1% thu nhập (lấy con số cao hơn). Sau đó, tiền phạt tăng dần. Năm 2015 là $325 hoặc 2% thu nhập. Năm 2016 là $695 hoặc 2.5% thu nhập. Từ 2017 trở đi, tiền phạt được điều chỉnh mỗi năm theo mức chi phí sinh sống (cost-of-living). Tuy nhiên, dù trong gia đình có bao nhiêu người, số tiền phạt tối đa chỉ có thể cao gấp 3 lần những con số trên. Vì Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết khoản phạt vạ này là một loại tiền “THUẾ”, sở thuế liên bang IRS sẽ chịu trách nhiệm thu nhận. Lấy thí dụ một gia đình cha mẹ và 2 con, với thu nhập $47,100 mỗi năm. Nếu họ không mua bảo hiểm sức khoẻ, từ năm 2014 sẽ phải nộp phạt 95×3=$285. Đến 2016, số tiền phạt lên khoảng 695×3=$2,085 mỗi năm. Họ có thể được miễn trừ nếu chứng minh rằng, ngay cả với một “plan” bảo hiểm ít tiền nhất, thì giá cũng cao hơn 8% thu nhập gia đình (khoảng $3,768 / năm).

Công ty hãng xưởng có trên 50 nhân viên toàn thời gian cũng phải nộp phạt nếu không cho nhân viên bảo hiểm y tế. Trong trường hợp này, nhân viên có thể tự mua bảo hiểm trực tiếp với các “tiệm” bảo hiểm “Health Insurance Marketplace”. Các cơ sở thương mại nhỏ cũng có thể mua bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên ở đây với giá phải chăng, vẫn bảo đảm đầy đủ quyền lợi.

Cũng từ đầu 2014, những cá nhân/gia đình thu nhập dưới 133% mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn liên bang có thể được thọ nhận Medicaid nếu tiểu bang quý vị đang cư ngụ chấp nhận mở rộng Medicaid: khoảng dưới $15,280 (gia đình 1 người); dưới $20,630 (2 người); dưới $25,980 (3 người); và dưới $31,320 (4 người). Ngân quỹ cho việc mở rộng Medicaid cấp tiểu bang sẽ do liên bang đài thọ 100% trong 3 năm đầu, sau đó giảm dần trong các năm sau đến khi còn 90% (tiểu bang gánh chịu 10%).

Luat-y-te-My4

Từ đầu 2014, để giúp dân chúng mua bảo hiểm y tế, liên bang trợ cấp thông qua khoản tín thuế (tax credit) cấp cho những người có thu nhập không quá 4 lần mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn liên bang. Khoản tín thuế này được liên bang ứng trước vào lúc quý vị mua bảo hiểm, giúp hạ giá tiền “Premium” mỗi tháng — thay vì quý vị phải đợi đến thời điểm khai thuế để lấy lại tiền. Những thu nhập sau đây có thể được nhận trợ cấp để mua bảo hiểm y tế: dưới $45,960 (gia đình 1 người), dưới $62,040 (2 người), dưới $78,120 (3 người), và dưới $94,200 (4 người). Nói chung, người thu nhập càng thấp sẽ được nhận trợ cấp liên bang càng cao; thu nhập càng cao thì mức tiền bảo hiểm càng tăng. Tuy nhiên, mỗi gia đình hội đủ điều kiện chỉ phải trả bảo hiểm trong khoảng 2% đến 9.5% tổng số thu nhập.

– Năm 2015. Những điều luật mới hiệu lực quy định y sĩ được trả công theo phẩm chất của dịch vụ y tế, không phải theo số lượng.

– Năm 2016. Mọi công ty hãng xưởng dưới 100 nhân viên có thể ghi danh mua bảo hiểm cho nhân viên với “Health Insurance Marketplace”.

– Năm 2018. Một khoản thuế mới hiệu lực, lên đến 40% thuế đánh vào các chương trình bảo hiểm mệnh danh là “Cadillac plan”. Đây là các bảo hiểm của giới khá giả, với mức chi phí “Premium” mỗi năm vượt $10,200 cho cá nhân và $27,500 cho gia đình.  

– Năm 2020. Loại trừ hoàn toàn khoảng cách biệt khi người thọ nhận Medicare mua thuốc lâu nay được gọi là “Donut hole”. Đây là một phần trong chương trình mua thuốc gọi là “Medicare Part D”. Năm 2013, trong chương trình mua thuốc “Medicare Part D”, người ta phải trả “co-pay” đến mức $325, sau đó liên bang trả phần còn lại đến $2,970. Tuy nhiên, sau đó bịnh nhân phải tự trả tiền túi mua thuốc đến lúc chi phí đạt $4,750, thì chánh phủ lại gánh vác phần còn lại. Khoản tốn kém 4,750-2,970=$1,780 này giới y học gọi là “Donut hole”. Rất nhiều người cao niên rơi vào khoảng trống này, khiến tài chánh lao đao không ít. ObamaCare đã bắt đầu loại bỏ “Donut hole”. Năm 2010, chánh phủ liên bang gởi cho người thọ nhận Medicare ngân phiếu $250 trợï giúp tiền mua thuốc. Mỗi năm, ngành y tế Hoa Kỳ sẽ tăng dần tỉ lệ chánh phủ trợ cấp tiền thuốc cho những bịnh nhân rơi vào “Donut hole”, cho đến khi khoảng cách biệt đáng tiếc này biến mất hẳn vào năm 2020.

TD