Menu Close

Trò chuyện với bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc – Kỳ 4

Thưa bác sĩ,

Đó là nói về dân quê quý trọng các bậc túc Nho một thời và ai biết chữ là họ tôn xưng là bậc Thầy. Rồi trong cái nề nếp đạo đức “tôn sư trọng đạo” ấy, dân quê chúng tôi còn được các đấng sanh thành, các bậc tiền hiền dìu dắt dạy dỗ theo cái nếp nhà xưa cũ nữa. Chẳng hạn có lần tôi kể với anh Tô Thẩm Huy về cái nếp nhà này và nay xin lò mò chép lại tỏ bày cùng bác sĩ:

“Thêm vào đó, cái nền lễ nghĩa nơi các làng quê vào những năm xa xưa ấy một phần nữa nó còn được tô bồi bằng việc thờ phượng Thánh Thần, Trời Phật qua các đình miếu, chùa chiền, những nơi chốn trang nghiêm ấy là một trong những biểu tượng của sự kết hợp giữa các đấng thiêng liêng với con người một cách hài hoà; nó chẳng những phù hợp với đời sống tinh thần của dân quê mình vốn coi Trời Đất là trọng, mà còn là biểu hiện một quan niệm về đời sống thuận cùng Trời Đất và hợp Con Người lân láng vậy ! Tôi cũng xin được gợi nhớ ra đây những lời dạy từ các trang sách rất cũ của các bậc Thánh hiền như Minh Tâm Bửu Giám, Quốc Văn Giáo Khoa Thư; những trang sách rất cũ và thật là đơn sơ mà hàm súc ấy, nó rất thâm thuý mà gần với làng quê, nó rất cao siêu mà thiết thực trong đời sống thường ngày của cư dân nơi những miếng ruộng, mảnh vườn quanh năm xanh một màu xanh của thiên nhiên tươi mát ấy… Trải qua nhiều đời, từ ông Cố, ông Nội tôi, rồi đến đời Tía Má tôi, tôi còn giữ được mấy trang sách Minh Tâm Bửu Giám này được nẹp bằng hai thanh tre với chỉ gai kết lại là một trong những vật quý báu còn sót lại qua biết bao mùa binh biến, những trang sách có tuổi thọ nhiều hơn tuổi đời những người cùng thế hệ với tôi mà tôi đã được học từ những ngày còn nhỏ, cũng xin gởi kèm theo đây như một di tích về cái nền đạo nghĩa ở nhà quê vùng làng Tân Bình tôi qua gần trăm năm ấy đến bây giờ. Tất cả, đó có thể gọi là những tinh chất làm nền cho một phong vị sống đẹp của dân quê miệt vườn ruộng miền Tây Nam Phần từ những năm xa xưa ấy vậy.”

alt

Quyển Minh Tâm Bửu Giám đời xưa

Thưa bác sĩ,

Từ cái nền lễ nghĩa đó, nó được truyền đi truyền lại nhiều đời, rồi lâu dần hết đời này tới đời khác, nó hóa thành cái nếp quen tôn kính các bậc Thánh hiền, và việc kính thầy, trọng thầy dạy chữ, dạy nghề nó thấm vào lòng mình như máu chảy trong tim vậy! Người nhà quê nó lớn được một phần là nhờ có lòng biết tôn kính các bậc ân sư dạy cho mình vậy.

Thuở nhỏ, chúng tôi học vở lòng với thầy Chín Nhậm ở Cầu Nhà lầu (Mặc Cần Dưng), rồi học Sơ Đẳng Tiểu Học bắt đầu lớp Năm với Thầy Cầm, lớp Tư với Thầy Trang, lớp Ba với Thầy Ngân; lên bậc Tiểu Học, chúng tôi học với Thầy Nhì dạy lớp Nhì, lớp Nhứt với Thầy Nguyễn Văn Chánh kiêm Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa (Mặc Cần Dưng, Long Xuyên).Vậy mà rồi từ những năm 1949-1956, cách nay sáu bảy chục năm và các Thầy thì đã ra người thiên cổ hết rồi, nhưng mỗi lần có dịp nhắc lại, như hôm nay chia sẻ cùng bác sĩ, sao trong lòng tôi vẫn thấy bồi hồi thương Thầy hoài như lúc mình còn bé bỏng ê a học vần xuôi vần ngược vậy!

Tiếp theo cái lòng kính và trọng Thầy ấy, dường như học trò chúng tôi thuở ấy  khi lên tới Trung Học, đứa nào cũng gọi các Thầy dạy lớp mình bằng Thầy đã đành, mà các Thầy không trực tiếp dạy mình, mình cũng tôn xưng bằng THẦY với tất cả lòng kính nể. Chẳng những học trò gọi Thầy mình bằng Thầy như vậy mà ngay cả PHỤ HUYNH HỌC SINH cũng gọi các vị Thầy của con mình bằng Thầy nữa.

Thế nên, có thể nói cái nề nếp giáo dục ngày xưa ở thôn quê là lấy cái nề nếp kính trọng Thầy làm cái đạo chánh vậy! Nhớ có lần học trò chúng tôi mấy ngàn đứa tiễn Thầy Lê Công Chánh dạy môn Sử Ký lớp Đệ Ngũ đến nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Long Xuyên trên đường đi vô Núi Sập, mà ngày nay là chỗ Viện Đại Học An Giang cất gần đó, đứa nào cũng khóc khi nghe bài điếu văn vô cùng cảm động của Thầy Nguyễn Văn Mùi tiễn Thầy Chánh về bên kia thế giới!

Do vậy, theo ý nhà quê của tôi, cái đạo trọng Thầy là cái đạo cũ nhưng nó vẫn mới và rất cần dù ở thời nào! Cái đạo ấy nó làm mới đời sống trong mỗi người; người biết giữ cái đạo ấy, tâm hồn của họ sẽ giàu có còn hơn là tiền bạc và danh vọng, chức phận cao vòi vọi vậy!

Thưa bác sĩ,

Đó là vài ba ý nghĩ  khi tôi gọi bác sĩ hay gọi nhà văn Nguyễn Hiến Lê bằng THẦY là có ý vậy. Giờ xin bác sĩ chia sẻ vài điều về việc trước tác của bác sĩ nhe bác sĩ! Khi nào thì bác sĩ dùng VĂN hoặc THƠ để chuyên chở những ý tưởng của mình? Bài thơ đầu tiên bác sĩ gởi đăng ở tạp chí nào? Có lần nào bác sĩ bị các ông chủ bút từ chối đăng bài của bác sĩ không? Nếu có, cảm tưởng của bác sĩ lúc bấy giờ thế nào? Bác sĩ có làm thơ tình lãng mạn không, nếu có, xin bác sĩ cho bạn đọc được đọc một bài mà bác sĩ ưng ý nhứt nhe bác sĩ?

Trước khi ngừng lá thơ này lại, tôi xin gởi kèm hai hình bìa hai cuốn sách đầu và cuối của Thầy Nguyễn Hiến Lê như dấu tích một đời Người và một hình bìa cuốn Nhà Văn Hiện Đại in năm 1960 ở Sài Gòn mà tôi còn giữ được tới ngày nay như món quà tinh thần của người nhà quê già nơi kinh xáng Bốn Tổng này kính tặng bác sĩ để bác sĩ nhớ lại tuổi học trò của bác sĩ ngày nào, cũng như tôi, tuổi học trò của chúng ta nó có một thời sách vở in rất đẹp như vậy!

Kính chúc bác sĩ vạn an.

Kính thư

Hai Trầu