Đây là câu chuyện của những khối đá trở thành ngọc quý qua bàn tay con người. Từa tựa như kim cương, chính con người đã mài giũa những hòn đá, biến các khối đá thành nữ trang, vật trang trí, trưng bày và đặt giá trị cho chúng.
Cẩm thạch tiếng Anh là “jade”, danh xưng này được dùng để gọi 2 loại đá nephrite và jadeite. Theo địa chất học, đây là loại đá cấu tạo bởi khoáng chất silicate:

Nephrite
– Nephrite do các tinh thể calcium, magnesium và sắt kết tạo; càng chứa nhiều tinh thể sắt, khối đá càng đậm xanh màu lục.
– Jadeite do các tinh thể sodium và aluminum kết tạo.
Danh từ “jade” xuất phát từ chữ Tây Ban Nha piedra de ijada (có mặt trong sách vở từ năm 1565) có nghĩa là “đá hạ bộ, loin stone”, cổ nhân dùng loại đá này để chữa bệnh tại hạ bộ và thận! Chữ “Nephrite” có gốc từ lapis nephriticus, của La Tinh.
Từ thời tiền sử, con người đã biết mài giũa cẩm thạch, nephrite và jadeite. Jadeite “cứng” tương tự như thạch anh (quartz) và cứng hơn nephrite. Vũ khí, hạt, nút áo… được đẽo gọt bằng cẩm thạch từ ngàn năm trước được tìm thấy tại những cổ mộ.
Dùng tiêu chuẩn đo độ cứng “Mohs hardness”, jadeite có độ cứng 6.5 -7.0, nephrite 5.5-6.0. Cẩm thạch có thể được mài giũa bằng vật dụng như thạch anh, garnet.
Về màu sắc, nephrite có màu trắng đục (người Hoa gọi là màu mỡ cừu) hoặc nhiều sắc xanh lục trong khi jadeite có nhiều màu từ xanh lơ, tím, hồng đến xanh lục.
Jadeite hiếm hơn và chỉ được ghi nhận tại 12 vùng đất trên thế giới.
Cẩm thạch jadeite loại xanh biếc được xem như quý nhất từ xưa đến nay, từ Nam Mỹ đến Đông Nam Á, người ta chuộng loại cẩm thạch này nhất. Cẩm thạch nephrite được dùng phổ thông hơn trong nhiều thế kỷ trước.

Jadeite
Tại Hoa Lục, vùng thung lũng Giang Tử là nơi những quặng cẩm thạch được khai mở qua nhiều thế kỷ, đến nay thì đã cạn kiệt, con người săn đá ráo riết nên khoáng chất cũng chẳng còn cơ hội mà tích tụ thành đá!
Cẩm thạch được dùng để chế tạo nhiều vật dụng dùng trong việc thờ phượng, trang hoàng cũng như làm vũ khí trong nhiều nền văn minh cổ xưa của thế giới, từ Hy Lạp, Ai Cập, Inca đến Á Đông.
Từ ngàn năm trước, người Hoa đã tin vào sức mạnh thần bí của cẩm thạch, đeo ngọc sẽ tránh được ma quỷ, ngăn ngừa bệnh tật, đeo ngọc sẽ được thánh thần độ trì. Con nít khóc đêm được đeo ngọc sẽ ngủ yên giấc… Cẩm thạch là biểu tượng của sự tinh tuyền và cái đẹp của phụ nữ. Tóm lại là miếng cẩm thạch kia có phép thần thông, đeo ngọc là xấu trở thành tốt đẹp, từ thể chất đến dung nhan! Và vì tin tưởng như thế nên ngày xưa người ta trao nhau ngọc thạch để làm tin, để đính ước, để hứa hẹn…
Người Hoa và những quốc gia chịu ảnh hưởng Hoa Lục lâu đời như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam… đều chuộng cẩm thạch. Người Miến Điện và Ấn Độ cũng chuộng loại đá này. Tại vùng Đông Nam Á cẩm thạch được xem như “kim cương của phía Đông”. Hiện nay, tại vùng thung lũng Khotan, Hoa Lục, cẩm thạch loại “tốt” được bán đến 3 ngàn mỹ kim một ounce, đắt hơn vàng!
Khối cẩm thạch đắt giá như thế nên người ta bán nhiều loại đá trông từa tựa như thế tiêu biểu là loại đá serpentine, carnelian, aventurine quartz… và cũng gọi là “cẩm thạch”. Nghĩa là khi đem phân chất, các món này không được cấu tạo bởi cùng loại khoáng chất, nhưng đâu có mấy ai tỉ mỉ đủ để đem ngọc đi phân chất xem cấu trúc là những khoáng chất nào, có phải là “cẩm thạch” thực sự hay không?
Cẩm thạch “giả” được bán như nữ trang, những hạt “ngọc”… ngay cả người bán nhiều khi cũng có thể lầm lẫn; các món nephrite và jadeite thực sự có bảng giá khá đắt. Ngoài ra, những tay buôn bán cũng có thể “làm đẹp” cho các khối đá kia bằng nhiều cách để bán được giá hơn.

Một tác phẩm điêu khắc trên cẩm thạch
Nói chung, cẩm thạch được phân loại theo màu sắc và thể chất và giới buôn bán dùng 3 cách chính để “làm đẹp” cho cẩm thạch:
– Loại A: jadeite là đá tinh tuyền không được pha trộn gì thêm ngoài việc “đánh bóng”.
– Loại B: Jadeite được “làm đẹp” bằng cách dùng hóa chất để tẩy hoặc dùng cả acid để “bỏ” thêm polymer resin. Phương pháp này khiến viên đá trong suốt và có màu sắc theo ý muốn! Ta phải dùng đèn hồng ngoại (infrared spectroscopy) để rọi thì mới thấy các phân tử polymer trong khối đá kia.
– Loại C: Khối đá đã được nhuộm màu; màu đỏ là do việc nung nóng viên đá, tuy nhiên ở một nhiệt độ nào đó, thay vì đỏ, viên đá có thể trở thành nâu và các khối đá được nung nóng sẽ không còn trong suốt.
– Loại B+C: Khối đá đã được làm đẹp qua cách B và C kể trên.
– Loại D: Đây là bụi đá được nén chặt và dùng hóa chất như plastic để làm “keo” giữ chặt các vẩn bụi với nhau và tạo hình thể của viên đá, từa tựa như việc ta đổ đất vào khuôn làm gạch hay chế đồ gốm.
Qua bàn tay con người, đá trở thành ngọc, chính con người đã cho vật thể vô tri giác kia một giá trị bất cập. Nói một cách khác, con người đánh bóng khối đá và trao tặng cho nó một giá trị vật chất, đôi khi cả tâm thần. Chỉ cần người ta quảng cáo ầm ĩ là món hàng kia trở nên có “giá”, được rinh về trang trọng cất giữ. Nhưng khối đá hay tượng ngọc thì vật thể kia cũng vẫn xuất phát từ đất đen. Và như thế thì cẩm thạch hay kim cương cũng là một món vô giá (trị)?!