Lấp Vò ngày 10 tháng 5 năm 2013
Mến chào tác giả Trần Thị Trung Thu,
Mấy hôm trước tôi cứ thắc mắc hoài về việc mộ của Nhà văn Nguyễn Hiến Lê sao lại ở Đồng Tháp, qua cuộc trao đổi với Bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết: “Anh biết không, thật bất ngờ khi sách của ông bây giờ được rất nhiều bạn trẻ ở miền Bắc đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng. Họ thực hiện các tủ sách Nguyễn Hiến Lê, trao đổi cho nhau. Vừa rồi còn có nhóm thanh niên tổ chức một chuyến đi xuyên Việt bằng xe gắn máy từ Bắc vào tận Đồng Tháp viếng mộ cụ Nguyễn, họ mặc áo pull có in hình ông, gắn cờ có hình ông lên xe nữa! Tóm lại, họ đã coi ông là một “thần tượng”. Ngộ quá chớ phải không anh?”. (1)

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê những ngày tuổi già, một mình một bóng trên đường vắng…
Thưa tác giả,
Nỗi thắc mắc ấy, tôi định rồi sẽ nhờ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải đáp giùm vì từ trước tôi đã đọc cuốn “Nguyễn Hiến Lê: Cuộc Đời và Tác Phẩm” của nhà văn Châu Hải Kỳ (2), thì được biết vào những ngày cuối đời của Nhà văn Nguyễn Hiến Lê được tác giả ghi lại: “Nhà văn Nguyễn Hiến Lê từ trần ngày 22-12-1984, Hưởng thọ 74 tuổi và lễ hỏa táng tại Xá Lợi Phật Đài Thủ Đức”; mà hỏa táng thì làm sao có mộ phần? Phải hông, thưa cô? Ngoài ra, tài liệu này còn cho biết thêm hình chụp tháp thờ nhà văn Nguyễn Hiến Lê tại Long Xuyên nữa.
Vậy mà rồi loay hoay chưa kịp hỏi Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì tôi lại đọc được bài viết “ĐI TÌM MỘ ÔNG NGUYỄN HIẾN LÊ” của Cô trên tuần báo TRẺ (Dallas, Hoa Kỳ) (3); sau này bài viết ấy được đăng trên Thất Sơn Châu Đốc, với hình chụp ngôi mộ của Thầy Nguyễn Hiến Lê (4) tại chùa Phước Ân, ngã tư Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Một trang sách của Châu Hải Kỳ có lời “Cảm tạ”của gia đình Nhà văn Nguyễn Hiến Lê.
Tháp thờ Nhà văn Nguyễn Hiến Lê tại Long Xuyên.
Mộ Cụ Nguyễn Hiến Lê Tại ngã tư Cai Bường, thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò
* Tác giả bài viết “đi tìm mộ ông Nguyễn Hiến Lê”
1. Thư của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đề ngày 19-3-2013
2. “Nguyễn Hiến Lê : Cuộc Đời và Tác Phẩm” của Châu Hải Kỳ, nhà xuất bản Văn Học 1993.
3. “Tôi Đi Tìm Mộ Ông Nguyễn Hiến Lê” của Trần Thị trung Thu, tuần báo TRẺ số 827 ngày 11-4-2013, tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ,
4. Tôi thường gọi nhà văn Nguyễn Hiến Lê bằng Thầy khi trò chuyện với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vì Thầy là cựu Giáo sư của Trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu vào những năm trường trung học Thoại Ngọc Hầu mới thành lập, còn tôi là kẻ hậu sanh và là cựu học trò trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) những năm 1956-1963.