Lời Tòa Soạn: Trong các số báo vừa qua, Trẻ đã đăng lần lượt: 1- Đến Nơi Xứ Xa, 2- Đêm Đầu ở Hàn Quốc, 3- Một Ngày Mới. “Đó Là Deajeon” là bài kỳ 4.
Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Một tuần học việc trôi qua nhanh. Hôm nay tôi bắt đầu đứng lớp một mình. Chỉ mới bốn tiết mẫu giáo và hai tiết lớp tiểu học mà giọng đã khản. Chắc tại chưa quen do tôi nói nhiều và cố gắng nói to quá sức với đám học trò hiếu động trong ngày đầu làm quen cô giáo mới. Học trò cứ nhao lên loạn xị bắt cô giáo hát, không sao ổn định trật tự, mệt bở hơi tai cho đến cuối giờ.
Joana và Stanley rủ đi ăn tối. Tôi lắc đầu chỉ vào cổ họng, lười biếng trả lời, ra dấu bảo hai người cứ đi. Tôi muốn về nhà, pha cốc chanh nóng uống nhanh để làm dịu những dây thần kinh thanh quản đã làm việc quá mức. May là thời tiết đang chuẩn bị vào Thu, khí trời về đêm tương đối dễ chịu, chứ gặp mùa Đông thì trong tình trạng này, thể nào tôi cũng bị viêm họng dài dài, làm sao giảng dạy.
Stanley trời phú cho chất giọng rất tốt, mạnh và to một cách tự nhiên lẽ ra nên làm ca sĩ hát opera hay hơn là đi dạy. Mà đúng anh ta là ca sĩ của đám nhỏ thật. Giờ học nào tôi cũng nghe Stanley hát mặc dù trường có giáo viên dạy nhạc tiếng Anh riêng theo thời khóa biểu. Mấy đứa con nít đương nhiên thích cái giọng “cọp rống” của Stanley nên nghe lời anh ta răm rắp. Đúng là anh ta có sức quyến rũ trẻ con. Còn tôi thì có lúc nghi ngờ anh ta thu vào máy ghi âm rồi cho phát ra chứ hơi sức đâu mà hát sung đến thế. Nói chuyện này, tự dưng làm tôi liên tưởng có lần xem một chương trình ca nhạc Việt, ca sĩ lên sân khấu hát gào bốc lửa, nhảy nhót tưng bừng văng cả micro, và nghe nói là chỉ nhép thôi.
Có lẽ tôi đang ghen tị với Stanley. Nhưng chỉ một chút thôi, không nhiều. Không phải vì chất giọng mà là anh ta hay hát. Stanley đi theo đúng con đường mình chọn một cách suôn sẻ. Anh tốt nghiệp khoa giáo dục Đại học Louisiana nhưng lại sang Hàn năm nay là năm thứ hai để thực hiện một đề án nghiên cứu gì đó của anh trong phương pháp dạy học. Stanley hướng dẫn cách lên lớp cho tôi trong tuần học việc: “Dạy ngoại ngữ cho trẻ con bằng âm nhạc là một phương cách cải thiện phát âm chuẩn tốt nhất chứ không phải mình khoe giọng hát hay. Trẻ con phải làm quen được với tốc độ phát âm mà không đánh mất những phụ âm cuối, cũng giống như ca sĩ hát vậy, phải tròn lời rõ chữ người nghe mới hiểu được nói gì. Nói đúng giọng bản xứ người ta mới thán phục, mới trầm trồ, chứ phát âm không đúng, tiếng nói lơ lớ, tiếng được tiếng mất nghe giống như bị ngọng ấy”.
Riêng tôi lại thấy cái giọng ngọng nghịu ấy dễ thương làm sao! Có lần không biết tìm đâu ra bài hát từ hồi tôi còn học mẫu giáo, tẩn ngẩn tần ngần mấy giây, tôi đọc to “con cô be bé”, làm Ba nhảy tưng trên ghế. “Con cò bé bé” mà đọc kiểu này, lỡ Me con nghe được, hiểu lầm thì “chết cha con luôn”. Ba nói, một đằng đọc bằng mắt, một đằng “đọc” bằng tai, tôi nghe không hiểu. Người ta nói “nghe bằng tai” chứ ai nói “đọc bằng tai”, không hợp lý chút nào. Nhưng Ba không giải thích. Chỉ bảo: “Khi nào làm giáo viên dạy ngoại ngữ thì con khắc hiểu”.
Hồi sang Mỹ, Ba mua bộ sách tập đọc cho tôi mang theo để không quên tiếng Việt. Thế nhưng, suốt bao năm trời, tối ngày lo cơm áo gạo tiền đâu còn thời gian nhớ tới. Tôi lại không để ý, cứ tự nhiên học hành theo những gì nhà trường dạy. Cô giáo bảo muốn giỏi tiếng Anh, phải năng nghe, nói và viết nhật ký mỗi ngày. Vì thế tôi có thói quen viết nhật ký đến tận giờ. Nhiều khi rảnh rỗi, lục lại những sổ ghi chép bé bằng bàn tay chi chít những nét chữ nắn nót trẻ con thấy nhớ một trời kỷ niệm. Chính tả sai be bét, câu cú lưng lửng đọc lên thấy giống làm thơ hơn là viết một câu văn hoàn chỉnh. Vậy mà hồi năm lớp sáu tôi dám gởi ba bài thơ đến Câu lạc bộ thi thơ nghiệp dư toàn quốc. Một bài được giải Bạc chọn in vào tập thơ trong năm và có cả ấn phẩm CD đọc bài thơ của tôi nữa. Giấy gởi về mời tham dự giải phát thưởng tại New York. Hai cha con mừng hụt khi đọc ghi chú bên dưới: “Vé bay, phương tiện đi lại, ăn ở tự lo”. Ba nói, được thưởng mà phải tự lo chi phí đi lãnh giải thì ở nhà nghe Ba khen khoái hơn. “Good!”. “Very good!”.
Sau này khi lên bậc trung học, cũng những lời khen “Bien! Très bien!” của ông thầy giáo dạy tiếng Pháp làm tôi phát chán. Tôi có cảm giác hình như mấy ông thầy khoái khen lấy lệ để khuyến khích tinh thần hơn là nói thật sợ học sinh sẽ ghét mình. Chuyện là tôi chọn tiếng Pháp làm sinh ngữ phụ trong khi những đứa bạn lại chọn tiếng Tây Ban Nha cho hợp với cuộc sống thực dụng. Có điều kiện thực hành ngôn ngữ với học sinh gốc Mễ. Vào lứa tuổi đó, tôi rất bướng bỉnh, muốn làm điều gì đó nổi trội, không giống ai cho dù Ba từng khuyên nên học tiếng Tây Ban Nha có ích hơn trong đời sống hằng ngày hay tiếng Nga mà Ba tôi có thể kèm cặp. Tôi mê mấy bộ phim tình yêu lãng mạn của Pháp và cho rằng ngôn ngữ này quý tộc hơn bất cứ thứ ngôn ngữ nào khác. Thế nhưng, những giờ học tiếng Pháp tan rã dần do nhóm học sinh theo học đã quá ít lại còn lười biếng khiến thầy giáo không còn hứng thú dạy nữa. Những buổi học nhàm chán nối tiếp nhau. Những buổi trốn học tiếp theo sau đó. Và cuối cùng là Ba Me tôi chỉ còn nước than trời khi nhận được thư cảnh cáo của nhà trường sẽ đưa phụ huynh ra hầu tòa về việc trốn học của tôi.
Tôi đổ lỗi tại thầy giáo dạy dở nhưng đâu biết rằng động cơ không đúng và thái độ học tập của tôi mới là điều đáng trách. Người Anh có câu “Không thể học tiếng Anh trong một đêm”. Huống hồ chi đó là tiếng Pháp cho dù phát âm có dễ đến đâu mà không có phương pháp học đúng đắn cũng thất bại như thường.
Điều kiện tiên quyết là môi trường giao tiếp với người bản xứ. “Đó là lý do tại sao Bộ Giáo dục mở cửa cho người ở các nước nói tiếng Anh vào Hàn quốc giảng dạy, nhất là bậc mầm non. Trẻ em phải được tiếp cận tiếng Anh ngay từ còn bé. Điều này vẫn còn là vấn đề tranh luận giữa các nhà giáo dục nên hay không vì sợ đưa tiếng Anh vào sớm quá có thể làm cho trẻ con lẫn lộn giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài. Nhưng bao năm qua, việc dạy và học tiếng Anh ở các bậc trung học và đại học không hiệu quả theo cách dạy từ chương. Học sinh có thể biết tiếng Anh trên sách vở chứ không thể ứng dụng tiếng Anh trong giao tiếp”, chị Young trao đổi trong buổi họp thảo luận với giáo viên về chủ trương mới của Bộ Giáo dục Hàn quốc và dự án muốn thử nghiệm đưa giáo viên robot vào chương trình dạy tiếng Anh cho những vùng thiếu giáo viên người nước ngoài. Trong buổi thảo luận, giáo viên nhao lên phát biểu như vỡ chợ. Robot giáo viên, nghe giống khoa học viễn tưởng hơn là thực tế ngành giáo dục Hàn quốc đang thiếu giáo viên ngoại ngữ trầm trọng và giáo viên được đào tạo ra trường lại kém phẩm chất. Bộ khai triển thí điểm không chỉ vài ba giáo viên robot mà gần cả ngàn robot như một giáo cụ hỗ trợ giáo viên để giảm chi ngân sách thuê mướn giáo viên nước ngoài cho các trường phổ thông công lập. Tôi đã đọc tin tức này trên tờ Korea Times. “Các chuyên gia nhấn mạnh việc trang bị robot nhằm truyền cảm hứng học tập, tăng cường khả năng tập trung của trẻ em trong lớp và các giáo viên không cần phải lo lắng về việc bị robot thay thế”. Dù sao robot vẫn phải được điều khiển bằng con người thông qua một chương trình dạy học điều khiển từ xa tận đâu bên Úc và Philippine. Nói nghe huề vốn. Một giáo viên robot chỉ có thể làm cho con nít khoái chí vì ngộ nghĩnh chứ không thể thay thế con người trong quá trình giáo dục. Giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn dạy nhân cách làm người. Trong khi phụ huynh lo ngại con cái họ đối diện với cổ máy không hồn, thì các nhà hoạch định chính sách yên tâm rằng “anh ta” chẳng bao giờ yêu cầu về chế độ bảo hiểm, nghỉ ngơi khi ốm đau hay bất ngờ đòi tăng lương, thôi việc.
Tôi không phải là giáo viên chuyên nghiệp và nghề dạy học cũng không phải là mục đích như tôi đã nói. May mắn tôi có được vốn tiếng Anh tích lũy trong một quá trình lâu dài bằng nhiều hình thức học tập sinh hoạt trong cuộc sống nên đến xứ Hàn để được trả tiền về những điều ngẫu nhiên mình biết. Có lần Kim tâm sự rất ngưỡng mộ tôi về điều này. Không biết Kim nói thật lòng hay chỉ là lời rào đón với một người bạn mới quen. Kim đâu có biết tôi đã mất một năm không có việc làm và không còn hy vọng gì cho ngành học của mình đã đeo đuổi. Đi dạy tiếng Anh chỉ là một công việc bất đắc dĩ với mục đích kiếm tiền du lịch cho khuây khỏa để tìm ra cho mình một hướng đi mới, chứ chẳng phải là chuyện nghề nghiệp gì cả. Liệu Kim biết được có ngỡ ngàng?
Ngược lại, chính tôi mới ngưỡng mộ về kỳ tích phát triển kinh tế của Hàn quốc như bạn từng hãnh diện kể cho tôi nghe hôm đi chơi thành phố Daejeon. Chính vì điều đó mới thu hút tôi đến đây làm việc. Sau hơn ba mươi năm, từ một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn, kinh tế Hàn quốc phát triển liên tục, đứng vào hàng thứ 10 thế giới. Đất nước của bạn được các nước khác dẫn ra như một hình mẫu thành công gặt hái được nhiều thành tựu trong mọi lãnh vực và kể cả tiến trình dân chủ hóa thể chế đáng học hỏi. Nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc nắm vững được tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế lại được chính phủ xem là một chính sách.
Ngành giáo dục khuyến khích dân Hàn cho con em mình học tiếng Anh ngay từ các lớp mầm non cho dù học phí đắt đỏ đến đâu. Ngay cả chính tôi cũng không thể tưởng tượng học phí trung bình một tháng cho một học sinh mẫu giáo mầm non hết phân nửa số lương của tôi trong tháng. Phụ huynh dám bỏ ra một số tiền lớn đầu tư cho con cái theo học ở các trường quốc tế các cấp, không phải cá biệt năm ba trường mà hàng trăm trường như thế trên khắp đất nước. Có thể phiến diện nghĩ đó là một sự đua đòi, nhưng việc đầu tư giáo dục cho con cái bằng bất cứ hình thức nào, bao giờ cũng có lợi. Và cũng nhờ thế, tôi mới có cơ hội trở thành cô giáo bất đắc dĩ ở xứ kim chi.
NL