Menu Close

Gia đình quốc tế

Lời Tòa Soạn: Trong các số báo vừa qua, Trẻ đã đăng lần lượt: 1- Đến Nơi Xứ Xa, 2- Đêm Đầu ở Hàn Quốc, 3- Một Ngày Mới, 4- Đó Là Deajeon, 5- Khéo ăn mới ngon, 6- Cô giáo bất đắc dĩ, 7-Gia đình quốc tế.
Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.

 

 

alt

 

 

Kỳ 7

Chiều Thứ Sáu hôm nay là một ngày vui. Lãnh lương và đi nhận thẻ tạm trú. Nhà trường sắp xếp cho tôi và Kim dạy chéo với các giáo viên khác để chúng tôi có thời gian ra Sở Di trú, đến ngân hàng mở tài khoản và mua điện thoại, sau đó về nhà Kim rồi sáng mai Kim đưa tôi cùng người chị dâu đi thăm bà cô ở vùng nông thôn chơi cho biết.

Gần một tháng, mới có được tấm “thẻ xanh” quả hơi lâu so với thời gian bình thường cấp cho người nước ngoài làm việc tại Hàn quốc. Cô nhân viên Sở Di trú nói tiếng Anh giải thích vì số lượng cấp thẻ tăng đột ngột, không đủ nhân viên giải quyết nên hồ sơ chậm trễ và ngỏ lời xin lỗi. Thái độ lịch sự, niềm nở hiếm có ở những cơ quan công quyền của nhà nước như thế này làm tôi hài lòng. Nhưng Kim tỏ vẻ không đồng tình lời nhận xét của tôi: “Chẳng qua bạn là người lao động đến từ các nước giàu có tiên tiến. Chứ nếu từ các nước đang phát triển ở Châu Á thì bạn sẽ không thoải mái lắm đâu”. “Ý bạn nói có sự phân biệt?”. Kim không trả lời ngay câu hỏi mà lảng qua chuyện người chị dâu vài tháng nay chờ đợi giấy phép lao động vẫn chưa được cấp.

Nghe mình nói bạn có thể không thích cách nhìn nhận như thế. Thời đại bây giờ là xã hội nào, Hàn quốc lại còn có thái độ phân biệt giữa con người với con người. Thực tế xã hội và luật pháp có thay đổi nhiều về quyền bình đẳng. Dù vậy không phải đúng hoàn toàn như mọi người đều nghĩ. Nhân công nhập cư đến từ các nước đang phát triển phát sinh ra những vấn đề an ninh trật tự khó kiểm soát. Bản thân Cô dâu quốc tế đã trở thành hiện tượng không mấy tốt đẹp khiến định kiến xã hội thay đổi theo chiều hướng xấu so với mấy thập niên trước khi các cô dâu đến xứ Hàn hầu hết là người Trung Quốc. Cha mình người Hàn, mẹ người gốc Hoa. Anh Hai lấy vợ Việt. Bạn nghĩ xem, gia đình quốc tế nho nhỏ của mình có khác gì nước Mỹ to lớn của bạn đâu. Hôn nhân đa văn hóa tạo ra gia đình đa văn hóa, đa ngôn ngữ, cách sống dị biệt. Không nói chi xa, những va chạm nhỏ nhặt trong sinh hoạt gia đình cũng trở thành vấn đề gây tranh cãi. Mình nghĩ gia đình đa văn hóa không phải là một vấn đề hay ho gì cả. Người cùng chủng tộc sống chung với nhau vẫn có lắm chuyện nảy sinh huống hồ chi người dưng khác họ.

Nghe Kim nói, tôi lại có suy nghĩ kỳ cục. Có thể những vấn đề xã hội đó trong tương lai, chừng trăm năm nữa thôi sẽ giải quyết được vấn đề chủng tộc với số cô dâu Việt hiện nay sống trên đất Hàn đủ sản sinh ra vài chục triệu người lai hai dòng máu Hàn-Việt. Và rồi những thế hệ này sẽ tự nhận nguồn gốc mình không phải từ họ Lee hay Park mà từ dòng máu trong mình. Huyết thống mới là quan trọng chứ không phải tên họ Hàn quốc. Tên họ có thể thay đổi được nhưng dòng máu thì không. Cũng giống chuyện hôm ghé tiệm tạp hóa gần nhà mua thùng mì gói, Kim khẳng định với tôi người làm công bán hàng là người Việt, nhưng nghe tôi hỏi lại từ chối nguồn gốc của mình. Campuchia cũng chỉ là cái tên chung chung, chứ người Hàn vẫn xem chị ta là người Việt. Chính tâm trạng mặc cảm không bằng ai của con người đứng trước dư luận xã hội nên buộc họ phải nói dối với bản thân. Tha hương ngộ cố tri nên dành cho người cùng hoàn cảnh hơn là có sự tách biệt giữa “đẳng cấp” người cùng chủng tộc đến từ các nước tiên tiến hay không tiên tiến như những định kiến xã hội dành cho người nhập cư từ các nước kinh tế còn nghèo.

Về đến nhà, điều làm tôi ngạc nhiên không phải ngôi nhà ngói xám xinh xắn ở vùng ngoại ô của gia đình Kim mà là cô chị dâu còn rất trẻ. Trẻ lắm! Nếu không nhìn thấy cái bụng lúp xúp phía trước của cô, người ta dễ tưởng là một cô bé học sinh trung học. Nhan sắc thường thường bậc trung, cử chỉ e dè cam phận của người vợ nhập cư theo chồng. Điều này dễ hiểu, con dâu mới về nhà chồng, sống chung cha mẹ chồng và cô em chồng, ngôn ngữ bất đồng. Chưa thể đi làm kiếm tiền, ở nhà làm nội trợ, phục dịch gia đình. Và có muốn đi làm anh chồng cũng không đồng ý.

Anh Hai Kim trọ trẹ thứ tiếng Việt giới thiệu: “Cô… cổ tên chi”. Tôi đáp: “Tên Linh”, làm anh ta ngớ ngẩn. Cô vợ vội “thông dịch” cho tôi hiểu: “Ảnh giới thiệu với chị là em tên Thi, không phải hỏi: “Chị tên chi?”. Thì ra tên Thi mà cứ nghe “Chi”. Cả Kim cũng phát âm “chi, chi” làm tôi chẳng biết cứ ngỡ hỏi mình tên gì nên nhanh miệng đáp. Như thế lại hóa hay cả nhà có dịp cùng chuyện trò với nhau, nói cười vui vẻ.

Xem ra anh Hai của Kim không đến nỗi già so với cô vợ. Ngược lại má Kim trông có vẻ già hơn ba Kim. Con hơn cha “con già lấy vợ trẻ” không biết đó là phúc hay họa. Nhưng xét cho cùng nếu đó là một cuộc hôn nhân thật sự của hai người dành trọn tình cảm cho nhau lại mang một ý nghĩa khác. Cho dù gặp nhau một lần trong hoàn cảnh nào, bất cứ hình thức nào, được nên vợ nên chồng sống với nhau bền lâu như các bậc cha mẹ người Hoa nhập cư trước đây mới là điều đáng quý. Anh của Kim, một người đàn ông bình thường, khỏe mạnh, nghề nghiệp ổn định. Với đồng lương công nhân xây dựng, không phải lo chuyện nhà cửa dư sức nuôi được vợ con. Nhìn cách anh kiên nhẫn nói chuyện với cô vợ không biết tiếng Hàn, đủ hiểu anh quan tâm cô tới mức nào. Một người có trách nhiệm với người phụ nữ mình chọn, chứ không phải trong những tình cảnh éo le “em đã lầm theo anh sang đây” mà người ta thường nghe đàm tiếu về đàn ông Hàn gia trưởng, không coi trọng cô dâu nhập cư “mua” bằng tiền. Có thể là vậy. Nhưng trong trường hợp này, cô dâu nhập cư nào gặp anh Hai của Kim, tôi cho đó là điều may mắn.

 

 

alt

 

Ngưòi chị dâu Việt của Kim và người chồng Đại Hàn (áo đen)

 

Có điều anh ta không muốn vợ ra ngoài xã hội kiếm việc làm hẳn có lý do. Chuyện này Kim đã kể cho tôi nghe trên đường về nhà và Kim cũng đồng ý với anh Hai như vậy. Lúc Thi mới sang Hàn, anh Hai Kim nhờ vài ba người bạn đồng nghiệp người Việt công nhân hợp tác lao động cùng ra phi trường đón để chị dâu bớt bỡ ngỡ. Nhưng sau đó, những bữa ăn nhậu, những cuộc viếng thăm xảy ra thường xuyên tại nhà làm cha mẹ Kim lo lắng hơn là cái thâm tình “tha hương ngộ cố tri” của người đồng hương quan tâm quá mức, có ngày làm thằng con mất vợ. Nhà có mỗi ảnh là trai, các chị gái có chồng ra riêng. Không phải ảnh không đủ điều kiện lấy được cô vợ Hàn cùng giai cấp. Nhưng ảnh thích kiếm cô vợ ngoại quốc trẻ đẹp và không tốn kém chi phí nhiều cho cuộc đám cưới với số tiền anh dành dụm được từ chục năm đi làm công nhân. Hôm từ Việt Nam về, ảnh khoe với mấy chị em: “Tao kiếm vợ chỉ trong năm phút”. Cả nhà chưng hửng. Ngay cả cha mẹ Kim cũng chẳng biết tí gì việc anh nhờ công ty cô dâu quốc tế đứng ra mai mối. Ảnh nói: “Tao cưới vợ chứ ba má có cưới đâu mà lo”.

Thực ra cha mẹ Kim rất hài lòng về diện mạo của cô con dâu từ trên trời rơi xuống. Trước đây, cuộc hôn nhân của cha mẹ cũng chớp nhoáng như tiếng sét ngoài trời. Một cô gái nông thôn người Hoa lấy anh chồng nhà quê xứ Hàn, cùng nghèo như nhau. Hai người đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống để có được những gì ngày hôm nay là một ngôi nhà và đàn con có ăn có học, có nghề nghiệp đàng hoàng và không vất vả lắm như thời cha mẹ chúng còn trẻ. Có điều hôn nhân ngày nay toan tính quá thực dụng làm hỏng đi giá trị hạnh phúc gia đình. Người ta yêu nhau không phải bằng mở cửa trái tim mà bằng toan tính lý trí. Chính vì điều này mà cha mẹ Kim sợ cô con dâu trẻ người non dạ, thiếu suy nghĩ chín chắn, nhiều khi gặp những hoàn cảnh khó khăn hay điều bất đồng không giải quyết được trong gia đình, trong cuộc sống dễ sinh buồn chán hoặc nông nổi nghe lời phỉnh dụ của những gã đàn ông đồng hương rinh mất đứa con dâu.

Thi – cái tên đẹp, lãng mạn đã đánh mất ngây thơ của mình ở tuổi mười tám. Cô có đứa con trai với anh chồng không giá thú người cùng làng. Gia đình cả hai đều nghèo, anh chồng lại không chí thú làm ăn, tối ngày nhậu nhẹt, bê tha. Nhắm cuộc đời chẳng có tương lai, Thi đành gởi lại đứa con một tuổi cho bà ngoại nuôi giùm đi tìm chồng nơi xứ khác dưới danh nghĩa hợp tác lao động. Phải tin tôi lắm Thi mới dám nói ra sự thật mà gia đình chồng chưa bao giờ hay biết. Có lẽ, Thi muốn giải thích lý do vì sao một đứa con gái trẻ như thế này lại chấp nhận lấy anh chồng Hàn lớn hơn mười mấy tuổi, chẳng khác cuộc mua bán. Một cuộc đánh đổi nhằm đổi thay số phận lẽ ra đáng thương hơn nhận được sự khinh rẻ của người đời. Tôi không có kinh nghiệm trong chuyện gỡ rối tơ lòng nhưng tôi khuyên Thi nên tìm cơ hội tìm cách nào đó nói rõ chuyện này với chồng. Điều này có lợi cho đứa con riêng về sau khi cô có điều kiện bảo lãnh đoàn tụ gia đình. Chồng Thi là một người chồng tốt, có tình cảm, rộng lượng và biết thông cảm.

Khi người ta yêu bất chấp tất cả. Khi người ta không yêu cũng bất chấp tất cả với mong ước hay một ảo tưởng nào đó. Có mấy đồng nghiệp biết Joana vì sao đến Hàn Quốc làm việc và ở lại lâu đến thế. Đó chẳng qua một cuộc chạy trốn. Xóa bỏ tất cả, đi tìm cuộc đời mới ở nơi xứ xa. Joana lớn tuổi nhất trong số các giáo viên tại trường. Cô từng có mười bốn năm làm giáo viên tiếng Anh trường trung học phổ thông tại thành phố Johannesburg. Ở cái tuổi quá lứa kén chồng nên khi được bạn bè giới thiệu cho một người đồng hương quốc tịch Anh về nước kiếm vợ, cô ưng thuận ngay không một chút đắn đo. Theo chồng sang Anh, tưởng có cuộc sống hạnh phúc nhưng không ngờ Joana không thể sinh con. Cuộc hôn nhân đứt đoạn sau ba năm cố gắng vun trồng. “Lấy vợ lấy chồng giống như đi mua chịu một món hàng. Nhìn thấy thích, đem về làm của riêng, giá cả để sau trả”. Tôi nhớ cái giọng chua chát của Joana triết lý về cuộc hôn nhân tốc hành của mình. Nghe chí lý, ít ra trong trường hợp của Joana và Thi.

Mưa ngoài trời càng lớn, dai dẳng, sấm chớp đùng đùng. Tôi và Thi ngồi bên cửa sổ uống trà trò chuyện. Thi đăm chiêu nhìn ra ngoài nghẹn ngào: “Mưa Hàn rì rào buồn buồn sao giống mưa quê mình quá, tự dưng làm em nhớ con thơ quá chừng. Không biết giờ này ra sao?”. Tôi nhìn thấy nơi khóe mắt Thi long lanh ngấn lệ. “Trời mưa bong bóng phập phồng / Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”.

NL