Thưa Cô,
So hai hình chụp bên trên cùng hai chú thích có lẽ có vài nét khác biệt như hình dáng hai tòa sen, địa danh và phong cảnh bên ngoài nữa. Vậy thì xin được hỏi thăm tác giả Trần Thị Trung Thu, tác giả có biết “Tháp thờ nhà văn Nguyễn Hiến Lê” ở Long Xuyên chính xác là ở vùng nào và nay tháp thờ ấy có còn không sau khi Cô đã tìm ra mộ của Thầy Nguyễn Hiến Lê tại chùa Phước Ân ở ngã tư Cai Bường, làng Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò?

Sông nước vùng ngã tư Cai Bường làng Vĩnh Thạnh, Lấp Vò
Thứ đến, như tác giả có lược kể lúc mới đi tìm thì có người nói mộ Nhà văn Nguyễn Hiến Lê tọa lạc tại Lai Vung: “Nhớ có lần đọc trong một cuốn sách nói rằng mộ ông nằm ở Lai Vung, tôi phóng xe Honda đến đó. Tôi nghĩ, với một người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa như ông, chắc sẽ có một khu mộ đàng hoàng mà chỉ cần hỏi nhỏ người dân ở đó là biết.”
Nhưng rồi sau đó có người lại chỉ mộ của Nhà văn Nguyễn Hiến Lê, và cô đã viết: “Mo Nguyen Hien Le o chua Phuoc An – gan nga tu Cai Buong, Vinh Thanh, Lai Vung”. (Mộ Nguyễn Hiến Lê ở chùa Phước Ân – gần ngã tư Cai Bường, Vĩnh Thạnh, Lai Vung (LTT bỏ thêm các dấu)[…]. Cuối cùng, ba chị Dương đoán một hồi mới rõ đó là ngã tư Cai Bường, thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò chứ không phải Lai Vung. Té ra, cả cuốn sách tôi đọc lẫn tin nhắn của thầy đều sai tên huyện. Ba chị Dương dặn:
– Từ Lai Vung con đi thêm khoảng 10km nữa dọc theo quốc lộ 80 là sẽ tới ngã tư Cai Bường. Tới đó con hỏi chùa Phước Ân ai cũng biết hết.”(5)
Qua câu chuyện Cô vừa trình bày, dân vùng ấy họ không biết mộ của Nhà văn Nguyễn Hiến Lê tọa lạc nơi nào, đối với Cô cũng là điều hơi lạ bởi vì Cô là người có đọc văn của Thầy, Cô kính trọng Nhà văn nên cô nghĩ vậy. Còn dân quê tụi tôi thật tình ra không phải không có người đọc văn sách của Thầy, nhưng mộ phần thì chắc ít người biết cũng vì nhiều lý do, mà lý do chính có lẽ gia đình con cháu thân nhân của Thầy khi Cô Nguyễn Thị Liệp mất chắc có dặn lại cũng không muốn thông báo rùm beng cho công chúng biết về việc làm bia mộ, hoặc chuyển lư hương từ nhà riêng nằm trên đường Gia Long cũ thuộc Long Xuyên về chùa Phước Ân tại ngã tư Cai Bường thuộc xã Vĩnh Thạnh (Lấp Vò, Đồng Tháp) để thờ phượng.
Điều này, theo tôi nghĩ cũng hợp với lúc sinh tiền, Thầy Nguyễn Hiến Lê cũng ít muốn ai kiếm tìm mình và nhớ hay quên để làm gì, và có lần Thầy cũng đã chia sẻ với thi sĩ Quách Tấn: “Thư trước, tôi thúc anh làm bài thơ để gởi “Bạn đọc 300 năm sau” là nói đùa đấy (ví anh với cụ Tố Như) chứ nói cho thật lòng thì phải bỏ bớt một con zéro đi – 30 năm sau thôi.

Đời sống nơi bến sông vùng Lấp Vò, Sa Đéc.
Ba mươi năm sau thì chắc có người còn nhớ tụi mình, (bấy giờ họ vào khoảng ba bốn chục tuổi), học trò của mình hay của bạn mình. Tôi nghĩ đến đó thời cuộc tất thay đổi, và họ đọc những thư mình trao đổi với nhau sẽ thú lắm, sẽ hiểu mình hơn là đọc thơ của anh, văn của tôi. Vì chính trong những bức thư đó, chúng mình mới thật là thành thật, tỏ nỗi lòng của mình.”(6)
“Anh có thấy bao nhiêu đắc thất, thăng trầm trong trên nửa thế kỷ của tụi mình như một giấc mộng kê vàng không? Tác giả nào đặt được ngụ ngôn đó thật là thiên tài. Phương Tây tôi không thấy có truyện nào như vậy. Tôi thường nghĩ giá tôi không viết được ít cuốn sách thì đời tôi thật vô nghĩa; nhưng tôi lại nghĩ rồi đây sẽ thấy ngay những cuốn đó cũng vô nghĩa nữa.” (7)
Mà nói gì người dân các vùng Lai Vung như Cô vừa kể, ngay như chính tôi đây, ngoài việc là cựu học trò trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) từ những năm thập niên 1950-1963, nơi Thầy đã từng dạy học hai năm, quê bên nội tôi lại là xã Tân Bình, nay là xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò; vậy mà rồi mãi đến nay qua bài viết của Cô tôi mới biết mộ của Thầy đã được di dời về chùa Phước Ân; cùng địa phương, cùng quận huyện, cùng cảnh cũ ruộng vườn sông nước trong lành như thế chỉ cách nhau chưa tới mười cây số mà bà con vùng tôi cũng đâu có ai biết Thầy về chùa Phước Ân hồi nào!
Nên nếu Cô có trách, xin Cô nên trách tôi trước nhất vì chính tôi là người mê văn của Thầy dữ lắm, nay ngoài bảy mươi rồi mà tôi mỗi ngày vẫn đều đều đọc lại những trang sách cũ của Thầy, và đặc biệt tôi mê đến độ đã sưu tập được gần đủ các cuốn sách của Thầy xuất bản từ cuốn đầu tay “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” (1954) tới cuốn chót là “Sử Trung Quốc” (2003), và tôi đã từng một thời là học trò cũ ở một trường danh giá nhất Long Xuyên lúc bấy giờ, trường Trung học Thoại Ngọc Hầu, vậy mà rồi tôi cũng mù tịt, không biết mộ Thầy nằm ở nơi nào! Thật đáng trách biết bao!!!

Vài tựa sách của thầy Nguyễn Hiến Lê trong tủ sách gia đình HT.