Đã đi China mà không ghé Bắc Kinh thì hơi uổng. Nghĩ vậy nên Tôi đã dặn trước với các con là Mẹ muốn đi cho biết thủ đô của Trung Hoa. Thế là hai Con (trai và dâu) chuẩn bị sẵn cho hai Mẹ (hai bà suôi gia) suốt chuyến nghỉ hè 3 tuần lễ. Những ngày trong tuần chúng tôi đi loanh quanh những nơi gần Thượng Hải. Cuối tuần Con lấy thêm ngày nghỉ để tất cả cùng đi chơi xa.

Bắc Kinh cách Thượng Hải 1070 cây số. Trên đường đi, chúng tôi dùng xe lửa tốc hành (Bullet Train). Trước khi có phương tiện này, dân chúng phải mất 10 tiếng để đi từ nơi này đến nơi kia, nay thời gian được cắt chỉ còn khoảng một nửa. Giá vé một chiều là 100 US đô la cho một người. Nhà Ga ở China (nói chung cho các thành phố) rất lớn. Lớn hơn phi trường rất nhiều vì đại đa số dân Tàu xử dụng xe lửa (điện) hơn là máy bay khi di chuyển giữa các thành phố. Khi đi, về trên đường trong một thành phố thì họ dùng xe điện ngầm (metro) để tránh bớt nạn kẹt xe. Nhà ga sạch sẽ và an ninh kiểm soát cũng chặt chẽ giống như ở phi trường. Vé lên tàu phải trình từ khi qua cửa an ninh, trình khi vào cổng của bến mình muốn đến và khi đã ngồi trên ghế tàu vẫn bị kiểm soát vé lần nữa.
Đang sắp theo 4 hàng để qua cổng trình vé thì tự nhiên hàng của Tôi bị đóng lại khi gần đến phiên mình. Thế là mọi người không ai bảo ai, tự nhiên leo qua những dãy ghế ngăn chia các hàng để tràn qua những hàng khác. “Ai sao Tôi vậy, ai làm bậy Tôi làm theo” mà xấu hổ vô cùng. Hình như chữ “nhường” không có trong từ điển của người Trung Hoa. Đi đâu cũng chen, lấn. Không biết từ lúc nào, Tôi đã vô tình làm giống như họ. Cũng “tấn” tới phía trước theo giòng người đẩy từ phía sau (nhất là khi lên xe điện). Chỉ lạ là không ai tỏ ra khó chịu khi bị người khác đẩy mà họ lại tiếp tục lấn tới như một thói quen.
Rời nhà lúc 6:45 sáng, chúng tôi đến Beijing vào buổi trưa. Các nhân viên trong các bộ quần áo đồng phục đen đón tiếp chúng tôi rất lịch sự tại khách sạn Four Seasons. Một khách sạn có hợp đồng với các cơ quan chính phủ Mỹ nên chúng tôi được hưởng giá đặc biệt. Sau khi bỏ hành lý vào phòng, chúng tôi đón taxi ra phố ăn trưa. Đường phố không sạch sẽ cho lắm, lúc nào cũng chật ních người. Không khí cũng ô nhiễm không khác gì Thượng Hải, cũng không thấy ánh mặt trời dù nhìn từ phía nào.
Thiên An Môn
Đứng nhìn giòng người tuôn ra từ trạm xe điện ngầm không khác gì đàn kiến chui ra khi tổ bị phá.
Đi lòng vòng xem phố xá và sinh hoạt của người bản xứ mới biết cách bán hàng của dân Tàu. Giá nào họ cũng bán được. Nói thách thấu trời xanh. Không muốn mua thì đừng hỏi. Nhất là khi vô tình bạn trở thành người mua mở hàng. Hỏi là bị họ túm lấy bắt trả giá. Không trả giá thì bị mắng. Nếu không biết giá trước thế nào mua cũng bị hớ. Chỉ là hớ ít hay hớ nhiều thôi.
Nhờ đã ở đây từ trước, các Con đưa chúng tôi đến những cửa hàng lớn, quen thuộc. Họ bảo đảm giá trị các món hàng bán ra và dĩ nhiên có đắt hơn bên ngoài khoảng 3 đến 5 %. Thôi thì mua sự thoải mái, an tâm bằng mấy phần trăm đó, thì đâu có mắc?
Đã đi Silk Market ở Thượng Hải, chúng tôi vẫn đi Silk Market ở Bắc Kinh. Không giống như Mỹ, mỗi Shopping Mall bán đủ mặt hàng, ở China, họ bán từng loại riêng biệt. Silk Market ở Beijing có 5 tầng lầu. Tầng trệt bán quần áo. Lầu hai bán lụa. Lầu ba bán vật dụng bằng da như va li, giầy, ví, nón… Lầu bốn bán nữ trang: vàng, cẩm thạch, ngọc trai… Lầu năm bán thức ăn, uống. Đi cả ngày xem chưa hết huống gì một buổi.
Món bò cạp
Chiều xuống, chúng tôi đến Wang Fu Ching, một loại Street Market, hàng bán về đêm, phần lớn là thức ăn. Xe cộ không được vào. Chỉ dành cho khách bộ hành. Vừa vào cửa chợ đã thấy những cây que có cắm con bọ cạp sống. Chân tay còn đang ngoe nguẩy đón chào khách mua để được hóa kiếp. Trả tiền rồi thì người bán mới cầm lấy cây que này nhúng vào chảo dầu đang sôi để chiên giòn nó rồi đưa cho khách ăn. Có lẽ nọc độc của bọ cạp không tác hại sau khi nấu chín nên Tôi thấy nhiều người ăn ngon lành (nhưng chúng tôi không ai dám thử). Những món ăn khác như Mực, Tôm, Cá… là chuyện nhỏ. Khi các Con hỏi hai Mẹ có muốn ăn con cá chiên rồi mà mắt vẫn chớp chớp như “đá lông nheo” người nhìn hay món mực chiên rồi mà vẫn động đậy trên dĩa, chúng tôi từ chối liền. Mới nghe đã sợ thì khi nhìn tận mắt làm sao dám ăn? Chúng tôi dắt nhau vào một nhà hàng chuyên bán vịt (giống tiệm Peking Ducks ở Washington DC). Cũng một con vịt cắt đôi, ép dẹp xuống, nướng (hay chiên?) giòn rụm. Lóc lấy da, thịt cắt miếng bày lên dĩa ăn với một loại bánh làm bằng bột bắp, hình tròn, thật mỏng, (giống bánh Tortilla của người Nam Mỹ) cuốn với dưa leo, hành lá xắt mỏng theo chiều dài, phết lên tí tương hoisin pha nước thịt. Ăn cũng được nhưng riêng theo ý Tôi nghĩ thì ở DC họ làm ngon (chắc vì ít mỡ) hơn. Đi mỏi chân rồi chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi Vạn Lý Trường Thành.
Sau khi ăn sáng không mất tiền tại khách sạn, chúng tôi ra xe đã mướn trước với giá $130 US đô la một ngày (1 đô la Mỹ bằng 6.2 đồng Yuan – người Việt mình gọi là đồng quan) đang chờ sẵn ở cửa. Xe đi thẳng đến Huairou, nơi Vạn Lý Trường Thành trực thuộc. Leo lên các bậc thang dẫn đến nơi mua vé đã đủ mệt, chúng tôi quyết định mua vé (45 Yuan mỗi người) lên ngồi vào “xe Cáp” đưa mọi người đến một khúc tường trên cao của Vạn Lý Trường Thành vì biết sức không thể nào leo hơn 8 ngàn cây số (5,500 dặm Anh).
Bắt đầu từ đời nhà Minh, đây là một công trình vĩ đại nhất được xây dựng bằng công sức con người rồi được tiếp tục cũng như sửa chữa từ đời Vua này sang đời Vua khác của Trung Hoa. Những cây hoa Anh Đào trắng, hồng thật đẹp nở rộ khắp nơi càng làm tăng thêm vẻ hùng vĩ của những bức tường quanh co chạy từ chân núi lên cao. Đi một quãng ngắn để chụp cảnh, chúng tôi quay trở xuống, lên xe đi tiếp đến Tử Cấm Thành (ForBidden City).

Thuyền Đá Cẩm Thạch trong cung điện vua Càn Long
Theo truyền thuyết, Tử Cấm Thành có đến 9,999.5 phòng (thiếu nửa phòng thành 1 ngàn). Chắc là sự “phóng đại, tô màu” chứ thật ra chỉ có 8,707 phòng lớn, nhỏ… đủ kiểu. Con số này quả là quá nhiều. Có lẽ nhiều phòng như vậy mới đủ cho hàng ngàn Phi, Tần, Cung Nữ và rất nhiều kẻ hầu người hạ trong Tam Cung, Lục Viện của các ông vua Tàu ngày xưa. Đây là cung điện của 24 ông Vua từ đời nhà Minh đến đời nhà Qing. Được xây dựng bởi Nguyễn An, một kiến trúc sư người Việt Nam (có thể ngày xưa ông An bị triều cống sang Tàu cùng những báu vật của Việt Nam khi triều đình Trung Hoa đòi hỏi mỗi năm). Những súc gỗ quý có thân lớn hơn cả vòng tay ôm được chuyển theo đường sông đem về đây dùng làm cột nhà. Những tảng đá được đẽo, đục theo hình Long, Phượng thật sống động trong cung vua. Để đem những tảng đá rất lớn này về đây, người Tàu đã chờ mùa Đông đến, đổ nước làm thành nước đá (ice), đặt những tảng đá lên trên ice và kéo về. Tử Cấm Thành có những bức tường cao xây bọc chung quanh để không ai có thể nhìn thấy bên trong. Để giữ hơi ấm trong mùa Đông, các dãy nhà được xây dựng hướng mặt về phía Nam với mái nhà thật dầy. Một căn phòng xây bằng gạch, dưới lòng đất một mét rưỡi, có những ống thông hơi để dẫn sức nóng đun bằng than đến các phòng. Trần nhà cao và những bức tường dầy sẽ giữ nhiệt độ mát mẻ trong mùa Hè. Cũng thế, những cửa sổ lớn có tác dụng điều hòa gió di chuyển quanh phòng. Hầu hết những bức tường ở đây đều có màu đỏ và mái nhà có màu vàng. Người Trung Hoa tin rằng màu vàng tượng trưng cho Đất, màu đỏ biểu hiệu sự vui mừng. Do đó vàng và đỏ là hai màu được người Tàu rất ưa chuộng. Đối diện với Tử Cấm Thành là Thiên An Môn (Tiananmen), nơi những sinh viên biểu tình đòi tự do, nhân quyền năm 1989 đã bị chính quyền Cộng Sản Trung Hoa dùng xe tăng đàn áp thẳng tay. Sự việc này làm thế giới tự do rúng động và phẫn nộ trước sự tàn bạo của Trung Cộng. Ngay trong Thiên An Môn có ngôi mộ rất lớn của Mao Trạch Đông được xây bằng đá Cẩm Thạch vàng.
Tử Cấm Thành
Rời Thiên An Môn, chúng tôi đến khu Nghỉ Mát Mùa Hè (The Summer Palace) của Vua Chúa ngày xưa. Một con đường dẫn vào khu nghỉ mát với chung quanh là một hồ rộng hơn 290 hectares (1 hectare bằng 10 ngàn mét vuông và bằng 107 ngàn 6 trăm feet vuông). The Summer Palace do Vua Qianlong (Càn Long?) cho xây năm 1750 để tặng sinh nhật mẹ ông. Đặc biệt của Summer Palace là “Clear and Peaceful Boat”, còn có tên là Marble Boat. Chiếc thuyền dài 36 mét nối liền với đất. Gọi là boat nhưng không nổi trên mặt nước vì đó là khối đá cẩm thạch được đẽo thành hình chiếc thuyền vào năm 1755, với ý nghĩa: đời nhà Qing sẽ vững chắc như đá, không bao giờ đổ. Ngoài ra còn có cây cầu bằng đá cẩm thạch trắng (Jade Belt Bridge) để gia đình Vua Chúa lên cầu hóng gió. Một chiếc cầu khác có tên “cầu 17 nhịp” (Seventeen Arch Bridge) nối từ phía Đông sang phía Tây và dẫn vào South Lake Island 150 mét chiều dài, có 7 màu sắc trông giống như cầu vòng trong hồ. Cùng nằm trong khu nghỉ mát là ngôi Chùa mà Tôi tạm dịch tên “Kho Báu Của Chùa Đá (Glazed Tile Pagoda Of Many Treasures) cao 7 tầng, có tám cạnh cao hơn 16 mét. Chùa nằm trên tảng đá trắng. Những chiếc chuông đồng treo trên đỉnh Chùa tạo ra những âm thanh trầm bổng khi trời có gió.
Cả một ngày đi bộ hơi nhiều, chúng tôi trở về khách sạn lúc chạng vạng tối.
Trưa Tử Cấm Thành
Ngày thứ ba ở Bắc Kinh. Không xem danh lam thắng cảnh nữa, hôm nay hai bà Mẹ muốn đi “tiêu tiền” nên trở lại Silk Market. Chúng tôi đi mua ngọc thạch (Jade) và ngọc trai (pearl). Ngọc Thạch có nhiều loại. Không biết đâu mà lựa chọn. Người thì thích nước bí (chắc giống màu trái bí), rồi màu lục, màu tím… Người bán hàng chỉ dẫn: miếng ngọc hay vòng ngọc đẹp ở chỗ cùng một màu (thế mà trước kia Tôi cứ nghĩ chiếc vòng thỉnh thoảng có vài chỗ đậm là đang lên nước!!! Thật ra là do người ta tiêm màu vào, lâu ngày chất màu tan dần ra). Ngọc càng bóng càng đắt tiền. Cũng thế, miếng ngọc nào chạm trổ tinh vi nhiều thì giá trị hơn miếng đơn giản. Tôi mua một chiếc vòng và một miếng cẩm thạch khắc hình con rắn cùng màu để kỷ niệm. Theo thời trang, vòng cẩm thạch ngày nay cắt hình tròn hay hình bầu dục, có góc cạnh bên trong, không cắt tròn đều như trước nữa. Rời hàng bán Ngọc Thạch chúng tôi đi xem Ngọc Trai. Dù biết đây là nơi sản xuất, Tôi cũng không thể tưởng tượng được Pearls nhiều quá xá nhiều như thế. Phải nói là nhiều như rừng. Nếu định giá trị (không phải giá tiền) theo nơi sản xuất thì Ngọc Trai của Haitian có giá trị nhất, tiếp theo là của China, sau đó là Ngọc Trai Mikimoto của Nhật Bản. Nói chung chung, Ngọc Trai càng lớn, bóng và đều màu thì trị giá càng cao. Ngọc Thạch hay Ngọc Trai, mỗi loại ngọc đều có vẻ đẹp riêng, chỉ tiếc là túi tiền của Tôi nhỏ xíu và con đường thiên lý còn dài nên phải tạm ngừng việc mua sắm để tiếp tục đi.
Đến Bắc Kinh bằng xe lửa, rời Bắc Kinh bằng máy bay. Chúng tôi chuẩn bị thăm viếng Seoul, thủ đô của Nam Hàn vào ngày mai…
Bia đá trên Great Wall
Thiên An Môn
Lính gác Tử Cấm Thành