Một trong những hình ảnh bi hùng trong trang sử của dân tộc Việt Nam có lẽ là thuyền nhân. Họ là những con người can đảm, dám đánh cược mạng sống của chính mình để mưu cầu hạnh phúc. Trên những con thuyền nhỏ bé giữa biển cả bao la! Không ít người đã đóng tiền nộp vàng nhưng rồi đổi ý vào phút chót lúc sắp bước xuống thuyền. Có thể họ thiếu can đảm, có thể họ quá nặng tình với những người thân còn ở lại, có thể vì muôn ngàn lý do riêng tư khác. Dù với lý do gì đi nữa, đấy chính là khoảnh khắc quyết định cuộc đời họ. Có một người chắc cũng đã băn khoăn như thế, trong đêm khuya thanh vắng, khi đứng bên dòng Anoma, một nhánh sông thuộc thượng lưu Hằng Hà bên Ấn Độ.

Thái tử Tất Đạt Đa cắt tóc từ bỏ cuộc sống thế gian tại sông Anoma. nguồn phramick.wordpress.com
Có lẽ lúc ấy gió sông lạnh khiến ông không khỏi bồi hồi nghĩ đến đứa con trai mới sinh đang còn ngủ, người vợ mới cưới chưa được bao lâu, người cha già đang kỳ vọng đứa con trai duy nhất kế thừa sự nghiệp.Nếu như những thuyền nhân ra đi bỏ lại sau lưng mộtđịa ngục trần gian thì, ngược lại, phía sau ông là thiên đàng hạ giới cho riêng ông. Ông có 3 cung điện nguy nga được xây thích hợp cho từng thời tiết mỗi mùa trong năm với hàng trăm mỹ nữ đàn giỏi, hát hay, múa đẹp luôn túc trực hầu hạ. Nếu như những thuyền nhân ra đi để tìm hạnh phúc cho bản thân và gia đình thì ông lại muốn tìm con đường giải thoát đau khổ cho chúng sanh, giúp nhân loại đạt đến một hạnh phúc vĩnh hằng. Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 25 thế kỷ ở thành Ca Tỳ La Vệ của vua Tịnh Phạn thuộc bộ tộc Thích Ca. Người đàn ông bên bờ sông Anoma chính là Thái tử Tất Đạt Đa.
Anoma là dòng sông định mệnh, không chỉ đối với Thái tử Tất Đạt Đa mà còn ảnh hưởng đến chúng sanh qua nhiều thế kỷ sau. Phải là người có nghị lực phi thường và tấm lòng bác ái bao la mới có thể bỏ được đời sống vương giả, vợ con, cha già để quyết chí đi tìm chân hạnh phúc cho nhân loại. Thái tử bỏ cung điện cỡi ngựa ra đi với một người đầy tớ. Khi đến bờ sông Anoma, Ngài quyết định bỏ lại ngựa quý và trang phục vương giả, cho người đầy tớ trở về, rồi một mình tiếp tục vượt sông. Chính vì hiểu được ý nghĩa quan trọng của con sông này mà hầu hết các Phật tử Việt Nam suốt mấy chục năm nay đều thích bản nhạc Dòng Anoma:
Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh
Nhìn làn nước biếc, Thích Ca Ngài lòng vững bền
Thôi con hãy về để ta vui ánh Vàng
Ta đã quyết tìm Đạo sáng cứu chúng sanh
A Nô Ma vẫn còn nhớ ghi gương sáng ngời
Chúng ta giờ đây nguyện theo Đức từ bi…
Đây là một trong những bài hát Phật giáo rất phổ biến được sáng tác bởi một Phật tử với pháp danh Nguyên Phương. Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài ca khác được Phật tử mến chuộng như Chim Bốn Phương, Mưa Đông Rơi, Đoàn Sen Non, Xuất Gia, Mục Kiền Liên.Ông từng giữ những chức vụ quan trọng thời Việt Nam Cộng Hòa như Trưởng ty Kinh tế tỉnh Tuyên Đức, Phó tỉnh trưởng Hành chánh tỉnh Tuyên Đức (trên Đà Lạt). Sau năm 1975, ông bị đày ra Bắc qua nhiều trại tù ở Sơn La, Vĩnh Phú. Năm 1993, ông cùng gia đình được sang định cư tại thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Mùa Phật Đản năm nay, ông lại ra đi lần nữa, về cõi Niết Bàn, ở tuổi tám mươi tám. Nhiều người không biết ông nhưng hơn nửa thế kỷ qua vẫn thường nghe (hát) những bài ca của ông. Cũng nhiều người quen biết ông nhưng lại không biết ông chính lànhạc sĩ Hoàng Cang, tác giả của những bài ca được đại gia đình Phật tử yêu thích.
Tên thật của ông là Hoàng Trọng Cang. Một nghệ sĩ thầm lặng!

Nhạc sĩ Hoàng Trọng Cang