Dù đã để đồng hồ báo thức, tôi vẫn thấp thỏm, lo bị trễ giờ nên giấc ngủ không tròn. Cứ chốc chốc, tôi lại nhỏm dậy nhìn đồng hồ trên chiếc bàn ngủ cho chắc ăn. Sau vài lần như vậy thì đồng hồ báo thức cũng réo lên như đã vặn sẵn. Tôi trỗi dậy làm vệ sinh cá nhân và tắm thật nhanh để tỉnh táo chuẩn bị ra phi trường. Máy bay sẽ cất cánh lúc 7 giờ sáng để mang tôi đi gần nửa vòng trái đất. Từ Orlando đến Thượng Hải, hai nơi cách nhau đúng 12 tiếng. Năm ngày trước khi đi, tôi đã uống mỗi ngày 1 viên Aspirin 81 mg phòng ngừa bịnh đông máu khi ngồi lâu trên máy bay theo lời con dặn.
Nhà ga xe điện cao tốc của Thượng Hải
Để khỏi bị hồi hộp, tôi đi sớm hơn hai tiếng cho dư giờ làm thủ tục gửi hành lý và qua an ninh phi trường. Mặt trời chưa dậy sau giấc ngủ đêm. Sương mờ mờ bay dưới ánh đèn đường nằm im lìm trong buổi sáng sớm tĩnh lặng của thành phố. Đường ngược chiều không một bóng xe, chỉ một vài chiếc xe cùng chiều đến phi trường. Người bạn đồng hành đã chờ sẵn ở nơi gửi hành lý từ bên ngoài hãng American Airlines như đã hẹn. Mỗi người khệ nệ với hai valy thật lớn, nặng đúng 50 cân Anh mỗi cái theo quy định. Toàn là thức ăn chơi cũng như ăn thật. Từ Cereal đến Nuts đủ loại, các hộp bột làm bánh Mỹ, khô bò Mỹ và những thức ăn khô. Quần áo vỏn vẹn trong hai chiếc valy nhỏ kéo theo lên máy bay. Hai bà mẹ đi thăm hai con mà tay xách, nách mang cứ như thể đi “tiếp tế”, thăm nuôi vậy. Hơn 19 giờ bay từ Orlando đến Thượng Hải, chưa kể thêm 3 tiếng chờ đợi khi đổi máy bay ở Los Angeles. Cuộc hành trình thật là dài. May mà có bạn đi chung. Chúng tôi (hai bà Mẹ) nói hết chuyện mình sang chuyện con cái, mệt thì ngủ, đói thì ăn để quên đường xa. Thỉnh thoảng lại xem bản đồ trong máy trước mặt để xem mình đang đến đâu. Mãi rồi máy bay cũng mang chúng tôi đến Thượng Hải vào buổi tối ngày hôm sau. Lấy được hành lý, qua quan thuế, qua cơ quan di trú, về đến nhà hai con thì trời đã tối. Việc đầu tiên là đi tắm, thay quần áo và sau đó nằm nghỉ vì chúng tôi đã ăn, ngủ, giờ giấc lộn xộn trên máy bay.
Sáng hôm sau, Thứ Năm. Thật tình cờ, hôm nay trùng vào Tiết Thanh Minh, ngày Lễ Tảo Mộ của Trung Hoa, công sở đóng cửa nên hai Mẹ được hai Con đưa đi chơi một vòng. Ngang qua ngôi Chùa thật lớn; Zing An Temple, cách chỗ các con cư ngụ chỉ mấy dãy đường, người người lũ lượt nhang, đèn, hoa, quả, vàng mã đến chùa cúng vong linh, tưởng nhớ người thân đã qua đời. Buổi tối hôm này còn có bắn pháo bông (không biết là họ mừng hay buồn?). Ngày Lễ nghỉ nên người ta kéo nhau ra đường đông lắm. Tò mò, chúng tôi rẽ vào một cửa hàng để bảng quảng cáo bằng tiếng Anh: “Clearance Sale 70%”. Tưỏng là vớ bở nào dè bảng quảng cáo có nghĩa ngược lại kiểu Mỹ. Nghĩa là người mua được bớt 30%, còn 70% là của người bán. Thế là chúng tôi chẳng ai mua gì, chỉ ngắm (window shop) thôi. Nói nào ngay, quần áo nhập cảng của Âu Châu cũng đắt như mua bên Mỹ, chưa kể khi bên Mỹ đại hạ giá thì càng rẻ hơn nhiều nên tôi không chở củi về rừng làm gì cho mệt. Còn quần áo kiểu Tàu thì giá rẻ nhưng mình không hợp mắt, không vừa ý nên cũng chẳng mua. Chỉ có Lụa, Cẩm Thạch, Ngọc Trai là rẻ nếu so sánh với các quốc gia khác.
Một cửa hàng làm chăn lụa ở Thượng Hải
Thượng Hải là thành phố biển của Trung Hoa mang nhiều nét Âu Châu. Từ kiến trúc xây dựng đến màu sắc. Nhã nhặn chứ không đối chọi nhau, loè loẹt như ở Bắc kinh và Hồng Kông. Có thể nói Thượng Hải hơi lớn hơn New York, và là thành phố không bao giờ thấy mặt trời vì các thứ khí phế thải che phủ. Đây là thành phố bị ô nhiễm xếp vào hàng đầu thế giới. Rất nhiều cao ốc và cũng rất đông người. Chúng tôi ở lầu 19 của một cao ốc 30 tầng, ngay trên một trong những đường chính của Thượng Hải. Đường phố tương đối sạch sẽ. Không thấy quần áo giăng mắc ngoài mặt trước của những cao ốc (không biết họ phơi bằng cách nào) như những con đường khác. Dân chúng xả rác một cách tự nhiên vì vắng bóng thùng đựng rác. Thỉnh thoảng lại thấy một người đi xe đạp gắp rác trên đường. Đường phố khá rộng rãi, có những con đường lớn, Xe chạy 2 chiều, mỗi chiều 4 lanes. Đặc biệt Thượng Hải có đủ loại xe lưu thông. Xe điện ngầm, xe gắn máy, xe hơi, Taxi,.. đều tuân theo luật giao thông. Chỉ riêng xe đạp, xe ba gác được tự do vuợt đèn đỏ, đi ngược đường mà không thấy ai càm ràm. Có lẽ cảnh sát nơi đây cũng áp dụng câu “không ai nắm kẻ trọc đầu” chăng? Xe điện ngầm là phương tiện di chuyển của đại đa số dân chúng. Xe Taxi chiếm đến 50 phần trăm trong các loại xe lưu hành và giá cả rất phải chăng. Ví dụ, nếu 1 người, đi đến một nơi bằng xe điện ngầm tốn 1 đô la thì sẽ tốn 5 đô la khi dùng Taxi. Và đi 4 người thì có lợi hơn nhiều vì cũng chỉ mất 5 đô la cho Taxi. Hình như chính phủ quản lý tất cả hệ thống Taxi ở đây nên tài xế giữ luật lệ rất nghiêm chỉnh. Không bắt chẹt hay chặt đẹp khách hàng như ở các nước khác. Hành khách có thể trả tiền mặt hay bằng thẻ đã mua trước. Đi Taxi ở đây rất hồi hộp vì các bác tài luồn lách không thua gì Taxi ở New York. Hình như không có chữ “nhường” trong cách sống của người Trung Hoa.
Tấm vé quảng cáo “chưa xem xiệc này nghĩa là bạn chưa đến Thượng Hải , với nhiều màn nguy hiểm đáng giá bạc triệu” nghe thật hấp dẫn. Một phần vì tò mò, không thể bỏ qua và một phần vì muốn so sánh với đoàn xiệc “Du Solei” của Disney, Orlando xem ra sao. Phần âm thanh tạm được, Phần ánh sáng hơi yếu, phần dàn dựng hơi dở vì sân khấu để trống nhiều lần. Riêng phần kỹ thuật, trình diễn thì rất khá. Đu bay, nhảy lồng tròn, đu giây lụa, nhào lộn… đều là diễn thật. Không giây giữ bụng, chẳng có lưới giăng phòng hờ lỡ tay, hụt chân gì cả. Nhào thật, nhảy thật. Không đồng nhịp là rớt té gãy xương, nát thịt như chơi. Hay thì có hay nhưng riêng tôi vì xem trong lo âu, hồi hợp nên thưởng thức không được trọn vẹn, cứ sợ tai nạn xảy ra nên mất vui. Thiển ý của tôi là xem đoàn xiệc của Disney vẫn thích hơn dù trong đó cũng có rất nhiều nhóm người Tàu trình diễn.

Phố cổ Suzhou ở Thượng Hải
Vui chơi không quên bổn phận. Ngày Chúa Nhật chúng tôi đón taxi đến St. Peter Vương Cung Thánh Đường dự Lễ Misa bằng tiếng Anh. Giáo dân gốc gác từ nhiều quốc gia đến Thượng Hải làm việc. Đa số là người Phi Luật Tân, sau đó mới đến người bản xứ. Nhà thờ lớn và đẹp với một ban hát hùng hậu gồm nhiều người tuổi trẻ tài cao.
Rời nhà thờ, chúng tôi đáp xe lửa cao tốc (high speed train) đi Suzhou (Hàng Châu). Mất 40 phút và mất 10 US đô la cho vé hạng nhất, hạng trung bình giá 7 đô và “Vé Đứng” chỉ 3 đô la. Mới nghe tưởng là nói cho vui nhưng thật ra đây là vé dành cho người ít tiền, khi mua vé không có số ghế ngồi. Lên tàu thì đứng, khi tàu chạy mới tìm xem ghế nào trống thì ngồi vào. Mỗi khi tàu ngừng ở ga thì lại đứng dậy (vì có thể có khách mới lên tàu) để chờ chỗ trống. Phần lớn học sinh hay mua vé loại này để tiết kiệm tiền.
Thơ mộng Suzhou
Đến Thượng Hải mà không viếng thành phố Suzhou là một điều thiếu xót. Suzhou là một trong những nơi du khách viếng thăm nhiều nhất. Chỉ cách Thượng Hải hơn nửa tiếng lái xe, Suzhou có nhiều thắng cảnh, nhiều vườn cổ (classic gardens), nhiều kênh đào (canals), có Lụa Hàng Châu nổi tiếng từ lâu đời. Cho đến nay, Lụa vẫn là nguồn lợi tức chính của Suzhou. Đây là một thành phố cổ, ban đêm thắp toàn đèn lồng (có lẽ từ nhiều năm xa xưa, những người Trung Hoa mang theo kiểu cách này khi họ đến Hội An buôn bán rồi ở lại Việt Nam luôn chăng?) . Một trong những đặc biệt của vuờn cổ Suzhou là những cây Thông trắng (white Pine trees). Suzhou còn nổi tiếng vì có Chùa Bắc (North Temple Pagoda). Chùa Bắc có mặt từ thế kỷ thứ 3 và được tái thiết năm 1582. Chùa cao 76 mét khi xây với 11 tầng cao. Nay chỉ còn 9 tầng. Từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy toàn thể thành phố Hàng Châu. Bỏ ra ít tiền, chúng tôi đi viếng Bảo Tàng Viện Lụa ở Suzhou để xem những giống tằm, cách ươm tơ, dệt lụa, nhuộm màu cho những tấm vải lụa thật mềm mại, óng mượt đẹp ơi là đẹp. Có những tấm lụa mà giá cả đến vài trăm đô la một mét. Giá Lụa thay đổi tùy theo phần trăm nguyên chất lụa trong đó. Sợi lụa nguyên chất rất chắc, bền nhưng không dễ giặt. Để thử lụa, người ta dùng lửa đốt sợi lụa. Lụa không bắt lửa, khó cháy. Khi cháy xong, tro sẽ tan ngay ra bột mịn tay như bột làm bánh chứ không cứng và cháy lan như khi bị pha chế với các loại vải khác. Chúng tôi cũng không quên tìm đến Silk Market để mua tấm chăn lụa. Nghe nói mùa hè đắp thì mát, mùa đông đắp thì lại ấm nên tôi muốn thử. Làm ngay trước mắt tôi; sau khi cân lụa, hai cô bán hàng cầm hai đầu tấm lụa rồi cùng 1 lúc giật thật mạnh để kéo, trải sợi lụa ra cho mỏng và đều. Sau đó mới khâu thành chăn.
Tấm chăn rất nhẹ nhưng hơi cồng kềnh làm cho hai vali chuyến về của tôi cũng đầy như lần đi. Có khác là lần về chẳng có gì ăn được. Chỉ là quà kỷ niệm. Nào là chăn lụa, khăn quàng lụa, cà vạt lụa làm quà cho người thân ở Mỹ. Gặp thứ gì mình thích thì cứ mua vì biết có ngày nào trở lại nơi này? Và Bắc Kinh sẽ là trạm ghé kế tiếp của chuyến đi nửa vòng trái đất để có chuyện kể cho bạn đọc nghe.