Thục khoác chiếc kimono màu tím nhạt, cầm tách trà gạo, mở cửa bước ra vườn. Trời vào Xuân, mới chừng 5 giờ sáng, mặt trời đã lấp ló những tia nắng đỏ rực, nhưng khí lạnh vẫn còn quyện trong không gian. Thục kéo ghế ngồi, và đặt tách trà lên chiếc bàn gỗ mộc. Nàng nghĩ đến vài tiếng nữa sẽ đón anh George. Tuần trước, anh điện thoại bảo sẽ ghé thăm, vì anh có buổi triển lãm tranh ở thành phố của Thục. Hôm nghe tiếng anh ở đầu dây, chậm rãi, ấm áp, Thục mừng mừng tủi tủi, vì đã lâu lắm rồi, nàng không gặp anh.
Thục nhận ra George từ xa, anh gầy và khác quá! Thục bồi hồi, nước mắt đoanh tròng, nàng đi nhanh về đoàn người vừa ra tới phòng đợi. George đang lóng ngóng tìm, Thục đã tới kế bên. Nhìn mắt George, Thục biết anh không nhận ra nàng, thì ra cả nàng cũng đã khác!
Thục nói: “Anh không nhận ra Thục sao?” George nhìn thật lâu vào mắt Thục: “Bây giờ thì anh nhận ra rồi, Thục thay đổi nhiều quá, nhưng đôi mắt và giọng nói vẫn như ngày trước.” Cả hai cùng cười.
Đi với George ra nơi đậu xe, Thục liến thoắng: “Anh triển lãm ngày nào, ở đâu?” George cười to: “Em tin là người vẽ tài tử, chẳng đâu vào đâu như anh, lại có tranh để triển lãm à?” Thục khựng lại, tròn mắt nhìn George: “Anh nói thế nghĩa là..” và ngay lập tức nàng nhớ đến câu nói ấy của Loan, vợ George, mười mấy năm trước, trong buổi gặp vợ chồng anh lần đầu tiên.
Tiếng hỏi pha chút chế giễu của George cắt ngang hồi ức của Thục: “Sao? nghĩ gì mà im lặng thế” Thục nheo mắt hỏi: “Anh đùa em phải không? Anh sẽ triển lãm tranh chứ?” George thân mật đặt tay lên vai Thục, vừa đi vừa nói: “Anh biết em vừa nghĩ gì, đúng đấy, lúc nào trước mặt Đoàn, cô ấy cũng tỏ ra không tin vào tài của anh, cho anh là thứ nghệ sĩ vất vưởng, chẳng làm nên trò trống gì. Nhưng em biết không, Loan yêu tranh của anh, trước khi yêu anh đấy! Và dĩ nhiên anh sang đây để triển lãm tranh. Được chưa?”
Thục cười tươi. Hai người ra đến xe, George chất hành lý vào cốp xe và băng ghế sau, rồi mở cửa trước, ngồi bên cạnh Thục. Xe rời khỏi phi trường ra đến xa lộ, George nói: “Cho anh về chỗ trọ trước, anh cất đồ đạc, sau đó anh em mình đi café và ăn tối!” Thục lắc đầu: “Em đã nấu nướng xong xuôi rồi. Anh ghé em ăn trưa, chúng ta hàn huyên một chút, mười lăm năm rồi còn gì. Sau đó em sẽ chở anh lại nhà trọ.” George cười dễ dãi: “Thế cũng được!”
o O o
Thục sắp thức ăn ra bàn và mời George:
– Anh dùng đi, em biết anh thích món bánh tôm. Ngày trước mỗi lần sang nhà em, anh luôn luôn yêu cầu món này.
George kéo ghế ngồi và nói:
– Chà ngon quá. Cảm ơn Thục, từ ngày Thục đi, anh cũng bị nhịn luôn.
– Tại anh kén đấy chứ, em thấy mấy tiệm bánh cuốn họ có bán.
– Họ làm khác, hương vị không giống như Thục làm, cả nước mắm chấm cũng vậy, dở lắm!
Thục ngồi đối diện, nhìn George cuốn bánh tôm vào cọng rau salad, với tía tô, kinh giới, húng lá rồi chấm nước mắm ăn một cách thành thạo. Thục nghĩ: “Khó có thể có một người ngoại quốc thứ hai rành rẽ cách ăn của người Việt Nam như anh George.”
Bỗng George hỏi: “Em không ăn hả?” Thục lắc đầu đung đưa mái tóc:
– Em nấu cho anh ăn mà! Em ăn chay lâu rồi.
George đặt đũa bát xuống bàn nhìn Thục hỏi:
– Ăn chay? có nghĩa là không ăn tôm cá thịt?
Thục gật đầu, với tay rót tách trà, vừa nhấp ngụm nước, nói nhỏ:
– Em ăn chay từ ngày dọn đến đây, vì cũng muốn cho tâm mình nhẹ nhàng thanh thản
George hỏi vặn:
– Và em thật sự được thanh thản không?
Thụy xoay xoay tách trà trên mặt bàn, không nhìn George: “Mười lăm năm rồi còn gì, anh nghĩ mình có quên được không?”; “Em chưa quên ư?”; “Em đã quên, quên từ lâu rồi, nhưng hôm nay gặp anh, em lại nhớ.” George thở dài: “Anh cũng vậy, nhiều năm qua, anh miệt mài với công việc, anh đi nhiều nơi, học hỏi và tìm hiểu thêm về nghệ thuật, khi trở về nhà, anh không nhớ lắm những ngày có Loan, anh nghĩ mình cũng đã quên. Nhưng hôm nay, mọi chuyện như vẫn còn nguyên, như những dòng chữ viết chưa ráo mực.”
George dựa lưng vào thành ghế, nhìn ra cửa sổ hỏi Thục: “Em có tin gì của Đoàn không?”; “Dạ, không!”; “Đoàn có số điện thoại hay địa chỉ của em không?”; “Dạ có, vài tháng đầu, thỉnh thoảng Đoàn có điện thoại thăm, sau đó thì thưa dần, em hiểu Đoàn có trách nhiệm mới.” Một lúc, không nghe George nói gì, Thục ngập ngừng hỏi: “Anh có tin gì của họ không?” George vẫn nhìn ra cửa sổ: “Có, trước đó, thỉnh thoảng Loan về nhà thăm anh.” Thục trợn mắt ngạc nhiên: “Chị ấy dám về lại ư?”; George gật đầu, im lặng một lúc, rồi tiếp: “Nhưng dạo sau này, Loan không ghé nữa, chắc bận bịu mấy đưá nhỏ.” Thục tò mò: “Họ có mấy con rồi anh?”; “Ba, một con gái lớn, và hai con trai sinh đôi. Chúng nó bây giờ lớn cả rồi. Con gái cũng 14, 15 rồi!” Thục nuốt nước mắt nói nhỏ: “Họ hạnh phúc quá!”
George rót thêm trà vào tách, nói chầm chậm: “Anh còn nhớ một buổi tối, vừa đi làm về, Loan bảo có một tin rất vui, anh hồi hộp. Anh nghĩ đến đứa con mà hai vợ chồng mong đợi từ lâu. Sau cùng, Loan nói mới gặp lại người bạn thân hồi còn ở Việt Nam, anh ta hiện đang làm chung công ty địa ốc với Loan. Suốt tối hôm đó, Loan huyên thuyên kể chuyện cũ. Anh cũng vui lây vì biết mình sẽ có thêm bạn mới. Kế đó thì hai gia đình chúng ta gặp nhau, em nhớ không?”
Thục gật đầu: “Dạ, em nhớ. Mấy hôm trước đó, Đoàn điện thoại cho em nói sẽ đón em từ chỗ làm và đi ăn tiệm. Em hỏi chắc có chuyện gì vui, nhưng Đoàn nói bí mật. Khi đến nhà hàng, gọi thức ăn xong, Đoàn cho biết mới gặp lại người bạn cũ. Em nói sao không mời người bạn đến ăn mừng chung với mình, Đoàn nói bạn đã có gia đình, nên chưa tiện mời, nhưng thế nào cũng sẽ có buổi tiệc mừng hội ngộ. Lúc đó em cứ nghĩ bạn Đoàn là đàn ông.”
George nhìn Thục cười: “Đến lúc nào thì em biết đó là phụ nữ, là Loan”; Thục trầm ngâm: “Hình như là buổi tối đến nhà anh, vì Đoàn nói sẽ dành cho em một ngạc nhiên.” George ngắt lời Thục: “Buổi tối hôm ấy, Loan cũng dành cho anh một ngạc nhiên, nhìn ánh mắt Loan và Đoàn, anh biết họ gắn bó hơn những gì anh nghĩ về tình bạn!”
Thục nhìn George: “Anh biết chuyện của họ từ hôm ấy ư?” George không trả lời, một lúc sau, anh gật đầu và thở dài nhè nhẹ: “Loan tinh lắm, nên ngay tuần sau, Loan đã thẳng thắn cho anh biết mối liên hệ giữa hai người. Loan kể năm 1975 cô ấy mới 16 tuổi, biến cố 30 tháng 4 ập đến khiến cả xã hội miền Nam thay đổi. Gia đình Loan cũng nằm trong cơn lốc đó. Cha Loan đi tù cải tạo, Loan nghỉ học phụ mẹ bán thuốc tây ở chợ trời. Loan gặp Đoàn là người môi giới mua bán thuốc. Họ yêu nhau. Loan có thai. Đoàn đề nghị phá thai, vì Đoàn đang tìm đường vượt biên. Loan làm theo lời Đoàn và họ không gặp nhau nữa.”
Thục vừa rót thêm trà cho George vừa hỏi: “Sau đó Loan gặp anh ư? trong trường hợp nào?” George lắc đầu: “Chưa, một thời gian sau, Loan quen một thương gia người Hoa, được ông ta cho đi theo trên chuyến vượt biên bán chính thức tới Mã Lai. Lúc đó anh làm trong phái đoàn Hoa Kỳ của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc và nói tiếng Việt cũng tàm tạm. Anh gặp Loan, nghe Loan kể hoàn cảnh éo le, Anh đồng ý làm giấy hôn thú và bảo lãnh Loan. Khi trở về Mỹ, anh dành cho Loan một thời gian để suy nghĩ về tình yêu của anh. Sau đó bọn anh làm đám cưới và có thể nói là hạnh phúc cho đến ngày Loan gặp lại Đoàn. Loan nói họ gặp lại nhau, tình yêu năm xưa trỗi dậy mãnh liệt. Dù biết đôi bên đã có gia đình, nhưng họ không kềm chế được.”
Thục hỏi nhỏ: “Lúc đó anh tính sao?”; “Anh không biết tính sao cả, vì Loan đã kể hết và năn nỉ anh cho cô ấy đi lại với Đoàn. Anh hỏi Loan có nghĩ đến vợ của Đoàn không? Loan bảo Đoàn cũng đã nói với vợ về mối liên hệ này. Có đúng thế không?” Nước mắt ràn rụa, Thục kể: “Có! một bữa hai vợ chồng đang xem TV, Đoàn đột ngột nói có chuyện cần nói với em. Em hỏi chuyện gì, Đoàn ấp úng một lúc rồi nói Loan không phải là bạn mà là người yêu cũ. Đoàn không thể cưỡng lại tình yêu của cô ấy. Đoàn xin em tha thứ và xin hãy cho anh ấy được tự do.” George nói xen vào: “Ít ra họ cũng thành thực với chúng ta!” Thục gật đầu: “Em cũng thấy vậy, vì lúc Đoàn nói, em không nghĩ đến em, mà chỉ sợ ba mẹ em buồn vì gia đình em gãy đổ.” Ngừng một lát, Thục tiếp: “Thật sự, em không cảm thấy bị tổn thương, trái lại, hình như tự ái của em được vuốt ve, vì Đoàn xin em cho phép anh ấy đi lại với Loan. Em nói em sẽ làm những gì tốt nhất cho cả hai.” George nhìn Thục thương cảm: “Em tốt lắm!”
Thục đứng lên lấy thêm nước mắm chấm, rụt rè nói: “Giá như anh và Loan có con thì chắc sự việc sẽ khác hơn.”, George nhún vai: “Lúc đầu anh cũng nghĩ như thế, anh cũng nghĩ giá như Đoàn và em có con… nhưng đó là suy nghĩ của mình, của những kẻ trong cuộc, chơi vơi không nơi bấu víu, còn sự việc xảy ra đã được sắp đặt bởi Thượng Đế tùy theo số mệnh của mỗi người rồi.”
Trở lại bàn ăn, mắt đỏ hoe, Thục nói: “Có phải vì anh chấp nhận hoàn cảnh, anh đầu hàng số mệnh, nên đã khuyên em hãy để cho Đoàn được tự do không?” George nói như thì thầm với chính mình: “Đúng vậy, khi nghe Loan báo nàng đã có thai với Đoàn, anh giật mình, vì đây là lần thứ hai họ có con với nhau. Còn anh không có con với Loan, em cũng vậy, không thể có con với Đoàn, thế thì tại sao chúng ta không nhường hạnh phúc cho họ. Hơn nữa, hạnh phúc đã không còn là của mình, nó đã bay đi rồi, đã hết rồi. Nghĩ như thế, anh quyết định xin gặp riêng em, anh nhớ hôm đó nghe anh nói, em chỉ khóc, khóc sướt mướt, nức nở. Nhìn em khóc, anh lại nhớ đến cô em gái bất hạnh của mình đã mất vì bệnh ung thư máu Leukemia. Khi biết không thể qua khỏi cơn bệnh quái ác, nó cũng khóc sướt mướt như em, vì cả một tương lai rạng rỡ đang chờ đợi nó với đám cưới, căn nhà mới mua, công danh sự nghiệp …” Thục cầm tay George: “Có phải vì thế mà anh nhận em làm em gái không?” George gật đầu, hai dòng lệ rơi nhanh trên má.
Bất ngờ George hỏi Thục: “Tại sao hôm nay mình lại nói đến chuyện này? Tại sao những lần điện thoại, chẳng bao giờ chúng ta nhắc đến nó?”; Thục cầm tay George ân cần: “Có lẽ cả hai chúng ta đều sợ làm đau lòng nhau, nên không dám nhắc đến. Em đi, mang theo những thắc mắc về quá khứ của Loan, của anh và của Đoàn. Em chỉ biết chuyện xảy ra và em phải chấp nhận sự thua thiệt. Hôm nay có cơ hội, chúng ta đối diện và sòng phẳng với nó một lần, rồi trả nó lại cho quá khứ. Em tin như thế mình sẽ tha thứ được và sẽ quên anh ạ. George nhìn Thục gật đầu nói: “Cảm ơn em đã nghĩ như vậy. Thôi, cho anh về khách sạn, anh cần nghỉ ngơi, ngày mai còn sửa soạn cho phòng tranh.”
Chiếc xe bon bon trên xa lộ, Thục nói nhỏ: “Anh ạ, có lẽ khi anh triển lãm xong, em sẽ theo anh về, và thăm ba đứa trẻ”. George gật đầu: “Chắc Đoàn và Loan vui lắm!”
PDH – 05/13