Nói chuyện cà phê mà quên chuyện thuốc lá thì quả là thiếu sót, phải không bạn? Không biết từ bao giờ ông bà ta gọi các loại lá phơi khô để hút, để nhai lấy hương vị là “thuốc” như thuốc rê, thuốc lào, thuốc lá? Và tại sao lá trầu cũng nhai để lấy hương vị mà không gọi là “thuốc” như những món lá kia?

Tò mò, lan man như thế không khéo sẽ lạc đề, trở lại với món thuốc lá, thực ra, Dế Mèn chỉ muốn nói đến chất nicotine chứa trong thuốc lá, thuốc lào mà thôi. Sách vở, báo chí đã bàn tán khá nhiều về tính “dễ nghiện” của nicotine. Nhai hoặc hút thuốc lá, thuốc lào lâu ngày thể nào cũng khó dứt bỏ, và cứ phải tiếp tục dùng. Người ta cũng nhắc nhiều đến việc hút thuốc lá thuốc lào hại cho sức khỏe, từ chứng phổi trướng (emphysema), đến chứng nghẽn tiểu khí quản kinh niên (chronic obstructive pulmonary disease, COPD), giảm vị giác cho đến các chứng ung thư phổi, ung thư vòm miệng, dạ dày…, và một trăm lẻ tám thứ bệnh khác. Biết như thế nhưng người ta vẫn dùng thuốc lá thuốc lào, phần lớn vì nàng tiên nicotine quá quyến rũ, bỏ thì nhớ quay nhớ quắt, nước mắt sống cứ chảy (lệ sầu?), ngáp tới ngáp lui (đời sống nhạt nhẽo?) tâm thần lừ đừ, thể xác mệt mỏi, và chỉ một vài hơi khói là nỗi nhớ nhung day dứt kia biến ráo trọi!
Tại Hoa Kỳ, theo tài liệu của University of Wisconsin Center for Tobacco Research and Intervention, mỗi năm, khoảng 40-45% của 45 triệu người dùng thuốc lá đã thử bỏ thuốc lá đều không thành công trừ 5% số người kể trên.
Gần đây, giới Y học bắt đầu một loạt những lời khuyến cáo mới cho những người dùng thuốc lá thuốc lào, và hình như đây là lời khuyến cáo nặng ký nhất vì có nhiều bệnh nhân đành nhắm mắt mà theo lời bác sĩ. Hẳn bạn đang tự hỏi có cái chi mà người ta dứt bỏ chia tay được với nàng nicotine? Dung nhan bạn ạ, cái viễn ảnh làn da, nét mặt nhăn nhúm làm người ta hoảng sợ mà dứt tình!
Các bác sĩ giải phẫu, nhất là giải phẫu thẩm mỹ đã thẳng thừng như thế này: Nếu cô / bà / ông không ngừng dùng thuốc lá ít nhất 2 tuần lễ trước và khi giải phẫu thì tui sẽ không thực hiện cuộc giải phẫu kéo da mặt, sửa lỗ mũi, căng da bụng… Lý do? Vết thương sẽ không lành hoặc lành rất chậm. Khi vết thương cứ thủng thẳng không chịu lành thì nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và việc thành thẹo cũng cao hơn. Bạn nghĩ xem, ta chịu đau đi mổ để có một khuôn mặt xinh tươi, một thân hình hấp dẫn mà bây giờ da không mịn, thịt không liền lạc; thêm nỗi chẳng may lại đóng thẹo đỏ ửng thì còn chi là nhan sắc??? Chưa kể đến những biến chứng trong khi gây mê và nhiễm trùng! Thì ra nicotine ảnh hưởng đến nhiều bộ phận, hệ thống khác trong cơ thể chứ không phải chỉ miệng và khí quản!

Thuốc lá gia tăng nếp nhăn khiến da “già” trước tuổi- Hình ảnh của bộ Y Tế, Anh
Nicotine, khiến mạch máu co thắt, có nghĩa là gia tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các phương cách, quá trình lành da (wound healing mechanism) của cơ thể. Phần lớn các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ đều đòi bệnh nhân ngừng dùng thuốc lá khoảng 6 tuần lễ trước và sau khi mổ để sửa soạn cho những ca tiểu giải phẫu như cắt mí mắt hoặc tăng kích thước vú. Cho cuộc giải phẫu lớn như làm săn bụng (tummy tuck), bác sĩ cần bệnh nhân bỏ thuốc lá cả 6 tháng trước và sau khi mổ! Và khi dứt bỏ được nicotine lâu như thế có nghĩa là bệnh nhân sẽ ngừng dùng thuốc lá vĩnh viễn.
Để giúp các bệnh nhân dùng thuốc lá lâu năm cai nicotine, các văn phòng bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ đều có những chương trình cai thuốc lá với thuốc men, chuyên viên Tâm Lý và cả nhóm hỗ trợ.
Hầu như mọi ca giải phẫu thẩm mỹ đều là những trường hợp lựa chọn theo ý muốn, không phải là những ca mổ cấp cứu nên cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều có thời giờ bàn định thảo luận, so sánh và sửa soạn kỹ lưỡng. Với những ca mổ về thẩm mỹ, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều quan tâm đến kết quả, và sự thành công nằm trong tay cả bác sĩ lẫn bệnh nhân. Bác sĩ khéo tay mà vết thương không lành thì kết quả vẫn không như ý mà có thể trở thành hậu quả, bệnh nhân trông như cô dâu của Frankenstein!
Dĩ nhiên không phải bệnh nhân nào cũng thành thật, họ muốn một ca giải phẫu quá mà cũng không thể bỏ người đẹp nicotine nên họ nói dối cho qua. Vì thế một số bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ đã đòi bệnh nhân thử nước tiểu để xét nghiệm mức nicotine; và có các bác sĩ khác đã đòi bệnh nhân ký giấy nhìn nhận là đã hiểu rõ hậu quả của việc dùng thuốc lá ảnh hưởng như thế nào đến vết mổ.
Tuy nhiên hầu như mọi bệnh nhân khi được xem những khúc phim về các vết thương không lành vì ảnh hưởng của nicotine, các vết thẹo, các biến chứng… khiến họ kinh hoảng và chấm dứt việc dùng thuốc lá. Viễn ảnh xấu xí của các vết thẹo đã giúp các người bệnh muốn xinh đẹp chia tay vĩnh viễn với nàng nicotine. Như thế nhan sắc, vẻ đẹp là yếu tố khích động lôi kéo con người ngày nay hữu hiệu hơn là bệnh tật hoặc sức khoẻ?!
Bạn ta, da mặt đang tươi mịn thế kia mà một ngày không xa, sẽ nhăn nhúm như quả táo tàu chỉ vì mấy điếu thuốc lá, còn chờ đợi chi nữa mà không chia tay với nicotine?