Menu Close

Lá thư văn nghệ gởi cô Trần Thị Trung Thu* – Kỳ 3

Vả lại, như trong sách của tác giả Châu Hải Kỳ có dẫn: “Việc hỏa thiêu là do ý kiến của ông. Bà cho biết “lúc sinh thời nói chuyện với nhau, cả hai chúng tôi đều đồng ý như vậy. Nhà tôi không thích rườm ra, không muốn làm phiền nhiễu bè bạn hay bất cứ ai nên có nói “trong đám tang chỉ một số ít bạn thân và quyến thuộc đi đưa là đủ rồi không cần đông, cũng không mời sư sãi tới tụng kinh nữa.”(8) Và trong lá thư viết cho nhà thơ Bàng Bá Lân ngày 18-7-1981, nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết: “Thời xưa mong giữ được mộ 100 năm, thời nay tôi sợ không được vài chục năm. Cho nên tôi tính chết thì hỏa táng, đỡ thắc mắc cho con cháu ở xa. Và cúng giỗ, tôi cũng bảo dẹp bớt đi!” (9)

Do vậy, ít được mọi người biết mộ mình nằm ở đâu, tôi nghĩ chắc Thầy Nguyễn Hiến Lê đã toại nguyện lắm, chứ không trách phiền gì hậu thế sau này như mình tưởng. Phải thế không thưa tác giả Trần Thị Trung Thu?!?

Thưa Cô Trần Thị Trung Thu,

Bây giờ xin nhắc qua một chút vì sao có người lầm mộ của Nhà văn Nguyễn Hiến Lê nằm ở Lai Vung, có người lại nói nằm ở Ngã Tư Cai Bường thuộc Lấp Vò. Thật tình ra là hồi đời xưa lúc Sa Đéc còn là tỉnh thì hai quận Lai Vung và Lấp Vò là hai quận riêng biệt. Sa Đéc lúc bấy giờ có các quận Châu Thành, Đức Tôn, Đức Thành và Lấp Vò. Hồi đó, nếu tôi nhớ không lầm thì Lai Vung là một xã của quận Đức Thành. Sau 1975, có thêm Lai Vung thành huyện; rồi tới năm 1976 hai huyện Lai Vung và Lấp Vò sáp nhập lại thành một, lấy tên là huyện Lấp Vò. Tới năm 1983 thì huyện Lấp Vò có tên mới là Thạnh Hưng với 23 xã và tới năm 1989 huyện Thạnh Hưng lại tách ra thành hai huyện trở lại: đó là huyện Lai Vung và huyện Thạnh Hưng. Và vào năm 1996, huyện Thạnh Hưng lấy lại tên cũ là huyện Lấp Vò cho tới ngày nay. Có lẽ có nhiều lần bị sáp nhập rồi lại bị tách ra giữa Lai Vung với Lấp Vò mà các sách vở ghi Lấp Vò – Lai Vung, Lai Vung – Lấp Vò nên những người chỉ dẫn Cô không phân biệt đâu là Lai Vung, đâu là Lấp Vò có lẽ là vì vậy!

Thưa Cô Trần Thị Trung Thu,

Còn chi tiết khác trong bài viết của Cô, nơi có ngôi mộ của Thầy Nguyễn Hiến Lê, đó là chùa Phước Ân. Tiện đây tôi cũng xin lược qua một chút về ngôi chùa này. Chùa Phước Ân, theo tài liệu nghiên cứu của tác giả Thích Vân Phong khi sưu tầm tài liệu Ngài cố Hòa Thượng Thích Bửu Phước, thì chùa Phước Ân được tác giả kể: “Chính ngôi Tổ đình Phước Ân, hữu ngạn Cai Bường, làng Vĩnh Thạnh, nay thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, do đại Hương Cả Nguyễn Đăng Phụng phát tâm hỷ cúng đất mà Ngài (tức là Hòa Thượng Thích Bửu Phước, chú thích của LTT) chính là người Khai sơn vào năm Quý Mão (1903) vẫn tồn tại đến nay.”

“Nơi đây Ngài mở phòng Tuệ Tỉnh đường, xem mạch kê toa bốc thuốc Từ thiện để kịp cứu giúp bà con khốn khó xa gần, và mở trường dạy chữ Hán Nôm, Đông y Nam dược, giảng dạy Giáo lý Phật đà, khắc bản gỗ ấn bản niệm Phật chấm công cứ để khuyến khích lớp bình dân niệm Phật cầu vãng sinh, lập chương trình khuyến nông góp phần phát triển kinh tế dịa phương và chùa có nhiều ruộng đất giúp cho nông dân nghèo có đất canh tác, thu tô để tự túc kinh tế hương hỏa cho Tự viện. Với những công hạnh đức hóa ấy, đến hiện nay bá tánh thập phương vẫn còn tâm niệm mãi :

Quý hóa thay ! Bậc thượng nhân,
Lập chùa tạo PHƯỚC thi ÂN cứu người;
Danh Y đại đức sáng ngời;
Thiền Tăng diệu dược đạo đời khắc ghi.”(10)

Về tiểu sử của Cố Hòa Thượng Thích Bửu Phước, tác giả Thích Vân Phong viết:

“Hòa thượng Thích Bửu Phước thế danh Nguyễn Văn Hương. Sinh vào giờ Thìn ngày mồng 9 tháng 9 năm Canh Thìn (12-10-1880) niên hiệu Tự Đức năm thứ 34, tại xã Bình Đông, tổng An Phú, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

Ngài xuất thân trong gia đình truyền thống Phật giáo. Thân sinh là cụ Ông Nguyễn Văn Sử và hiền mẫu là cụ Bà Nguyễn Thị Phố.

Năm Ất Dậu (1885) niên hiệu Hàm Nghi năm thứ 2, vừa tròn 6 tuổi, được song thân cho phép, Ngài đến Tổ đình Khải Phước Nguyên (Cây số 9, Quốc lộ 80, nay thuộc xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Bây giờ Tổ Như Khả hiệu Chân Truyền đang tiếp Tăng độ chúng, khi Ngài đến đảnh lễ, Tổ hoan hỷ hứa khả đồng thời thu nạp làm đệ tử. Sau đó thế độ cho Ngài và ban pháp danh Hồng Thiện hiệu Bửu Phước.”

“Năm 21 tuổi Ngài được Hòa thượng Bổn sư bổ nhiệm về Trụ trì Tân Phước Tự, Rạch Dược, làng Tân Bình, nay thuộc xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.”(11)

Chính ngôi chùa Tân Phước Tự này nằm bên tả ngạn vàm Rạch Dược, làng Tân Bình mà có lần tôi giới thiệu sáu bài minh của Cụ Bùi Xuân Hòa thuộc làng Cái Tàu Thượng trước tác và được khắc trên bảo tháp Ngài Yết Ma Trụ Trì chùa Tân Phước Tự và Thầy Bảy Lạc quê tôi chép lại, chính là ngôi chùa làng quê của tôi mà mãi tới nay tôi già quá mạng rồi nhưng sao mãi trong tâm tôi vẫn ngân vang tiếng chuông mõ ngày nào của ngôi chùa cổ xưa ấy!

Theo tài liệu vừa dẫn, thì vào “Năm Mậu Tý, vào giờ Dậu, mồng 10 tháng 02 ÂL (20/3/1948) Ngài an nhiên thu thần tịch diệt. Trụ thế 69 Xuân, Giới lạp 49 Hạ, Trụ trì 48 Đông.”

“Đương thời Ngài còn sinh tiền thì Bổn tự Phước Ân đã đáp ứng nhu cầu Phật hóa nhân gian, đánh dấu một thời hưng thịnh vì thế nên trong Ban chức sự chùa phải cử 3 vị Thủ tọa, 3 vị Thư ký, 3 vị Tri khách để phục vụ…Và người đời kính trọng thường tôn xưng Ngài Hòa thượng Cai Bường và có tài tiên tri hậu vận nên Sắc Tứ Tam Bảo.”(12)

Thưa cô Trần Thị Trung Thu,

Được biết Nhà văn Nguyễn Hiến Lê được về an vị tại chùa Phước Ân, một ngôi chùa rất xưa với Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Bửu Phước mê viết sách, biên soạn và dịch thuật nhiều kinh điển nữa chắc là Thầy Nguyễn Hiến Lê và Cô Nguyễn Thị Liệp sẽ vui lắm vì Thầy và Cô được trở về với cõi Phật để nghe kinh và có người để chuyện trò… Đặc biệt, qua  cuộc hành trình đi tìm mộ nhà văn Nguyễn Hiến Lê của Cô, một bạn đọc trẻ ngưỡng mộ văn tài và đức hạnh của Thầy, rất khế hợp với lời tiên đoán mà Thầy khi còn sanh tiền đã có lần tin tưởng rằng: “Ba mươi năm sau thì chắc có người còn nhớ tụi mình…”, tôi nghĩ nhà văn Nguyễn Hiến Lê lại càng vui hơn!

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Cô đã tìm được mộ Nhà văn Nguyễn Hiến Lê và mến chúc Cô cùng gia đình luôn luôn may mắn, an lạc, hạnh phúc.

Trân trọng,
 

LTT
10, 11 và 12/ Trích bài viết “Hòa Thượng Thích Bửu Phước” của tác giả Thích Vân Phong biên soạn (theo trang nhà www.thienphuoctu.net)