Cuộc sống, đôi khi trong tôi là cái cảm giác khó định hình. Tự suy diễn, tự an ủi rồi rơi vào những suy luận miên man. Tôi tự khuyên là, buồn quá thì hại phế, nghĩ quá hại tỳ, giận quá hại gan, hãi quá hại thận, xót quá hại tim… Chừng bấy nhiêu cái hại là đã cảm giác khủng hoảng.
Đang oải. Vài người bạn rủ rê đi Austin. Sẵn dịp chị Nguyễn Thị Huế Xưa – một cộng tác viên của Trẻ mời dự đám cưới cô con gái rượu. Có thể trong cơn mưu sinh, tôi đã quên bẵng là cần điền vào cái thiệp hồi báo, may mà còn kịp. Better late than never, tạm dịch trễ còn hơn không… đi!
Trời âm u, tù mù. Gần bốn tiếng đồng hồ tôi ngồi quẹo cổ sau cái yên ghế, màng nhĩ xập xình âm thanh từ cái mp3 mở hết “công suất”. Bản nhạc Set fire to the Rain âm hưởng liêu dị, tiếng hát Adele ám ảnh, len lỏi khắp hang cùng, ngõ hẻm tâm hồn…
Gần 1 giờ trưa đến Austin. Điểm hẹn ở Phở Sài Gòn. Đón khách là nhà văn Phạm Ngũ Yên, bộ dạng lỏng le và chiếc nón bê rê phảng phất chút phong trần nghệ sĩ. Tôi vừa chợt yêu cái giọng văn của “Những trang văn hổn hển ước vọng không qua hết cuộc buồn vui. Những tình yêu óng chuốt một thời…” (Phạm Ngũ Yên). Hội ngộ bàn ăn với Phạm Ngũ Yên, tôi cùng ba đồng hành (vợ chồng Hoàng Định Nam, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp), mấy lữ khách đường xa gặp tô phở nóng là cạn kiệt húp hít. Cám ơn tác giả của những trang văn Đẹp, Phạm Ngũ Yên.
Trấn an dạ dày xong là tấp xe vô cái quán Café Bagette tám chuyện, chờ tới 3 giờ check in Hotel. Ngồi nhâm nhi gần cạn đáy hũ yogurt, nghe Hoàng Định Nam nhận diện một nhân vật “thấy quen quen”; bộ não cũng cần năng lượng cho việc củng cố một ký ức chớ. Tay họa sĩ vẽ tiểu họa tên Tiên Nguyễn, đặc điểm nhận dạng ở cánh mũi phóng khoáng nhân sinh. Người mới gặp đã như quen, thời đại hai tếch, giao tiếp cũng xoàng xĩnh; bên mời, bên nhận lời chỉ chớp nhoáng gật đầu cái rụp. Ông họa sĩ thúc giục ngựa phi, mau đi chớ ở đây lâu tui “nổ quá” banh cái quán này bây giờ!

Tiên Nguyễn với “viện bảo tàng bỏ túi” tại tư gia
Tư gia của Tiên Nguyễn không giống như cái gallery mỹ thuật; mấy tác phẩm tiểu họa, lẫn lộn với mấy họa phẩm khác đóng khung trên tường. Tôi trỏ mắt nhìn qua cái kính lúp, một thế giới nghệ thuật thu nhỏ trong tầm mắt; liên tưởng đến một Thế giới Micro Art của Họa sĩ Hasan Kale người Thổ Nhĩ Kỳ. Hasan Kale mang cả nền văn hóa Isabul vào những bức tiểu họa thuộc loại hình Micro Art ở nét cọ vẽ siêu nhỏ, khắc họa tinh tế tạo nên một thế giới nghệ thuật phong phú trên hạt gạo, hạt điều, cánh bướm…
Căn phòng nhỏ chứa “đồ chơi” của tay “họa sĩ hột gạo” ví như cái “viện bảo tàng bỏ túi”, mang phong cách mỹ thuật hầm bà lằng, sưu tập từ tứ phương hoặc những sáng tác tự biên, thường là những tiểu họa được vẽ trên hột gạo, computer chip, cây đũa, độc chiêu hơn là tiểu họa trên cọng tóc. Tôi thì khá quen thuộc với thể loại Micro Art, Nhiếp ảnh có Micro Photography, chụp cận cảnh với độ phóng đại lớn đủ thấy những tiểu tiết cực nhỏ. Tiên Nguyễn kể ông đi cải tạo 7 năm; trong tù sáng tạo “Micro Art” bằng những tiểu họa trên “hột gạo” để “qua mặt” những tay cán bộ quản giáo trại giam.
Đến giờ check in khách sạn, chúng tôi hẹn anh chị Tiên Nguyễn ở nhà Nguyễn Thị Huế Xưa trưa mai. Về Hotel, kéo cái va li lên phòng số 113. Days Inn “hai sao” không quá xuề xòa. Lừ đừ thả mình trên cái giường king size thênh thang một cõi tôi. 30 phút nhắm mắt để thấy một chân trời tím ngắt…, rồi vội vã sắm sửa xiêm y. Tôi cát bụi phong trần, lãng tử miên man, giờ xiêm áo ôi thôi là nỗi khổ. Một giờ đồng hồ make up, đóng bộ, đầm bó, giày cao gót, không quá tệ!

Đặng Mỹ Hạnh với “Họa sĩ hột gạo”
7 giờ tối vừa kịp đến tiệc cưới. Đi ăn cưới, tôi chợt cảm giác nghễnh ngãng với những thanh âm của đời sống. Cặp đôi chú rể, cô dâu trẻ trung tương xứng; mười năm quen nhau để một đời chờ đợi cái khoảnh khắc “Ai đu”! Ai bảo tình yêu của thời hiện đại là thứ “Tình yêu cướp giật… và hạnh phúc chỉ dành cho kẻ nhanh tay”.
Bộ nhớ tôi cũng cần làm quen với những tên họ những cây viết “gà nhà” của Trẻ Austin: Phạm Ngũ Yên, Nguyễn Thị Huế Xưa, Chúc Chân. Gặp “Người đàn bà viết” Nguyễn Thị Minh Ngọc và ông xã (Nguyễn Ngọc Hoa) tác giả của những truyện ngắn có cái tên đầy nữ tính này luôn gây những ngộ nhận thú vị…
Gặp lại tác giả Gió Đồng Nội, bị thổi bay từ Florida qua tới tuốt Austin. Trái đất méo tròn mặc kệ, gặp chị là tay bắt mặt mừng.
Tiệc tàn, ra về giữa lãng đãng dòng đời. Downtown phố cuối tuần, định bát phố, đôi giầy cao gót bỗng nhiên trở thành một nỗi ám ảnh có tên gọi, chưa kể cơn nhức đầu đang nổi loạn đến bần thần, cảm giác nôn ói.
Về hotel, chui vô toilet cho chó ăn chè, tắt đèn tối thui để giảm cường độ áp lực cơn nhức đầu. Nhắm mắt là thăng tới Pháp!
Rồi một ngày mới ở Austin, ăn trưa ở nhà Huế Xưa. Đi Austin mà chỉ lẩn quẩn từ nhà tới nhà; không ngao du ngoại cảnh nhưng bù lại rất ấm áp những thân tình bạn hữu. Vườn sau nhà Huế Xưa, tôi đứng quan sát một cặp ếch lớn cỡ bàn tay, nổi lừ đừ và đang lim dim lạc thú “cõng nhau” dưới lớp lá bông súng xanh mướt trong hồ nước nhỏ. Tào lao đố Hoàng Định Nam con nào đực, con nào cái. Trả lời, con trên lưng theo thế ngựa phi chắc là con cái! Ếch ở Texas cũng mang phong cách cao bồi nữ. Kể chuyện rắn. Rắn là “đặc sản” của Texas nên người Việt lo trồng bụi sả để khử rắn. Huế Xưa kể một người bạn trồng được mấy bụi sả sau vườn nhà đã vội hăm hở; một sớm ra vườn, giật mình thấy nguyên con rắn tổ chảng đang khoanh tròn quanh bụi sả. Bó tay!
Cơm trưa tôi hỉ hả với món bún bò Huế, bánh xu xê. Tay “Họa sĩ hột gạo” Tiên Nguyễn, tái xuất giữa hội nghị bàn ăn, rồi tranh thủ “cướp diễn đàn” với đủ mảng đề tài thiên địa…
Lên xe, dong ruổi về với những níu kéo, bận rộn của đời sống, dẫu cuộc vui vẫn chưa hồi kết. Tiếc là không còn giờ cho buổi “trà đạo” tại tư gia Chúc Chân. Lỉnh kỉnh với cái nghề chơi này cũng lắm công phu.
Ông họa sĩ cho biết, tôi được đặt biệt danh “Hoa hậu ngổ ngáo”. Hmmm… có lẽ, từ những miên man tôi và cái “nòng” ống kính bazoka tổ chảng, chắc vậy.
Rời Austin, chưa hẹn trở lại…

Từ trái qua phải (ngồi) Nguyễn Ngọc Hoa, Chúc Chân, Nguyễn Thị Huế Xưa. Hàng đứng: Ian Bùi, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Xuân Thiệp, Đặng Mỹ Hạnh. (Photo Hoàng Định Nam)