Menu Close

Những thắc mắc thường ngày – phần 4

Tại sao nam giới đeo cà-vạt?

Binh lính La Mã ngày xưa đeo một mảnh vải chung quanh cổ để giữ ấm trong mùa đông và thấm mồ hôi vào mùa hè. Thấy đẹp và tiện, các đạo quân khác bắt chước theo. Trong cuộc Cách mạng Pháp (1789) quân theo Hoàng gia và quân nổi loạn dùng loại khăn đeo cổ màu sắc khác nhau để phân biệt mình theo phe nào. Họ dùng mẫu mã và từ ngữ “cravat” của Quân đội Croatia để chỉ khăn đó. Sau này cà-vạt trở thành thời trang ở Pháp rồi lan rộng khắp thế giới, với nhiều màu sắc khác nhau, và không thể thiếu trong tủ áo của nam giới. Ngày nay cả phụ nữ cũng bắt chước dùng theo.

 

 

alt

Tại sao chúng ta nâng ly chúc mừng ?

Trong những dịp đặc biệt, như tiệc đám cưới hoặc đãi khách, ta cầm ly đưa lên cao để chúc mừng, người Mỹ gọi là toast. Tập tục này đã có từ rất xưa.

Khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, người Hy Lạp đã khám phá ra cách hữu hiệu để trừ khử kẻ thù là chuốc rượu có pha độc dược. Vì thế, trong những buổi tiệc tùng, chủ nhân đãi khách phải uống trước nhất để chứng tỏ rượu không có độc. Người La Mã sau này bỏ thêm vào rượu một miếng bánh nướng cháy (gọi là “tostus”) vì bánh hút đi chất acid làm cho rượu uống ngon hơn. Vừa nâng ly rượu vừa nói lên những lời chúc mừng hoa mỹ là cách bảo đảm cho khách mời rằng họ được an toàn trong bữa tiệc. Từ “toast” có gốc từ “tostus” nói trên.

 

 

alt

Tại sao tượng nữ thần công lý bị bịt mắt?

Để đề phòng những “mánh mung” trong tòa án có thể làm ảnh hưởng đến cách xét xử của phán quan, các vị vua (pharaoh) Ai Cập ngày xưa đã truyền lệnh rằng các vụ xử án đều phải thực hiện trong phòng tối, tuyệt đối không có ánh sáng. Như vậy, quan tòa sẽ không bị phân tâm bởi bất cứ chuyện gì khác ngoài các sự kiện thực tế của vụ án. Nguyên tắc này đã gây cảm hứng cho các nghệ sĩ tạo hình tượng Nữ thần Công lý, mà ta thường thấy phía bên ngoài các tòa án ngày nay. Tay nữ thần cầm cán cân công lý, mắt có giải băng vải bịt kín, với ngụ ý rằng mọi xét xử đều công minh, không bị chi phối hoặc thiên lệch. Nhưng đây chỉ là lý thuyết, áp dụng thực tế ra sao cứ nhìn vào các Tòa án ở Việt Nam và những bản án xét xử các thanh niên yêu nước gần đây thì rõ.

 

 

alt

 

 

alt