Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Kỳ 10
Buồn chứ. Con người có phải gỗ đá đâu mà không biết buồn. Khi không đang dạy ngon lành thì hiệu trưởng gọi lên văn phòng cho nghỉ việc ngang hông. Tất nhiên là có lý do nhưng tất cả các lý do đều có lý lẽ dứt khoát muốn tôi rời bỏ công việc xét ra không phù hợp. Về phòng, tôi video chat cho Ba Me báo “tin vui” ngay sau lời hỏi thăm thường lệ “công việc thế nào hả con”. Tôi nói “con bị đuổi rồi” cùng với nụ cười gượng gạo. “Nghe tội chưa! Mất việc mà còn cười được với cái miệng lật ngược”. Chẳng lẽ bị đuổi việc người ta phải khóc mới là buồn hay sao!
Tôi nói “tin vui” hoàn toàn đúng nghĩa, bởi ngay từ đầu Ba Me tôn trọng quyết định đến Hàn dạy tiếng Anh của tôi chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng. Cha mẹ nào lại không muốn con cái ngoan ngoãn nghe lời chỉ dạy và càng không muốn đứa con rời bỏ mình đến phương trời xa làm công việc tạm thời để thỏa chí phiêu lưu hơn là chọn việc như một sự nghiệp phải theo đuổi. Đối với tôi những công việc người ta cho là tạm đó cũng là một việc làm như bao ngành nghề khác. Chỗ này có nhu cầu cần đáp ứng, chỗ khác thì không. Điều này không có nghĩa khi người ta tìm kiếm một việc làm tạm thời thì không cần hết mình chuyên tâm cho công việc mặc dầu tôi vẫn đùa, nói mình là cô giáo bất đắc dĩ do việc làm trái với ngành học được đào tạo. Stanley, Joanna hay Kim lại khác, xuất thân từ ngành sư phạm, dạy học tại nước mình hay bất kỳ nước nào thì vẫn là các thầy cô giáo. Còn tôi hay hàng ngàn người khác đến từ các nước nói tiếng Anh, chưa qua trường lớp từ ngành sư phạm thì kém khả năng dạy học cũng là điều dễ hiểu.
Ba hỏi lý do. Tôi chần chừ trả lời vì chưa biết nói sao cho gọn. Thật sự buồn cười nếu nói đúng theo lời chị hiệu trưởng gọi tôi vào phòng ngay sau tiết học chiều cuối tuần và cũng là cuối tháng vừa mới kết thúc cách đây vài tiếng đồng hồ. “Bốn tháng qua, theo đánh giá chuyên môn cô dạy khá tốt nhưng không hiểu sao nhiều phụ huynh cho rằng cô làm học sinh sợ sệt không dám phát biểu đâm ra thụ động, không có hứng thú vui chơi trong lớp…”. Cho dù những câu nói của chị Young phân trần ở dưới hình thức nào đi chăng nữa thì nội dung chính của chúng vẫn là: Bạn đã bị đuổi việc!
Lúc ấy tôi có cảm giác như bị một cơn sóng lớn ập tràn qua người khiến đôi chân hụt hẫng chơi vơi trong khoảnh khắc nhưng rồi dòng nước lại rút nhanh ra khiến tôi thấy bàn chân vẫn còn bấu víu trên mặt đất, vẫn còn kiểm soát được sự cân bằng để không bị loạng choạng. Không cần phải hỏi thêm lý do cụ thể nào nữa, nhìn gương mặt lạnh tanh của chị hiệu trưởng, tôi biết mọi chuyện đã thật sự kết thúc. Tôi là người nóng tính, ấy thế không hiểu sao lúc đó tôi lại nén được cảm xúc của mình, giữ được tâm trạng điềm tĩnh và bình thản đón nhận một kết cuộc bất ngờ không cần báo trước. Tôi không biểu lộ vẻ mặt tổn thương hay tự ái hoặc tức giận của một người bị cho thôi việc bất ngờ. Tay nhận chiếc phong bì chi phiếu lương tháng chị Young đưa cho cũng giống như hồi mới đến Daejeon chị mua cho chiếc bánh hamburger với lời cám ơn mà chẳng đòi hỏi gì thêm mặc dù lúc đó tôi rất đói bụng muốn ăn thêm cái nữa. Tôi hiểu vé máy bay khứ hồi cũng sẽ chẳng có bù đắp được gì vì rằng trong hợp đồng ghi rõ “vé bay được cấp sau khi kết thúc công việc dạy học theo hợp đồng 12 tháng” nên chuyện đòi hỏi quyền lợi của mình sẽ hóa ra tính toán nhỏ nhen. Có điều hiệu trưởng cho phép ở lại phòng chỉ trong hai ngày cuối tuần để thu xếp thì quả là cạn tàu ráo máng. Thử hỏi hai ngày cuối tuần tôi có thể làm gì được, giả như có mua được vé bay thì đâu phải đi liền như tàu điện, xe buýt ngoài đường.
Phải mất mấy phút hồi tưởng chuyện bị đuổi việc hồi chiều, tôi mới có câu trả lời ngắn gọn cho Ba. “Tại mấy đứa nhỏ nghịch ngợm, nói không nghe con nghiêm mặt trừng mắt. Chỉ có vậy mà tụi nó về nhà méc phụ huynh”. Lời nói thật lòng của tôi khiến Ba Me phá lên cười ha hả. “Già như ba mỗi khi thấy con lườm nghiêng đôi mắt còn sợ huống chi tụi con nít! May là con chưa cốc đầu hay đét đít tụi nó, không khéo sự việc còn tồi tệ hơn với tội ngược đãi trẻ em nữa là đằng khác”.
Vấn đề có đi xa đến vậy không? Nhưng nghe Ba Me nói, không biết đùa cho vui hay lời nói thật, làm tôi giật mình phải suy nghĩ lại về cách ứng xử của mình. Đúng là tôi có cái nhìn sắc lẻm với một ai khi không bằng lòng một hành động hay một lời nói chạm đến tự ái tôi. Rất có thể cái nhìn đó để lại ấn tượng xấu, khó chịu cho người đối thoại.
Nhớ cách đây mấy tuần, chị Young có nói đứa con trai của chị theo học lớp tôi, về nhà cứ nằng nặc đòi qua lớp khác vì sợ cô giáo. Rồi chị “giáo huấn” cho tôi một loạt cách ứng xử cô giáo mầm non là phải dịu dàng thế này thế nọ…, tìm cách làm cho con nít thích mình. Học sinh có thích cô giáo thì tụi nó mới nghe lời, mới học tốt. Dường như hiệu trưởng lúc đó đang say sưa mắng vốn hơn là trao đổi nghiệp vụ sư phạm về tâm lý trẻ con. Thế nhưng chị Young đâu biết con trai mình vào lớp phá như giặc. Nói nhỏ nhẹ không nghe, không la tụi nó, không đe chúng sợ thì làm sao giữ được trật tự trong lớp.
Ngay cả tôi cũng đâu biết dạy mấy đứa con nít khó như thế này. Nếu căn cứ theo hợp đồng tôi đâu phải đến đây để làm cô giáo mầm non. Cái lỗi từ phía nhà trường không phải từ phía tôi cho dù cách ứng xử của tôi có vấn đề thế nào đi nữa thì không phải tôi là người phá hủy hợp đồng.
Nhóm trò nhỏ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài
Me tôi an ủi: “Cứ coi như một chuyến đi chơi. Bây giờ con thu xếp bay đi Sài Gòn thăm bà nội, cô chú cho thư thả rồi trở về nhà học tiếp”. Thế nhưng, đối với tôi đây không phải là một chuyến đi chơi bình thường mà là một chuyến đi xa, xa lắm đến nhiều nơi theo những hoạch định đã sắp sẵn trong đầu. Tôi trông mong công việc dạy học tại Hàn suôn sẻ để có tiền thực hiện một chuyến đi xa đến chân trời góc bể mà tôi cho đây là một cơ hội hiếm khi có được, để khỏi luyến tiếc những điều mình mong muốn thực hiện bấy lâu nay. Bởi khi quay về nhà có thể tôi sẽ không còn hứng thú nữa, không còn đủ sức mạnh nâng cao đôi cánh bay xa đến những chân trời mới, không còn thời gian nữa vì những công việc khác đang chờ phía trước. Hãy làm tất cả những gì có thể làm trong lúc mình có thể thực hiện được, kẻo khi đến bốn mươi ta lại bắt đầu tiếc nuối tuổi hai mươi.
Bây giờ mọi chuyện đã kết thúc, nhưng tôi không phải là người dễ đầu hàng khi chưa tìm hết cơ hội để đạt đến mục đích. Điều làm ngay lúc này là tĩnh tâm tìm cách ứng phó ra sao chứ không phải lúc quay đầu nhìn lại phía sau, xem xét nhân quả trong công việc. Dọn ra khách sạn ngay lập tức thì quá dễ dàng với số tiền dành dụm trong bốn tháng nay. Gọi điện thoại xem lại tài khoản thẻ ngân hàng xong, tôi nghĩ nán lại hai ngày xét ra cũng tiết kiệm được đôi chút nhưng quan trọng hơn là có thời gian thuận tiện liên lạc với bạn bè có thể giúp mình xoay xở tìm cơ hội mới.
Joanna và Stanley dạy xong lớp tối, về đến nhà là ghé sang phòng tôi sẻ chia những lời an ủi. Tình cảm của hai người bạn đồng nghiệp làm tôi thật cảm động. Ngày mới chân ướt chân ráo đến đây, hai người đã giúp đỡ tôi rất nhiều, khuyến khích và truyền thêm sức mạnh tự tin cho tôi trong những giờ dạy đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ. Nhất là Joanna xem tôi như đứa em gái, có gì ngon đều đem qua phòng tôi chia sẻ. Nhiều lúc hai chị em tâm sự những chuyện linh tinh trong cuộc sống, cuộc đời đến tận khuya lơ khuya lắc. Tôi học được nhiều điều từ Joanna, từ Stanley với niềm tin yêu cuộc sống và lòng đam mê nghề nghiệp.
“Bạn tính sao, về nước hay ở lại cho một kế hoạch khác?”, Joanna trìu mến vỗ về vai tôi. “Ở lại Daejeon làm bầu bạn với chị cho vui”, câu trả lời bằng cái giọng dứt khoát của tôi khiến Joanna đứng bật dậy búng tay nghe cái trốc. “A ha, con nhỏ này coi vậy mà nghĩa khí. Ngon lành hơn anh chàng Tom vừa mới bị mất việc, vội xách va li bay ngay về nước. Tính kiên cường và can đảm của bạn làm tôi bái phục rồi đó nha”.
Nghe Joanna nói mà lòng tự thẹn không biết mình có đáng được thế không. Tính khí bốc đồng nông nổi nhất thời của một đứa con gái như tôi khiến cái đầu trở nên bướng bỉnh, kiên trì thực hiện bằng được ý muốn của mình hay gân miệng nói suông cho đã tức. Joanna nhắc lại một lần nữa đề nghị tôi nên nhận lời dạy kèm tư gia, thu nhập bằng phân nửa tại trường nhưng tạm thời là một cứu cánh để tôi có thời gian tìm công việc khác. “Tôi hứa tìm cho bạn một chỗ ngay trong nay mai”, Joanna nói chắc nịch. Trong khi Stanley cho biết thông tin từ hành lang, tuần tới sẽ có một giáo viên mới đến từ New Zealand.
Bây giờ ai đến cũng vậy thôi, chỉ cầu mong mọi sự tốt lành như mảnh giấy Tom đính trên cửa tủ gởi lời chào đón tôi. Tom, anh chàng ở phòng này, đến Hàn dạy tiếng Anh kiếm tiền thỏa mãn những chuyến thăm thú đất nước Hàn quốc và Nhật Bản đã kết thúc sau sáu tháng làm giáo viên bất đắc dĩ. Tôi cũng vậy, những giáo viên đến – đi như Tom và tôi có khác nào những cầu thủ dự bị trong một đội bóng nội địa thuê mướn cầu thủ nước ngoài. Tom may mắn hơn tôi đá xong một hiệp, còn tôi chưa dứt hiệp đã bị đổi người. Nói chung là tôi đá dở, khán giả học sinh không thích, la ó khiến ông bầu hủy bỏ hợp đồng. Bây giờ tạm thời nhận dạy kèm tư gia chẳng khác nào đi dạy chui không giấy phép, không dưới danh nghĩa giáo viên của một trường quốc tế nào đó, tự dưng tôi trở thành một người nhập cư lao động bất hợp pháp chẳng khác giới công nhân người Việt hết hoặc bị cắt hợp đồng trốn lại Hàn quốc đi làm thuê trong một vài điền trang mà tôi gặp khi về chơi vùng quê bà cô của Kim. Lòng tốt của Joanna giúp đỡ tôi đành để đó. Có lẽ chị không hiểu trong đầu tôi đang nghĩ gì trong tình thế mất việc lại còn sĩ diện, bởi tôi đang lục lọi trong đầu tìm kiếm những cơ hội tốt hơn từ các mối quan hệ bạn bè quen biết trên mạng đi dạy tiếng Anh ở nước ngoài.
Stanley phá tan bầu không khí không vui bằng một bữa đãi ăn khuya. Joanna nói “có lý”, còn tôi tạm gác chuyện này, buông xả phiền muộn cho tươi tỉnh cái đầu.
“Buồn ơi! Ta xin chào mi, khi việc làm đã bỏ ta đi!”.
NL