Menu Close

Buồn vui hè này

Thương nhất là bọn trẻ Sài Gòn, mùa hè chỉ vẻn vẹn hai tháng, một tháng ăn ngủ trả bữa, một tháng bận rộn học thêm, rồi vào luôn năm học mới. Cái vụ học thêm ở thành phố, cũng hết sức đa dạng. Thường phụ huynh cho con đi học không phải từ năng khiếu, từ nhu cầu thực sự của con trẻ mà thường từ ý thích cá nhân, ganh đua phong trào, khẳng định ‘đẳng cấp’.

alt

Giáo viên vùng quê Đồng Tháp mở lớp hè

Thi cử

Trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học niên khóa 2012- 2013, cả nước Việt Nam có gần một triệu thí sinh đồng loạt dự thi ở 40,000 phòng thi khác nhau. Nhìn chung, sau ba ngày thi sáu môn văn, hóa, địa, sinh, toán, ngoại ngữ, học sinh và giáo viên đều đánh giá đề thi tốt nghiệp không khó. Dự trù, chậm nhất đến ngày 18/6 sẽ có kết quả thi.

Riêng Sài Gòn, kỳ thi này thu hút 70,000 sĩ tử, hầu hết đi thi đều có người nhà hộ tống, mắt đeo kính dầy cộm, mặt mày tuy sáng sủa song xanh xao, căng thẳng. Nhìn bộ vó công tử của chúng, kẻ viết bài không dám tin tưởng ngày mai tương lai nước nhà có thể đặt vững vàng trên đôi vai hẹp, cái lưng gù, con mắt ‘nhìn một hóa hai’ của thế hệ được mệnh danh là con ngoan trò giỏi hôm nay. Phụ huynh có con thi “Tú tài” ai cũng hồi hộp, dậy sớm, ‘phò’ con tới địa điểm thi (lắm khi xa nhà vài chục cây- lô- mét), ngồi đứng vạ vật ngoài cổng trường, kháo chuyện với người đồng cảnh, thỉnh thoảng liếc đồng hồ, sốt ruột chờ nghe tiếng trống báo hết giờ làm bài. Đủ ba ngày thi, là ba ngày ‘con đi trường học, mẹ đi trường đời’.

alt

Mùa hè, học sinh lớp 9 vẫn phải lo ôn thi

Vui hè

Không như các anh chị cuối cấp 3 khổ sở vì thi tú tài đầu Tháng 6, thi đại học đầu Tháng 7, bọn nhóc cấp 1 cấp 2 đã được nghỉ hè, tha hồ ngủ muộn, chơi game, đá banh, trèo cây. Mặc cho ‘người lớn’ bày ra khẩu hiệu ‘Tháng Sáu- tháng chăm sóc thiếu nhi, đặc biệt thiếu nhi dân tộc thiểu số’, nhân ngày Quốc tế Thiếu Nhi, hầu hết ‘người bé’ đều ‘ngơ biết’. Học trò vùng biển, vùng ruộng, vùng núi, vùng rừng, đa phần gầy gò, đen nhẻm, mặt mũi ngây ngô. Con trai quần lửng cởi trần, con gái đồ bộ lôi thôi. Buổi sáng chúng theo cha mẹ đi trút mủ cao su, lựa cá tạp, cuốc nương, đốt cỏ, giăng câu. Buổi chiều dong trâu bò, cắt cỏ cho thỏ, trông em, nấu cơm… Rảnh rỗi, lại cõng em ra ngõ, hú bạn bè bày trò nghịch đất cát, đánh đu, xước mía, thọc xoài, nhổ khoai mì. Chúng hầu như không ‘bị’ đi du lịch, shopping, học hè. Cảnh đứt bữa, độn ngô khoai không thường xảy ra. Chuyện thiếu áo quần, thiếu thuốc men cũng ít. Nói chung, không tiến lên thì tiến ngang chứ không đến nỗi tiến… xuống sông!

Thương nhất là bọn trẻ Sài Gòn, mùa hè chỉ vẻn vẹn hai tháng, một tháng ăn ngủ trả bữa, một tháng bận rộn học thêm, rồi vào luôn năm học mới. Cái vụ học thêm ở thành phố, cũng hết sức đa dạng. Thường phụ huynh cho con đi học không phải từ năng khiếu, từ nhu cầu thực sự của con trẻ mà thường từ ý thích cá nhân, ganh đua phong trào, khẳng định ‘đẳng cấp’. Nắm bắt tâm lý này, các nhà văn hóa thiếu nhi, các đoàn thể, trung tâm, tha hồ vẽ vời đủ loại du học hè Singapore, lớp năng khiếu vẽ, hát, múa ba lê, võ Taekwondo, Vovinam ngắn hạn. Xu thế ‘ăn bớt’ hè mới đầu còn lẻ tẻ, nay lan tràn khắp Sài Gòn- Hà Nội, do sự đồng thuận của nhà trường, giáo viên, phụ huynh. Nhà trường, giáo viên muốn dạy nhiều để kiếm thêm tiền, phụ huynh muốn ‘xua’ con đến trường, muốn gửi con nội trú, bán trú để rảnh tay làm ăn, đi sớm về trễ. Chỉ tội lũ trẻ thèm chơi diều, thèm viết lách mộng mơ, thèm khám phá thiên nhiên nhưng chưa tàn giấc mơ đã phải trở về kiếp ‘phu thồ chữ’. Chúng sợ hãi, chán ghét học đường nhưng không thể chống cự, nổi loạn mà cứ phải è cổ học những kiến thức ‘chẳng để làm gì’, những môn học ‘thà không có còn hơn’, giành giật những danh hiệu tiên tiến, xuất sắc làm vui lòng cha mẹ. Mùa hè của chúng thật nghèo, thật buồn! Nhưng so với trẻ thất học, vào đời sớm bằng nghề bán vé số, bưng hủ tiếu, ăn xin, bế em, thì vẫn còn sung sướng chán!

alt

Học trò nhà quê, tự tạo niềm vui mùa Hè

Về nguồn

Cũng cùng tâm trạng ghét học, sợ học, hai mươi năm trước, lớp học trò cuối cấp ba trường Cái Bè của kẻ viết bài là những đứa bé đơn sơ, dễ mến. Mùa nước lớn, chúng chèo ghe đến lớp, áo dài quần dài, giầy dép bỏ hết vào cặp. Lúc nói năng, vần ‘g’ vần ‘r’ lẫn lộn lung tung, kiểu ‘bắt ‘cá gô (rô), bỏ vô gổ (rổ) nhảy gào gào (rào rào)’. Khi rời trường, có đứa hành nghề chạy xe ôm, có đứa ngồi chợ bán cá, cho vay trả góp, có đứa đi tu, có đứa ‘chống lầy’ vài bận, có đứa ‘dô’ Sài Gòn mở công ty, viết báo, đi định cư nước ngoài… Tháng 5, Tháng 6, buổi trưa đi làm về, nhìn hoa phượng nở đỏ ối, nghe tiếng ve chói lói trên tán cây, bệnh nhớ trường xưa lớp cũ ở đâu tự nhiên kéo đến ‘gào gào’, trở tay không kịp, chúng bấm điện thoại rủ nhau lập ban tổ chức, lên chương trình về nguồn, kêu gọi quyên góp, canh gần ngày bế giảng năm học ở trường cũ là … ‘úm ba la, chúng ta xuất hiện’. Khỏi nói cũng biết sự có mặt đột ngột của mấy chục con ‘cá gô’ Sài Gòn bảnh bao, đi xe hơi, mang đồ đoàn lỉnh kỉnh đã khiến cái trường nhỏ xôn xao cỡ nào. Ban giám hiệu, giáo viên miễn cưỡng đón tiếp, hỏi han. Rất nhiều gương mặt đã không được nhận ra, nhiều cái tên đã bị lãng quên. Cho tới khi kỷ niệm cũ thức dậy mới thầy này kêu ‘Té ra là…thiệt mày hả mày?’, thầy kia thảng thốt ‘Trời ơi, chưa chết ha, đồ quỷ!’. Toàn trường vui như Tết. Càng vui hơn khi ‘cá gô’ đàn anh mang theo về gần 100 triệu đồng phát học bổng cho ‘cá gô’ đàn em học giỏi nhà nghèo, không quên cả quà cho nhà trường, cho từng thầy cô cũ.

Về lại Sài Gòn, gọi điện tường thuật chuyến đi, Tr, cậu học trò thân thiết ‘báo cáo’ ngắn gọn với kẻ viết bài, ‘nhìn chung 8 điểm trên 10. Nhớ cô dặn, tụi em ai cũng nói ít, uống ít, chơi văn nghệ, thi đấu thể thao chỉ cầu vui, không cầu thắng’. Còn Mỹ D. thì kể, ‘Gặp thầy Th, từng phạt lớp mình chào cờ ngoài nắng, từng cho em điểm không vì tội dám ‘ trả treo’ với thầy, thầy hỏi em còn nhớ thù xưa không. Em nói nhớ, bị thầy cười hì hì, nhéo tai hai cái’. Kẻ viết bài mừng, thấy khi các em còn trẻ, đường đời chỉ hăm hở lo đi sao cho mau tới đích. Khi đứng tuổi, phạm nhiều sai lầm, mới có phần bước chậm, cúi đầu, nghiêng vai, quay lui, trở về trường cũ, ‘xin đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau’. Chuyện trở về của các em, như thế, là nhu cầu, là đạo lý, là văn hóa thực sự, chứ không phải ép buộc, màu mè. Không mừng sao được!

alt

Vui hè trên bãi biển Bình Châu- Bà Rịa Vũng Tầu

XH