Chào bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Tôi có một cháu trai, năm nay 9 tuổi. Từ hơn hai tháng nay, cháu nó cứ hay thức dậy ban đêm, rồi đi lang thang trong nhà như là tìm kiếm cái gì, khoảng mươi phút, rồi lại lặng lẽ về giường ngủ. Sáng ra tôi hỏi cháu, thì nó nói nó không biết. Tôi nghĩ là cháu nó bị bệnh mộng du gì đó. Xin bác sĩ cho một lời khuyên phải làm gì.Lê Thị Nhàn- Waco
Đáp
Thưa bà,
Cứ theo như bà kể thì rất có thể cháu nó bị mộng du.
Với y khoa, tiếng Anh của Mộng Du là Somnambulism hoặc bình dân dễ hiểu hơn là Sleepwalking. Đi Trong Khi Ngủ, Miên Hành.
Bệnh nhân đi lại trong khi ngủ và thực hiện một số động tác một cách bán tự động, mà khi thức dây, không nhớ là mình đã làm gì. Các động tác này đôi khi có thể gây nguy hiểm tới tính mệnh của mình hoặc cho người khác.
Bệnh thấy ở mọi lứa tuổi nhưng thường thấy nhất là ở trẻ em. Cứ 100 em thì từ 2-14% bị bệnh. May mắn là 25% các em này sẽ hết bệnh khi đạt tuổi trung niên. Người lớn cũng bị bệnh, nhưng ít hơn: 100 người chỉ có 2 người mắc bệnh.
Mộng du thường xuất hiện khoảng 1 hoặc 2 giờ sau khi người bệnh rơi vào giấc ngủ, tức là vào thời gian đang ngủ say nhất của ban đêm. Mộng du ít khi xảy ra khi ngủ trưa. Bệnh cũng không xảy ra mỗi đêm, có khi lâu lâu mới bị.
Bình thường mộng du kéo dài mươi mười lăm phút, đôi khi cả giờ và có thể kết thúc đột ngột. Người mộng du trở lại giường ngủ tiếp.
Rủi ro đưa tới mộng du
Nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ em chưa được biết rõ nhưng một số rủi ro đưa tới tình trạng này ở người lớn đã được nêu ra:
-Tác dụng của rượu, thuốc cấm: Trước khi đi ngủ mà uống nhiều rượu hoặc dùng thuốc cấm đều có thể gây ra mộng du với các hành động nguy hiểm tới tính mệnh
– Căng thẳng tinh thần, lo âu cũng là rủi ro thường thấy;
– Thiếu ngủ kinh niên có thể tạo ra cơn mộng du, mặc dù trước đây chưa bao giờ bị.
– Di truyền, thừa kế gia đình. Theo thống kê, nếu cha mẹ hoặc người thân mộng du thì rủi ro mộng du ở con lên tới 10%
– Một vài loại dược phẩm như thuốc an thần, thuốc chống kinh phong, điều hòa rối loạn nhịp tim, thuốc kháng histamin
– Trong các bệnh kinh phong, bệnh tâm thần, ngộp thở khi ngủ, cường tuyến giáp, thiên đầu thống, nóng sốt cao độ.
– Thay đổi hormon trong cơ thể như khi có thai, có kinh nguyệt, thời kỳ mãn kinh, trong thời gian phát triển tuổi thanh thiếu niên.
– Tiếng động hoặc ánh sáng bất thường cũng có thể là nguy cơ gây ra mộng du.
– Trường hợp nước tiểu quá nhiều trong bàng quang cũng kích thích cơ thể, đưa tới mộng du.
Người già cũng thường hay mắc mộng du đặc biệt là ở quý vị bị rối loạn trí nhớ, lú lẫn.
Phải làm gì khi bị mộng du?
Nếu ít khi xảy ra và không gây hậu quả trầm trọng, chưa cần điều trị, mà chỉ quan sát, áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Nếu thường xuyên xảy ra, với hậu quả nguy hiểm cho đương sự và người khác, cần được bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám và điều trị.
Với thân nhân có người nhà bị mộng du, nên lưu ý những điểm như sau:
– Trước hết là cần tìm hiểu, hỗ trợ bệnh nhân;
– Áp dụng các biện pháp giảm yếu tố có thể gây ra rủi ro cho bệnh nhân như :
– để bệnh nhân ngủ ở tầng trệt;
– phòng ốc ít đồ đạc sẽ gây trở ngại cho sự đi lại của người mộng du;
– cài buộc cửa sổ cửa ra vào, đặt chuông báo động ban đêm;
– loại bỏ các vật dụng sắc bén gần nơi bệnh nhân ngủ;
– Với em bé mộng du, nên nhẹ nhàng vỗ về, hướng dẫn em trở lại giường ngủ.
– Không nên cố ý đánh thức người đang lang thang mộng du, tránh gây ra kích động tâm trạng khiến họ có thể tấn công mình. Ngược lại nên im lặng theo dõi, đề phòng rủi ro.
– Đánh thức em bé dậy khoảng mươi mười lăm phút trước thời gian các em hay mộng du.
– Giúp các em giảm thiểu mệt mỏi và giúp các em sắp đặt thời gian ngủ đầy đủ, đúng giờ.
Về trường hợp của cháu, chắc là bà nên đưa cháu tới bác sĩ gia đình trước, để khám bệnh chung coi xem có gì bất thường trong cơ thể. Rồi nếu cần, sẽ đưa cháu tới bác sĩ chuyên về trị bệnh tâm lý psychiatrist để hướng dẫn điều trị. Trong khi chờ đợi thì bà để ý quan sát hỗ trợ cháu, giảm thiểu các rủi ro có thể gây nguy hiểm cho cháu, như chúng tôi đã ghi ở trên đây. Đồng thời cũng tạo niềm vui trong gia đình, để cháu cảm thấy có tình thương, ngủ ngon hơn. Theo các nhà chuyên môn y khoa, với tăng trưởng cơ thể, tinh thần ổn định thì chứng “lang thang ban đêm” của các cháu cũng bớt dần.
Chúc bà và gia đình bình an.
Gai cột sống
“Cách đây 10 năm tôi có chụp X-quang và được chẩn đoán là gai cột sống cổ. Vừa qua tôi đi chụp X-quang thì bác sĩ bảo là phim bình thường, không bị gai cột sống, và chẩn đoán tôi bị viêm dây thần kinh. Tôi rất phân vân vì trong vòng 10 năm qua tôi chỉ uống Canxi và châm cứu, chưa thực hiện cuộc phẫu thuật nào. Bác sĩ cho tôi hỏi là bệnh gai cột sống đã hết hay phim X quang không chính xác?
Tôi xin cảm ơn bác sĩ. Hoàng Công
Đáp
Chào ông Công,
Gai cột sống tiếng Anh gọi là bone spur. Trong cơ thể, tế bào xương luôn luôn hủy hoại và tạo ra xương mới. Khi xương thoái hóa, cơ thể tạo ra xương mới để bù đắp, một chút chất liệu làm xương nào đó mọc quá nhanh tạo ra một cái gai. Bình thường gai này không gây đau, và chỉ gây đau khi gai chạm vào dây thần kinh cột sống. Vì thế chỉ điều trị khi gai gây đau, bằng giải phẫu hoặc chích thuốc. Gai cũng có thể vỡ ra từng mảnh chạy lung tung, vì thế khi ông chụp phim mới đây không thấy gai.
NYD