Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Kỳ 11
Người ta nói rằng cuộc sống quá ngắn ngủi để đợi chờ nên phải tận dụng từng phút từng giây. Điều này đúng trong tình huống vào đêm qua khi tôi vội vã email cho Irene – cô giáo người Anh quen trên mạng đang dạy ở một trung tâm tiếng Anh dành cho học sinh trung học cách nơi tôi ở hai mươi phút lái xe. Chúng tôi vẫn thường giữ liên lạc và đôi lần hẹn nhau ăn tối cuối tuần. Tháng rồi Irene cho biết, trường cô có một giáo viên sắp mãn hợp đồng. Thú thật lúc đó tôi nghĩ có nên ra đi không trong khi công việc đang tốt đẹp và cũng không muốn thay đổi hoàn cảnh làm việc của mình do đã quen và yêu mến trẻ nhỏ. Giờ không biết trường cô đã tuyển dụng được giáo viên mới chưa? Tôi kể hết chuyện bất ngờ bị đuổi việc với niềm hy vọng mong manh.
Thế nhưng đã qua hơn ba mươi sáu tiếng đồng hồ mong đợi email và cú phôn hồi âm của Irene trong vô vọng, tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang. Bởi thời gian với tôi hiện giờ không còn tính từng giờ mà là từng phút giây đếm ngược. Thà rằng nhận được tin xấu để tôi còn tính bước kế tiếp còn hơn phải chấp nhận sống trong cái cảm giác chờ đợi không thấy trả lời. Có nên lãng phí thời gian đợi chờ thêm nữa hay đành chấp nhận lời đề nghị của Joanna đi dạy kèm tư gia xoay xở trước mắt rồi mọi chuyện hẳn tính sau. Nhưng tôi không thể từ bỏ niềm mong mỏi ngay trong tình thế lúc này. Dường như nó là một cái bơm hơi gắn chặt vào đầu khiến những suy nghĩ của tôi càng cứ tràn đầy lên, chèn ép nhau cố thoát ra ngoài làm tinh thần hỗn loạn. Cái đầu tôi căng như bong bóng sắp nổ tung.
Phải dừng lại ngay, đừng tạo nên áp lực trông chờ ngay cả nếu như có nhận được tin tốt từ Irene cũng chưa chắc niềm hy vọng của mình biến thành sự thật. Đừng chờ đợi một việc sẽ xảy ra theo cách nào đó khi điều đó không nằm trong tầm tay hay quyết định của mình. Nó sẽ làm ta thất vọng và đau khổ vì cuộc sống chẳng mấy khi diễn ra hoàn toàn đúng như những gì mong muốn. Nó làm cho ta chán nản khi ta cảm thấy cánh cửa trước mặt đóng lại, cứ như một chương trong cuộc đời đã trôi qua. Ta có thể cảm thấy buồn bã, đau khổ và có lẽ trên hết là lo sợ vu vơ khiến ta không cảm nhận hết được ý nghĩa cuộc sống tươi đẹp.
Tôi tự nhủ phải thả lỏng, thả lỏng cơ thể để không biến điều mong đợi thành nỗi lo lắng làm căng thẳng thần kinh. Quẳng gánh lo đi! Nhà văn, nhà giáo Dale Carnegie viết như thế này: “Trong mỗi giây tồn tại, con người đều đứng tại nơi giao nhau của hai vùng đất muôn đời không thay đổi: quá khứ mênh mông và tương lai bất tận. Chúng ta không thể sống ở nơi nào trong hai vùng đất đó – dẫu chỉ trong một tích tắc của thời gian. Nếu vẫn cố làm như thế, chúng ta có thể sẽ hủy hoại cả thể chất và tinh thần của mình. Vì vậy, hãy cứ hài lòng sống trọn một ngày trong hiện tại”. Robert Louis Stevenson, nhà văn Anh đã viết một ý tương tự: “Ai cũng có thể ngày ngày hoàn thành công việc của mình, dù nó có khó khăn đến đâu. Hãy sống trọn vẹn một ngày thật bình an và chan chứa tình yêu thương cho tới khi mặt trời tắt nắng. Đó chính là ý nghĩa thực sự của cuộc sống”.
Tôi thích hai câu đúc kết này, khích lệ ta nên đối mặt với hiện tại, chấp nhận thực tế hơn là phản kháng những diễn tiến của một sự việc nào đó dễ thường thay đổi trong cuộc sống. Có như thế cuộc sống mới giống như một buổi khiêu vũ tao nhã, nhẹ nhàng. Cứ trôi theo dòng đời là cách để tâm hồn mình thanh thản khi ta không tài nào nắm bắt hay làm chủ nổi. Cứ thuận theo tự nhiên, biết cách chấp nhận cho dù sự mong đợi có trôi qua bao lâu cũng không làm mình chán chường buồn nản. Gần hai ngày qua tôi tự nhốt mình trong phòng không ra ngoài phố, ăn uống qua loa mì gói nước lạnh có khác gì một người tu khổ hạnh héo hon thân xác mà không biết rộng mở tâm hồn đón nhận một ngày sống thật bình yên.
Tôi mở cửa bước ra ban công nhìn dãy đồi núi xa xa chìm trong ánh sáng yếu ớt nhạt nhòa cuối ngày nói lời từ biệt. Mùa Đông đang đến mang theo những đợt gió rét xuyên cắt da thịt. Cái rét đầu mùa ở đây lạnh hơn tuyết trời Texas nhưng tôi cảm khoái đứng yên cho cái lạnh tái tê thấm dần vào người để cảm nhận được đích thực mùa Đông Hàn quốc. Có lẽ rồi đây tôi sẽ phải rời xa thành phố nhỏ từng quen biết để bay về ngôi nhà ấm áp có cha mẹ chờ đợi để kịp đón Giáng sinh.
Ngoài phố những bóng đèn màu trang hoàng đã được giăng trên các thân cây dọc hai bên đường thắp sáng lên niềm vui chuẩn bị đón chào ngày lập đông như chưa từng biết mùa Thu đã trút lá lìa cành. Mọi thứ trong dòng đời cứ diễn ra tự nhiên theo sự tuần hoàn của nó như chưa từng có cuộc chia ly.
Và tôi cũng đã thu xếp giữ lại những gì cần thiết cho nhẹ hành trang riêng một va li. Chiếc còn lại Kim hứa sẽ giúp tôi đưa ra bưu điện chuyển về Mỹ trước bằng đường tàu biển cho đỡ tốn cước phí. Tôi muốn níu kéo thêm đôi chút thời gian giống như vài chiếc lá héo úa treo mình trên cành vương vấn chưa chịu rời xa nơi trú ngụ. Nhiều trung tâm Anh ngữ tại Hàn quốc rất cần giáo viên. Không ở thành phố lớn thì đến thành phố nhỏ, thậm chí các trường công lập ở nông thôn có thể sẽ cần thuê mướn. Trên các báo địa phương nhan nhản quảng cáo tuyển dụng giáo viên khắp nơi dưới khẩu hiệu rất hay “Tiếng Anh là tương lai của Hàn quốc”. Không khó tìm được một công việc cho mình, tôi sẽ dành hai tuần kiếm việc dù ở thành phố hay nông thôn.
Lớp học tiếng Anh học sinh lứa tuổi trung học
Kim đến chia tay với vài món ăn Việt do cô chị dâu làm sẵn. Chúng tôi quen thân ngay từ đầu mới gặp. Có thể các thành viên gia đình Kim mang nhiều dòng máu khác nhau nên cô dễ kết thân với người gần chủng tộc mặc dù tôi đến đây làm việc từ đất nước tân tiến hay đang phát triển như Thi đến xứ Hàn làm dâu. Cũng có thể cô thích cung cách sinh hoạt của tôi “không vẻ gì khoa trương, vui tính và dễ gần gũi”. “Mình sẽ ở lại cùng bạn, để sáng mai có thể giúp được điều gì sau khi bạn trả chìa khóa phòng cho nhà trường”. Trong giây phút này, có được người bạn bản xứ thân thích đến cạnh bên mình, chân thành chia sẻ và mong mỏi giúp đỡ điều gì cho một người bạn nước ngoài bị mất việc cũng là điều bất ngờ cho tình bằng hữu trong hoạn nạn mới thấy chân tình. Kim nói: “Hay là bạn về nhà tôi ở vài ngày đi rồi tính”.
Tiếng chuông điện thoại cắt ngang lời Kim. Irene! Tôi thốt lên mừng rỡ như kẻ đắm tàu trôi dạt lênh đênh trên biển vừa thấy dãy đất liền hiện ra trước mắt. Irene nói nhanh: “Thật xin lỗi, trong hoàn cảnh như vầy phải để bạn chờ mong. Tôi vừa mới đi chơi thành phố Busan về, lại quên không mang theo điện thoại. Về đến nhà xem thư xong tôi gọi nói chuyện với hiệu trưởng về trường hợp không may của bạn. Ông ấy nhắn bạn gởi ngay resume đến địa chỉ tôi viết trong thư. Nếu được, bạn xin lại giấy tờ bản sao đã nộp chỗ trường cũ và bản đánh giá của hiệu trưởng. Sáng mai đem theo gặp Peterson cho cuộc phỏng vấn lúc 11 giờ”.
Nghe Irene nói xong, lòng hân hoan tràn đầy hy vọng. Sao đúng lúc vậy! Gần như vào những lúc đã thôi hy vọng thì lại xuất hiện điều bất ngờ cứ như trong những câu chuyện cổ tích kéo ta ra khỏi biển tuyệt vọng, đưa cho ta cái phao hy vọng, giúp ta thoát vòng bế tắc.
Có hy vọng hay không khi phải phụ thuộc vào bản đánh giá của chị Young qua mấy tháng làm việc tại trường. Kim nói, “Mình thấy hơi lo về bản đánh giá làm việc trong thời gian qua.”. Cảm nghĩ của tôi không khác Kim là mấy. Nhưng cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa thì ta chẳng thể làm gì nếu ta thiếu đi sự tự tin và hy vọng. Cuộc đời không có gì là chắc chắn, cứ để nó dẫn ta đi không cần do dự hay ôm chặt mỗi niềm mong đợi vì rằng tôi đã nhận thức “đừng chờ đợi một việc sẽ xảy ra theo cách nào đó khi điều đó không nằm trong tầm tay hay quyết định của mình”. Gọi phôn cho chị Young trình bày mọi chuyện là cách hành động tốt nhất để sáng mai kịp có đủ giấy tờ.
Sau khi ra bưu điện gởi một chiếc va li về trước, tôi thấy gánh nặng trên mình nhẹ đi phân nửa. Kim bảo sẽ chờ tôi bên kia đường trong khi tôi vào phỏng vấn. “Không cần biết kết quả ra sao, tôi sẽ chờ. Bạn đừng lo, chiều nay một giờ tôi mới có tiết dạy”. Quả thật, trong tình huống này, đi phỏng vấn lại kéo theo chiếc va li trông chẳng dị lắm sao. Có khác nào một người vô gia cư lang thang ghé vào nơi nào đó xin chút lòng thương cho kẻ sa cơ trên bước đường đời. Không thể từ chối lòng tốt của Kim, tôi đành khoác chiếc ba lô trên lưng, tay cầm tập bìa thư chị Young đưa cho sáng nay kèm theo lời chúc may mắn.
Ngồi trước mặt tôi là ông Peterson điềm đạm, chậm rãi mở bìa thư tôi vừa trao nhưng lại không đụng đến lá thư niêm phong đánh giá. Ông ngẩng lên nhìn tôi rồi mở đầu câu chuyện thằng con trai ông đang theo học khoa Quan hệ Quốc tế tại London trong khi cha mẹ xuất thân từ ngành sư phạm. Tôi ngồi im lắng nghe và có cảm giác ông đang nói chuyện về tôi hơn là phỏng vấn xem năng lực và khả năng thích ứng công việc của đối tượng đang ngồi trước mặt chờ trả lời những câu hỏi. Bất chợt ông dừng lại hỏi tôi từng có kinh nghiệm bốn tháng phụ dạy tiếng Anh cho Trung tâm sinh ngữ sinh viên học sinh ở Sài Gòn khi chưa đầy mười tám tuổi. Có nghĩa là đã từng làm cô giáo khi chưa tốt nghiệp trung học phổ thông?
Câu hỏi quá bất ngờ không thể trả lời ngắn gọn. Tôi tâm sự với ông về những bước ngoặt vào đời chỉ với tính cách tham gia công việc xã hội một cách tự nguyện để tích lũy kinh nghiệm và để thấy mình có giá trị trong cuộc sống hơn cho dù sống và làm việc ở đâu chăng nữa (không dám nói điếc không sợ súng).
Cuộc phỏng vấn tự dưng biến thành một cuộc trao đổi nhẹ nhàng giữa hai người bạn già-trẻ hơn là những đòi hỏi tiêu chuẩn của một cuộc phỏng vấn cần có. Kết thúc câu chuyện, ông nói: “Cô sẽ là giáo viên người Mỹ gốc Việt đầu tiên của trường. Chuyện này cũng lạ đối với ngôi trường mười năm nay toàn là giáo viên đến từ nước Anh”.
Tôi trở ra xe với niềm vui ngoài mong đợi. Kim đưa tôi đến chung cư phía cuối con đường nơi tôi sẽ ở tạm cùng Irene vài ngày chờ giáo viên mãn hợp đồng nhường chỗ.
Thật thú vị! Cuộc sống luôn xảy ra những điều bất ngờ.
NL