Menu Close

Cam Ranh mùa xoài đắng

Dù đã gần đến cuối vụ thu hoạch xoài nhưng đi đến đâu cũng chỉ thấy tiếng thở than của người trồng xoài. Có lẽ chưa bao giờ người trồng xoài ở Cam Ranh lại gặp cảnh xoài rớt giá thê thảm như năm nay.

alt

Những sạp bán xoài ven đường Quốc lộ để bán cho khách bộ hành, phần nào giúp cho người nông dân kiếm được chút ít từ tiền thuốc sâu và công chăm bón.

Cam Ranh đang vào thời điểm rộ của mùa xoài. Cảnh thu mua xoài diễn ra khắp nơi. Từ trong đồng vắng đến trên đồi cao đều có sự hiện diện của xoài. Những trái xoài chín vàng rượm đến những trái xoài còn xanh treo lủng lẳng trên cành nhắc nhở người trồng đến mùa thu hoạch. Nó tưởng chừng như là niềm vui cho người nông dân vì sắp có tiền cho cả một năm bỏ công vun bón. Thế nhưng, xoài rớt giá đã làm cho người nông dân đã nghèo lại còn thêm lắm nỗi lo âu.

Cam Ranh từ khoảng độ mười năm trở lại đây nổi lên như là một nơi cung cấp xoài cho cả nước. Xoài ở vùng này được đầu tư rất mạnh, nhập cảng nhiều giống xoài trên thế giới, như: Đài Loan, Úc, Thái Lan. Từ những vườn xoài trước đây chỉ trồng một loại xoài canh nông, thì nay bổ sung thêm nhiều giống xoài khác. Nhờ vậy mà lượng xoài vùng này cung cấp ra thị trường cả nước được đa dạng về giống loại. Bên cạnh đó, người trồng xoài cũng phải bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức để chăm sóc vườn tược.

Nhìn chung, vụ xoài năm nay của nông dân Cam Ranh thất bại, cho dù so với năm ngoái sản lượng nhiều hơn. Giá xoài giảm đến hơn một nửa. Nếu năm ngoái, xoài Úc có giá từ 35 đến 40 ngàn, thì năm nay chỉ dao động từ 15 đến 20 ngàn. Tương tự như vậy, xoài Cát cũng giảm xuống một nửa giá so với  năm trước.

alt

Những vườn xoài được trồng mới này là niềm hy vọng cho những người nông dân. Nhưng với tình hình giá cả như hiện nay, biết đâu nó lại là gánh nặng?

Anh Sang, chủ một vườn xoài rộng 1 ha với 200 gốc đủ giống loại, nhưng chủ yếu vẫn là xoài bồ, cho biết: “So với năm ngoái, số tiền kiếm được từ bán xoài của gia đình tôi là 300 triệu, thì năm nay chỉ còn giảm xuống một nửa. Số tiền đó chỉ vừa đủ trừ bù chi phí chăm sóc và thuốc sâu mà thôi”. Giá thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc cũng nhồi lên so với năm ngoái.

Nếu tính các khoản chi phí đã bỏ ra, người trồng xoài chỉ đủ để thu hồi vốn cho các loại chi phí chăm sóc, thuốc sâu. Tệ hơn, những chủ vườn xoài rộng còn lỗ cả vài chục triệu. Đó là với người nông dân, còn người thu mua xoài vườn thì càng thảm hại hơn. Ông Liên, một người thu mua xoài vườn cho biết: “Năm ngoái thấy thu mua xoài vườn có ăn quá, nên năm nay tôi bỏ ra hơn cả tỷ để mua vườn, nhưng xoài rớt giá, mỗi vườn như vậy tôi lỗ từ mười đến hai chục triệu”. Ông Liên là chủ vựa xoài ở Cam Ranh, nên ông mua rất nhiều vườn để lúc nào cũng chủ động được nguồn hàng cho các mối lái ngoài miền Bắc.

Đó là với các loại xoài chất lượng cao. Riêng đối với loại xoài canh nông và xoài bồ còn thảm hại hơn. Trên rất nhiều vườn xoài mà chúng tôi đi qua, người nông dân chẳng buồn hái cho dù trái trên cây đã già, rất nhiều trái trong số đó chín và rụng xuống đất. Ông Hóa, người có bốn cây xoài canh nông đã chín nhưng vẫn không hái, cho chúng tôi biết: “Bây giờ có kêu người hái thì bán cũng không được bao nhiêu, lại còn tốn thêm tiền công thợ”. Ông cho hay, công cho mỗi phu hái xoài có giá 150 ngàn/ngày trong khi bốn cây xoài của ông nếu hái xuống hết cũng chẳng được năm thùng. Mà đã mướn thì phải 2 người, để có người hứng, người hái. Đó là chưa nói khi chở xuống vựa còn bị chủ vựa lựa ra để phân loại hàng tốt xấu. Năm thùng xoài của ông nếu mang xuống vựa bán cũng chỉ được khoảng 400-500 ngàn ấy là chưa tính công vận chuyển. Xoài canh nông năm ngoái có giá 8 ngàn, thì năm nay rớt xuống chỉ còn hơn 2 ngàn/kg. Tương tự như vậy, xoài bồ có giá 3 ngàn so với năm ngoái là 7 ngàn. Vậy nên ông để xoài chín trên cây mà ăn hoặc đem xoài biếu tặng bà con, hàng xóm.

alt

Trước đây, xoài ở Cam Ranh có thị trường xuất cảng là Trung Quốc. Cứ đến mùa, lũ lượt những chiếc xe có biển kiểm soát ngoài Bắc lại nối đuôi nhau sang Trung Quốc để bỏ hàng cho các mối lái bên đó. Trong những năm trở lại đây, tình hình 2 nước căng thẳng, thị trường này cũng mất đi. Người Trung Quốc không còn ăn loại xoài của Việt Nam mà chuyển sang nhập cảng xoài của Thái Lan. Từ đó, xoài ở Cam Ranh chủ yếu là bán trong nước, mà lớn nhất vẫn là các tỉnh miền Bắc.

Ông Liên cho chúng tôi biết: “Tình hình kinh tế khó khăn nên nó kéo theo nhiều thứ lắm. Ngay cả loại trái cây ngon, rẻ tiền như xoài nhưng người ta cũng không có tiền để mua ăn”. Nếu so với những năm trước, khi nền kinh tế Việt Nam còn khá, trung bình mỗi mùa như vậy ông kiếm được khoảng hơn 500 triệu từ việc thu mua xoài. Nhưng những năm đổ lại đây, tiền đồng Việt Nam rớt giá ông cũng chỉ thu nhập được hơn 300 triệu/mùa. Tệ nhất là năm nay, chẳng những không kiếm được tiền mà ông còn phải lỗ hơn cả trăm triệu. Không chỉ riêng mình ông mà rất nhiều vựa xoài khác cũng như vậy. Đó là tình hình chung cho người trồng xoài và thu mua xoài ở Cam Ranh.

Điều đáng buồn hơn, do giá xoài rớt thê thảm, rất nhiều nhà trồng xoài chẳng những không buồn bán mà họ còn gom lá xoài để bán cho các thương lái Trung Quốc. Cho dù họ biết rằng, lá xoài tạo ra chất mùn để nuôi dưỡng cây xoài. Nhờ có lá, cây xoài mới đủ chất dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển để còn ra trái cho mùa sau.

Nhìn những trái xoài chín thơm ngon treo lủng lẳng trên cây mà người nông dân chẳng buồn hái, để nó phải rơi rụng vương vãi bên gốc. Cho đến nay, chính quyền vẫn chưa có biện pháp nào để giúp đỡ cho người trồng xoài, nhất là tìm cho họ một thị trường ổn định để trái xoài có nơi tiêu thụ. Việc không tìm ra thị trường đã làm cho điệp khúc được mùa, rớt giá cứ ám ảnh người nông dân bao lâu nay.

alt

Dù cây xoài bồ đã đến hồi phải hái, nhưng ông Hóa, chủ vườn xoài chẳng kêu người đến thu hoạch. Vì theo ông, cho dù có hái cũng chẳng đủ để trả tiền công cho thợ.

NQ