Menu Close

Chụp ảnh “Supermoon” (Kỳ 50)

Hôm 22 Tháng Sáu vừa qua, cả thế giới đã được chứng kiến hiện tượng Supermoon trên nền trời đêm.

“Siêu Trăng” (Supermoon) là một hiện tượng trùng hợp xảy ra khi trăng tròn bay đến điểm gần Trái Đất nhất, với kết quả là Chị Hằng sáng nhất và to nhất khi xem từ mặt đất. Hiện tượng trăng cực đại này xảy ra một lần cách nay 14 tháng âm lịch. Vào Tháng Ba năm 2011, Supermoon đã đến gần Trái Đất cách 356,577 cây số; 20 phần trăm sáng hơn và 15 phần trăm lớn hơn một trăng tròn bình thường.

 

 

alt

 

Supermoon năm 2010 với rất nhiều chi tiết được ghi lại với ống kính 600mm.

 

Đối với người Việt Nam chúng ta, mặt trăng thường được xem như một ‘nhân vật’ trong nghệ thuật, ca nhạc, văn thơ, và phim ảnh. Hôm Chủ Nhật vừa rồi, dù bận bịu cách mấy, tôi vẫn tận dụng thời gian ra ngoài chụp vài tấm ảnh Supermoon để làm kỷ niệm.

Chụp hình mặt trăng không phải là khó, nhưng cũng không phải là dễ. Trăng là một vật sáng nhất trên nền trời ban đêm, người chụp ảnh đủ trình độ có thể chụp hình trăng. Tuy nhiên, muốn chụp trăng đẹp thì cần phải có sự tính toán và chuẩn bị.

 

 

alt

 

Trăng tròn vừa mọc trên răng núi – Quận Cam, Cali, với tiêu cự 18mm. Tháng Mười Hai, 2012.

 

Trước tiên, chúng ta hãy nhìn sơ qua vài dụng cụ căn bản bạn sẽ cần.

– Chân máy 3 càng. Một dụng cụ vững chắc cho máy ảnh của bạn trong việc chụp hình trăng và để tránh bị run tay.

– Ống kính tiêu cự dài. Để giúp làm đầy khung và để thấy đủ chi tiết trên mặt trăng, dùng ống kính với tiêu cự càng xa càng tốt. Bạn không cần phải có ống kính nhanh nhất, vì bạn sẽ để lên chân máy, nhưng nên dùng ống kính 300mm hoặc dài hơn.

– Dây bấm (shutter release cable). Hoặc đồ bấm không dây (wireless remote). Bộ phận phụ tùng này không cần thiết cho lắm, nhưng nếu có thì cũng tốt hơn. Nếu bạn không có món này thì bạn có thể “ăn gian” bằng cách dùng chức năng chụp hẹn giờ (self timer) của máy ảnh của bạn.

 

alt

Nửa Vầng Trăng – với ống kính 200mm, tôi đã dùng những cụm mây ửng vàng do ánh sáng ban mai để lấp khoảng trống, tạo thành bố cục mới lạ.

– Máy ảnh. Mặc dù hầu hết những máy ảnh đều chụp được, máy ảnh bỏ túi ít khi tạo ra hình ảnh tốt, vì sự giới hạn của sensor nhỏ và sẽ gây ra rất nhiều hột trên hình (digital noise). Máy ảnh lý tưởng là máy DSLR, hoặc SLR chụp phim.

Không một chế độ tự động nào trên máy ảnh của bạn sẽ có khả năng đo đúng ánh sáng của mặt trăng trên bầu trời tối, vậy bạn thà chụp bằng chế độ tự chỉnh (full manual mode).

– Độ nhạy sáng. Máy ảnh số nên để ở 100 hoặc thấp hơn, những máy chụp phim nên dùng phim ASA 100 hoặc chậm hơn để loại trừ nhiễu ảnh.

– Khẩu độ. Một điểm để bắt đầu là f/16 hoặc f/22, tùy theo loại ống kính, vì bạn muốn hình toàn mặt trăng rõ nét và rất bén.

– Tốc độ. Yếu tố này sẽ là nơi mà bạn cần chỉnh nhiều nhất qua nhiều lần chụp. Chỉnh tốc độ sẽ lệ thuộc vào nhiều điều kiện như độ sáng của trăng, phần trăm của trăng bị che khuất (bởi mây hoặc sương mù…) nhưng theo quy tắc chung thì một đêm không mây mà trăng tròn thì để khoảng 1/60 thì vừa đúng.

 

alt

Một ngày trăng mọc rất sớm (khoảng 5 giờ chiều) lúc mặt trời còn chưa lặn, chiếc 737 của hãng Southwest đã bay ngang ở độ cao khoảng 7000 ft. Tôi dùng ống kính 500mm với converter 1.7x để lấy ảnh này. Arizona 2009.

Vài điều về địa điểm bạn chọn để chụp. Có lần tôi bị một người trong giới nhiếp ảnh chế giễu là tại sao tôi phải đi bộ cả dặm để tìm được chỗ thích hợp cho chụp ảnh trăng, trăng ở trên trời thì ở đâu lại chụp không được? Thưa quý độc giả, hiển nhiên có một sự khác biệt rất lớn giữa một tấm hình tầm thường và một tấm hình đặc sắc mà mọi người phải buột miệng trầm trồ. Đồ nghề tốt chỉ là một phần nhỏ, công sức của người chụp mới là phần lớn. Lý tưởng nhất là nếu bạn muốn phô trương Chị Hằng và Chú Cuội thì bạn sẽ tránh ánh sáng đô thị (đèn đường và đèn nhà). Điều này có thể đòi hỏi bạn phải đi sâu vô một con đường ở ngoại ô hoặc đến một công viên. Ngược lại, nếu bạn muốn có cảnh thành phố cùng với mặt trăng, bạn sẽ cần phải tìm một điểm quan sát để thấy được cả hai. Để giúp bạn tìm được cảm hứng, 7 hình đi kèm là ví dụ của nhiếp ảnh (siêu) trăng do chính Andy đã chụp trong nhiều năm qua.

“Siêu Trăng” kế tiếp sẽ xảy ra vào Tháng Tám 2014, các bạn hãy xách máy ra ngoài sau khi trời tối… để thực tập, và chuẩn bị cho ngày đó! 

 

 

alt

 

Supermoon năm 2011 mọc lên cùng lúc mặt trời lặn. Tôi đã tìm được một Chim Ưng đậu trên cây khô thật xa và dùng ống kính 600mm với 2.0x converter (1200mm) để chụp.

 

AN – Jul ‘13

Trang nhà: www.wildwingsphotography.com
Facebook: www.facebook.com/BetterBirdPhotos