Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Nhà đơn lập có giá gần triệu đô một căn
Kỳ 12
Người ta thường nói “may mắn không đến ba lần”. Ấy vậy mà tôi có ba điều bất ngờ trong một lần may mắn. Như thế đã là quá đủ. Có việc, được dạy học sinh lứa tuổi trung học (13 đến 18 tuổi), lương cao hơn. Thật tình lúc đó tôi không nghĩ mình may mắn được dạy cho con nhà giàu, sống trong khu sang trọng như các bạn đồng nghiệp từng mơ ước.
Ngoài Kim, Joanna là người đầu tiên hay tin tôi có được việc tại Britain English Academy. Chị gọi điện thoại chúc mừng và nói một tràng: Ôi Trời! Em biết không, hai năm trước chị đến xin dạy ở đó mà ông hiệu trưởng không nhận vì số giáo viên đã đủ. Chị cứ tiếc hùi hụi. Trường này nằm trong khu nhà giàu nhất của thành phố, lương bổng cao, hơn nữa số giờ dạy lại ít hơn chỗ của Young. Linh may mắn lắm đó. Trong rủi có may chẳng sai tí nào. Hai đứa học trò chị kèm tư gia gần chỗ em. Em mà nhận dạy thêm tại nhà cuối tuần chừng hai buổi là giàu to, là có thêm tiền, rủng rỉnh tha hồ đi chơi dài dài nhé.
Ai cha! Nghe giống ca sĩ chạy sô mặc cho chính quyền nghiêm cấm việc giáo viên dạy tại tư gia. Không phải vì dạy kèm làm cho học sinh có thể giỏi hơn hay tạo ra sự chênh lệch trình độ học sinh cùng lớp mà là chính phủ không muốn mất tiền thuế thu nhập dưới danh nghĩa dạy tại nhà riêng là dạy chui, bất hợp pháp. Ngay cả chính phủ Hàn đã giàu rồi vẫn còn muốn làm hầu bao ngân khố đầy thêm huống chi người lao động làm thêm việc nhặt nhạnh từng đồng.
Joanna lúc nào cũng muốn kiếm tiền, trong khi tôi hay Kim chưa từng nghĩ phải có thật nhiều tiền với công việc hiện tại. Thời buổi bây giờ, người ta cần tiền hơn hết. Sao thế? Người Mỹ thường nói thế này: “Tiền chỉ là một mảnh giấy nhưng nó có thể kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của bạn”. Giới thanh niên Việt có một bài nhạc Rap vui vui: “Tiền là Tiên là Phật / Là sức bật của lò xo / Là thước đo lòng người / Là nụ cười cho tuổi trẻ / Là sức khỏe của người già / Là cái đà danh vọng / Là cái lọng che thân / Là cán cân công lý / Có tiền thật là hết ý / Có tiền thật là money / Có tiền thật là hết ý / Có tiền thật là money”. W. Somerset Mangham, nhà văn nổi tiếng người Pháp nói một câu rất hay: “Tiền là giác quan thứ sáu. Thiếu nó bạn không thể sử dụng năm giác quan kia”. Biết thế nhưng có cần nhất thiết phải bỏ thời gian làm việc cật lực để làm phồng cái túi của mình. Nghe Joanna nói tôi cứ ừ à cho qua chuyện, tỏ lòng thông cảm cho tuổi tác quá bốn mươi của chị, cần kiếm thêm tiền tích lũy cho tuổi già về hưu sau này. Có tiền, và muốn giàu sang gần như là niềm mong muốn của con người. Nhưng theo cách nghĩ triết lý “cao siêu”, người không có gì ngoài tiền thì còn nghèo hơn.
Tôi cho mình may mắn hơn Joanna hay các cô giáo khác trong trường của chị Young suốt bao năm nhận đồng lương thực tế so với giới công nhân lao động hợp tác quốc tế không cách biệt là mấy. Và có muốn dạy thêm kiếm tiền, nhiều người cho là chuyện dễ ở Hàn quốc nhưng lại là chuyện khó ở một thành phố trung bình như Daejeon. Muốn kiếm cơ hội tốt phải đi Seoul hay Busan. Những thành phố lớn có thu nhập cao, có nhu cầu đầu tư nhiều hơn cho con cái ngoài giờ học ở trường còn kiếm gia sư dạy thêm ở nhà. Có khi chỉ dạy kèm cho một học sinh con nhà giàu kiếm thêm cả ngàn đô một tháng.
Joanna nhắc đến khu nhà giàu làm tôi sực nhớ mình quên “khoe” chuyện này với Ba Me cho thấy “con mình nó bảnh” được làm cô giáo cho dân nhà giàu. Nói cho vui thôi. Sống cạnh người sang hưởng chút sương khói, chứ vẫn cơm hàng cháo chợ. Thực ra, lương tôi được trả cao hơn so với trường cũ bốn trăm đô một tháng. Với số tiền chênh lệch tưởng hậu hỹ có thể làm người khác mừng húm, riêng tôi lại xem cái khoản đó chẳng qua là số bù lỗ cho mức sinh hoạt chung đắt đỏ ở khu vực này không hơn không kém. Có lẽ, sau mấy tháng sống tiết kiệm ở Hàn và chuyện không may bị sa thải tại trường cũ đã làm cho tôi cẩn trọng, dè sẻn cho các khoản chi tiêu ăn uống. Tôi vẫn mua mì gói dự phòng trong những ngày Đông giá rét lười biếng ra phố đến quán ăn mà giá cả đắt hơn chỗ khác chỉ vì cái tiếng sống trong khu nhà giàu. Chính tôi cũng ngạc nhiên khi nhận ra mới xa nhà có mấy tháng mà cách sinh hoạt của mình dễ thay đổi. Tôi đâm ra do dự, thiếu linh hoạt trong suy nghĩ, cứng nhắc do ngại thay đổi hoàn cảnh dù là tốt hay xấu. Nói chung là bảo thủ trong suy nghĩ khi mình vẫn có điều kiện sống tốt hơn. Không dám trả thêm tiền cho những tiện ích phục vụ thoải mái, thế mà dám bỏ thời gian quý báu đi xe buýt chỉ vì để đến được một quán ăn rẻ tiền. Có lẽ tôi đã tiêm nhiễm “chủ nghĩa mì gói”. Tôi nói hoàn toàn nghiêm túc không phải vì bây giờ tôi là “tín đồ” của mì ăn liền cho tiện và tiết kiệm. Kim giải thích cho tôi biết trong tiếng Hàn có một cụm từ rất phổ biến “chủ nghĩa mì gói” khi nói về tính cách bảo thủ của người Hàn quốc.
Tính bảo thủ chỉ là một trong nhiều tính cách mang ý phê phán cách sống con người Hàn quốc. Chủ nghĩa gia đình, chủ nghĩa lạc quan, v.v… còn chủ nghĩa mì gói theo suy luận mò có lẽ ra đời trong hoàn cảnh đất nước Hàn còn nghèo nàn lạc hậu. Nhưng với tính cách bảo thủ, chú trọng truyền thống, thay đổi từ từ thì làm sao đất nước và con người Hàn quốc có thể thịnh vượng hiện đại được như ngày nay. Bởi người Việt cũng có một cụm từ tương tự “mì ăn liền” dùng để châm biếm những bộ phim, ca khúc kém phẩm chất, làm lấy có. Hoặc còn dùng để chỉ những người không chịu chủ động, dấn thân, muốn những cái xài được liền và có kết quả tức thì. Có thể tính cách bảo thủ chỉ là cách nhận định thói sống cá nhân chứ không phải là một triết lý chính trị của một nhà lãnh đạo nào đó thì không thể thay đổi Hàn quốc một cách toàn diện. Nhưng thôi, cà kê chuyện này không khéo “nhiễm” phải ba mớ bòng bong quan hệ kinh tế chính trị xã hội đâu đâu mất.
Nghe Kim kể, khu này là vùng đất mở rộng, hình thành khu phố cao cấp cách nay mười lăm năm. Dân ở đây toàn trung lưu và có học thức. Tóm lại là dân làm ăn chủ cả, luật sư, bác sĩ, kỹ sư, những người có khả năng làm ra tiền nhiều hơn những ngành nghề khác. Một căn nhà đơn lập ba phòng ngủ na ná ở Mỹ xây bằng gạch, mái ngói giá gần triệu đô, lương giáo viên như Kim phải mất hai chục năm nhịn ăn mới sắm được nửa căn nhà. Nhưng một căn nhà giống y như vậy chỗ khác cách vài tuyến đường, giá năm sáu trăm ngàn đô. Một cách biệt quá khác biệt chung nhất do không nằm chung trong một khu nhà giàu có những tiện ích cao cấp và cùng đẳng cấp.
Vậy thì làm sao một người lao động thu nhập thấp đến khi nào mới có được căn nhà mơ ước? Tôi hỏi Kim với giọng điệu một nhà hoạt động xã hội chất vấn chính phủ trong vấn đề nhà ở. Kim làm thinh nhìn những dãy chung cư cao ngất san sát nhau như đang tìm câu trả lời thích hợp. Và tôi bâng quơ trả lời hai tiếng “chung cư” khiến Kim lắc đầu. Cái lắc đầu của Kim không phải vì không đồng ý mà là không biết trả lời như thế nào cho phải. Bởi “chung cư” cũng đúng, mà nói “không phải chung cư” cũng không sai.
Từ những thập niên năm mươi, tại Hàn Quốc đã bắt đầu xây dựng khu chung cư nhiều tầng. Ban đầu, những khu chung cư vốn không được ưa chuộng bằng căn hộ riêng lẻ vì thiếu tiện nghi và tốn kém những chi phí bảo trì. Những người không đủ điều kiện mua hay thuê mướn nhà đơn lập mới tính đến chuyện ở chung cư diện tích vừa phải cho hợp túi tiền. Thế nhưng, hai mươi năm sau, kinh tế Hàn quốc chuyển mình phát triển nhanh chóng kéo theo nhu cầu nhà ở với dân số tăng nhanh. Chung cư là giải pháp thích hợp cho tầng lớp lao động có thu nhập cao bởi sự tiện nghi cao cấp đi kèm những dịch vụ tiện ích cho từng cụm nhà ở theo kiểu hiện đại do đất đai xây dựng nhà ở ít ỏi. Seoul, Busan đi đầu trong xu hướng nhà chung cư cao cấp. Các thành phố khác đi theo mô hình này trải rộng khắp đất nước. Thế là thời đại chung cư cao cấp ra đời rồi trở thành hiện tượng văn hóa nhà ở cho giới nhà giàu, một phong cách thời thượng. Những chung cư cũ ngày trước, xuống cấp dành cho người nghèo hùn nhau thuê mướn.
Tôi dùng chữ “văn hóa chung cư” hoàn toàn đúng theo cách người dân Hàn trung lưu quan niệm và hãnh diện khi mình làm chủ một căn hộ chung cư cao cấp sang trọng. Chưa có nước nào trên thế giới người dân hăm hở thi nhau mua chung cư một cách cuồng nhiệt như ở Hàn. Lúc trước chúng tôi đi chùa tu tập, Thu Minh kể ở Pháp chỉ có dân nghèo, thu nhập thấp mới chui vào cái hộp diêm để sống.
Tám mươi phần trăm nhà ở tại Hàn quốc nằm trong các cụm công trình cao tầng là đà trong sương khói mùa Đông. Mùa này những căn hộ trên tầng cao chìm trong sương mờ giăng kín. Ngồi trong nhà nhìn ra nhâm nhi tách trà sâm, ngắm đường phố dưới chân có khác nào sống trong cảnh tiên bồng. Tôi nhìn những cụm nhà chọc trời ở Seoul mà tưởng tượng ra, chứ người sống trong đó không biết có đồng cảm với tôi không chẳng biết.
Hôm Irene cùng tôi đi chơi Seoul, đến khu vực Apgujeong-dong của những gia đình tỷ phú Hàn quốc ở phía Nam sông Hàn (Han River). Hầu hết dân nhà giàu nơi này ở nhà đơn lập, kín cổng cao tường. Ngược lại bên khu triệu phú Gangnam gần đó, chung cư cao từng chót vót hàng hàng lớp lớp. Đẹp, sang trọng và hiện đại. Người ta ví Gangnam không khác Beverley Hills của Hàn quốc. Quận nhà giàu Gangnam hình thành mới sau này, có lối sống xa hoa và phô trương hơn bên khu tỷ phú. Ngay cả người Hàn khá giả tại Seoul cũng còn ganh tị nói chi đến tầng lớp lao động khác. Sự ganh tị giàu sang phải chăng nó cộng hưởng từ niềm cay đắng và nỗi khát vọng đan xen của người nghèo gây nên?
Lang thang hai khu nhà giàu lớn Seoul, chúng tôi không gặp khó khăn rào cản ngôn ngữ. Họ nói tiếng Anh rất sõi và thích giao du với người châu Âu. Irene nửa đùa nửa thật: “Ở đây tụi mình thất nghiệp mất. Nhưng biết đâu vớt được tay triệu phú nào đó thì mình bỏ nghề dạy là cái chắc”.
NL