Menu Close

Sẽ không cần đến hóa trị

Để chế ngự các khối u, người ta thường giải phẫu để cắt bỏ những phần độc ác tính, dùng hoá trị (chemotherapy) để tiêu hủy từ bên trong, và xạ trị (radiation) để tìm diệt các tế bào bất bình thường đang phân hóa.

Những phương pháp này rõ rệt có hiệu quả: chết vì ung thư đã giảm được 20% trong hai thập niên qua tại Mỹ. Nhưng đối với bệnh nhân, các phương pháp này quả là những cực hình. Do đó các nhà nghiên cứu đã rất phấn khởi khi đọc được báo cáo về những nghiên cứu đăng trong báo New England Journal of Medicine xuất bản tuần trước, cho biết có một loại thuốc chống ung thư mới giúp cho các bệnh nhân bị chứng bệnh bạch cầu (leukemia) đạt được tỷ lệ sống sót tới 83% sau khi điều trị 2 năm. Thuốc này có tên imatinib, hoặc Gleevec.

So sánh hóa trị với thứ thuốc này cũng như so sánh loại bom trải thảm với loại bom thông minh dùng diệt địch trong chiến tranh. Thuốc nhằm tiêu diệt đúng vào các tế bào cục u, để nguyên các tế bào lành mạnh, do đó bệnh nhân ít bị ảnh hưởng phụ và các biến chứng.

Đối với bệnh nhân, loại chữa trị này sẽ dễ chịu hơn, có hy vọng sống còn nhiều hơn. Trong tương lai, khi thuốc này được hoàn chỉnh, hóa trị có lẽ sẽ chỉ còn áp dụng trong những trường hợp không có cách nào khác nữa.

alt

Phản ứng ngược của quảng cáo chống thuốc lá

Chuyện ngược đời là những khuyến cáo khuyên người ta đừng hút thuốc lá lại đưa đến một kết quả không ai ngờ: Gợi óc tò mò làm cho người ta hút thử! Đó là tin được đăng trong báo Media Psychology số mới đây. Tác giả bài nghiên cứu cho biết thông điệp trình bày trong những khuyến cáo phải mạnh mẽ mới gây được sự chú ý nơi người coi, và những hình ảnh mới tăng cường được nhận thức cho rằng thuốc lá có thể gây hại. Còn nếu như thông điệp đưa ra quá yếu, thì những hình ảnh này lại tạo ra phản ứng ngược khiến người ta tò mò dùng thử.

alt

Bác sĩ nào thế?

Có đôi khi chúng ta được bác sĩ gia đình gửi đến một vị chuyên môn ngành y để chẩn đoán đầy đủ hơn. Xin hãy làm quen với các từ ngữ chuyên môn để chỉ các vị đó theo danh sách dưới đây:

– Allergist: Chuyên chẩn đoán và chữa trị các bệnh về dị ứng và suyễn.

– Anesthesiologist: Chuyên dùng các dược liệu và kỹ thuật gây mê để người bệnh không cảm thấy đau.

– Cardiologist: Chuyên trị bệnh về tim.

– Dermatologist: Chuyên về các lãnh vực chăm sóc da, các bệnh về da và tóc, trong đó có ung thư da.

– Gastroenterologist: Chuyên về các bệnh bao tử, ruột và các bộ phận liên hệ.

– Internist: Chuyên chẩn đoán, ngừa, điều trị các hình thức bệnh tật của người lớn.

– Neurologist: Chuyên về các bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh.

– Obstetrician: Chuyên về sản khoa.

– Ophthalmologist: Chuyên chẩn đoán, trị hoặc giải phẫu các bệnh về mắt

– Orthopedist: Chuyên trị toàn bộ hệ thống xương (chỉnh hình).

– Otologist: Chuyên trị bệnh về tai.

– Parasitologist: Chuyên nghiên cứu và trị bệnh liên quan đến ký sinh trùng.

– Pediatrician: Chuyên về sức khoẻ và ngừa bệnh, chữa bệnh cho trẻ em

– Podiatrist: Chuyên trị bệnh về chân

– Psychiatrist: Chuyên trị bệnh về cảm xúc (bác sĩ tâm lý).

– Radiologist: Chuyên chụp hình, giải thích về các hình chụp bằng quang tuyến X hoặc các hình khác liên quan đến các bộ phận bên trong cơ thể con người (chuyên viên quang tuyến).

TM