Lời kết
Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Bác sĩ viết: “Tôi với anh Hai mà cứ trao đổi qua lại trên dutule.com như vầy hoài chắc bạn đọc sẽ ngán!”; mà ngán thiệt Bác sĩ ơi vì có 13 kỳ “trò chuyện” mà tôi đã có tới bốn kỳ rồi, nên tôi xin rút lui nhe bác sĩ!
Khởi đầu với nhà văn Nguyễn Hiến Lê và kết thúc với nhà văn Ngô Thế Vinh, kể ra với bốn kỳ trò chuyện ấy tôi học hỏi được nhiều điều rất thú vị từ Bác sĩ. Hai tác giả mà tôi xin được nhắc đến vừa rồi, cả hai đều sanh ra và lớn lên trên đất Bắc nhưng sống thì sống tận dưới Phương Nam này và rồi mỗi vị lại hết lòng thương đất Phương Nam này dữ lắm qua các tác phẩm của các bậc danh tài ấy.

Toàn cảnh khu mộ nơi chùa Phước Ân tại ngã tư rạch Cai Bường (xã Vĩnh Thạnh- Lấp Vò, Đồng Tháp); tháp mộ của Nhà văn Nguyễn Hiến Lê hai tầng đứng hàng thứ ba kể từ góc trái với nền xi măng rêu phủ một màu xanh đen vì mưa nắng bao mùa… – Hình do nhiếp ảnh gia TVN chụp tháng 6-2013
Với nhà văn Nguyễn Hiến Lê thì từ khi vô Nam đã có “Bảy Ngày Trên Đồng Tháp Mười”, rồi dạy học tại trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) của tôi; khi về hưu lại sống với tuổi già nơi căn nhà tại đường Gia Long cũ ngay trong thị xã Long Xuyên; rồi đến khi lìa bỏ cõi đời này Thầy Nguyễn Hiến Lê lại về an nghỉ nơi ngôi cổ tự Phước Ân tại ngã tư rạch Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, cách quê nội tôi chưa tới sáu cây số, đó là làng Tân Bình thuộc Lấp Vò (Đồng Tháp).
Về việc tìm mộ nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ngay ở lá thư đầu được Bác sĩ hồi đáp là tôi đã có ý thắc mắc rằng sao mộ của nhà văn Nguyễn Hiến Lê lại ở Đồng Tháp? Tôi định sẽ hỏi bác sĩ nhưng chưa kịp hỏi thì may sao sau đó vài ngày tôi lại đọc được bài “Tôi đi tìm mộ ông Nguyễn Hiến Lê” của Trần Thị Trung Thu. Tôi mới vỡ lẽ ra là mộ của nhà văn Nguyễn Hiến Lê tọa lạc tại chùa Phước Ân mà tôi vừa nhắc. Rồi tôi cũng có viết lá thư gởi cho tác giả Trần Thị Trung Thu trao đổi cùng tác giả về việc tại sao dân vùng quê Lấp Vò không biết mộ nhà văn Nguyễn Hiến Lê nằm nơi nào.
Thưa Bác sĩ,
Dù tôi có giàu óc tưởng tượng cách mấy đi chăng nữa, tôi cũng không bao giờ dám nghĩ rằng sẽ có một ngày Thầy Nguyễn Hiến Lê lại chọn chùa Phước Ân tại vùng Ngã Tư Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, thuộc Lấp Vò của tôi để an nghỉ giấc ngàn thu! Một điều mà tôi rất lấy làm thú vị là qua cuộc trò chuyện cùng Bác sĩ vừa rồi tôi có dịp được Bác sĩ đã giới thiệu thêm các tài liệu để tôi biết rõ thêm về sự việc này. Tiện đây tôi xin gởi lại Bác sĩ vài hình ảnh mới nhất về khu tháp mộ của Thầy Nguyễn Hiến Lê mà nhiếp ảnh gia Trần Văn Nhiếp vừa chụp được cách đây mấy ngày như một nén hương lòng tưởng niệm một bậc Thầy mà tôi và Bác sĩ đều có chung một tấm lòng kính trọng Thầy Nguyễn Hiến Lê vậy!
Thưa Bác sĩ,
Còn Bác sĩ Ngô Thế Vinh thì cũng thương con sông Cửu Long chảy ngang qua vùng đồng bằng Miền Tây này nhiều lắm! Chẳng những ông viết về con sông ấy như Bác sĩ vừa kể bên trên, mà ông còn thương những mảnh đời của biết bao cư dân vùng đồng bằng này nữa, đặc biệt là dân quê miệt ruộng rẫy dưới này của tụi tôi (những người lúc nào cũng cần nước ngọt của dòng Cửu Long để tưới những cánh đồng) qua những thay đổi lưu lượng cùng đời sống của một dòng sông nước ngọt ngày nào nhưng nay thì đang ở vào tình trạng “cạn dòng”, “nghẽn mạch” rồi! Có lần ông gởi tặng tôi bức hình con sông Cửu Long mà ông sưu tầm được trong những lần đi tìm tòi ngọn nguồn con sông ấy với lời đề tặng: “Nhớ quê thương cả một dòng sông”. Thật đáng trân trọng biết bao về một tấm lòng nhân ái ấy!
Trước khi dứt lời, tôi xin chân thành cảm ơn Bác sĩ đã dành cho tôi một cuộc trò chuyện vừa thú vị, vừa bổ ích.Tôi không quên kính chúc Bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe cùng quý quyến vạn sự cát tường.
Kính thư,

Một vị khách đang đứng đọc hàng chữ ghi trên tháp mộ Nhà văn Nguyễn Hiến Lê với chút ngậm ngùi như đang nghĩ ngợi về một kiếp người… -Hình do nhiếp ảnh gia TVN chụp tháng 6-2013
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 15 tháng 6 năm 2013