Lâu nay, văn chương nghệ thuật có vô số tác phẩm về những mối tình được nảy sinh từ cái không gian be bé ở cạnh bên nhau, của hai người yêu nhau: những mối tình láng giềng, mối tình hàng xóm.
Chúng ta có mối tình láng giềng của chàng thư sinh Kim Trọng và nàng thiếu nữ trâm anh Thúy Kiều trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du. Kim Trọng vì tương tư Kiều nên đã tìm cách thuê nhà trọ, chuyển đến ở gần nhà Kiều. Một hôm, nhân cơ hội ở nhà một mình, Kiều nghĩ đến chuyện gặp mặt chàng Kim: “Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay”. Kiều sắm sửa một ít thức ăn, rồi gót chân thoăn thoắt dạo đến mé tường, Kim Trọng đã chờ sẵn bên kia. Thiên tình sử bắt đầu từ đó.

Bảo Huân
Đến thời hiện đại, anh thi sĩ nghèo rớt mồng tơi (tôi nghĩ, có khi thành ngữ “nghèo rớt mồng tơi” là có từ bài thơ này chăng?) Nguyễn Bính ươm mơ Cô hàng xóm rằng:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.”
Mối tình đẹp bên giậu mồng tơi kết thúc một cách lạnh gáy như sau:
“Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này”
Đó là thơ. Còn trong nhạc thì chúng ta có ca khúc Cô láng giềng rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Quý. Khi chàng nhạc sĩ (như định mệnh, chắc cũng nghèo) ra đi giang hồ tha phương, thì nàng hẹn hò, thề thốt:
“… Năm xưa khi tôi bước chân ra đi
Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi
Đừng nói đến phân ly…”
Nhưng rồi, trong ngày chàng lãng tử trở lại quê xưa, thì:
“Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo
Chân bước phân vân lòng ngập ngừng
Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao
Tôi biết người ta đón em tưng bừng
Đang mơ mòng, chàng té bật ngửa vào thực tại:
Tan mơ trời xuân đôi môi thắm
Đôi mắt nhung đen màu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Tan vỡ tình duyên…”
Chàng lại lầm lũi ra đi (làm cách mạng?):
“Cô láng giềng ơi!
Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi
Chân bước xa xa dần miền quê
Ai biết cho bao giờ tôi về…”
Cách đây vài mươi năm, có một ca khúc khác về lòng ước nguyện một mối tình gần gũi hơn nữa, không chỉ chung hàng giậu, mà là chung cả vách nhà; đó là ca khúc Nhớ Người Yêu, hình như của các nhạc sĩ Hoàng Hoa – Thảo Trang, và là bài hát ruột của ca sĩ Chế Linh thường biểu diễn.
“… Thức trọn đêm nay để nhớ thương em
Sương rơi lạnh căm cảnh vật im lìm
Ước gì mình đừng ngăn cách
Ước gì nhà mình chung vách
Hai đứa mình thức trắng đêm nay.”
Sau 75, nhà nước CS cấm nhạc vàng, người dân phải dấm dúi nghe lén qua các cuốn băng cát-xét đã cũ, nhão, hư hỏng. Một đêm khuya khoắt, trong căn chòi hiu quạnh, giữa rừng lạnh giá trên vùng kinh tế mới, kẻ thất thế nằm thả khói thuốc rê, mơ màng theo tiếng nhạc đầy hoài niệm vang lên khe khẽ từ chiếc cát-xét Sonny cũ mèm chạy pin, khi Chế Linh hát đến đoạn này thì cuốn băng bị rối hỏng, lời ca nghe thành:
“… Ước gì mình đừng ngăn cách
Ước gì nhà mình chung vách
Hai đứa mình… cà-cạch, cà-cạch, cà-cạch… trắng đêm nay.”
Ôi, lại kỷ niệm, một thời cà-cạch!
Vậy đấy, đó những mối tình láng giềng xưa cũ. Còn tình láng giềng hôm nay thì thế nào, có còn thơ mộng hay không? Tôi nghĩ chắc cũng vẫn thơ mộng, nhưng theo thời đại, nó biến dạng theo kiểu khác.
Tôi vừa được gã bạn cho xem một bức e-mail được in ra trên giấy A-4, mà hắn nhận được từ một trong những cô láng giềng. Hắn độc thân, sống lè phè, đang thuê nhà trọ trong khu cho sinh viên và công nhân thuê ở Thủ Đức, ngoài cổng có hai tấm bảng: Khu Phố Văn Hóa và Khu nhà trọ không dung túng tội phạm. Hắn nói, “Đọc đi, của cô láng giềng, rồi cho tao biết mày nghĩ sao?”. Tôi hỏi, “Nàng là ai?”. “Tao không biết, ở đây có 3 dãy, 27 phòng cho thuê, mỗi phòng có 2, 3 cô. Tất cả có đến hơn 60 cô. Đặc biệt, phòng kế bên là phòng lớn, có đến hơn 12 cô cùng chia nhau thuê, tao không nhớ hết, làm sao tao biết nàng là cô nào?”. “Vì sao cô ấy biết địa chỉ e-mail của mày mà gởi?”. “Chắc nàng lấy trong hợp đồng thuê nhà của tao.” Thư như sau:
“Anh láng giềng ơi! Em xin gởi đến anh nỗi niềm thiết tha vô vọng, đó là cầu mong sao anh đọc được lá thư này và hiểu được nỗi lòng sâu kín của em, một cô gái đang từng ngày sống trong day dứt với đớn đau…!Từ dạo anh dọn đến ở cạnh bên, lòng em rất là phấn khởi, vì nghĩ rằng nhà chúng mình ở cạnh nhau nhưng lại không có cái giậu mồng tơi ngăn cách, nên từ nay cả hai có một chỗ gọi là tối lửa tắt đèn có nhau. Em bỗng nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Bính: “Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này…”
Và để thể hiện cái thịnh tình chân thành tận đáy lòng thơm ngát ấy, em chiều chiều ra quét sân, em quét hộ luôn phần sân bên ấy, dù anh thỉnh thoảng cũng hay vứt rác về phía bên này.Nhưng không sao anh ạ, cứ cho là anh vô tình đi, vì nhà anh dù sao cũng ở nơi đầu sóng ngọn gió, nên có đôi khi anh nương theo gió mà thả bay bay mấy cái bao thuốc lá hay bọc ni lông, vỏ đậu phộng, bao mì gói từ bên ấy mà sang bên này, thì âu đó cũng là một nét lơ là đáng yêu của đàn ông, mà xét một góc độ nào đó thì rất đáng được cảm thông, chia sẻ. Thế nên anh cứ thả và em cứ nhặt, tình làng nghĩa xóm cứ thế mà nhịp nhàng, nhịp nhàng trôi.
Vì lỡ yêu hay chăng mà anh vẫn hay sang chơi nhà bọn em lắm! Giời Sài Gòn Tháng Sáu oi nồng, thiết nghĩ cũng chả cần câu nệ cái khoản thời trang làm gì. Nhưng mỗi lúc anh từ bên ấy mà sang bên này thì mắt bọn em lại bị hành hạ bởi cái khoản váy áo của anh; ôi, giời ôi, anh có phải là thi sĩ hay không mà phong thái lại rất gần gũi với thiên nhiên!Không hiểu vì tình hình lạm phát, giá vải vóc gia tăng, hay vì lời kêu gọi thiết tha của chính phủ, mà anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ biểu hiện thực trạng đất nước như một công dân ưu tú!
Vì sao em dám quả quyết như vậy? Là bởi vì chẳng khi nào anh chịu mặc áo, anh chỉ tròng độc mỗi một cái thun 3 lỗ và chiếc quần đùi ống rộng, mà có lẽ với áp lực của những thứ ở bên trong nên ở hai ống nó cứ xoăn xoăn lên như một cái lò-xo, còn chính giữa thì phồng lên hết cỡ… Đã thế, anh lại hay ngồi xổm rất hồn nhiên, để hết ra ngoài những… “rau” và “củ”. Mà cứ hễ thấy bọn em ra trước sân thì thể nào anh cũng mò sang trò chuyện, những câu chuyện vĩ mô, những vấn nạn như tình hình thế giới và vận mệnh nhân loại sẽ đi về đâu chẳng hạn, một cách rất hăng say, làm mắt bọn em đã cận lại càng thêm loạn…Đôi khi em muốn mạnh dạn góp ý về cái sự phơi bày rất thông gió của anh, nhưng em vẫn cứ ngại ngùng; biết rằng mình không thể nào đủ can đảm và trung thực để nói lên thực trạng đó – nó khá giống với thực trạng xã hội nước mình, anh có thấy thế không? – thật la ‘biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ, ôi biết nói gì…’*. Thế nên, em chỉ còn cách lặng câm nhìn anh trở thành mục tiêu đàm tiếu của các bà các cô ở khu phố. Nhìn tấm thân anh ngày ngày bị gió mưa cùng những tia mắt mang hình viên đạn bắn phá, giày xéo, mà anh vẫn cố tình hay vô tình không biết, em thấy quá thương, không đành lòng nên phải gõ cho anh cái meo này.
Anh láng giềng ạ! Em ước gì một ngày đẹp trời nào đó anh nhận ra rằng đôi chân khòng khèo que củi, cái ngực lép kẹp, cùng những “rau” với “củ” của anh, là những thứ rất đáng được nâng niu, rất đáng được trân trọng trong một lớp quần áo thẳng thớm thơm tho; trước là nhằm bảo vệ chúng khỏi sứt mẻ hao mòn, sau là để dành riêng cho người mà anh yêu; và quan trọng nhất là giúp cho nhân dân trong khu nhà trọ của chúng ta giảm bớt nguy cơ các chứng bệnh về thị giác và những cơn hoang tưởng đang tăng nhanh từng ngày.
Em… em khổ tâm lắm rồi. Xin anh thôi đi. Xin đừng mang bom nguyên tử đi khủng bố khắp nơi như chính sách của đất nước Bắc Triều Tiên anh em trong gia đình XHCN của chúng ta nữa, anh ạ.Nếu chẳng may tình mình dang dở, hoặc em hoặc anh phải dọn đi, thì em cầu trời cho anh gặp được cô nào xinh tốt; nếu không giỏi giang việc nhà việc nước, không trung hậu đảm đang, thì ước gì cô ấy cũng biết may cho anh vài quần đùi tươm tất, hay mua tặng anh 2 cái quần sọt để thay đổi, và biết quét cái sân chung trong khu nhà chung của chúng ta.
Anh ạ, tình cảnh này mà không thay đổi thì em đành phải thưa với chủ nhà để anh nói lời vĩnh biệt, còn hơn là chúng ta phải giết nhau. Thương anh vô hạn.
Người em láng giềng sầu muộn của anh.”
Đọc xong meo, tôi thấy mình phải ra tay cứu bạn thôi. Thế là mất tiêu 200 ngàn để dắt hắn ra siêu thị mua 3 cái quần sọt. Vì nếu không tặng hắn quần thì một hôm xấu trời nào đó hắn đập cửa xin dọn đến ở chung thì tôi bỏ mạng.