Menu Close

Quà của con nít

Lang thang tiệm sách, tình cờ thấy tập sách chung tựa Ai từng là con nít. Những cuốn sách nhỏ nhắn, bìa minh họa ngộ nghĩnh nhìn rất yêu. Này là: Làm như thế mới lạ, Mơ như thế mới hay, Đi như thế mới thích, Chơi như thế mới vui, Mặc như thế mới oách, Ăn như thế mới ngon. Chưa cần đọc sách mà chỉ lướt qua hàng tít đã đủ nghe lòng mình bồi hồi. Con nít – tuổi thơ, một thời vô lo, vô nghĩ với bao trải nghiệm thật khó quên.

alt

Thắm Nguyễn

Dù đã thôi là con nít, đôi khi người ta vẫn mơ những giấc mơ con nít, nhớ vài trò chơi của con nít và đặc biệt, nhiều khi phải cất công tìm cho bằng được một món ăn thời con nít. Món ăn thời con nít (tạm gọi tắt là quà của con nít) khá phong phú và thường là những thức rất bình thường. Song nó lại khiến người ta nhớ hoài không hẳn vì thật ngon mà vì gắn với kỷ niệm của tháng ngày hồn nhiên, trong trẻo nhất trong cuộc đời mình. Gắn với nơi mình sống – một miền quê hay một ngõ phố nào đó.

Hầu như ngày nào, con nít cũng được ăn quà: quà sáng, quà chiều, quà lúc xế/ quà tối. Những thức quà, dù cây nhà lá vườn hay được mua về thì đều hấp dẫn như nhau. Bao nhiêu con nít đều trải qua cảm giác bồn chồn, háo hức ngóng mẹ, ngóng bà đi chợ về. Và niềm vui rộn ràng khi được nhận trên tay chiếc bánh, viên kẹo hay một thứ quả ngọt thơm nào đó. Đôi khi, mình vẫn tự hỏi sao chỉ có bà hay mẹ mới hay mua quà vặt cho con nít và thấu hiểu con nít thích ăn gì. Câu trả lời ban đầu thật giản đơn: vì bố có bao giờ đi chợ đâu. Nhưng rồi đầu óc hồn nhiên của con nít có thể nghĩ ra được bao nhiêu là lý do. Đến khi đã thành người lớn, tạm bằng lòng với ý nghĩ: có lẽ đó là cách biểu hiện tình thương yêu rất… phụ nữ. Phải vậy không mà sau này mỗi khi ăn lại một món ăn thời con nít, mắt mình lại cay cay. Hồi đó, mặc cho mình có mời tha thiết đến mấy thì cũng chẳng khi nào mẹ và bà nếm thử món ăn mua cho mình cả. Ai cũng bảo, lúc nãy hay đi chợ đã ăn no lắm rồi. Mình ngây thơ tin như vậy. Con nít mà, hễ được ăn nhiều là thích rồi. Và nếu lỡ như nhà có hai con nít sàn sàn tuổi nhau trở lên thì người lớn sẽ khá mệt trong chuyện phân xử nhiều ít, phần to phần nhỏ.

Ăn quà, con nít ít so đo chuyện đắt – rẻ hay ngon và không ngon. Là quà, nếu đã bán cho con nít thì giá cả rất phải chăng vì chẳng cần phải chế biến quá cầu kỳ (mặc dù càng ngày những vị khách này càng khó tính hơn). Nhiều khi với người lớn đó là món dở của dở thì con nít vẫn thích mê. Vì đơn giản là hợp khẩu vị của con nít. Quà ở quê phần nhiều là quả cây bốn mùa trong vườn. Thường đến mùa quả chín, hái xuống ăn đoàng hoàng sao chẳng hề thấy ngon. Chỉ có trái xanh, trái ươm hái từ trên cây sao mà ngon lạ. Nào đủ các vị: từ đắng, ngọt đến chua lè, chát xít. Ngon hơn nữa, là khi chia nhau những thức quả hái trộm được từ vườn của một nhà nào đó trong xóm. Dù nhiều khi phải “trả giá” bằng việc leo trèo bị rách quần áo, ngã bầm tím tay chân và cúi đầu nói lời xin lỗi với chủ nhà. Nhưng mấy ai nỡ trách phạt con nít. Quà ở phố thường xuất hiện cùng những gánh hàng rong của những người bán dạo khắp ngõ phố, vỉa hè. Mùa nóng cũng như mùa lạnh, lúc nào cũng có những thức quà thơm ngon. Thử để ý mà xem, nơi nào bán nhiều quà vặt thì nơi đó hẳn có đông con nít. Nhiều nhất là hàng quà vặt ở cổng các trường học. Những người bán hàng, vô tình đi vào ký ức của con nít với những tên gọi như ông bánh mì pa-tê, bà trái cây dầm, chị kem que kem cốc.. v.v.

Thời nào cũng vậy, nhờ có quà vặt mà con nít dễ làm thân với nhau. Con nít không ngại ngần khi nói: “cho tớ một miếng nhé” và chẳng tính toán thiệt hơn. Con nít không tiếc quà mà chỉ buồn nếu không có bạn chơi cùng. Nói vui vui thì đôi khi quà vặt còn là thước đo của tình bạn. Vì những đứa bạn thân thường ưu ái để dành cho nhau thứ này, thứ kia. Chiếc cặp sách và ngăn bàn học trở thành nơi lý tưởng để cất đồ ăn. Giờ ra chơi đã đành, nhiều khi trong giờ học cũng lén lút cho nhau quà kèm theo tin nhắn trên mẩu giấy nháp xé vội để bảo đảm quà đến đúng “địa chỉ”. Cũng đôi khi, quà vặt với con nít trở thành dấu ngăn cách gia cảnh “giàu – nghèo”. Con nít chỉ ăn quà thoải mái khi trong túi rủng rỉnh. Trong cuốn nhật ký quà vặt thời con nít, đâu phải bạn chỉ nhớ hương vị của các món ăn. Hẳn có một lần nào đó, ký ức của bạn chợt hiện ra dáng hình khép nép của một người bạn cùng lớp, cùng phố đứng xa xa ngó bạn và những đứa bạn khác đang thưởng thức que kem hay chiếc bánh. Không phải đứa con nít nào ở lứa tuổi ấy đủ tinh tế để nhận ra và tiến lại san sẻ với người bạn kia một nửa phần quà của mình. Nhưng nếu bạn đã từng làm như vậy, thì bạn đã đem lại cho ai đó một kỷ niệm ấm áp. Biết đâu mai sau, bạn sẽ sở hữu thêm một tình bạn đẹp. Tất cả bắt đầu từ ngày ấy – cái ngày bạn chỉ nghĩ một cách giản đơn, hồn nhiên rằng: không phải cho đi là để mong nhận lại.

Quà của con nít, thời xưa và thời nay. Nhiều người lớn vẫn hoài đi tìm những hương vị thuở ấu thơ. Dẫu có món vẫn còn “lưu hành”, có món đã “tuyệt chủng” từ lâu thì trí nhớ vẫn lưu giữ hương vị của chúng. Chẳng phải “mùi hương là vị phù thủy đầy uy lực, đưa bạn vượt qua hàng ngàn dặm và tất cả những tháng năm mà bạn đã sống” hay sao? Phải chăng đó là lý do để mỗi khi có dịp nói/ nhớ về tuổi thơ thì những thức quà luôn ở vị trí ưu tiên. Và hương vị thật của nó dù chua hay ngọt, đắng hay chát thì vẫn cứ ngon tuyệt theo cách ăn của con nít. Chỉ những ai từng là con nít mới cảm hết cái ngon như thế!

NHN – Hạ Long, tháng 5-2013