Menu Close

Khi đàn ông vào bếp

Kể từ khi hiền nội không còn nữa, mình đâm ra thấy yêu mến bạn bè nhiều hơn, và thích được cùng bạn bè ngồi chung ăn uống. Có lẽ để quên đi nỗi mình cô quạnh nỗi người phôi pha. Chính vì vậy thỉnh thoảng nổi hứng còn tổ chức một hai cuộc họp mặt có rượu đỏ, thức ăn và tiếng cười. Cũng từ đó mình vào bếp thường xuyên hơn. Rồi như vượn chuyền cành, trí óc lan man nghĩ tới một bài văn đã viết ngày nào nhân một tạp bút của Yến Tuyết có tựa đề Khi Đàn Ông Vào Bếp. Bèn đem bài ra đọc và sửa lại, thêm bớt vài chỗ vì thời gian qua có thêm nhiều dữ kiện mới.

 

 

Xin bắt đầu với bài viết của Yến Tuyết. Mở đầu, Yến Tuyết tỏ ý vui mừng rằng “sinh sống ở Mỹ, vị trí của cái bếp không còn là nơi chỉ dành cho quý bà nữa và ngày nay chúng ta ghi nhận sự có mặt của khá nhiều “những ông nội trợ”. Và Yến Tuyết cho rằng đàn ông cũng sinh hoạt việc bếp núc là “điều tự nhiên, công bằng và rất đáng khuyến khích”.

Trở lại thời con gái, Yến Tuyết viết: “Trước đây, không biết ai là người đặt ra cái lệ như sau ở Việt Nam: “bếp núc là nơi chốn mà quý vị đàn ông không nên bước vào vì như thế họ sẽ mất dũng khí của đấng mày râu”. Và điều này được thấy rõ như trong gia đình tôi chẳng hạn. Hồi nhỏ, mỗi lần ông anh tôi xớ rớ ở bếp đều bị mẹ hay mấy bà chị tôi đuổi đi: “Con trai mà vào bếp làm gì, đi ra”. Tôi đã từng cảm thấy bất công khi tôi phải phụ mẹ lặt rau, nhóm lửa, thổi cơm, dọn bàn, rửa chén… sau khi đi học về. Trong khi đó ông anh tôi được ra ngoài sân chơi tạt lon, đá kiện… với bạn bè. Đôi lúc tức quá tôi phàn nàn thì ông ấy phán: “Ai biểu T. sinh ra làm con gái thì ráng chịu!”

Đúng như lời Yến Tuyết, thời xưa con trai không phải vào bếp. Hình như ai đó nói: Con trai vào bếp sẽ học dốt. Mà học dốt, trong gia đình Nguyễn là điều đáng xấu hổ. Cho nên thời nhỏ, Nguyễn không hề biết bếp núc là gì, mọi việc đã có mẹ và hai  cô em. Còn Nguyễn  thì chỉ lo học và, trời ạ, làm thơ cho những nàng con gái. Nói nào ngay, thỉnh thoảng Nguyễn cũng có mò vào bếp nhưng là để… xin ăn hoặc ngồi nghe mẹ kể chuyện. Nghĩ lại, Nguyễn thấy mình quả là thằng con bất hiếu, suốt đời không nấu được cho mẹ một bát cháo.

Trong bài viết, Yến Tuyết có nhắc và khen việc bếp núc của mấy ông chồng bạn, tiện thể khen luôn  chồng mình là nhà báo/nhà văn Vũ Ánh:

“Trong những buổi họp mặt gia đình hay bạn bè, tôi nghe thấy nhiều ý kiến phê bình tài nấu nướng của các ông chồng như: “ông L. làm món vịt chưng chao khỏi chê”, “ông H. nấu món lẩu hải sản số một”, anh S. có món cà-ri ngon tuyệt cú mèo. Ông A. kho cá thiệt là nghề v.v… Tại bàn ăn chung ở sở làm, tôi được cô đồng nghiệp khoe: “Chị ăn thử món mì xào kiểu Thái ông xã em mới học nè, không thua gì nhà hàng A.” Nghĩa là ngày nay, đã có những nam đầu bếp tại gia, tài nghệ không thua gì Hưng Huỳnh, người thắng giải đầu bếp nấu ăn giỏi nhất – Top Chef – của nước Mỹ trong năm 2008.

“Riêng tôi, khi người bạn đời tình nguyện làm bếp một cách thường trực hơn sau khi “chàng” về hưu, tôi cảm động bất cứ khi nào thấy có bữa cơm đã được sửa soạn sẵn chờ mình về sau một ngày làm việc mệt nhọc. Tôi cũng chẳng bao giờ mong chờ có những bữa cơm tối xuất hiện mỗi ngày, mà phải hiểu rằng tùy cảm hứng muốn nấu nướng của chàng một ngày đẹp trời nào đó mà thôi.”

Tới đây, không biết có ai cắc cớ lên tiếng: Vậy, thưa ông nhà thơ/nhà báo Tim Nguyễn, chớ hồi nẳm có bao giờ ông vào bếp nấu ăn cho vợ không? Xin thành thật khai báo: Dạ, cũng có đôi khi. Không có thì đâu còn dám ngước mặt nhìn đời. Đã có những lúc vợ đau, Nguyễn  phải nấu bữa ăn. Sang Mỹ, đôi khi vợ đi làm mà mình ở nhà rảnh thì cũng có làm việc bếp núc lai rai. Nhưng cũng như ông Vũ Ánh chồng Yến Tuyết, việc này khá là tùy hứng, khi nắng khi mưa, “nắng nghỉ mưa ngủ mát trời đi chơi”, nấu bếp với Nguyễn này cũng như làm thơ vậy. Thật ra, không phải mèo khen mèo dài đuôi (có đuôi đâu mà khen), nhưng hồi đó Nguyễn cũng biết làm một vài món ăn được (Nhật Hoàng và Phan Xuân Sinh đã có ăn thử): cá (lù đù) chiên, thịt heo luộc ăn với rau sống, đậu phụng rang giằm nước mắm ớt (món này do vợ dạy), canh cá thác lác chiên (món này cũng do vợ dạy luôn). Ngoài ra còn món bún cá mackerel, bánh canh tôm giò heo, bột chiên (kiểu bán trên xe ở đường Trần Cao Vân, Sài Gòn). Gần đây, sau khi hiền nội qua đời, nhờ thỉnh thoảng chiêu đãi bạn bè như đã nói ở đầu bài, mình có học thêm được một vài món: cá tilapia và tôm tẩm bơ đút lò, tôm luộc với bơ và bột nấu crawfish, canh cá catfish nấu ngót ăn với bún, thịt hon, bún cá Nha Trang và tới đây sẽ làm món vịt nấu chao đãi bạn. Cũng xin thành thật khai báo: Những món trên là do vị nữ thi sĩ xinh đẹp chỉ cho làm mà không tính tiền nhuận bút.  

Nói về tài làm bếp, trong đám bạn bè quen biết liên quan tới chữ nghĩa, có Đinh Cường biết chiên cá cho vợ – chiên trong garage, vừa vẽ tranh trừu tượng vừa chiên cá, những lúc trời Virginia xuống tuyết (đây là theo lời ông Nguyên Khai kể, bà Nhung đừng rầy kẻ này, tội nghiệp). Nhật Hoàng có món mì Quảng tuyệt cú mèo, Nguyên Nhi có barbecue (không biết chàng hay Phạm Chi Lan làm). Dạo lên Boston dự văn nghệ ở nhà Phan Xuân Sinh thấy chàng làm con cá to thiệt là to, không biết là trộn gỏi hay đem nướng, hoặc giả nấu cháo? Ở Virginia cùng với Đinh Cường cách đây dăm bảy năm có anh Nguyễn English (Nguyễn Anh Văn – chồng của một ca sĩ) nấu món Pháp tuyệt vời. Nghe nói Phạm Nhuận cũng rành làm món ăn Pháp. Cả hai ông vừa kể đều vào hàng Chef Cook. Còn anh chàng Phan thì khỏi nói: bò tái chanh ở Tuyệt Tình Cốc ngon vô số kể, còn món sườn heo nướng ăn với với bắp Mỹ nấu bơ thì phải nói là hết ý. Còn một vị nữa nổi tiếng từ Dallas tới Cali là luật sư Nguyễn Xuân Phước với món phở và bánh xèo. Điều cần nói thêm trước khi chấm dứt bài viết rất nhiều mùi vị này: Cả hai chàng Nhật Hoàng và Nguyễn Xuân Phước đều độc thân. Ngoài ra cũng trong những cuộc ăn uống, Tim tôi có biết thêm một vài danh tài: Đỗ Thọ luộc thịt và dọn món cá salmon sushi ngon ơi là ngon. Còn anh Hồng chồng của Hoàng Chu có món gà luộc ai cũng khen ngon. Ngoài ra, theo email Hoàng Chu, anh Hồng còn mấy món nữa, trong đó có món cháo lòng dồi lợn và món gỏi đu đủ gia truyền ăn vô ngậm mà nghe. À, còn một hảo hán suýt nữa quên là Ian Bùi – tức Nghĩa có món bún mắm không nơi nào ngon bằng và món crawfish ăn với rau răm, cam đoan thỏa mãn con tì con vị (chữ của Nguyễn Tuân). Riêng Hoàng Định Nam, anh này luộc trứng rất ngon, thường luộc năm bảy quả một tuần để chị Nguyệt ăn dần và món mì gói của Hoàng Định Nam thì khỏi nói, cả tòa soạn Trẻ đều mê.  

Còn nhiều nữa, những ông chồng làm bếp vào hàng thượng thừa. Có lẽ hôm nào phải làm một cuộc phỏng vấn kiểu Nhạc Sến Đàm Trường, mới “phát hiện” được hết những anh tài. Các chiến hữu đồng ý vậy không?

 

 

alt

 

Bảo Huân

 

TN