Menu Close

Mùa Đông & sâm kim chi

Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.

 

 

alt

 

 

Kỳ 13

 

Thế là hết năm. Kỳ nghỉ Đông bắt đầu của học sinh trung học kéo dài một tháng, lại là những ngày bận rộn nhất của các trung tâm Anh ngữ. Nhiều học sinh theo học tiếng Anh khóa ngắn ngày tăng lên bất ngờ, nhất là học sinh năm cuối để chuẩn bị bước vào đại học quốc tế. Tôi chưa có kinh nghiệm dạy thi theo chương trình TOFEL (Test of English as a Foreign Language) nên trường sắp xếp giờ dạy đọc hiểu thay thế. Tất nhiên số tiết dạy tăng lên và tiền lương tăng theo. Với số tiền phụ trội, biết tính toán một chút đủ cho tôi lên kế hoạch đi chơi ba nước Châu Á.

Hình như tôi quên kể cho các bạn nghe điều may mắn thứ hai khi dạy tại Britain English Academy, là các giáo viên rất thích đi du lịch bụi. Quả hợp với tôi. Ở trường cũ, làm bạn với Kim nên có lần được về làng quê chơi cho biết, chứ Joanna và Stanley cũng chưa đi đâu loanh quanh ngoài hai thành phố Seoul và Busan. Irene và các bạn từng đi phà đến Đảo Tsushima (thuộc Nhật Bản). Từ Busan đến Nhật bằng phà cao tốc chỉ mất hai tiếng rưỡi, nên có thể đi và về trong ngày. Nếu thích xa hơn, Shanghai (Trung Quốc) là điểm đến khá lý tưởng. Tôi và Irene quyết định đi Tsushima nhưng cuối cùng phải hủy bỏ vì một trận tuyết lớn ngay trong ngày Tết Dương lịch.

Tuyết rơi mới vài tiếng đồng hồ mà khắp nơi chìm trong một màu trắng muốt. Đường phố, mái nhà cao thấp, bụi cỏ con mương, núi đồi xa xa khoác lên mình lớp áo tuyết dày óng ánh mênh mông hiện ra trước mắt như trong truyện thần thoại. Và những bông tuyết cứ tiếp tục rơi càng lúc càng dày lên khiến những nhánh cây xòe ra cong oằn như không còn chịu nổi sức nặng tưởng chừng nhẹ tênh của những lớp tuyết bông mềm mại. Từ dưới nhìn lên chòi cây bung tròn lớp tuyết chồng chất lên nhau tạo ra những hình thù kỳ thú. Trông lạ mắt. Đẹp khó tả! Nhưng rồi cái đẹp đó dần tan biến khi ta để những suy nghĩ mông lung về cuộc sống thực tại len lỏi vào các giác quan. Cảnh đẹp chỉ để đứng xa ngắm nhìn hay ngồi cuộn tròn trong chiếc áo len ấm áp mơ màng nhìn qua cửa sổ. Nhưng khi bước ra ngoài trời, lấy tay chạm vào tuyết trắng, cái lạnh làm ta rùng mình tê tái. Ước gì ngày mai không phải đi dạy thì sướng biết mấy. Cứ quấn cái chăn bông ngủ vùi như con mèo lười biếng giống hồi tuổi nhỏ.

Nhớ hồi sang Mỹ, một trận tuyết phủ trắng như thế này chào đón gia đình chúng tôi. Lần đầu tiên trong mắt đứa trẻ bảy tuổi nhìn thấy những bông tuyết bay lả tả đầy trời. Bất chấp cái lạnh tôi chạy ùa ra sân cỏ trước nhà, dùng tay gom tuyết đắp hình người. Ba giúp tôi hoàn thành tác phẩm nhanh chóng bằng củ cà rốt làm mũi, nhặt hai trái pecan dưới lớp cỏ khô làm mắt và cái miệng cong tròn giống anh hề bằng khúc cây mục, rồi lại trùm lên đầu người tuyết chiếc mũ len của tôi. Người tuyết ngộ nghĩnh như hình vẽ trong cuốn truyện tranh của con nhỏ Jerly tóc vàng hàng xóm đem qua khoe, ba má mới mua cho nó. Cả nhà xúm nhau chụp hình giống y cảnh hiện giờ của một gia đình trong khu chung cư tầng dưới phòng tôi đang túa ra ngoài sân nói cười vui vẻ đắp hình người tuyết. Con bé nhỏ tóc đen đội cái nón len màu mạ non đưa tay gom tuyết. Bản sao của tôi ngày xưa đó có phải không.

 

Ba tôi lại nói không thích tuyết. Có lẽ do lo lắng cho tôi, đi học tự về nhà không ai đón. Lỡ trời có mưa hay tuyết, tan học lo về nhà ngay, nghịch ngợm ngoài trời bị cảm lạnh thì khổ. Đường sá trơn trượt bất cẩn dễ cho “cái mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc” (biết dịch qua tiếng Anh, chết liền). Tôi thì ngược lại, khoái vọc tuyết cho đến khi nào hai bàn tay tê cóng mới thôi. Có lần, một trận tuyết lớn khác bất ngờ đổ xuống, Ba đi làm về nhà không thấy tôi, hốt hoảng nháo nhào vào trường tìm kiếm. Ba dặn trên đường lỡ khi có tuyết hay mưa lớn xảy ra thì núp vào chỗ này, chỗ nọ và cố di chuyển về hướng nhà, đừng đứng yên một chỗ, như vậy đỡ thấy lo sợ hơn và mau chóng về tới nơi an toàn. Tôi mải mê đi bừa trên bãi trắng, từng bước chân lún sâu trong tuyết càng thấy khoái trá và mỗi lần rút chân lên khiến những vốc tuyết bung ra vung vẩy như ai đang rải cát. Nhưng không may, tôi bị hụt chân xuống hố đất úng nước trong trận mưa đêm qua. Nước chỉ đến đầu gối, nhưng do thụp người, tôi chìm trong đống tuyết. Từ đầu đến chân, cả cái ba lô đeo trên lưng dát đầy bụi tuyết giống như con mèo ướt chui ra từ cơn bão. May là ba tôi đến kịp lúc.

 

 

alt

 

Công việc thường nhật của người Hàn trong mùa Đông

 

Nhưng mấy ai ngờ, cuộc đời có lúc lặp lại những hình ảnh “khi xưa ta bé ta ngu”.

Bây giờ, tôi đang nằm bẹp gí như con chí trên tấm nệm êm ái, quấn cái chăn bông mà trong người vẫn cứ rét run cầm cập. Chuyện là buổi trưa tôi đi bộ ra ga tàu điện ngầm đến trường. Trời hanh nắng, nhưng dọc theo bờ mương phía ngoài công viên bật lên một thứ ánh sáng lấp lánh sắc màu cầu vồng, thu hút bước chân tôi về phía đó. Ôi chao! Một khối thủy tinh trong suốt. Đêm qua trời lạnh đến nỗi bề mặt con mương nhỏ đóng băng thành đá. Lần đầu tiên tôi thấy cảnh tượng thiên nhiên lung linh mùa đông Hàn quốc. Chưa kịp mơ tưởng anh chàng diễn viên Bae Yong Joon trong bộ phim truyền hình nhiều tập bản tiếng Anh “Winter Sonata” (Bản tình ca mùa Đông) lãng mạn chạy ra giữa đất trời kết liền một màu tuyết trắng thì tôi bất cẩn trượt chân rơi ùm xuống nước, phá tan tấm kính thủy tinh dày cả tấc. Nước không sâu đến đầu gối mà ngập tận thắt lưng. “Nàng tiên cá” tôi vung tay đứng lên miệng ngoi ngóp cầu cứu nhưng không phát ra thành tiếng.

Lúc rơi xuống nước vì quá hốt hoảng nên tôi không cảm nhận được cái lạnh thấu xương thế nào cho đến khi biết mình bị Hà Bá chê mới thấy bàn tay, da mặt đau rát như bị những lát dao bén cứa nhanh qua. Nước thấm xuyên qua quần áo trong tích tắc khiến tôi cảm giác một khối băng đông đặc bao lấy thân thể. Tôi cố bò lên bờ nhưng cái ba lô sách vở sau lưng cứ kéo tôi trượt xuống. Trên đường không một chiếc xe. Thời tiết lạnh âm mười mấy độ C nên hầu hết người ta sử dụng tàu điện. Lên được bờ thì cái lạnh càng thấm sâu vào xương tủy. Người tôi tím tái tê cứng như sắp bị đóng băng nếu không đi nhanh về nhà. Ba trăm mét mà tôi cứ tưởng ba ngàn mét!

Irene vừa bước ra cửa, thấy bộ dạng ma da của tôi vội thốt lên: “Ôi! Lạy Chúa! Chuyện gì thế này?”. Tôi khoát tay, cố ý nói không sao, lại còn cà tửng “thử xem nước sông đóng băng lạnh cỡ nào”. Irene bước đến nắm bàn tay cứng đờ của tôi, nghiêm mặt: “Bạn phải đi bác sĩ thôi. Tôi giúp bạn”. “Ý trời! Không sao đâu. Chị giúp tôi nói với hiệu trưởng tôi xin nghỉ dạy ngày hôm nay là đủ. Chị đi đi, kẻo trễ giờ dạy mất”.

Đứng dưới vòi nước ấm, tôi thấy thân thể mình dường như bốc khói. Thật linh nghiệm với điều ước hôm qua còn ngồi im trên ghế sung sướng quấn chiếc chăn bông nhìn ra cửa sổ xem tuyết rơi ngoài trời. Thế mà giờ đây tôi có khác gì khối băng tan chảy. Cái lạnh trong người vẫn cứ thoát ra từ cú hàn băng chưởng ngu ngơ khiến tôi cứ run lên từng hồi. Người thì không sao nhưng coi lại đồ đạc thấy tiêu mất cái cell phone. Thôi, của đi thay người. Tôi gọi điện thoại nhà nhờ Kim mua ngay giùm cái khác.

Kim đến thăm mang quà cho tôi nhiều hơn mong đợi, có cả cháo đậu đỏ và sâm kim chi mà có lần tôi được nếm thử với cơm nóng trong buổi chiều mưa dầm tại nhà Kim. Tất nhiên là ngon hơn nhiều kim chi củ cải bởi kim chi sâm là loại thức ăn quý, bổ dưỡng do má Kim tự trồng trên mảnh vườn sau nhà, thu hoạch làm lấy kim chi để đãi khách hoặc làm quà biếu cho những người thân của gia đình. Sâm kim chi hấp thụ tinh khí bốn mùa đất trời xuân-hạ-thu-đông, trải qua liên tục bốn năm mới cho củ, cho nên quý là ở chỗ đó. Nhưng điều quý hơn chính là tấm lòng của bà mẹ Kim ưu ái dành cho tôi. Khi nghe Kim nói tôi bị té sông, bà vội gói một hũ sâm kim chi và nấu một nồi cháo đậu đỏ bắt Kim mang đến cho tôi, “ăn xả xui”.

Trời lạnh, ăn bát cháo nóng với vài lát sâm kim chi cay nồng, thơm lừng mùi gừng hành tỏi, ấm ran cả người. Tôi kể Kim nghe người Việt có món cháo đậu đỏ nước dừa ăn với dưa mắm không khác người Hàn là mấy. Nhưng sự so sánh ẩm thực giữa hai đất nước về món cháo đậu bình dân có phần nào khập khiễng. Bởi với người Hàn, cháo đậu đỏ là món ăn theo mùa và có phần tín ngưỡng do quan niệm mê tín hơn là món ăn bình thường dễ tiêu hóa. Kim nói khởi đầu Tháng Giêng Dương lịch tức là Tháng Chạp Âm lịch, hầu hết người Triều Tiên đều ăn cháo đậu đỏ để xả đi những xui xẻo trong năm cũ. Nhiều người ăn cả tháng.

Kim kể, năm trước, cũng vào mùa Đông tại dòng sông nhỏ này, có một bé gái chết trôi. Chắc không có ai chơi với nó nên gặp bạn mon men đến bờ sông dòm ngó, nó rủ tắm sông chơi một chút đó mà. Không biết Kim nhát ma tôi hay nói thật nhưng nhớ lại cảnh tượng té mương hồi trưa làm tôi nổi da gà. Nếu chẳng may là con sông sâu ngập đầu thì “thôi rồi Linh ơi!”. Còn đâu ngồi đây thưởng thức món cháo đậu đỏ với sâm kim chi ngon quá là ngon.

Sâm kim chi đắt tiền nên không dễ kiếm mua ở chợ hay siêu thị. Kim chi làm từ các loại rau củ khác bình thường đã ngon, nói chi đến củ sâm tốt bồi bổ sức khỏe. Tôi không hỏi Kim chi tiết nhưng chắc rằng nó đắt hơn cả thịt bò nhiều lần. Má Kim, người phụ nữ nội trợ đảm đang. Mọi thứ bánh trái, thức ăn trong nhà đều tự tay bà làm. Kim chi ủ trong vại sành mấy loại, loại nào cũng ngon. Nhưng Kim bảo, ngày nay mọi thứ thay đổi rồi. Chẳng đâu xa, bản thân Kim không quan tâm nhiều đến chuyện gia chánh. Mọi thứ đều có bán ở siêu thị, thời gian đâu bỏ công ra làm chi cho mệt. Phụ nữ Hàn ngày trước thời má mình còn trẻ đều biết làm kim chi. Gần như nó là thước đo đánh giá công dung ngôn hạnh của người con gái khi về nhà chồng. Ở Seoul có một bảo tàng trưng bày và giới thiệu cả trăm món kim chi. Có dịp Kim đưa bạn đến đó xem cho biết cách làm kim chi truyền thống. Kim chi bạn mua siêu thị không phải của Hàn quốc đâu đó nha. Toàn hàng nhập cảng từ Trung Quốc vì giá rẻ hơn nhiều kim chi làm ra từ trong nước. Nghe nói vệ sinh không được tốt lắm. Có ký sinh trùng và chất gây ung thư!

Ghê vậy! Tôi bước lại tủ lạnh, lấy ra mấy gói kim chi cải thảo mới mua tuần rồi, kiểm lại cho chắc. Chết cha! “Product of China!”.

NLs