Menu Close

Thấp thỏm

Ngày ấy…

Thuyên không nhớ đã đứng dưới mưa bao lâu, nhưng nàng cảm thấy lạnh, lạnh run. Thuyên biết thực sự cái run đã bùng phát từ buổi trưa, lúc cuộc tranh luận với Mai, con gái út của nàng, đến hồi gay cấn, nàng bỏ ra ngoài, mặc cơn giông đang ầm ầm kéo đến, mặc tiếng gọi vừa thất thanh vừa giận dữ của Mai.

Thuyên cũng nhớ nàng run lên bần bật vì tức giận, khi chiếc xe màu trắng của Mai lùi nhanh ra khỏi sân, bánh xe rít trên nền gạch và lao vút vào khối nước khổng lồ đang từ trên cao trút xuống.

Thuyên vào nhà, để nguyên quần áo ướt đẫm, nàng gieo mình xuống chiếc ghế mây ngoài hàng hiên, nước mắt nóng thi nhau tràn khỏi hốc mắt sâu và mệt mỏi.

Đây không phải lần đầu Thuyên va chạm và tranh luận gay gắt với các con về các phong tục văn hóa và nếp sống của người Việt mà nàng muốn giữ. Đây cũng không phải lần duy nhất nàng cắt ngang cuộc tranh luận bằng cách bỏ đi, mặc cho Xuân con gái lớn nhún vai, lắc đầu bất mãn, và Mai gào lên một cách hung hăng: “Sao mẹ lại làm thế, bỏ ngang cuộc nói chuyện, mẹ bất lịch sự mẹ có biết không?” Hình như chưa bao giờ Thuyên ngồi lại cùng các con giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn.

Vài giờ trước, sau bữa cơm trưa, Mai xin đến nhà bạn chơi và ở lại đêm. Như thường lệ, Thuyên không đồng ý, Mai vẫn vừa xin vừa giải thích. Hai mẹ con đi đến cuộc tranh luận và đổ lỗi cho nhau là tác nhân làm lớn ra khoảng cách, vốn đã có giữa hai thế hệ.

Nàng đã đuối lý, đôi mắt to đen của Mai đang nhìn thấy điều đó, và nó đang lấp lánh ánh đắc thắng. Mất hết kiên nhẫn và sự tự tin, Thuyên đứng dậy đập mạnh tay xuống bàn hét to: “Câm ngay, quá lắm rồi, dám cãi tay đôi với mẹ hả? hỗn láo!” Thuyên quay lưng định bỏ đi như mọi lần, Xuân nắm vội tay nàng, kéo nàng ngồi xuống, giọng đứt quãng: “Mẹ, mẹ bình tĩnh lại đi. Em Mai nói đúng đó mẹ. Em không dám hỗn với mẹ như mẹ nghĩ đâu. Mẹ nhìn hai đứa con đi, chúng con đã lớn rồi, không còn nhỏ như trước nữa. Mẹ hãy cho chúng con được sống bình thường như các bạn ở đây. Em Mai đến nhà bạn, ở lại nhà bạn, cũng như bạn của em đã từng ở lại nhà mình. Mẹ hãy cho em đi đi mẹ” Thuyên vung tay: “Không đi đâu hết, con gái không thể đi ngủ bậy bạ được!” Nàng chợt nghe tiếng Mai ấm ức: “Mẹ, con đi ngủ ở nhà bạn, mẹ biết Katy là bạn thân của con, mẹ cũng biết mẹ của Katy nữa, vậy mà mẹ nói bậy bạ là sao!? Thuyên đứng lên, không trả lời, bước nhanh ra vườn lúc trời đang trút nước,. Mai và Xuân cũng bỏ nhà  lái xe đi giữa cơn giông.

Nước mắt chan hoà, Thuyên nhớ hai con hồi tiểu học. Lúc ấy, chúng như đôi chim non nằm gọn trong vòng tay che chở của nàng. Hàng ngày, sau giờ học, hai chị em phải ở lại trường với nhóm trẻ có cha mẹ đi làm, đến 5 giờ cha mẹ tan sở mới đến đón. Một hôm nàng vừa đến, Mai đã chạy ra ôm mẹ mếu máo: “Con muốn uống sữa mà cô giáo không cho”. Nhìn mặt con lấm lem nước mắt, nước mũi, Thuyên kéo con đến gặp cô giáo và gằn giọng: “Xin cô giải thích cho tôi tại sao con tôi không được uống sữa? Tôi đã đóng tiền sữa đầy đủ cho hai con của tôi mà!” Cô giáo trẻ, người da màu nhìn nàng ôn tồn nói: “Thưa bà có chứ, nhưng mỗi em chỉ được một ly thôi. Thật không may, khi Mai xin thêm, thì sữa cũng hết, nếu còn, tôi tiếc gì mà không rót thêm cho Mai. Con bé dễ thương quá mà!” Thuyên ngỡ ngàng, lí nhí xin lỗi và cảm ơn cô giáo. Dắt hai con ra xe, nàng nói: “Trong lúc chờ mẹ đón, các con và các bạn đều được uống mỗi đứa một ly sữa, như thế là đồng đều và đầy đủ. Còn phải để bụng ăn cơm tối nữa chứ. Như hôm nay mẹ con mình sẽ ăn pizza, uống Coca Cola, nếu Mai uống đến hai ly sữa, thì làm sao ăn được pizza nữa, đúng không?”; Mai chồm lên ôm cổ mẹ: “Con thích pizza, con không đòi uống sữa nữa!”

Nuối tiếc hạnh phúc trong vòng tay bé nhỏ của con, Thuyên chạnh lòng nghĩ đến số phận của mình… Năm 72, nàng gặp Giản ở Đại Học Văn Khoa. Từ tình bạn đến tình yêu và đám cưới…mọi việc tuần tự xảy ra như sự xếp đặt tuyệt vời của Thượng Đế. Giản lại là con một, nên được hoãn dịch, cuộc đời của Thuyên xem ra may mắn và êm ả hơn các bạn cùng trang lứa.

Đến Tháng Tư năm 75, mất miền Nam, xã hội đổi thay, vì là nhân viên phòng hành chánh của trường, vợ chồng Thuyên được lưu lại trường một thời gian ngắn, sau đó bị cho nghỉ việc. Giản tìm đường cho gia đình vượt biên, đến được Mã Lai năm 84, và định cư ở Mỹ hai năm sau đó.

Nhưng cuộc sống mới ở miền đất hứa đã không bảo đảm hạnh phúc cho gia đình Thuyên. Hai vợ chồng chia tay, khi hai đứa con còn rất bé. Xuân mới 6 tuổi, Mai 4 tuổi. Không có Giản, đời  sống vật chất của ba mẹ con không thay đổi bao nhiêu, nhưng về tinh thần, Thuyên phải nhập vai vừa làm cha vừa làm mẹ.

Thuyên đi làm cho phòng nhân viên xã hội, nên hội nhập vào đời sống bản xứ khá nhanh. Cuộc sống nhiều ưu đãi như dành riêng cho mẹ con nàng với những buổi picnic ở công viên, những buổi sáng cuối tuần chạy bộ, hay đi nghe âm nhạc ngoài trời trong những dịp lễ lớn. Nhưng khi các con càng lớn, lạ lùng thay, Thuyên thấy mình co cụm, giáo điều, và như một cái máy, nàng đã lặp lại những lời của mẹ, mà ngày trước nàng đã từng cho là vô lý, cổ hủ. Nàng cũng thảng thốt khi nhìn thấy nỗi tuyệt vọng năm xưa của mình trong đôi mắt của các con, khi nàng từ chối lời cầu xin của chúng. Thuyên chênh vênh, vụng về, lúc thì cương quyết, cứng rắn đến vô lý, lúc thì mềm yếu như bấc

Tình trạng này kéo dài tưởng như bất tận cho đến lúc Thuyên nhận ra trong nhà có đến ba phụ nữ rất bản lĩnh, nếu không nói là bướng bỉnh, có quan niệm sống khác nhau, đang cố tìm cho mình một không gian riêng biệt đầy quyền lực.

o O o

Mai vẫn cho xe chạy với tốc độ nhanh trên xa lộ. Xuân nói: “Chạy chầm chậm thôi, trời đang mưa, đường trơn lắm đó”. Mai nói: “Tốc độ bình thường mà!” Ngừng một lát như tìm chữ, Mai giảm tốc độ xe, và nói tiếp giọng chán nản: “Hình như mẹ không thương tụi mình, chị có thấy thế không? Những gì em hỏi, em xin, mẹ đều từ chối, sau đó là la mắng!”. Xuân nhìn em cau mày: “Theo em, mẹ thương ai? mẹ chỉ có hai chị em mình thôi mà!”; Giọng Mai sũng ướt:”Em cũng không biết nữa! Nhưng tại sao mẹ lại như thế chứ! Tại sao lúc nào mẹ cũng nói người Việt Nam không làm thế này, người Việt Nam không làm thế kia. Bộ như thế là tốt lắm sao? Ba đó, ba có tốt không? Nếu tốt sao ba bỏ mẹ và hai chị em mình?”; Xuân cắt ngang: “Em cho xe vào Mall đi, chị em mình vào quán uống café  và nói chuyện” Giọng Mai chợt tỉnh táo: “Đúng rồi, em cũng thèm ly café,”

Hai chị em chọn một góc khuất. Café thơm ngát, Xuân nhìn em nói: “Chị nghĩ dưới mắt mẹ, chúng ta luôn luôn là những đứa bé con, chưa trưởng thành, không bao giờ được trưởng thành là đằng khác, vì thế luôn cần mẹ che chở và đó là hạnh phúc của mẹ.

Mặt khác, cũng có thể mẹ biết chúng ta đã lớn, sẽ rời mẹ một ngày không xa, điều này khiến mẹ lo sợ, nên mẹ cố níu kéo chúng ta ở bên mẹ, dù biết là vô vọng. Có những đêm mẹ không ngủ mẹ ngồi đan áo, rồi đạp máy may, may cho chị em mình cái váy, cái áo, xem như mình vẫn cần mẹ, để mình ở với mẹ. Mẹ không có ai ngoài em và chị.

Một mình mẹ nuôi hai chị em, nên mẹ thường tủi thân. Những lời nói rất chính đáng của chúng ta, nhưng nếu sỗ sàng, nó sẽ như sự hất hủi, làm mẹ tổn thương.

Chị nói thế, để em hiểu tại sao chị đã học đại học, năm nay là năm cuối, mà vẫn để mẹ đưa đón. Chị chỉ muốn mẹ vui. Mẹ chỉ vui khi được săn sóc chị em mình. Chị thấy khi mình quyết định điều gì cho ai đó được vừa lòng, được hạnh phúc, thì chính mình cũng được hạnh phúc, em có thấy thế không?

Mai nhìn ra đường, xoay xoay ly café và nói: “Em hiểu những gì chị nói, em cũng hiểu mẹ đã lớn lên với văn hóa phong tục Việt Nam. Nhưng mẹ đã trở lại trường học bên này, mẹ đã hấp thụ cùng một nền giáo dục như chúng ta, mẹ đi làm, mẹ có bạn người Mỹ như chúng ta. Mẹ sống rất tốt, rất vui trong cuộc sống Âu Mỹ, nhưng với em, tại sao mẹ lại cản không cho em được sống như mẹ, được vui chơi với các bạn. Tại sao em phải sống như thời mẹ còn trẻ ở cái xứ Việt Nam với nhiều cấm đoán vô lý, vô lý đến không chịu được như hôm Adam đến chơi, mẹ cứ ngồi trong phòng khách canh chừng em nói chuyện. Thật không chịu nổi. Chị nhớ hôm em về trễ vì đi ciné với đám bạn không? Mẹ la em một trận muốn chết luôn. Tại sao? Tại sao mẹ lại nghĩ đi ciné là không tốt cho con gái chứ? Điều gì đã xảy ra cho mẹ, hay cho cả con gái Việt Nam vào thời nào đó khi đi ciné? Bây giờ em xin đến nhà Katy chơi, và ở lại nhà nó, mẹ cấm không có lý do, chỉ dùng quyền làm mẹ và la lối om sòm. Tại sao? Em đã là sinh viên năm thứ hai rồi. Em biết điều phải điều trái, điều gì không nên làm. Hình như mẹ không tin chúng ta”

Xuân thở dài: “Mẹ tin chúng ta, nhưng mẹ không tin chính mẹ. Chị nghĩ đêm nay, em hãy cứ đến nhà Katy và ở lại đó. Chị sẽ nói chuyện với mẹ. Chị biết, chúng ta càng tỏ ra là những cô gái tốt, mẹ càng sợ chúng ta dễ bị hại, cũng như đóa hoa đẹp, sẽ có nhiều người muốn sở hữu. Chị sẽ nói chuyện với mẹ là chúng ta đã trưởng thành, chúng ta sẽ hoán chuyển trách nhiệm. Chúng ta sẽ tự chăm sóc mình, và chăm sóc mẹ nữa, để mẹ được nghỉ ngơi. Thôi mình về kẻo mẹ lo!

PDH  6/13