Đại hội CHEA
Disney Hotel, Anaheim, California. Điểm đến tuyệt vời cho những kỳ nghỉ gia đình, cho thế giới thần tiên, cho những trò giải trí bất tận, cho pháo bông tưng bừng thắp sáng trời đêm. Một “tuyệt điểm hạnh phúc của thế giới,” tôi dịch từ “the happiest place on earth,” vốn là slogan ăn khách của Thế giới Disney.
Nhưng đầu Tháng Sáu 2013, hàng ngàn người và gia đình của họ từ khắp nước Mỹ đã đến Disney Hotel không phải để vui chơi, mà để học, và để dạy con học. Họ đến dự Đại hội Giáo Dục Tại Gia (tôi dịch từ chữ “Homeschooling Conference”) do Hội CHEA tổ chức (Christian Home Educators Association of California, cheaofca.org). Đây là Đại hội thường niên thứ 30 của Hội này.

Exhibition Hall, nơi bày bán nhiều chương trình giáo dục tại gia trong Đại Hội CHEA
Điều đặc biệt nhất tôi nhận thấy, là đa số các tham dự viên đều cùng đi với cả gia đình của họ, từ những em bé còn đang bú cho đến những sinh viên đại học. Đây là lần đầu tiên tôi dự một Đại hội đặt gia đình làm trọng tâm như thế này. Không chỉ vậy, mà còn tam đại cùng dự, các ông bà nội ngoại cùng đi để trông em. Nhờ đó, các phụ huynh có thể thuận tiện tham gia các buổi thuyết trình.
Mãi đến năm 1981, việc dạy con toàn thời gian tại nhà mới được pháp luật Hoa Kỳ công nhận. Bên cạnh Hội CHEA, Hội HSLDA (Home School Legal Defense Association, hslda.org) là một trong những tổ chức tiên khởi trong việc vận động và bảo vệ quyền lợi cho cha mẹ được toàn quyền quyết định cho việc giáo dục của con cái mình.
Có nhiều lý do khiến cho phụ huynh muốn dạy con tại nhà. Thứ nhất, từ thập niên 1980s, khi các trường công lập tại Mỹ không cho phép đọc kinh trước giờ học, nhiều phụ huynh muốn con cái mình tiếp tục có một nền giáo dục trong nền tảng Kitô, nên đã dạy con tại nhà. Thứ hai, học phí tại các trường tư quá cao, mà nhiều phụ huynh thì lo ngại trước sự giảm sút chất lượng trong nền giáo dục công lập tại Mỹ, vì nhiều lý do đưa đến, như cắt giảm ngân sách, dạy theo các bài thi tiêu chuẩn thay vì theo một giáo trình toàn diện. Thứ ba, nhiều cha mẹ muốn có một nếp sống thân mật với con cái hơn, cũng như trao cho con kinh nghiệm sống và những truyền thống riêng của gia đình, nên thu xếp để cùng dạy con tại nhà.
Thứ tư, và có lẽ quan trọng hơn cả cho những phụ huynh muốn con em mình đạt đến khả năng học tối đa, là cha mẹ dạy con tại nhà có thể soạn giáo trình thích hợp cho từng đứa con, theo sở trường và sở đoản của chúng. Đây là chìa khoá của thành công, nhưng đòi hỏi nhiều công sức, tìm tòi, và quyết tâm. Con người có nhiều loại thông minh, nên giáo dục cũng cần phải thích hợp với từng cá nhân, không thể ‘one size fits all,’ dù các hệ thống giáo dục công lập vẫn không có nhân lực, tài lực để dùng chìa khoá này. Một số trường tư sử dụng phương pháp Montessori đều nhắm vào việc giáo dục từng cá nhân này. Ngoài ra, học sinh tại gia có nhiều thời gian để ngủ hơn, đỡ mất thời gian đi lại, ít có vấn đề về hạnh kiểm hơn, học hỏi được nhiều kinh nghiệm sống từ cha mẹ hơn, gia đình có nhiều tự do hơn khi chọn thời gian nghỉ hè, vv.
Hiện nay, càng có nhiều gia đình dạy con tại gia. Theo thống kê, nhiều luật sư, bác sĩ, và các chuyên gia khác đang chọn giáo dục tại gia ngày càng nhiều vì những ích lợi của nó. Tuy nhiên, đây không phải là một việc dễ làm. Cha mẹ cần phải có quyết tâm, kiên nhẫn, và chịu khó thì mới thực hiện được. Bù lại, thành quả đạt được thì vô giá. Chỉ riêng việc thi cử, học sinh tại gia đều đạt điểm 90% trở lên, và có khả năng đọc và viết cao hơn so với các học sinh tại trường công.
Năm 2010, Tiến sĩ Brian Ray tại Viện nghiên cứu về Giáo Dục Tại Gia (tôi dịch từ chữ “National Home Education Research Institute”) ghi nhận có khoảng 2.04 triệu trẻ em được giáo dục tại gia ở Mỹ, tăng 75% so với năm 1999, và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Ba-Mẹ-Đồ
Ở Việt Nam, việc giảng dạy tại nhà là một nét giáo dục quen thuộc từ thuở xa xưa. Từ những ông đồ mở lớp tại nhà của thế kỷ 20, đến những lớp học thêm do giáo viên mở ra để kiếm thêm thu nhập sau này, việc học không chỉ gói gọn tại các phòng học ở trường mà còn được đào sâu tại nhà. Trong văn hoá Việt Nam, vai trò của người sinh hoạt giáo dục – dạy, hay học – đều được đề cao. Chúng ta vẫn nhớ đến hình ảnh ông đồ già viết chữ bên lề đường những ngày Xuân:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy Ông Đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…
(Bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên)
Hay sự trân quý một người đang theo học, “Anh Đồ,” trong văn chương bình dân:
Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Chỉ tham cái bút cái nghiên Anh Đồ
(Ca dao Việt Nam)
Người Việt có tinh thần hiếu học từ ngàn đời, và tinh thần đó càng mạnh mẽ hơn tại hải ngoại với điều kiện học vấn thuận lợi. Sự tôn kính đối với nhà giáo được thể hiện trong văn hoá Việt qua nhiều cách, như câu tục ngữ “Không Thầy đố mày làm nên.” Nhưng Cha Mẹ vẫn luôn là nhà giáo đầu tiên cho con cái, và là người đầu tiên gieo mầm hiếu học trong con cái mình.
Do vậy, tôi nghĩ việc giáo dục con cái tại nhà vốn không phải là một điều xa lạ đối với người Việt chúng ta. Tuy nhiên, ở thế kỷ 21, dạy con cái hoàn toàn ở nhà, tại Mỹ, có lẽ là một khái niệm xa xôi, nếu không nói là bất khả thi, cho các phụ huynh gốc Việt. Có nhiều phụ huynh còn giới hạn về Anh ngữ, chắc chắn không đảm đương được trách nhiệm này. Đa số phụ huynh đều đi làm toàn thời gian, nên cũng khó thu xếp để dạy con tại nhà.
Trong ba thập niên gần đây, tại Hoa Kỳ và hơn 70 quốc gia khác trên thế giới, nếu quý phụ huynh nào có ý muốn dạy con toàn thời gian tại nhà, thì đây là một chọn lựa. Tôi gọi những phụ huynh chọn giáo dục con cái tại gia là “Ba-Mẹ-Đồ,” một cách để giúp độc giả dễ liên tưởng đến vai trò của cha mẹ trong việc làm gia sư cho con, và để phản ánh một nét giáo dục đã thành văn trong văn hoá Việt.

Penny Ross, một nhà giáo cư ngụ tại Hermosa Beach, nói về cách “dạy con từ thuở còn thơ”
Giáo Dục tự do, Gia Đình thắt chặt
Giáo dục tại gia giúp cho xã hội phong phú và ổn định hơn. Những gia đình chọn dạy con tại nhà sẽ có nhiều cơ hội gắn bó với nhau hơn. Khi cha mẹ muốn giữ vai trò chủ động trong việc giáo dục con cái, họ ắt cũng đầu tư rất nhiều trong việc dạy dỗ và giáo huấn các em. Cho dù có dạy con toàn thời gian tại nhà hay không, việc tìm hiểu và nắm bắt được những cập nhật về giáo dục chắc chắn khiến cho các phụ huynh cảm thấy tự tin khi giúp con mình quyết định về việc học, nhất là khi các em ở bậc trung học, sắp chọn ngành cho cả đời mình.
Tôi cho rằng, Đại Hội CHEA rất hữu ích cho tất cả các phụ huynh, ngay cả những vị nào không có điều kiện và hoàn cảnh thích hợp để làm Ba-Mẹ-Đồ. Những đề tài được thảo luận trong Đại Hội sẽ giúp phụ huynh có một cái nhìn, và một sự an tâm về việc hướng dẫn con cái trong việc học. Từ cách giúp con em bắt đầu những bước đầu tiên ngay tại nhà khi mới năm, ba tuổi, cho đến cách thức giúp con em chuẩn bị bước vào đại học, cách thi đạt điểm cao, cách vạch ra một chương trình học và các sinh hoạt ngoại khoá để các em có một học bạ toàn diện. Từ nhiều thập niên qua, các trường đại học danh tiếng đã chọn các học sinh có khả năng học vấn toàn diện (well-rounded) hơn là những em giỏi khiếm diện một vài môn (angular).
Tuy việc dạy con tại nhà không là chọn lựa tuyệt hảo cho tất cả mọi gia đình, nhưng cũng là một điều mà các phụ huynh nên quan tâm và tìm hiểu để tự quyết định cho chính mình.