Từ những năm 1983, 1984; Hồng Kông, như lời kể của cô em gái vẫn là một trong những nơi Tôi muốn đến. Nhộn nhịp, sầm uất, ngày cũng như đêm, thành phố không bao giờ ngủ.

Ngày xưa, khi Hồng Kông còn nằm trong hạn thuê mướn dài 99 năm của người Anh với chính phủ Trung Hoa, sinh hoạt của đảo này giống như một thuộc địa của Ăng Lê. Dĩ nhiên ngoài tiếng Tàu thì tiếng Anh được dùng nhiều ở đây. Dân Tàu Hồng Kông sử dụng tiếng Cantonese, khác hẳn với Tàu Trung Cộng (main land như Thượng Hải, Bắc Kinh..) nói tiếng Mandarin (Quan thoại). Hai thứ tiếng không ăn nhập gì với nhau, chả ai hiểu ai nói gì. Hồng Kông có nền kinh tế tự do, rất thịnh vượng. Buôn bán tấp nập với người các xứ, nhất là các nước Âu Châu. Mức sinh hoạt ở Hồng Kông khá cao. Giá nữ trang (vàng, ngọc) rất hạ so với các quốc gia khác. Tháng 7 năm 1997, Hồng Kông được trao trả cho Trung Cộng. Tuy thế, Trung Hoa vẫn để Hồng Kông giữ lại thể chế như trước: tự do về kinh tế. Cũng là Trung Quốc mà từ Thượng Hải đến Hồng Kông phải có Passport và Visa. Thật buồn cười, khi qua cửa di trú, người xét giấy tờ sau khi kiểm soát sổ thông hành hỏi tôi bằng một tràng tiếng Tàu, đương nhiên là Tôi không hiểu gì cả nên ngơ ngơ chẳng trả lời. Thấy vậy ông ta bèn hỏi bằng tiếng Anh: Tên Tàu của bà là gì? (What is your Chinese name?) Tôi đáp lại ngay: I am not Chinese (Tôi không phải là người Tàu). Chắc chắn là ông ấy không xem kỹ vì nếu co, đã thấy chỗ ghi nguyên quán của tôi đề: Việt Nam. Và cũng có thể bản mặt khó ưa của Tôi nhìn giống hệt người Tàu. Mấy lần đi chợ ở Thượng Hải đều bị người bán hỏi chuyện mà không biết trả lời bèn nhận được cái nhìn khinh bỉ (đồ mất gốc – ra cái điều dân Tàu mà không biết nói tiếng Tàu!). Khi biết mình là người Việt họ đối xử có khác hơn. Thế mới biết giống người nào cũng có tinh thần dân tộc của họ. Chỉ là ít hay nhiều thôi.

Khu chung cư ở Cửu Long – nguồn favelaissues.files.wordpress.com
Phương tiện giao thông chính của Hồng Kông là xe lửa cao tốc, xe điện (metro), và xe bus. Taxi cũng nhiều nhưng giá rất đắt. Đắt thua giá nhà ở một chút xíu. Không còn đất, ở Hồng Kông là những cao ốc nối tiếp nhau, không một kẽ hở. Không còn một khoảng trống nào cho cây xanh. Những cửa hiệu buôn bán nằm dưới đất, lên một lầu là văn phòng, lên tầng cao hơn mới là chỗ ở. Khách sạn cũng gần như thế. Chúng tôi ở lầu 3 của khách sạn Wifi, ngay trên một đường chính trong phố. Kéo màn cửa ra, 10 giờ sáng vẫn không nhìn thấy mặt trời. Phần vì những cao ốc hàng chục tầng chung quanh che mất, phần vì không khí bị ô nhiễm quá nặng. Dù vậy, Hồng Kông vẫn là nơi dân tứ xứ đổ đến buôn bán, làm ăn. Từ người Trung Đông trùm khăn che mặt, đến người Ấn đội khăn rế trên đầu, người Phi, người Mỹ… ai cũng như ai, ngồi quán vỉa hè ăn uống thoải mái. Thức ăn Tàu ở Mỹ nêm nếm theo kiểu Hồng Kông, khác với Thượng Hải và Bắc Kinh nhưng đều có một điểm chung là nhiều dầu mỡ.
Từ ngày đặt chân đến China, người bạn đồng hành cứ một hai muốn ăn thử món “Tàu Hủ Thúi” vì nghe những người bạn gốc Tàu giới thiệu. Thoạt nghe, Tôi cứ tưởng là chuyện giỡn, té ra món “Stinky Tofu” có thật trong bảng giới thiệu thức ăn của nhà hàng. Chúng tôi tò mò gọi thử cho biết. Một dĩa giống như tàu hủ chiên, màu vàng được mang ra. Đưa lên gần ngửi thấy mùi hôi giống như trứng ung, bị vữa, lên mùi thum thủm. Nín thở để ăn, miếng đậu hủ có vị mặn như trứng muối. Thật là thất vọng, chẳng có gì đáng gọi là ngon như đã nghe quảng cáo. Ngoài hai miếng ăn thử bị cắn dở dang, nguyên dĩa đậu hủ thúi bị bỏ lại. Nhìn sang bàn bên cạnh, thấy có dĩa thịt kho trông thật hấp dẫn bèn chỉ ngay cho người hầu bàn. Món này quả là quen thuộc.

Giao thông tại Hồng Kông – nguồn asiancorrespondent.com
Thịt Kho Tàu, Tôi đã từng ăn khi còn ở Việt Nam, nay mới ăn lại. Từng miếng thịt ba chỉ cắt lớn bằng nửa bàn tay kho mềm rục, xăm xắp trong nước tương với vị rất ngọt. Vẫn là kiểu ăn xắn lấy thịt, da và mỡ bỏ lại làm người Tàu ngạc nhiên. Ăn mãi thức ăn Tàu, lâu lâu các con cũng nhớ thức ăn Mỹ, chúng tôi ghé tiệm ăn có French Fries và Hamburgers khi đi chơi Disney Land ở Hồng Kông.
Cũng là ý nghĩ đi cho biết. Chúng tôi đi xem thử Disney Land Hồng Kông khác với Disney World Florida ra sao. Giá tiền không khác. Khoảng 75 đô la 1 vé người lớn. Hên là chúng tôi không phải mua vé vì người bạn đồng hành có thẻ nhân viên Disney ở Mỹ, được vào cửa 4 vé không mất tiền. Nhân viên của Disney dù ở đâu (trừ bên Nhật) vẫn được hưởng quyền lợi y như tại chỗ mình đang làm. Được vào cửa miễn phí, mua quà tặng, thức ăn với giá đặc biệt (Tôi quảng cáo không công cho Disney!). Những công viên (Parks) không khác, Main Street, Toy Story Land, Fantasyland, Tomorrow Land, Adventure Land.. đủ hết nhưng là thu nhỏ lại (chỉ ở Florida Disney World mới thật lớn, còn những nơi như Pháp, Hồng Kông, Nhật Bản và ngay cả California ở Mỹ đều là Disney Land, nhỏ hơn).
Disney Land ở Hồng Kông có từ năm 2005, có lẽ dành cho những người Tàu không có phương tiện đi xa hay cho dân chúng những nước láng giềng dễ thăm viếng. Trên chuyến bay trở về Thượng Hải, Tôi thấy không ít cha mẹ dẫn con đội mũ tai chuột Mickey, ôm chó Goofy đem theo từ Hồng Kông về làm kỷ niệm. Ngoài Disney, Hồng Kông còn nhiều chỗ để du khách ngoạn cảnh như Tai Fu Tai Mandarin’s Mansion; một lâu đài xây từ năm 1865 dưới đời nhà Qing. Hay Tang Chung Linh Ancestral Hall, nơi ở của Vua Chúa nhà Tang từ thế kỷ 16. Khi lấy lại Hồng Kông, chính quyền Trung Hoa đã cho phát triển Kowloon, một bán đảo chỉ cách đảo Hồng Kông 8 Kilomét (5 Miles) để hấp dẫn du khách hơn. Cách đi thăm Hồng Kông ít tốn tiền và tiện dụng thông thường được nhiều người chiếu cố nhất là “Hop-On, Hop-Off, Sightseeing” có nghĩa là nhảy lên, nhảy xuống chỗ nào mình muốn trên chiếc xe bus ngắm cảnh thành phố Hồng Kông, có tên Big Bus Tours. Loại vé Premium (24 giờ) giá $48 đô la. Mua Deluxe (48 giờ) chỉ tốn thêm 10 đô nữa là $58, vé dùng trong 2 ngày (một đô la Mỹ ăn 7.76 đồng Hồng Kông). Tuỳ màu Đỏ, Xanh trời hay Xanh lá cây của Xe Bus, du khách sẽ đi theo 3 lộ trình khác nhau đến hơn 20 địa điểm. Hồng Kông Island Tour với màu đỏ, Kowloon Tour màu xanh trời, Stanley Tour xanh lá cây, và một lộ trình Night Tour đặc biệt về đêm với giá $28 đô la.

Một tiệm thức ăn nhanh McDonald – nguồn cdn4.vtourist.com
Hồng Kông buổi tối nhộn nhịp và ồn ào như New York. Sau khi ăn tối, bảy giờ, chúng tôi rời khách sạn. Đèn điện chiếu sáng cả một khu chợ về đêm. Người đi lên, kẻ đi xuống. Đông đảo, tấp nập. Đi ăn cũng có mà đi mua cũng có. Lại đi xem ngọc thạch (Jade Market). Đủ mọi mặt hàng. Chúng tôi chỉ đi ngắm, không dám mua gì vì chẳng biết thế nào là thật, giả mà trả giá. Cũng không dám ăn thức ăn lạ, Tôi chọn những món quen thuộc và được nấu chín cho chắc bụng. Những thức ăn “tươi”, nghĩa là còn sống, để người mua lựa chọn không có nhiều như ở mainland (con gì nhúc nhích đều có thể trở thành món ăn).
Một cách tổng quát, China, dù Hồng Kông, Bắc Kinh, hay Thượng Hải đều giống nhau ở nhiều điểm: Quá đông dân. Không đủ chỗ ở. Quần áo phơi như treo cờ trên những cao ốc nhiều tầng. Nhìn từ ngoài đường, ở dưới đất , tôi không thể nghĩ ra cách họ phơi như thế nào. Mặt trước mỗi căn nhà là một khung sắt đầy nhóc quần áo. Tầng lầu nào cũng giống hệt như thế. Đủ màu, đủ kiểu, đủ loại. Có những công viên bị phơi hàng loạt chăn, màn dày ngay mỗi góc. Trông rất phản mỹ thuật.

Tác giả tại Disney Land Hồng Kông
Môi sinh tệ hại. Không khí ô nhiễm nặng nề, vệ sinh thường thức yếu kém. Dân chúng tự nhiên khạc nhổ ở bất cứ đâu. Một lần, ngay trước cửa nhà hàng đang chờ để vào bàn, một người trung niên đứng bên cạnh bật tiếng ho, ông ta khạc khạc rồi tỉnh bơ nhổ toẹt ngay xuống bên cạnh chân mình. Chúng tôi nhìn nhau rồi bỏ đi luôn vì cảm giác ớn nhợn, hết muốn ăn.
Trình độ dân trí đại đa số không được cao. Người người nói chuyện ồn ào giữa nơi công cộng, luôn luôn là chen lấn, là giành giật để lấy ưu tiên cho mình. Ai vứt rác bậy cứ vứt. Ai có bổn phận (làm việc) nhặt cứ tiếp tục nhặt. Thật lạ!
Có thể vì những nhược điểm này mà nhiều du khách một đi không trở lại (có tôi trong đó) dù China hay Hồng Kông có những thắng cảnh nổi tiếng trên thế giới.