Menu Close

Những quốc ca “sắt máu”

Ngày lễ Độc lập vừa qua đã là dịp khơi dậy lòng ái quốc và niềm tự hào của người công dân Mỹ. Bản quốc ca Hoa Kỳ là câu chuyện cảm động về lá cờ hào hùng vẫn ngạo nghễ tung bay sau một đêm ác chiến với quân thù. Chuyên mục Trẻ, dưới ngòi bút của Đinh Yên Thảo, đã viết đầy đủ về bản quốc ca đẹp như một bài thơ này.

Nhưng không phải quốc ca của nước nào trên thế giới cũng đầy tình nhân bản và êm đềm như một bài thơ. Trái lại, quốc ca một số nước lại đạt tới mức “hung hãn” và “sắt máu” khiến khi cất lên nhiều người phải rợn tóc gáy. Một tác giả Mỹ đã liệt kê sau đây tên của 6 quốc gia đó, xếp hạng từ thấp đến cao về mức độ của… máu, của súng đạn, cũng như lòng căm thù thể hiện trong bản quốc ca nước họ. Xin sơ lược dưới đây:

Hạng #6. Algeria – “Qassaman” “Chúng ta quyết tâm”

Algeria là một nước ở châu Phi, bị thực dân Pháp đô hộ từ 1830 và giành được độc lập năm 1962. Ca từ do Moufdi Zakaria viết năm 1956 khi ông bị thực dân Pháp giam giữ tại Algiers, với từ ngữ hung hãn: “Chúng ta thề có sấm chớp hủy diệt, có những suối máu tuôn đổ tràn trề. Nói mà chẳng ai nghe, chúng ta phải lấy thuốc súng nổ làm nhịp điệu, lấy âm thanh súng máy làm lời ca.”

Hạng #5. Italy – “Il Canto degli Italiani” ”Bài ca của người Ý”.

Ý là một quốc gia ở châu Âu, đã 3 lần khởi phát chiến tranh giành độc lập khỏi tay nước Áo (Austria) và mãi tới năm 1866 mới thành công. Quốc ca do Goffredo Mameli viết lời ca, khi mới 20 tuổi, với những lời ca hung bạo: “Những thanh kiếm tay sai, chúng yếu như lau sậy. Con đại bàng nước Áo đã rụng lông rồi. Nó đã uống máu của Ý của Ba Lan cùng máu Cossack. Thế nhưng tim nó bị đốt thiêu rụi cháy.”

Hạng #4. Hungary – “Himnusz/Tụng ca”

Nhiều quốc ca các nước có nội dung kêu gọi công dân đứng lên cầm vũ khí chống áp bức, chống ngoại xâm… Hung Gia Lợi, một quốc gia ở Trung Âu, khi bản quốc ca hình thành, không bị chiến tranh tàn phá, không bị ngoại bang đô hộ. Vậy thì họ cầu nguyện với Thượng Đế phù trợ, nhưng trong lời ca vẫn có máu, có nước mắt trẻ mồ côi: “Hoa tự do không còn nở nữa, từ máu đổ của  người tử vong, và nước mắt chế độ vong nô sôi cháy chảy từ đôi mắt trẻ mồ côi.”

Hạng #3. Turkey – Khúc quân hành độc lập”

Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên cả lục địa Âu và Á, cũng trải qua nhiều cuộc chiến giành độc lập chống lại quân xâm lăng đến từ châu Âu. Lời ca chính yếu nhắm đề cao cái chết vì tổ quốc, nhưng có những đoạn không kém phần hung hãn: “Ta như tiếng lũ ầm ầm, hùng mạnh không kiềm chế. Ta sẽ xé núi non, đi quá tầng trời mà vẫn trào phun.”“Ngực bạn thành khiên giáp, thân bạn thành chiến hào!”; “Chỉ đến khi đó, bia mộ lao khổ của ta, nếu có chăng nữa, cũng ngất ngây gục xuống ngàn lần, và lệ máu cuồng điên sẽ tuôn ra từ mỗi vết thương ta; và thân thể bất động của ta sẽ từ lòng đất tuôn ra như thần linh vĩnh cửu.”

Hạng #2. Pháp – “Le Marseillaise” “Bài ca Marseille”

Được Claude-Joseph Rouget de Lisle viết tháng 4 năm 1792 giữa cuộc Cách mạng Pháp, bản quốc ca Pháp nguyên thuỷ nhan đề “Chant de guerre de l’armée du Rhin” (Chiến ca của Quân đội miền Rhein), với phần ca từ nhiều sắt máu và hung bạo: “Phất cao ngọn cờ máu, phất cao ngọn cờ máu lên!”; “Bạn có nghe từ thôn trang tiếng gầm thét của những tên lính thô bạo, lao thẳng vào vòng tay ta, cắt cổ họng con cái bạn. Ước chi máu ô uế tưới lên những luống cày của ta.”
 

Hạng #1. Việt Nam – “Tiến Quân Ca”

Hầu hết quốc ca các nước, thường có nội dung ca tụng hòa bình, niềm tự hào dân tộc, đất nước đẹp tươi. Ruột gan, máu lửa chỉ họa hoằn mới thể hiện ở một vài câu. Quốc ca Cộng sản VN thì khác, tất cả chỉ là chiến tranh, là cờ nhuộm máu, là súng nổ rền vang, là chiến khu, là xiềng xích, đường xây bằng xác quân thù, là cố nuốt căm hờn… Chỉ cần hai câu ngắn ngủi cũng dài thù hận hơn bất cứ quốc ca nước nào:

“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu.”

“Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,
Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.”

HV