Cuộc sống có nhiều chuyện, nếu không thấy tận mắt, rất khó xác quyết trăm phần trăm là có hay không. Chẳng hạn như sự tồn tại của đấng tạo hóa. Ai cũng phải công nhận việc tạo vũ trụ này không phải là đơn giản, nếu không nói là vô cùng phức tạp. Nói khác đi, vũ trụ khó có thể được tạo ra một cách tình cờ. Phải có ai đấy thực sự suy nghĩ tính toán rồi kiến tạo nên. Thành ra, không phải không có lý khi nói rằng vũ trụ được hình thành do một đấng tạo hóa nào đấy mà con người thường gọi là Thượng đế. Tuy nhiên, lý luận này lại mâu thuẫn ở chỗ: vậy thì ai đã tạo ra Thượng đế? Nếu Thượng đế có thể tự tạo ra chính mình thì vũ trụ này cũng có thể tự nó hình thành mà không cần bàn tay (và bộ óc) của bất cứ ai. Nói lui nói tới đâm… lẩn quẩn, chân này đá chân kia! Bởi vậy, nếu tin hay không tin sự hiện hữu của Thượng đế thì cứ… tin hay không tin. Đừng nên cố lý luận và chứng minh với người khác niềm tin của mình đúng với sự thật trăm phần trăm! Nên tôn trọng niềm tin của người khác (về thượng đế) như chính niềm tin của mình. Nếu không, vô hình trung, tự mình đánh mất sự tôn trọng của người khác dành cho mình. Không rõ do cố ý hay vô tình, hôm Chủ Nhật vừa qua, Tổng thống Obama đã tuyên bố một chuyện có thể ảnh hưởng đến sự kính trọng của (một số?) người dân dành cho ông.

Mấy tuần qua, nước Mỹ cứ xôn xao về vụ (xử án) George Zimmerman. Thật sự, không ai có thể nói chắc chắn trăm phần trăm Zimmerman cần thiết phải bắn Trayvon Martin hay không để tự vệ. Mỗi bên, công tố hoặc luật sư biện hộ, đều có lý của mình. Mọi lý lẽ và chứng minh đều mang tính tương đối, không đủ sức thuyết phục trăm phần trăm. Khi bồi thẩm đoàn tuyên bố Zimmerman vô tội hôm Thứ Bảy, người thở phào (nhẹ nhõm); kẻ thở ra (khó chịu). Ngoại trừ gia đình hai bên và nhiều người da đen bày tỏ ý kiến thành lời, đa số chỉ im lặng mà không biết nói gì hơn. Im lặng không vì ba phải mà do lương tâm không cho nói. Nếu nói như đinh đóng cột ai phải ai trái thì làm sao giải thích cho xác đáng khi có ai hỏi? Hơn nữa, bên nào cũng đáng thương cả; lỡ nói không đúng thì tội cho người ta! Tổng thống Obama dù cố bày tỏ ý kiến một cách kín đáo, vẫn lộ rõ sự thiên vị của ông. Ông nói: “Cái chết của em Trayvon Martin là một thảm kịch. Không chỉ cho gia đình em mà còn cho xã hội, cho nước Mỹ. Tôi biết vụ án này đã nổ ra nhiều phẫn uất trong dư luận. Ngay sau khi bồi thẩm đoàn ra phán quyết, tôi biết những sự phẫn uất ấy càng gay gắt hơn. Nhưng chúng ta là một quốc gia pháp trị, và bồi thẩm đoàn đã phán quyết thế rồi. Giờ tôi yêu cầu mọi người Mỹ nên tôn trọng lời kêu gọi kiềm chế của người cha và người mẹ đã mất cậu con trai non trẻ của họ. Và khi làm như thế, chúng ta nên tự hỏi phải chăng chúng ta đang làm hết khả năng để nới rộng sự cảm thông với nhau trong chính các cộng đồng của chúng ta. Chúng ta nên tự hỏi liệu chúng ta đang làm hết sức mình để xé nhỏ làn sóng bạo lực của súng ống mà hằng ngày lấy đi biết bao mạng sống trên đất nước này. Chúng ta nên tự hỏi, với tư cách cá nhân cũng như xã hội, làm thế nào chúng ta có thể tránh được những thảm kịch như thế trong tương lai. Đấy là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, những công dân. Đó là cách chúng ta tôn vinh Trayvon Martin.”
Nôm na, ông nói bồi thẩm đoàn phán quyết như vậy, chẳng qua vì tôn trọng luật pháp mà người Mỹ đành chấp nhận mà thôi. Tuy nhiên, để phản đối, người dân đừng nên làm gì quá ồn ào mà phải biến đau thương thành hành động thực tế bằng cách triệt tiêu việc sử dụng súng ống bừa bãi. Thế mới thật sự tôn vinh Trayvon Martin. Một cách vòng vo, ông Obama nhắn với dân Mỹ rằng Martin thật sự là nạn nhân của Zimmerman. Martin vô tội còn Zimmerman là kẻ sát nhân. Không ai tôn vinh một kẻ tấn công người khác đến nỗi khiến người đó quá sợ… chết phải dùng mọi cách để tự vệ. Chắc chắn khi xem xử án Zimmerman (trên ti-vi), trong bụng ông Obama cứ mong bồi thẩm đoàn sẽ kết tội giết người. Phải mong như thế mới muốn tôn vinh Martin khi nghe Zimmerman được trắng án. Phải thiên vị như thế mới đóng vào cột lời tuyên bố Martin là nạn nhân của súng ống.
May, như ông nói, Mỹ là một đất nước pháp trị, mọi người dân (kể cả Tổng Thống) phải chờ bồi thẩm đoàn phán quyết mới biết được kết quả vụ xử. Chứ không thì ông Obama có lẽ khỏi cần nôn nao xem ti-vi làm gì. Cứ bình thản như mấy ông sang trọng dũng diếc gì đó có sao đâu?