Cuộc sống không là một điểm đến mà là một cuộc hành trình lê thê. Với tôi thì “đời là vạn ngày sầu”, là một cuộc hành trình giữa sự lựa chọn và định mệnh về một kiếp đời đăng đẳng. Đi hay viết, cũng chỉ là một cách biểu đạt của riêng tôi trước cuộc sống. Bản chất sáng tác là gì, nếu chẳng phải là một sự giải tỏa?

Đi Arizona. Cái check list cụt ngủn trong chuyến đi chỉ vài ngày; dàn đồ nghề chụp hình luôn được dành ưu tiên một. Tôi thì luôn cố hữu ở cái thói quen xuề xòa; vài bộ y quởn bụi bặm phong cách, lỉnh khỉnh thêm vài vật dụng cá nhân nhét đại trong một cái túi mini, là xong. Lang bạt kỳ hồ mà tôi lại hiếm bằng hữu nhất. Đơn giản, tôi vẫn chỉ là một nobody, chấp nhận nỗi cô đơn như một thứ gia vị thú vị của cuộc đời…
Hơn 1/3 đoạn đường, 64 oz green tea cộng hưởng gần chục ly café ở những trạm dừng đổ xăng. Chỉ khổ ải thể tích của cái bụng cứ rưng rức; rồi mong ngóng cái restroom như ngóng nhân tình thuở mới biết ê a cái từ “ lo-ve”. Lật nghiêng, lật ngửa chi cũng vẫn ê ẩm. “Bờ… mông ơi đừng quá nghiêng nghiêng đánh rơi buổi chiều thơm ngát…” Tôi rền rĩ.
“Quyết định đi. Break time ở Trading Post nha?”. Tài xế Andy, vẻ như (thương xót) khi liếc nhìn bộ mặt nhăn nhó của đồng hành cái cạnh bên. Tôi gật đầu cái rụp.
New Mexico. Chiều nắng quái. Xa lộ I-10. Những cánh đồng hoang mịt mùng nắng gió sa mạc. Đầy bí ẩn. Ma mị.

Mệt chết mà vẫn ham kên đời!
“Xin lo âu không về qua đây…” Tôi hí hửng bước vào cửa hiệu Old West Trading Post; cái “thương hiệu” này, vài trăm năm trước người dân Bắc Mỹ dựng tụ điểm để buôn bán trao đổi hàng hóa; thời kỳ chưa có thông tin, báo chí thì đây là cách họ cập nhật tin tức. Những Trading Post của những con buôn Hòa Lan, Anh Quốc mọc rải rác dọc theo những tuyến đường ở thế kỷ thứ 16, 17. Đầu thế kỷ thứ 19, ở Mỹ những tụ điểm buôn bán của người Da Đỏ được chính phủ liên bang cấp giấy phép điều hành được gọi là factories. Những bộ lạc da đỏ phải chịu mất đất để được sử dụng những “factories” này. Tôi gu gồ, được biết thêm Trading Post được dùng làm tụ điểm mua bán để trao đổi da thú “lông hải ly” (beaver pelt). Mỗi du trình xuôi về miền Tây hoang dã, đây là cái địa chỉ yêu thích để tôi tạt ngang, ngoài thư giãn gân cốt, mua thức ăn lặt vặt, “mục đích” chính là “sốp” quà lưu niệm.
Đồng tử dãn nở, tôi như bị thôi miên trước cái tủ trưng bày trang sức, rồi buột miệng, “Đá, sao đẹp ghê vậy!” Thật khó giải thích, người ta chỉ nói vẻ đẹp về hoa, chớ có là đá đâu. Rồi tôi mơ, một nơi chỉ toàn là đá – bên giòng tĩnh lặng của chốn non cao, thoát tục. Vẻ đẹp của đá độc đáo, trầm lắng, tự tại giữa cõi đời.
Người bán hàng, chất giọng tone trầm ngữ âm của vùng sa mạc cằn cỗi. Ông chỉ tay vào những chiếc nhẫn nạm hình rắn, đầu ngoe nguẩy:
– Đây là bộ sưu tập trang sức giá trị của một nghệ nhân tên tuổi Effie Calavaza. Những thiết kế trang sức này do bà sáng tạo từ năm 1956. Và rắn là “thương hiệu độc quyền” của bà. Mấy cái kiểu mẫu trang sức này có vẻ hợp với cá tính của cô đấy.
– Tôi không thích rắn! Tôi trả lời bằng một nụ cười méo mó.
– Thế mà rắn lại là tượng trưng cho sự may mắn đấy, dù rằng tôi đã vài lần xém “đi đoong” vì bị rắn cắn. May mà…
– Mà gì? Tôi hỏi băng cái ngước nhìn, tò mò.
– Oh, (ông hắng giọng) vì cha tôi là “thầy lang” chữa rắn cắn. Mấy lần bị rắn cắn, tôi được cha tôi chữa bằng bí quyết gia truyền. Nhiều người trong bộ tộc chúng tôi rất biết ơn ông.

Rừng núi Arizona còi cọc. Andy đùa, “có động tiên nữ ở đây cũng chẳng ma nào muốn tới! “
Tôi gật gù, rồi liếc sang mấy cái vòng đeo cổ bằng handmade đặc thổ India chạm trổ công phu. Câu chuyện thú vị nhưng nghiệt nỗi, tôi quá “khủng hoảng”, ám ảnh bởi loài bò sát máu lạnh này trong những chuyến đi săn ảnh wildlife.
– Lại đá. Thạch Anh Tím hả? Andy bước đến gần, dán mắt vào tủ kiếng.
– Yes, là Amethyst. Người bán hàng lại kiên nhẫn giải thích. “Thổ ngữ Hy Lạp ‘amethustos’ có nghĩa là không say rượu. Người Hy Lạp cổ đại đã tạo ra những chiếc cốc uống rượu từ đá Thạch Anh Tím, mục đích khi uống rượu bằng những chiếc “cốc” này sẽ không bị say. Loại đá này giờ rất phổ biến khắp nơi trên thế giới”.
– Good idea. Mấy tay sâu rượu chắc sẽ ưa chuộng mấy cái cốc không “xỉn” này. Tôi lầm bầm với cái ý tưởng không đâu.

Leo núi bằng “ngựa sắt Camry” đời mới, hơi bị… sang!
Theo thuyết ngũ hành Phương Đông, đá tương sinh với người thuộc mệnh thổ, tương hợp với người mệnh hỏa. Nếu không thổ… tả nhưng lại điều tiết hỏa… diệm sơn ở thời kỳ tiền mãn kinh, thì mạng có hạp với mấy loại đá này không. Biết chết liền!
Lên xe, lòng còn ham hố mấy cái mũ cao bồi Old West tôi tính “sốp”; dự tính sẽ chụp vài “pô” hình dợt le để đăng lên báo.
Rồi thì, mười mấy tiếng đồng hồ bầm giập trên cái ghế xe, kết thúc bằng câu tuyên bố đây háo hức của tài xế Andy, “Tới Arizona rồi!”
Tôi mở mắt đã thấy xam xám một màu. Của Đá.

Đường vào thiên… tai, có trăm lần vui, có vạn lần sầu
Tài xế Andy mày mò với cái GPS. Chiếc xe bò lên triền núi. Con đường đèo “eo óp” thắt lại, chỉ một chiều xe. Bờ mông hai lãng tử tung hứng theo cường độ gập ghềnh đá sỏi. “Đường vào thiên… tai có trăm lần vui, có vạn lần sầu”, Andy ư ử một câu nhạc sến. Tôi rủa, “là ổ voi, chớ gà nào mà chịu nổi”.
Xe dừng ở một đoạn núi. Phía bên kia vực núi. Là chập chùng những núi là núi. Tôi bước ra khỏi xe, nghe gió núi tràn về. Mưa. Những giọt mưa lác đác như tắm gội cái nóng. Những thân cành khẳng khiu, đen đủi nỗi dị thường. Hậu cảnh là dãy núi kỳ vĩ, đơn độc đến vô cùng.
“Những con mắt gian trần” – thuật ngữ của tôi gọi cái máy digital, cứ nhấp nháy liên tục trước cảnh hoang sơ. Arizona, mùa của những “Trang sức có cánh” tuyệt đẹp (Hummingbird). Phó nhòm Andy vẻ như hơi “bị” phấn khích.
– Địa chỉ của bà Fatima Cringeworth không có trong GPS system. Đến lượt Andy làu bàu.
– Có chuyện đó nữa sao, chẳng lẽ địa chỉ ma?! Tôi nghe hồi hộp.
– Chỉ thấy như cái ma trận, chẳng biết đường đâu mà mò. Andy rầu rĩ.

Bị lạc đường không lo, ở đó mà còn lo làm “ma đồ” nữa cha nội!
Hoàng hôn dần xám xịt trên triền núi. Đổ dốc, vòng vèo, de xe tới, lui. Vài dặm sâu vào triền núi. Vẫn không thể tìm thấy cái địa chỉ của nhân vật Fatima Cringeworth. Xe dừng ở một ngã rẽ dưới chân núi. Lại hoang mang.
– Đường nào đây? Cái GPS vô dụng. Cell phone không signal.
Andy bất chợt bẻ lái, ngày dần tiến sâu vào cánh rừng. Một mile, hai miles và rồi… hơn nữa.
– Kia rồi. Tôi mừng hú. Chỉ tay về ngôi nhà nhỏ lấp ló giữa cánh rừng. Ít ra tối nay không bị ngủ bụi!
– Bingo! Cái địa chỉ ở cái xó hẻo lánh. Ma nào mà kiếm ra được. Phó nhòm Andy bất ngờ đổi ngữ âm.
– Gọi 911, xe cứu thương mà kiếm được nhà bả, chết liền! Tôi phụ họa. Rồi gì nữa? Tôi nhìn Andy, chờ đợi.
– Thì vô gõ cửa, say Hi với chủ nhà, bộ tính ngủ giữa đèo rừng, hả nàng?!
website: www.hanhphoto.com