Mùa Hè, ở nhà quê, chim muông đua tiếng. Nào tiếng cu cườm gáy vang vang trên ngọn tre; tiếng chim sẻ ríu rít ở đầu hiên nhà, nơi bồ lúa; tiếng chim khách kêu “khách… khách” liên hồi trên nhánh nhãn, cành chanh; tiếng chim trao trảo gọi nhau ơi ới trên buồng chuối chín bói hoặc cây ớt hiểm ngoài bờ; tiếng chim chìa vôi gọi buổi sáng và rồi cả tiếng chim vịt kêu chiều… tít… tít… tít… buồn não nuột…

Bông điệp tây còn gọi phượng vĩ nở rực vào những ngày Hè. nguồn haidang-group.vn
Mùa Hè, ở nhà quê, còn là mùa nắng như lửa đốt, mùa mận oằn cây, mùa xoài oằn nhánh đong đưa theo từng ngọn gió heo may nhè nhẹ hoặc tơi tả rụng lịch bịch khi gió giật, dông mưa; mùa của rạch khô, rạch cạn; mùa của tát đìa, đăm lươn, đào chuột, đuổi chim, nôm cá…
Ngày xưa, dù là trường làng, nơi nào cũng có những gốc phượng, gốc còng, gốc ô môi để có bóng mát cho học trò. Do đó, mùa Hè, ở nhà quê, cũng là mùa của phượng vĩ, mùa của bông ô môi với màu sắc tựa như hoa đào, mùa bãi trường, mùa chia tay của tuổi còn đi học. Nhưng mùa Hè, ở nhà quê, còn là mùa của những lớp học tháng nghèo nàn thiếu bàn, thiếu ghế mà thân thương, lễ phép, chăm chỉ, ngoan hiền. Dường như ít người biết đến mỗi khi nhắc về nơi thôn dã quê mùa. Quê tôi, một làng nhỏ bên dòng sông Cửu Long, mùa Hè là vậy. Trẻ con quê tôi, mùa Hè vừa tiếp giúp cha mẹ lo công việc lúa thóc, lo kiếm cá, bắt chuột, bắt lươn, chăn giữ vịt ngoài đồng. Các em còn lo đi học tháng tại những lớp học nhà quê do những người nhà quê có lòng đứng ra mở lớp dạy học.
Lớp học có khi là một cái chuồng bò, mùa nắng hạn người làm ruộng không để bò trong chuồng, hoặc một mái trại chứa củi, một chái bếp chật chội… mà bàn ghế là những miếng ván xoài được rửa sạch và kê lên những cây nống tre hoặc những tảng đá của những căn nhà xưa bị bể nay còn sót lại. Có khi cũng là gian giữa của căn nhà lớn mà bàn ghế là bộ ngựa bằng gõ được dồi bóng lưỡng. Không cần có bàn hay bục giảng cho thầy giáo. Chỉ cần một tấm bảng bằng ván tạp với bề ngang, bề rộng vừa phải, được sơn đen bằng dầu hắc, thế là đủ. Rồi thầy trò quây quần bên nhau, thầy dạy trò học thật thân thiết mà nghiêm minh, thật bình dị mà ích lợi. Làm cho cái chơn chất của nhà quê thành cái trong sáng của giáo dục, cái cảm mến của chòm xóm dành cho thầy giáo vườn thành cái nền nếp trọng đạo thánh hiền, thật giản dị mà bền chặt, chan hòa.
Thuở nhỏ, tôi được sanh ra và lớn lên ở nhà quê, nên tôi có dịp học chữ ở những lớp học nhà quê như vậy. Những lớp học đầy những trẻ con đầu tóc khét nắng, khét bùn, nhưng được chải bằng nước lạnh mướt rượt. Quần áo dù cũ nhưng rất tươm tất, chỉnh tề. Còn thầy giáo vườn thường mặc bộ áo quần bà ba trắng, chân mang đôi guốc vông. Đều có những điểm đặc biệt gần giống nhau như thầy nào cũng biết được chút ít tiếng Tây, siêng dọn bài, dạy học rất kỹ và đánh đòn cũng dữ dù dạy học có nhận tiền học phí hằng tháng. Học trò nhỏ chúng tôi, đứa nào cũng nhát đòn. Dù rất siêng học bài, nhưng lần nào lên trả bài đều bị đòn không nhiều thì ít, tối thiểu cũng bị dính vài roi lên bàn đít, muốn ứa nước mắt. Nhưng có một điều đáng ghi nhận là học trò đứa nào, sau này lớn lên, ra trường làng, trường tỉnh đều theo kịp bạn bè. Và nhất là chúng tôi không bao giờ dám trách giận thầy đã đánh đòn hoặc quở mắng mình. Luôn luôn cung kính, nhớ ơn thầy mãi hoài cho tới khi sau này ra đời. Mỗi lần có dịp gặp lại thầy, đứa nào cũng lễ phép cúi đầu chào, ăn nói lễ độ với thầy cũ của mình như hồi còn ấu thơ.
Rồi tôi lớn lên, đâm ra mê làm thầy giáo vườn lúc nào không biết. Bắt đầu từ năm học lớp Đệ Lục trường Thoại Ngọc Hầu, kỳ nghỉ Hè năm ấy là tôi bắt đầu làm thầy giáo vườn. Học trò của tôi là những đứa trẻ trong ngọn, ngoài vàm của con rạch cạn nước quê tôi chạy ngoằn ngoèo ngang những lùm cây um tùm của khu đất thuộc gia đình Tạ-Thu-Thâu. Tôi còn nhớ những đứa bé được ba má dẫn đến nhờ tôi dạy giùm mà cư xử với tôi giống y như một thầy giáo thiệt. Những phụ huynh này là những người bà con chòm xóm, đều lớn tuổi. Có người tôi phải gọi theo vai vế bằng anh, bằng chú, bằng bác nhưng rất quý người biết chữ. Những bậc phụ huynh này, dù quần quật với ruộng rẫy, nhưng lúc nào cũng thuộc nằm lòng và nuôi ước mơ thực hiện cho bằng được lời dạy của người xưa về việc cho con biết chữ:
“Rừng nhu, biển Thánh khôn dò,
Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra.”
Trong khi ngồi chuyện trò với Tía tôi, các anh, các chú này cứ lặp đi, lặp lại câu ca dao:
“Muốn sang thì bắc Phù kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy.”
Tôi hết sức áy náy và lo lắng không biết mình có dạy được không. Nhưng rồi nhờ sự khích lệ của Tía tôi, tôi cũng vững bụng.
Năm đó, lớp học nhà quê của tôi có khoảng mười em, nhưng hai, ba lớp khác nhau. Có em mới vỡ lòng, em học lớp Tư, lớp Ba. Tôi cũng cố gắng bỏ ra mỗi ngày một buổi để dạy toán cộng, toán trừ, tập đồ, tập viết. Em nào cũng len lét sợ tôi kêu lên dọn bài, sửa bài. Tôi cũng chịu khó dạy thật chi li, thành ra, sau mỗi mùa Hè, các em này vào lớp ở trường, học khỏe re.
Thắm thoát, rồi năm nào cũng như năm nào, ngoại trừ hai năm luyện thi Trung học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài, mỗi mùa Hè là tôi có lớp học nhà quê như vậy. Những học trò cũ có, những học trò mới cũng có. Em nào cũng như em nào, lớp nào cũng như lớp nào đều vẫn giữ được cái nét đẹp của học trò làng quê vừa hiếu học, vừa ngoan, vừa lễ phép. Vẫn chừng ấy bàn ghế làm bằng ván xoài kê lên những tảng đá hoặc những cây nống bằng gốc tre, những viên phấn đầy sạn viết lên tấm bảng đen bằng cây tạp được sơn bằng dầu hắc. Và bấy giờ tôi có thêm những em học trò luyện thi vào lớp Đệ Thất trường tỉnh, những em học Đệ Thất, Đệ Lục trên tỉnh về quê nghỉ hè cũng xin vào học. Tôi chịu khó dạy nhiều lớp như vậy dưới những trưa Hè mà ngoài vườn chim chóc như cùng reo vui, ca hót líu lo hòa cùng tiếng học trò nhà quê ê a vang vang.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi phải lên Sài Gòn tiếp tục việc học và rồi ra đời, đi đó, đi đây, mỗi khi có dịp trở về thăm nhà, thăm quê, bà con ai cũng mừng, cũng mến. Nhiều em học trò cũ, bây giờ đã có gia đình, vợ con đầy đàn, cũng đến thăm và nhắc lại những kỷ niệm học Hè với tôi hồi trước, mà cảm động. Một phần người nông dân họ cảm mến người biết chữ, họ trọng chữ Thánh hiền, nhưng một phần khác họ cũng mến cái cách ăn ở của mình với chòm xóm, láng giềng. Dù họ ít học nhưng họ rất trọng đạo đức. Vì thế, đối với họ, dù văn hay chữ giỏi, dù làm quan, làm làng mà không khiêm cung, không hòa thuận, không đức hạnh, họ rất coi thường. Sống ở đời đã khó, mà sống ở nhà quê tưởng chừng rất dễ nhưng còn khó gấp bội phần.