LTS: Chiêu ấn – Ông là một người Việt tị nạn đến Toronto từ năm bảy lăm. Như bao người tị nạn khác, ông nhận nơi cưu mang gia đình ông-Toronto- là quê hương thứ hai. Nơi đây dần dà một cộng đồng người Việt hình thành và phát triển và càng ngày càng trở nên phong phú đa dạng… Những bài viết của tác giả Chiêu Ấn là những ghi nhận sâu sắc về những sinh hoạt chung quanh nơi ông sống từ ngày đầu đến nay.
“Chuyên trị đi chợ” là loạt bài đầu tiên ông gửi đến độc giả Trẻ. Trẻ xin hân hạnh giới thiệu.

Chợ Ba Tầng Honest Ed’s
Còn cái chợ tạp hóa Honest Ed’s mà phe Mít nhà ta thường gọi là Chợ Ba Tầng (cộng thêm tầng hầm nữa là bốn), ở góc đường Bloor-Bathurst cũng vẫn còn đó, mặc dù ông chủ tiệm Ed Mirvish không còn sống trên cõi đời này nữa. Người dân Toronto còn nhớ hàng năm vào ngày lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, ông đứng ở cửa chánh của tiệm để tận tay phân phát biếu không gà tây cho thiên hạ. Kể từ năm 1988 trở về sau, ông cũng tổ chức mỗi năm tiệc sinh nhật và mời công chúng cùng đến dự chung vui với ông. Có năm con số người tham dự lên đến 60,000 người. Dĩ nhiên, mọi chi phí tốn kém đều do ông bỏ tiền túi ra đài thọ. Vào dịp sinh nhật thứ 92 của ông, tiệm Honest Ed’s bán nhiều món hàng với giá chỉ có 92 xu. Ông gắn bó với cửa tiệm mang tên ông suốt gần sáu mươi năm cuộc đời, cuối cùng mới ra đi vào năm 2007. Để tưởng niệm một người có tên tuổi gắn liền với thành phố, Tòa Đô Chính Toronto chính thức gọi ngày 12 Tháng Tám (năm 2007), là “Ed Mirvish Day”.

Chợ phục vụ bữa ăn trưa miễn phí nhân kỷ niệm 62 năm ngày thành lập chợ – Nguồn torontosun
Ông Ed cũng là một người di dân như chúng ta thôi, nhờ tính tình hiền hòa vui vẻ và thành thật mà ông buôn bán thành công và được khách hàng yêu mến. Edwin “Honest Ed” Mirvish chào đời ở Colonial Beach năm 1914, tiểu bang Virginia Hoa Kỳ, là con của một gia đình di dân người Do Thái. Sau đó gia đình cha mẹ ông dời cư đến Washington D.C. và mở một tiệm tạp hóa. Nhưng tiệm này khánh tận năm 1923 và gia đình cha mẹ ông một lần nữa di chuyển đến Toronto mở một tiệm tạp hóa trên đường Dundas St. buôn bán ở tầng trệt và cư ngụ ở tầng lầu. Năm Ed Mirvish 15 tuổi, cha ông mất, ông phải nghỉ học để ở nhà thay cha làm cột trụ của gia đình, trông coi việc bán buôn nơi cửa tiệm nuôi mẹ và hai em.

Ông David Mirvish phát 10,000 lbs gà tây miễn phí theo truyền thống nhân ngày Giáng Sinh – nguồn Toronto Sun
Hồi mới chân ướt chân ráo đến Toronto, Mít tôi cũng hay đến Chợ Ba Tầng mua sắm. Vui ghê. Phe ta rất thích vì cái vẻ bình dân gần gũi của nó. Diện tích bốn tầng của nó tổng cộng 160,000 sq.ft. thế mà vẫn chật vì khắp nơi đều ngập tràn hàng hoá và hàng hàng lớp lớp người đi mua sắm. Mỗi buổi sáng chưa đến giờ mở cửa mà dân nghèo đã sắp hàng rồng rắn trước địa chỉ số 581 Bloor St. West để chờ xô cửa ào vào chộp mua trước, theo kiểu lẹ tay thì còn chậm tay thì hết vì số lượng hàng đại hạ giá có giới hạn. Cá hộp tuna 170 ml. 10 xu, bánh mì xắt lát “sandwich” 10 xu một ổ, bịch đường cát trắng Redpath 2 kg. 25 xu, rẻ quá trời. Vậy mới gọi là “door crasher”. Cửa sắt thật chắc chắn như cửa nhà thờ mới chịu nổi.
Đó là một thắng cảnh tiêu biểu của thành phố Toronto đấy. Nếu bạn có dịp đi ngang qua cái địa chỉ 581 đường Bloor góc Bathurst. 23,000 bóng đèn nhấp nháy chạy viền bảng hiệu cửa tiệm ngày cũng như đêm sẽ khiến bạn nhìn châm bẩm. Và hình ảnh đó cũng giống như rạp Radio City ở thành phố New York. Ngoài ra tiệm còn có những câu quảng cáo mộc mạc đọc lên nghe rất dí dỏm; vừa buồn cười vừa dễ thương hết sức như “Our Building is a dump! Our Service is rotten! Our Fixtures are orange crates! But!!! Our Prices are the lowest in town! Serve yourself and save a lot of money!” “Honest Ed is for the birds … cheap, cheap, cheap.” “Don’t just stand there…Buy something!” “Welcome, don’t faint at our low prices, there’s no place to lie down.” và còn nhiều câu hay lạ khác nữa cứ lâu lâu được thay đổi bên trong các cửa kính bày hàng ở mặt tiền đường Bloor.
Honest Ed’s của Toronto được ví như các cửa hàng danh tiếng Macy’s của New York, Harrods của London và Marshall Fields của Chicago vậy.

Chợ Đầu Bò
Nhưng Chợ Đầu Bò mới là nơi tôi tiếc nhớ nhiều nhất. Chợ Đầu Bò, cái tên mà tất cả người Việt chúng ta ở đây từng thân mật gọi thế cho cái tên chính thức Knob Hill Farms. Rất tiếc nó đã vĩnh viễn dẹp tiệm; ông chủ Steve Stavro cũng buồn tình lìa cõi thế. Gọi Chợ Đầu Bò vì một lý do giản dị là thương hiệu của nó có hình dáng một cái đầu bò. Nếu ai có đầu óc thích phiên dịch thì sẽ gọi nó bằng một cái tên dài dòng là, “Những Nông Trại Ngọn Đồi Hình Quả Nắm.” Nghe kỳ thấy mồ.

Cảnh hoang tàn của Chợ Đầu Bò ngày nay
Tôi nhớ trong nhiều năm, Chợ Đầu Bò là nơi tôi đến hầu như mỗi cuối tuần để mua sắm. Tôi thích vì lý do giá rẻ, nhiều mặt hàng, rộng rãi mênh mông, khách hàng tự do lựa, thử. Tôi đã từng thấy có những khách hàng vào đó bóc bánh ngọt, hạt điều, lạc rang ăn; xong tráng miệng bằng trái cây như nho, quít rồi giải khát bằng một lon coca-cola. Nhân viên phục vụ chắc có thấy trẻ con, hay người lớn mà còn như trẻ con ăn vụng nhưng họ không nói gì, chắc sợ làm mất lòng khách hàng. Hay cũng vì vậy mà Chợ đóng cửa dẹp tiệm chăng. Vẫn biết thịnh suy là chuyện thường tình nhưng tôi thắc mắc không hiểu vì sao một cơ sở kinh doanh đồ sộ như hệ thống Chợ Đầu Bò mà phải lâm vào cảnh đóng cửa.
Hệ thống Chợ Đầu Bò có tới mười chợ: chín chợ nằm trong vùng đại đô thị Toronto và một chợ khổng lồ ở Cambridge cách Toronto khoảng 90 cây số. Chợ Đầu Bò Lansdowne-Dundas nằm trong khu đông dân. Phe ta đi chợ đó dễ gặp mặt đồng hương nhưng kiếm chỗ đậu xe rất trần ai. Hai Chợ Đầu Bò, một cái nằm trên đường Weston và một cái nằm trên đường Cherry, rộng lớn hơn nhiều, đậu xe thoải mái. Chợ Đầu Bò Cambridge rộng tới 340,000 sq.ft., gấp đôi tiệm bách hóa Honest Ed’s, và là chợ bán thức ăn rộng lớn nhất trên thế giới.
Hệ thống Chợ Đầu Bò tồn tại được 50 năm, từ năm thành lập 1951 đến năm tiêu vong 2001. Cha của ông Steve Stavro điều hành tiệm thịt Louis Meat Market ở Toronto từ thập niên 1930 đến thập niên 1950. Năm 1954, ông con Steve Stavro ra riêng mở tiệm dưới tên Knob Hill Farms. Chỉ trong vòng 6 năm, ông mở thêm tám địa điểm nữa, tất cả là chín chợ.
Năm 1963, Stavro thay đổi phương sách làm ăn, mở một siêu chợ (gọi là trạm thực phẩm, food terminal) rộng sáu ngàn thước vuông góc đường Highway 7 và Woodbine Avenue. ở Markham ven Bắc Toronto. Qua năm 1971, Chợ Đầu Bò bành trướng ra vùng ngoại vi Toronto là Pickering. Năm 1975, Chợ Đầu Bò Lansdowne Avenue và Dundas Street West mở cửa sẵn sàng cho phe ta bắt đầu lục đục từ Việt Nam qua đi chợ. Năm 1977, Chợ Đầu Bò mở thêm địa điểm trên đường Cherry St. giữa Gardiner Expressway với bờ hồ. Năm 1978, Chợ Đầu Bò ở đường Dixie Rd. và Queen Elizabeth Way khai trương để phục vụ khách hàng vùng Mississauga. Cứ theo cái đà chợ mới mở phải rộng lớn hơn chợ đã mở. Và thế là năm 1983, Chợ Đầu Bò ở Oshawa khổng lồ với 21,000 mét vuông gồm có nhà thuốc tây, lò nướng bánh mì ngay tại tiệm, phòng mạch nha sĩ, tiệm cho thuê video, tiệm bán thiệp, v.v. Năm 1985, Chợ Đầu Bò rộng 30,200 mét vuông ở địa điểm đường Weston Rd. và xa lộ 401 khánh thành, rất tiện lợi cho người Việt mình vốn cư ngụ tập trung nhiều về mạn phía Tây của thành phố Toronto. Công ty Chợ Đầu Bò cũng dự định mở một trạm thực phẩm ở vùng Scarborough năm 1987 nhưng không được chính quyền cho phép.
Qua năm 2000, công ty Chợ Đầu Bò bỗng dưng tuột dốc, cứ như là không hạp với thiên niên kỷ mới. Khoảng tám trăm nhân viên làm việc tại mười chợ sửng sốt nghe tin ông chủ Stavro tuyên bố đóng cửa dẹp tiệm. Tháng Hai năm 2001, chợ Weston huy hoàng lộng lẫy, rất gần gũi với nhiều người Việt chúng ta cũng đành khép lại một trang sử và chấm dứt số kiếp mười lăm năm ngắn ngủi. Các công ty khác như Angelo’s, Loblaw, Home Depot, Sam’s Club, Wal-Mart, T&T, Tường Phát v.v. nhào vô làm thịt chia năm sẻ bảy xóa tan vết tích Chợ Đầu Bò.

Ông chủ Steve Atanas Stavro
Ngày 24 Tháng Tư năm 2006, ông chủ Steve Atanas Stavro của công ty Chợ Đầu Bò bị nghẽn tim mà chết, thọ 78 tuổi. Là một cậu bé di dân gốc người Macedonian (miền Bắc Hy Lạp) đặt chân đến Toronto lúc bảy tuổi. Ông Stavro cũng giống như ông Ed Mirvish đã trở thành những công dân nổi tiếng và được tuyên dương của Canada do sự làm việc tận tụy, tài năng kinh doanh trong nhiều lãnh vực. Và nhất là sự góp phần đóng góp cho sự phồn thịnh của quê hương thứ hai này.