Rồi vật đổi sao dời, sau năm 75 với những năm tháng “lỡ vận lên rừng đốn cây”, tôi đã trở lại với con rạch cạn nước quê tôi, trở lại với đời sống ruộng đồng, trở lại với những ngày ấu thơ giăng lưới, giăng câu, bắt cua, bắt chuột thật sự. Chữ nghĩa dường như cũng trôi sông, trôi biển, bỏ lại trên rừng tràm sau những năm tháng dài trôi đi trong vô vị của đọa đày. Vì lúc bấy giờ là thực tế của cuộc sống, là những khó khăn trong dòng đời, nó bức thiết hơn. Tôi nhớ không biết có người nào đã than “Chữ nghĩa ích gì cho buổi ấy”, thật đúng trong hoàn cảnh của tôi với mấy năm này vô cùng.

Tôi nghĩ chắc chòm xóm người ta quên đi những ngày tháng cũ thân thương giữa người đầu trong, kẻ xóm ngoài, liền rạch liền ngòi khi tôi trở về. Nhưng, ít ra những suy nghĩ lẩn quẩn của tôi về nhân tình thế sự không đúng chút nào. Những học trò của tôi ngày trước giờ cũng già đi theo tháng năm. Họ có vợ, có con. Có người còn sắp sửa có cháu để bồng. Gặp lại tôi, những học trò cũ có dịp nhắc lại những kỷ niệm cùng lời cám ơn mà họ không bao giờ quên. Họ nói, nay biết chữ là nhờ tôi dạy những lớp học nhà quê như vậy, vì họ nhớ hoài câu “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”. Và họ thường lặp đi lặp lại “không thầy đố mầy làm nên” như kinh nhật tụng.
Tôi tưởng như vậy cũng rồi một chuỗi sống mấy mươi năm, êm đềm có, vui tươi có, mà đắng cay cũng có, đã qua đi theo thời gian. Tôi không phải lo lắng ba cái chữ nghĩa nữa. Mười mấy năm trước là học trò của tôi, bây giờ họ là phụ huynh. Người này rồi người kia đến nài nỉ nhờ dạy giùm cháu này học luyện thi lớp mười, lớp chín; cháu kia học lớp mười hai mà còn yếu quá; cháu nọ lớp năm chuẩn bị vào lớp sáu v.v… Tôi tâm sự để họ thông cảm giùm tôi, vì hoàn cảnh của tôi bây giờ khó khăn dữ lắm, tôi không ngại tiếc công, tốn sức mà thật sự tôi không dám dạy học như ngày trước tôi đã dạy tại nhà. Tôi rất sợ những hệ lụy và viện lý do bây giờ không còn nhớ chữ nghĩa gì nhiều vì bỏ lâu quá, nhưng họ không tin. Thật sự, người xưa đã bảo văn ôn, võ luyện, mà tôi có ôn, có luyện gì đâu, nên quên nhiều lắm. Rồi tôi cũng không từ chối được với lòng thành khẩn của những bà con ở trong xóm. Họ đã đứng ra xin phép, họ đốn tre che trại, đốn gốc tre kê bàn, kê kệ ngồi bằng những tấm ván xoài như ngày xưa họ ngồi học với tôi. Và rồi, lớp học lại bắt đầu với những trẻ con nhà quê thiếu thốn đủ mọi thứ, kể cả một ông thầy giáo vườn.
Dường như, khi đời sống tâm linh không được yên ổn, người ta không còn tha thiết gì đến những điều có vẻ quá xa thực tế, mà chữ nghĩa lúc đó là một dẫn chứng điển hình, kể cả đi học cũng như dạy học. Do đó, việc đi học hay dạy học không cần thiết cho đời sống bằng giữ vịt, cắt cỏ cho bò ăn, sạ lúa, xịt thuốc sâu, chạy nợ mua phân bón, bán lúa non, lúa già để có tiền trang trải nợ nần. Nhiều em nhà quê đã bỏ học về phụ giúp cha mẹ, phụ giúp gia đình. Nhiều thầy giáo cũng rời mái trường làng để bắt đầu lo sạ lúa, trồng đậu, trồng mía, trồng khoai. Tôi cũng chìm vào sự cùng cực và vẻ bi đát đó. Cho nên, khi bắt đầu lại, tôi thật sự ngượng ngập, không bắt trớn chút nào…
Theo một thời khắc biểu khá bề bộn, tôi phải để ra những giờ giấc vừa lo cho ruộng lúa, vừa trồng bụi chuối, gốc chanh, vừa chăm sóc vườn tược, vừa kiếm cá lo thức ăn cho những bữa cơm sáng cơm chiều, vừa coi lại bài vở, vừa dạy học. Và để cho công việc không quá gò bó, lớp học nhà quê của tôi chỉ dạy giùm, không nhận học phí hằng tháng. Vì ở đời, nhất nhất cái gì có nhận tiền, y như rằng có bó buộc, có ganh tị, có chê khen, có mất lòng.
Tôi sợ nhất là để mất lòng đối với chòm xóm láng giềng. Và cũng để tránh những rắc rối, tôi chỉ nhận hướng dẫn thuần về toán, lý, hóa cho các em mặc dù tôi không sở trường những môn này.
Thầy thì đầu tắt mặt tối, trò thì chăn vịt giữ gà, nhưng vẫn giữ được nền nếp lễ phép, kính trọng như ngày nào những phụ huynh của các em đã lễ phép kính trọng ở những lớp học nhà quê ngày trước. Cái nền đạo đức của ông cha ở thôn quê nó bền chặt, vững vàng như một gốc cổ thụ. Vẫn còn lễ phép khoanh tay cúi đầu chào kính người lớn hoặc thầy cô mỗi khi đến nhà hoặc ngoài đường, nơi công cộng là một cái gì rất tự nhiên như sự vận chuyển của đất trời khi gió mát, khi trăng sáng, khi mặt trời lên, khi trưa im vắng của vạn vật. Đôi lúc đời sống nơi thành thị chạy theo những dòng tiến bộ của các xã hội Tây phương, người ta cho rằng nếp sống nhà quê với những mối giềng như vậy là quá cổ lỗ, lạc hậu, chậm tiến. Nhưng khi cái văn minh mua được với những giá quá đắt, mà đôi lúc lại làm cho người ta giật mình khi gặp phải những trớ trêu, những buồn lòng, thì cái lễ phép quê mùa ở nơi thôn quê tưởng chừng lạc hậu, giờ thành ra cái an vui, cái quý trọng còn lại sau những biến dịch của dòng đời. Trạng thái an vui ấy như một thứ chất liệu vừa thơm tho, vừa ngọt ngào, vừa tinh anh, vừa nhà quê mà văn vẻ có gốc, có cành, có hoa, có trái hài hòa, vững bền.
Thật tình, dạy các em, tôi có thể dạy tạm được, chứ không hay, vì mình là tay ngang mà. Nhưng nhờ các em chịu khó, rồi cũng lần hồi các em am hiểu những điều căn bản. Dần dần, tôi thấy ở những giờ dạy học như vậy là những niềm vui vào cái thời buổi mà bạn bè thì xa, biệt tăm biệt tích; trong lòng thì băn khoăn lo lắng, sợ sệt trăm bề, với những tâm hồn thơ ngây của các học trò vườn đã làm tôi an ổn phần nào. Thêm vào, một vài kỷ niệm nho nhỏ như những tình tự êm đềm giữa thầy và trò ở nhà quê, càng làm cho tôi nhớ hoài trong lòng mỗi lần có dịp hoài niệm về chốn cũ. Chẳng hạn có em xách một giỏ xách đệm bàng đầy những củ khoai lang vừa mới đào còn dính bùn để biếu thầy, rồi nào là cà, là bắp, là mía, là đường, trái xoài, trái đu đủ, trái mãng cầu, kể cả những nhánh sống đời, những nhánh trường sanh để tặng thầy cắm ở gần lu nước uống như những tấm lòng, những thương mến chân thật, giản dị. Đôi khi, có em còn đem đến tặng thầy một chục chuột mà em vừa gài rập hồi đêm qua hoặc con cá lóc bằng cổ tay mà ba em mới tát hầm, tát ao đầy lục bình phía sau nhà. Có những lần, vừa dạy học tôi vừa phơi lúa ngoài sân, bất chợt một trận mưa đổ ập xuống, các em bỏ lớp chạy ra, đứa dùng trang cào lúa gom lại, đứa dùng chổi quét dồn, đứa gom đệm, gom bao, đứa kéo những tấm ny lon đậy mưa. Thầy trò tở mở mồ hôi vì mệt, nhưng cười vui ồn ào đầy thân tình, lo cho thầy như lo cho lúa của chính mình bị mưa, bị ướt. Qua công việc vội vàng gấp rút ấy, rồi thầy trò trở lại lớp học nghiêm trang sau khi rửa tay chân bụi bặm. Những tình nghĩa thầy trò này, tôi đi tìm hoài, hiếm thấy ở những vùng đô hội, thị thành.
Với ba tháng hè ngắn ngủi, với mười em lớp mười hai, khi vào học các em dường như mất căn bản hoàn toàn, rồi dần dần làm được nhiều bài tập từ dễ đến khó, những đề thi cũ, và đậu ở kỳ thi tốt nghiệp trung học vào mùa mưa. Còn những lớp khác cũng có những kết quả đáng mừng là em nào cũng khá hơn khi trở lại mùa học năm sau. Có niềm vui nào bằng niềm vui mà mình đã mang đến cho những em bé nhà quê những điều học được dù nhỏ mọn này.
Thành ra, thực tế đã cho tôi nghiệm ra rằng, cơ hội để làm việc ích lợi không phải là không có, mà chỉ vì mình vô tình để cơ hội qua đi mà thôi.
Rồi tôi lại rời làng quê thêm một lần nữa! Vào bốn giờ sáng, trời còn tối đen. Hai bên con đường làng những chiếc đèn dầu leo lét nơi bàn Thông Thiên, vài nén nhang cúng Trời Phật lập lòe như con đom đóm. Tiếng chó sủa vang vang trong xóm. Khi biết gia đình chúng tôi phải đi bộ ra chợ quận trên con đường đất ngoằn ngoèo khoảng ba cây số, để đón xe về Sài Gòn chờ máy bay đi Hoa Kỳ, không ai bảo ai, chòm xóm đón chúng tôi ngoài ngõ ngay trước nhà của họ. Người này cầu chúc, người kia căn dặn, người nọ cầm tay giã từ với những giọng nói nghẹn ngào. Những giọt nước mắt vuốt vội dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu lửa nơi bàn Thông Thiên, cùng cái trong lành, tinh khiết của buổi sáng nhà quê, đã cho tôi hiểu thế nào là nghĩa tình của chòm xóm. Một loại nghĩa tình không mua được bằng tiền. Trong số những bà con chòm xóm ấy, có rất nhiều những học trò cũ của tôi với lớp học nhà quê nơi mái lá nghèo nàn. Các em nói rất nhỏ mà tôi nghe văng vẳng.