Menu Close

Có thực sự em sẽ bình yên?

Sắp đến giờ boarding, em đi đây! Bye anh.

Nói xong, Cúc tắt điện thoại, đeo túi xách lên vai, một tay đẩy chiếc valise nhỏ đi về phía cửa soát vé lên phi cơ.

Cúc nhớ ba năm trước…

Chuyến bay hôm ấy đầy người, chỉ còn một vài chỗ trống. Người tiếp viên bắt đầu loan báo tắt điện thoại và những thiết bị điện tử, thì một hành khách vừa bước vào máy bay, dáng điệu vội vã, dáo dác tìm ghế. Anh ta bỗng đi nhanh đến hàng ghế của Cúc, nhìn số ghế và ngồi xuống cạnh Cúc. Anh ta vừa gật đầu chào Cúc vừa cài dây an toàn. Cúc mỉm cười chào lại, và nhìn ra cửa sổ chờ máy bay lăn bánh.

Máy bay đang chạy trên phi đạo, anh ta mở túi xách lấy tờ báo. Cúc liếc nhìn sang thấy tờ báo tiếng Việt. Máy bay vút lên không gian, trong nháy mắt, phi đạo bị bỏ lại phía sau và mặt đất nhà cửa chỉ còn lại những chấm li ti với màu xanh rì mát mắt. Cúc ngồi dựa vào ghế, lim dim.

Lại có tiếng sột soạt từ ghế kế bên, Cúc nghĩ: “Người gì mà không ngồi yên được!”. Nàng cũng sửa lại thế ngồi, và nhìn ra cửa sổ. Bỗng anh ta nói bên tai:

– Cô cũng đi Houston?

Cúc giật mình quay nhìn anh ta ấp úng:

– Vâng, nhưng sao…

Anh ta cười toét:

– Nhưng sao tôi biết cô là người Việt chứ gì?

Cúc nhìn anh ta với vẻ khó chịu vì sự tự nhiên quá đáng.

Nhưng anh ta phớt lờ, cười cười chỉ vào túi xách dưới chân Cúc:

– Cô ghi tên kỹ quá trên thẻ hành lý.

Cúc đỏ mặt cúi xuống đẩy túi xách sát vào vách máy bay, và tiếp tục nhìn ra cửa sổ.

Tiếng nói ồ ồ lại cất lên:

– Trời đẹp ghê, không biết Houston thế nào, chắc nóng.

Im lặng một lát, Cúc lại nghe:

– Tên thì tên Việt, nhưng hình như không biết nói tiếng Việt.

Cúc nghĩ: “Đúng là vừa vô duyên, vừa hồ đồ!” Cúc muốn nói một câu gì đó, nhưng lại thôi. Nàng lấy cuốn báo gài ở phía trước, lật nhanh từng trang.

Anh ta vừa lẩm bẩm vừa cười một mình:

– Đúng là dân ở Mỹ lâu. không nhớ tiếng Việt, nhưng cái tên thì lại Việt rặt, Việt quê luôn.

Chịu hết nổi, Cúc hạ tờ báo xuống, nói nhỏ qua kẽ răng:

– Xin ông cẩn thận cho.

Anh ta nhìn Cúc giễu cợt:

– À, hiểu rồi, đỡ ghê!

….

– Cô Cúc ơi, cô nói tiếp đi, giọng cô chuẩn mà lại hay nữa, tôi muốn nghe thêm.

Cúc bực lắm, không trả lời, nhưng nàng lại nghĩ: “Im lặng là vàng, nhưng với tên này, phải cho hắn ta vài câu”.

Cúc xoay người, ngồi thẳng, nhìn vào mắt anh ta:

– Xin ông giữ im lặng giùm, tôi nhức đầu lắm, ông nên lịch sự một chút.

– Vâng, tôi xin nghe cô.

Cúc ngồi dựa vào ghế, nhắm mắt.

Tiếng ồ ồ lại thủ thỉ:

– Cô đang giận, mà giọng vẫn hay, vẫn êm. Máy bay sắp đáp xuống rồi, không biết tôi có còn được gặp cô để nghe cô nói nữa không? tôi dễ nghiện những gì hay đẹp…

Máy bay đáp xuống phi đạo, Cúc nghĩ: “Đúng là hôm nay ra đường gặp bà già!”

Hành khách lục tục đứng dậy mở khoang hành lý ở nóc máy bay. Cúc cũng đứng dậy, nhưng anh ta vẫn cứ ngồi yên, bất đắc dĩ, Cúc phải nói:

– Xin lỗi

Anh ta lại cười toét:

– Cô cứ ngồi yên đấy, để tôi lấy cho.

Anh ta đứng dậy, đon đả hỏi:

– Valise của cô màu gì?

Cúc bất đắc dĩ phải trả lời:

– Màu đỏ.

Anh ta kéo chiếc valise màu đỏ xuống, nắm chặt tay cầm, và tay kia  kéo túi xách của mình đeo lên vai, và lùi lại phía sau nhường chỗ cho Cúc:

– Cúc ra đi.

Nỗi khó chịu lên tới cổ, nhưng Cúc không thể làm gì hơn, ngoài việc trợn tròn mắt, rồi nhún vai bước khỏi ghế ngồi.

Mọi người nối tiếp nhau ra khỏi máy bay. Vừa bước vào hành lang nhỏ dẫn ra ngoài phi trường. Cúc lạnh lùng nói:

– Cảm ơn ông, ông cho tôi xin lại cái valise của tôi.

Anh ta tỉnh queo:

– Tôi có xe đón, tôi sẽ chở cô về đến nhà.

Cúc gằn giọng:

– Cảm ơn ông, ông đừng để tôi phải làm phiền đến cảnh sát.

Anh ta nhỏ giọng:

– Đừng làm thế, tôi chỉ muốn chúng ta kết bạn thôi. Tạm biệt vậy.

Anh ta đưa valise cho Cúc kèm theo tấm thiệp ghi tên và số điện thoại rồi nói:

– Khi nào cô hết giận, muốn nói chuyện, thì điện thoại số này, tên tôi là Bảo.

Anh ta vẫy tay chào và đi thẳng.

Cúc không biết nói gì, tức trào nước mắt, nàng vò nát tấm thiệp và vất ngay vào thùng rác kế bên.

Sau khi lấy thêm hành lý gửi, Cúc ra ngoài, lên xe cô em đã chờ sẵn. Bao nhiêu uất ức được dịp trào ra, Cúc vừa kể vừa tức tưởi.

Xe vừa trờ đến nhà, Cúc cũng vừa chợt thấy anh ta trên một chiếc xe khác chạy theo bén gót. Cúc lật đật bước xuống xe để nhìn cho kỹ, thì chiếc xe phía sau đã vụt chạy mất.

Cúc sống trong bất an. Nàng nghĩ đến những kẻ si mê điên cuồng, có những hành động nguy hiểm không thể kiểm soát như trong phim ảnh và những bản tin hằng ngày trên truyền hình. Cúc không dám ra ngoài. Mỗi lần đi đâu, nàng phải nhìn trước, nhìn sau và hóa trang với những bộ tóc giả. Sau vài tuần thấy không có gì xảy ra, Cúc mới bắt đầu trở lại với công việc.

Hai chị em Cúc có quán ăn nhỏ ở Houston. Thời gian đầu hai chị em làm đầu bếp chính. Vài năm sau, quán có một số thực khách nhất định, Cúc mướn thêm người, hai chị em có thì giờ nghỉ ngơi, và đời sống đỡ vất vả hơn.

Cúc thích ra quán lúc sáng sớm, khi trời vẫn còn ủ hơi sương. Có lẽ buổi sáng là thời gian đẹp nhất trong ngày, không gian thoáng mát, đường phố vắng vẻ. Cúc cho xe vào nhà xe phía sau quán, và vào bếp bắt đầu nấu món ăn sáng cho thực khách khi quán mở lúc 8 giờ.

Hôm ấy, quán vừa mở, một người khách bước vào gọi café và bánh mì trứng ốp la. Cúc pha ly café, tiện tay đem ra cho khách, nàng suýt ngã quỵ khi thấy người khách là anh chàng ngồi kế nàng trên chuyến bay hôm nọ. Rất tự nhiên, Bảo chào Cúc, khen quán sạch sẽ, trang hoàng mỹ thuật và…café rất thơm!

Suốt hai tuần lễ, có lúc đi một mình, có lúc đi với bạn, Bảo đã ghé quán ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Bảo luôn miệng khen thức ăn ngon. Ngày nào Bảo cũng đặt canh giò sống nấu với rau thì là, vì đây là món canh ngày xưa mẹ chàng thường nấu. Đã lâu lắm rồi, Bảo mới tìm được hương vị của gia đình ngày xưa.

Và thật tự nhiên, sự hiện diện thường trực của Bảo không làm Cúc khó chịu, mà ngược lại, một cảm giác lạ lẫm đang xâm chiếm tâm hồn Cúc. Một hôm Bảo không đến ăn sáng, không đến ăn trưa, Cúc đi ra đi vào, trông ngóng. Trong lúc tưởng như không còn hy vọng gì nữa, thì Bảo đến. Tiếng nói ồ ồ của Bảo sát bên tai:

– Chờ tôi phải không? Xin lỗi cô, tôi phải thu xếp công chuyện vì mai về lại Cali rồi. Tôi mời cô đi dạo một lát được không?

Cúc gật đầu thật nhanh.

Bãi biển Galveston chiều hôm ấy vắng người, Cúc nghe tiếng Bảo lồng lộng trong gió: “Cô em Út của anh tên Cúc, nhưng mất rồi. Giá như cha mẹ anh không ly dị, thì chắc nó không buồn, không tìm đến cái chết…

…Gặp tên em viết trên thẻ hành lý, tự nhiên anh nhớ nó, nên muốn trêu em, muốn làm quen với em. Sau khi theo em về và biết nhà, sáng nào anh cũng ghé qua nhà em trước khi đến công ty, bất ngờ buổi sáng gặp em lái xe ra, anh đi theo… Lâu lắm rồi, anh mới được ăn những món mẹ anh nấu ngày trước.

Hai tháng sau, Cúc để quán ăn lại cho em và một người bạn trông coi, Nàng dọn sang Cali với Bảo.

 o O o

– Anh nói gì lạ vậy? Yêu nhau thì phải cưới nhau, thành vợ thành chồng cho đàng hoàng, rồi còn sinh con nữa. Em không còn trẻ để chờ đợi.

– Ủa? hồi quen nhau, em đâu có đặt điều kiện này đâu! Đâu có chuyện tuổi tác hay con cái? Sao bây giờ rắc rối quá vậy?

– Anh nói như thế mà nghe được à? Vậy việc hai đứa ăn ở với nhau mấy năm nay anh nghĩ là gì? Là bạn cùng phòng, là qua đường, hay là gì?

– Em đừng suy nghĩ xa xôi không tốt. Anh nghĩ đơn giản, tụi mình yêu nhau, chung sống với nhau, hai đứa đều có đời sống cân bằng, hạnh phúc. Đời sống đang tốt đẹp. Anh chỉ thích như thế này.

– Tức là sao? Anh không muốn cưới em?

– Anh đã nói với em nhiều lần rồi. Tình yêu đến trước hôn nhân, vì thế anh muốn tình yêu được sống thật tự nhiên, không bị hôn nhân ràng buộc. Tự mỗi đứa phải biết trân trọng và bảo vệ tình yêu của mình, không làm tổn thương chúng. Em thấy không đủ sao? Em cũng biết, cha mẹ anh vẫn còn yêu nhau, nhưng khổ sở vì hôn nhân đổ vỡ. Hồi nhỏ, bọn anh không những bị giằng co bởi cha, mẹ mà còn bị những người rất lạ ở nơi gọi là tòa án định đoạt số phận của mình. Đứa này về với mẹ, đứa kia ở với cha. Anh sợ cảnh đó lắm! Tại sao chúng ta không thể gạt hôn nhân sang một bên để tình yêu được tự do?

– Không, em còn gia đình, còn bạn bè, em không thể sống như thế! Rồi những đứa con sinh ra, chúng sẽ như thế nào?

– Chúng sẽ là con của chúng ta. Chúng sẽ được yêu thương chăm sóc đầy đủ.

– Em chỉ muốn làm vợ, có con, có mái ấm gia đình. Những điều này cần phải qua ngưỡng cửa hôn nhân.

– Em đang là vợ anh đấy thôi!

Cúc nhớ hai người đã tranh cãi vì khác quan niệm về hạnh phúc và hôn nhân. Cúc đã từng bỏ về Houston. Nhưng chỉ vài tuần sau, nàng lại bay sang Cali. Cuộc sống cũ lại tiếp tục, cho đến khi nỗi bất an trỗi dậy, Cúc lại đề cập đến hôn nhân, lại tranh cãi, lại giận dỗi, lại bỏ đi, rồi trở về. Đời sống bấp bênh tưởng chừng như vô tận.

Lần này cũng vậy, Cúc nhắc đến hôn nhân trong tuyệt vọng, và Bảo quyết liệt bảo vệ quan niệm của mình. Cúc hiểu Bảo lớn lên trong một gia đình đổ vỡ, chàng không tin hôn nhân sẽ đem lại hạnh phúc. Còn nàng cần phải được đứng trên nền tảng lâu đời vững chắc đó.

Cúc nói:

– Em muốn thực sự là vợ anh, có cưới hỏi đàng hoàng.

– Em ạ, quyền làm vợ, làm chồng, sẽ giết chết tình yêu. Anh không muốn tình yêu của anh bị ràng buộc, bị chết ngộp. Đừng dùng bất kỳ một phương tiện nào để giam hãm nó, hay để nhân danh bảo vệ nó.

– Thôi được, anh đã quyết định như thế em sẽ mua vé về lại Houston. Chúng ta vẫn là bạn quý của nhau vậy.

Bảo nhìn Cúc thật lâu, rồi nói nhỏ:

– Có thực sự, em bình yên không?

o O o

Máy bay bay vòng vòng sắp sửa đáp xuống phi đạo Cúc chợt nhớ Bảo, nhớ ánh mắt giễu cợt, nụ cười rộng mở tự tin, và nhớ tiếng nói ồ ồ: “… Máy bay sắp đáp xuống rồi, không biết tôi có còn được gặp cô để nghe cô nói nữa không?” Nước mắt rưng rưng, Cúc lắc đầu, cố xua đuổi kỷ niệm…

PDH  7/13