Hôm Thứ Tư 31-7 vừa qua, tin tức thế giới xôn xao quanh vụ tai nạn xe lửa điện siêu tốc ở Tây Ban Nha/Spain. Tai nạn thảm khốc xảy ra gần thị trấn Santiago de Compostela, miền tây bắc xứ này, khiến đến nay ít nhất 80 người thiệt mạng và gần 200 người thương tích. Ngành công tố Tây Ban Nha đã truy tố viên tài xế đến 79 tội ngộ sát. Dưới sự điều khiển của ông, đoàn xe đã chạy vượt tốc độ cho phép khiến dẫn đến tai nạn trật đường ray.

Tàu lửa siêu tốc Shinkansen tại Nhật đã hoạt động từ giữa thập niên ’60
Sau tai nạn này, đã dấy lên không ít dư luận về sự an toàn của hệ thống xe lửa siêu tốc. Đây là một phương tiện giao thông công cộng rất hiệu quả nhưng chưa phổ biến tại Hoa Kỳ. Có hai trở ngại chánh. Thứ nhất, đầu tư xây dựng quá tốn kém. Thứ hai, còn nhiều quan ngại và quan điểm khác biệt về độ rủi ro cũng như cách phòng ngừa tai nạn. Tuy nhiên, các thống kê về an toàn giao thông công cộng đều cho thấy việc di chuyển bằng xe lửa thuộc vào loại an toàn nhất.
Năm 2011 tại Hoa Kỳ, có khoảng 32,400 vụ tử vong trên xa lộ và dưới 500 tử vong vì tai nạn phi cơ. Trong khi đó, số nạn nhân thiệt mạng trên các tuyến đường ray là 570 người. Một thống kê khác trải qua 2 thập kỷ, từ 1990 đến 2011 — cho thấy đã có gần 900,000 người tử nạn trên các xa lộ Hoa Kỳ, trong khi cùng lúc chỉ có 15,000 vụ thiệt mạng vì các tai nạn liên quan xe lửa. Có thể thấy tài xế và hành khách đi xe hơi dễ mắc tai nạn tử vong hơn người đi xe lửa gấp hằng chục lần. Tuy nhiên, phương tiện di chuyển chết người nhất chính là xe mô tô. Số người tử vong vì xe mô tô cao gần 30 lần so với mọi loại xe cộ khác. Năm 2006, theo thống kê của Sở An Toàn Giao Thông Xa Lộ Quốc Gia (U.S. National Highway Traffic Safety Administration – NHTSA), chỉ có chừng 13 trong số 100,000 xe hơi sẽ gặp tai nạn đưa đến tử vong, trong khi tỉ lệ cho người đi xe mô tô là trên 72 chiếc cho mỗi 100,000 xe.

Hành khách tấp nập tại trạm xe lửa điện siêu tốc ở “ga Lyon đèn vàng”. Ảnh Eric Allix Rogers
Một cách chung, các hệ thống xe lửa siêu tốc thường chạy bằng điện, tốc độ trên 250 cây số giờ (155 mile / giờ). Nhiều tuyến đường xe lửa cao tốc ở Hoa Lục và Liên Hiệp Âu Châu (European Union) chạy vượt 300 km / giờ (186 mile / giờ). Cũng có một số xe có thể lên đến 400 km / giờ (250 mile / giờ). Tháng Ba vừa qua, đường xe lửa siêu tốc HEMU-430X của Nam Hàn (South Korea) chạy thử đạt 421.4 km / giờ (261.8 mile / giờ), đưa Nam Hàn vào hàng “tứ quý” trong làng xe lửa siêu tốc thế giới — những nước có xe điện có thể đạt tốc độ trên 420 km / giờ: Nhật Bổn (Japan), Pháp Quốc (France), Nam Hàn và Hoa Lục.
Khi nói đến xe lửa siêu tốc, không thể không nhắc Nhật Bổn, Âu Châu, và Hoa Lục. Trong khi người dân tại Hoa Kỳ còn khá xa lạ với xe lửa điện siêu tốc, thì ở những nơi này, nó đã rất phổ biến và thông dụng từ hằng chục năm nay. Đặc biệt ở Nhật và Âu Châu, hệ thống xe lửa điện phát triển rất mạnh, lan toả khắp nơi để phục vụ nhu cầu dân chúng: thuận tiện và nhanh chóng. Nhật Bổn là nước đầu tiên phát triển kỹ thuật này. Để giải toả áp lực ứ nghẹt giao thông cho thủ đô Tokyo cuối thập niên 1950, người ta sáng chế hệ thống “High Speed Rail” với chiếc xe lửa điện siêu tốc đầu tiên tên “Shinkansen” khởi sự chở khách năm 1964, tốc độ cao nhất 210km / giờ. Ngày nay, hãng Japan Railways Group điều khiển một hệ thống đường ray dài gần 2,700 km (1,655 mile), và thêm 800 km (490 mile) đang xây dựng. Hệ thống xe lửa siêu tốc của Nhật cũng nổi tiếng chạy nhanh nhất, kỹ thuật tân kỳ nhất, và an toàn nhất trên thế giới.

Eurostar, chạy xuyên đường hầm Channel Tunnel. ẢNH Denis Charlet/AFP/Getty Images
Sau Nhật, Âu Châu mau lẹ bắt chước, với các kỹ sư người Đức và Pháp trình làng các đường xe lửa siêu tốc đạt đến 200km / giờ bắt đầu chạy năm 1965. Một trong những tuyến đường siêu tốc phổ biến nhất là TGV bắt đầu mở cửa phục vụ từ 1981. Ngày nay, nhiều đường xe lửa điện đi đến các bãi biển nghỉ hè bên bờ Đại Tây Dương (Atlantic) hoặc bờ Địa Trung Hải (Mediterranean), các khu vui chơi giải trí lớn, hay các khu trượt tuyết “ski resort”. Nước Đức có hệ thống đường ray xe điện siêu tốc dài 1,350 km (830 mile), đang mở thêm 428 km (266 mile). Từ Anh Quốc, có tuyến đường Eurostar, chạy xuyên đường hầm Channel Tunnel về Paris, nối liền London với Paris chỉ trong khoảng 2.5 giờ. Tuy nhiên, chính Tây Ban Nha lại là nước có hệ thống xe lửa điện siêu tốc rộng lớn nhất Âu Châu, tổng cộng trên 2,665 km (năm 2011). Các xe Alta Velocidad Espađola (AVE) có thể lên tới 310 km / giờ (193 mile / giờ).
Bên Á Đông, ngoài Nhật Bổn, có thêm Hoa Lục mấy năm gần đây phát triển hệ thống xe điện siêu tốc rất nhanh. Hoa Lục hiện có hệ thống đường ray dài nhất thế giới với trên 9,300 km (5,815 mile), đang mở thêm trên 14,000 km (8,800 mile). Trong 2 thập niên qua, các nước khác cũng bắt chước theo, đáng kể là trường hợp Nam Hàn (South Korea). Từ khi mở cửa năm 2004, tuyến đường xe điện siêu tốc KTX đã chuyên chở 360 triệu hành khách.

Xe lửa điện “Acela Express” của Hoa Kỳ, lề rề như bà già. Không thể so sánh được với hệ thống xe lửa cao tốc của Châu Âu. Có vẻ nước Mỹ chưa thực sự đầu tư nghiêm túc vào lãnh vực này, có lẽ vì người Mỹ vẫn ưa thích các phương tiện giao thông tự do.
Trong hoàn cảnh dân số thế giới ngày càng tăng, sử dụng xe lửa điện cao tốc có những thuận lợi riêng. Nó có thể giúp hạ áp lực lên công việc mở mang đường sá, xa lộ, kỹ nghệ hàng không. Các tuyến đường, trạm xe điện siêu tốc mới cũng có thể là cơ hội phát triển kinh tế cho những nơi lâu nay vốn thưa dân. So với phương tiện di chuyển là xe hơi, thì xe lửa điện siêu tốc vượt trội về con số hành khách lẫn tốc độ. Tính trên mỗi thước đường, xe lửa điện chở được hành khách nhiều gấp 3 lần xe hơi. Một đường ray có thể đủ sức đưa đón lượng khách trung bình cao hơn một xa lộ với 6 luồng xe chạy đến 15%, mà chỉ chiếm diện tích đất đai bằng 40%. Khảo sát cũng cho thấy, khi khoảng cách di chuyển càng xa, lợi thế của xe lửa điện càng dễ thấy. Nhưng ngay cả ở khoảng cách gần cỡ 50 – 150 km (30 – 90 mile), đi xe lửa điện siêu tốc vẫn nhanh hơn và tiết kiệm hơn vì tránh được nạn kẹt xe, khỏi trả tiền đậu xe (parking fee), đặc biệt tại các thành phố lớn.
Tính riêng về thời gian di chuyển, xe lửa điện chỉ chịu thua du lịch bằng hàng không trên các tuyến bay dài hoặc xuyên lục địa. Những chuyến bay trung bình hoặc ngắn, đi lại bằng xe lửa vẫn có lợi hơn, vì không phải mất giờ xếp hàng “check-in”, lấy hành lý, qua cổng an ninh, khỏi phải chờ thủ tục “boarding”, v.v… Xe lửa điện siêu tốc cũng ít bị ảnh hưởng thời tiết như kỹ nghệ hàng không. Bão tuyết, sương mù, giông tố, v.v… thường không thay đổi lịch trình xe lửa điện, trong khi các chuyến bay dễ bị huỷ bỏ hoặc đình hoãn. Với hệ thống xe lửa điện tối tân, bên trong rất êm ái, hành khách lại được thoải mái đi lại trên suốt cuộc hành trình. Khác các phi trường phải nằm biệt lập vì lý do an toàn, những trạm xe điện thường rất gần trung tâm thành phố, ngay giữa các trung tâm dân cư. Vận hành xe lửa điện cũng tốt hơn cho môi trường. Thí dụ, tuyến đường Eurostar từ London đến Paris thải khí độc ít hơn phi cơ đến 90%. Một thí dụ khác từ Nhật Bổn, trung bình mỗi năm hệ thống xe lửa điện đưa đón 6 tỉ lượt hành khách, trong khi đó, năm 2006, tổng cộng 22,700 phi cơ khắp thế giới chỉ chuyên chở 2.1 tỉ hành khách.

Mô hình xe lửa điện “California High-Speed Rail Network” và trạm dừng
Dù vậy, ở Hoa Kỳ, dân chúng vẫn còn xa lạ với xe lửa điện siêu tốc. Đến năm 2013, chỉ có tuyến đường “Acela Express” là xe lửa điện cao tốc nối liền Boston, New York City và Washington, D.C.. Một cách lý tưởng, hành khách có thể đi từ New York City về Washington mất chỉ 100 phút. Tuy nhiên, đã có nhiều than phiền xe chạy quá chậm so với các xe bên Âu Châu. Vì điều này, sắp tới có kế hoạch chạy thử hệ thống xe điện mới, có thể chạy nhanh đến 266 km / giờ (165 mile / giờ).
Bên tiểu bang California, Tháng Hai vừa qua, ngành lập pháp và cử tri, thông qua trưng cầu dân ý, đã chấp thuận xây dựng hệ thống xe lửa điện siêu tốc tên gọi “California High-Speed Rail Network”. Mùa hè này, bắt đầu khởi sự xây dựng hệ thống đường ray từ San Francisco trên phía bắc, chạy về tới San Diego ở cực nam tiểu bang. Khi hoàn tất, dự định xe lửa điện “California High-Speed Rail Network” có thể chở hành khách vượt quãng đường dài 430 mile với tốc độ 200 mile / giờ (320 km / giờ). Chánh phủ liên bang đã đầu tư yểm trợ tuyến đường này nhiều tỉ Mỹ Kim. Cử tri cũng đã thuận ban hành công trái phiếu trị giá $9 tỉ để giúp dự án “California High-Speed Rail Network” đủ tài chánh vận hành. Nếu mọi việc như dự định, đoạn đường giữa Fresno và Bakersfield sẽ mở chuyến xe lửa siêu tốc đầu tiên vào năm 2021. Tuy nhiên, các đoạn đường khác sẽ phải chờ đến 2025.
Trên tầm mức liên bang, đang có nhiều sáng kiến, hoạch định khác nhau, nhằm phát triển hệ thống xe lửa điện siêu tốc mới dựa trên các đường ray sẵn có. Liên bang có tham vọng nâng số người Mỹ dùng xe điện siêu tốc lên đến 80% vào năm 2040. Hiện đã có ít nhất 10 vùng được ưu tiên đầu tư. Liên bang hứa hẹn tài trợ trên $53 tỉ trong vòng 25 năm tới nhằm thiết lập một hệ thống xe lửa điện siêu tốc trên tầm vóc quốc gia. Trong số những vùng được nhắm đến có: California, vùng bờ tây Hoa Kỳ, vùng trung tây “Midwest”, vùng đông nam, vùng vịnh Mexico, các tiểu bang Pennsylvania, Florida, New York, và vùng New England.