Menu Close

Một lần đến vịnh Vĩnh Hy

Là một người thích khám phá, tìm hiểu tôi thường tự mình đi đến tận thắng cảnh mà chẳng cần thông qua công ty du lịch. Và lúc nào cũng muốn là người đến trước khi địa danh ấy bị thương mại, du lịch hóa. Đã có rất nhiều thắng cảnh sau khi đưa vào kinh doanh du lịch nó trở nên hoang tàn, ô nhiễm tột độ. Thác Camly ở Đà Lạt là một ví dụ điển hình rõ ràng nhất cho thói ăn xổi ở thì. Song, đó là một câu chuyện khác. Ở đây tôi đang nói về vịnh Vĩnh Hy.

alt

Toàn cảnh vịnh Vĩnh Hy nhìn từ núi Chúa

Cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm độ khoảng 40km về hướng Đông Bắc, vịnh Vĩnh Hy được bao bọc bởi những ngọn núi cao, khô hạn. Vịnh chỉ thực sự được đông đảo du khách biết đến trong khoảng mười năm đổ lại đây, khi đời sống kinh tế của người dân được nhích dần lên sau những chính sách mở cửa về kinh tế. Du khách đi nhiều nơi, và những địa danh như: Vũng Tàu, Nha Trang đã trở nên quen thuộc họ đòi hỏi phải có những điểm đến khác hơn để thỏa mãn nhu cầu của mình. Vĩnh Hy là nơi đáp ứng được yêu cầu đó của họ. Dẫu vậy, lượng du khách đến với nơi này cũng chẳng đáng bao nhiêu vì Ninh Thuận vẫn chưa phải là một địa chỉ mà du khách muốn ghé đến. Tỉnh này bị chắn bởi các thành phố du lịch: Phía Nam là Phan Thiết; phía Tây là Đà Lạt; còn phía Bắc là Nha Trang thế nên dù là một vịnh hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành thắng cảnh yêu thích nhưng Vĩnh Hy vẫn chưa thể trở mình.

alt

Con đường Bình Tiên-Cà Ná đoạn đã được hoàn thành. Từ đây du khách sẽ được rút ngắn khoảng cách đáng kể thay vì phải đi đường Quốc lộ 1.

Trong chương trình tour của các công ty du lịch, Vĩnh Hy chỉ là một địa chỉ ghé chơi trong ngày, điểm tiếp theo của họ thường là Nha Trang. Chính vì tại nơi đây không hề có bất cứ khách sạn, tụ điểm vui chơi nên chẳng thể nào níu được chân du khách ở lại. Và, có lẽ chính vì vậy mà cho dù đã đi vào khai thác du lịch lâu nay, Vĩnh Hy vẫn giữ được cho mình những nét tinh khôi như thuở ban đầu, nghĩa là hầu như chưa bị du lịch hóa.

Con đường Bình Tiên-Cà Ná mới được xây dựng có độ dài 116km bắt đầu từ bãi biển Bình Tiên và điểm cuối cùng là Cà Ná. Đoạn đường này được khởi công xây dựng ngoài mục đích đánh thức tiềm năng du lịch cho tỉnh Ninh Thuận mà nó còn tạo ra sự thuận lợi cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được đặt cách vịnh Vĩnh Hy vài cây số.

Con đường ven biển mới mở tạo điều kiện cho du khách có thể thoải mái ngắm nhìn vịnh Vĩnh Hy từ trên cao. Không những vậy, con đường uốn lượn quanh núi sẽ làm cho du khách thấy hứng khởi khi được từ trên cao ngắm nhìn cả một vùng biển bao la, rộng lớn
Người dân vẫn giữ được sự hiền hòa, thân thiện và hiếu khách. Họ chưa bị đồng tiền của du khách làm cho mê muội mà trở nên xấu đi. Bãi biển nơi họ đánh bắt, làm nước con thuyền vẫn chưa bị những ông chủ Đỏ dùng quyền lực và tiền bạc để cướp mất. Nguồn hải sản trong vịnh chưa cạn kiệt để họ phải bán mình làm công cho những công ty. Nói chung, họ vẫn giữ được nét chân chất của ngư dân xứ biển.

alt

Một góc khác của vịnh Vĩnh Hy.

Có một điều chắc chắn rằng, kể từ khi con đường Bình Tiên-Cà Ná được xây dựng, nó tạo điều kiện thuận lợi rất lớn trong việc đi lại của người dân trong vùng. Không những vậy, sự giao thương với bên ngoài cũng được mở rộng ra. Rất nhiều du khách đến với vịnh Vĩnh Hy thông qua con đường này. Tiếp theo đó là rất nhiều thông tin được đăng tải trên mạng internet về địa danh trên. Cho dù chỉ là vui chơi trong ngày nhưng lượng khách đổ về đây đã rất nhiều từ khi con đường được hoàn thành, thuận tiện cho điểm đến tiếp theo là Nha Trang. Những đoàn tàu đáy bằng kính để ngắm san hô dưới biển được mang từ Nha Trang về đây để tăng thêm phần đa dạng dịch vụ du lịch hòng thu hút du khách.

Nhưng sự bình yên, nét hồn nhiên của Vĩnh Hy có nguy cơ bị phá vỡ. Thấy được sự thuận lợi của nơi này, chính quyền tỉnh Ninh Thuận ra sức kêu gọi giới đầu tư tham gia vào khai thác du lịch ở Vĩnh Hy. Điều này đã thực sự khởi động khi con đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná đang đến đoạn hoàn thành. Rất nhiều công ty du lịch đã cho khởi công xây dựng những resort, khách sạn hòng cung cấp tiện lợi cho du khách. Và đương nhiên, rất nhiều trong số đó chọn cho họ những bãi biển đẹp nhất, thuận lợi nhất cho việc xây dựng, phát triển kinh doanh. Ngư trường, nơi đánh bắt, kéo lưới của ngư dân bắt đầu thu hẹp dần bởi đồng tiền của những ông chủ Đỏ lắm tiền.

Những vùng biển như: Mũi Né, Nha Trang sau khi du lịch phát triển, rất nhiều những bãi biển trước đây ngư dân vẫn thường ra đánh bắt, kéo lưới, neo đậu thuyền bè, làm nước… thì nay đã không còn được phép. Vì tất cả những nơi đó đều thuộc sở hữu, quản lý của những khách sạn, resort. Đời sống của người dân teo hẹp tỷ lệ nghịch với sự mở rộng các khu du lịch. Nếu trước đây người dân có thể thoải mái tắm ở bất cứ bãi biển nào, thì nay họ chỉ còn khu biệt ở một nơi nào đó vì để thoải mái được tắm như trước đây họ phải trả tiền cho những khu resort.

Phát triển kinh tế ở Việt Nam là vậy, người dân bao giờ cũng đứng bên lề lợi ích. Họ vẫn là nạn nhân của những chính sách mà mục đích vẫn chỉ là phục vụ cho một nhóm lợi ích nằm trong tay những tên Tư Bản Đỏ.

alt

Những chiếc tàu đáy kính được mang từ Nha Trang vô để phục vụ khách du lịch trong việc ngắm nhìn san hô dưới biển. Công ty khai thác du lịch ở đây đều thuộc nhà nước, và khá nhiều ngư dân đã bán thuyền, bán lưới để làm nhân viên cho các công ty du lịch này.

TT