Liên tiếp mấy tuần nay, không tuần nào tôi không có “độ” đi ăn ở ngoài. Chen lẫn giữa tình cảm thân mật của một số bạn hữu là những món ăn thật ngon với nhiều hương vị hấp dẫn. Rất tiếc, trên thực đơn của vài nhà hàng, hình ảnh của những món ăn ấy không đủ đem lại cho người thực khách cảm giác tương xứng với hương vị tuyệt vời của nó.
Tôi thầm nhủ: “Tại sao những quảng cáo món ăn Mỹ trên TV hoặc tạp chí nhìn mà thèm, trong khi món ăn Việt Nam thuần túy của mình ngon hơn gấp mấy lần mà lại không được ‘lăng xê’ tối đa qua kỹ thuật nhiếp ảnh?”
Thưa quý độc giả thân mến, kỳ này, GNA xin giới thiệu cách chụp ảnh những món ăn để làm… đói con mắt.
Màu mè
Thường thường hai chữ “màu mè” được dùng trong những trường hợp chê bai, nhưng khi nói về đồ ăn thì lại là một điều rất thích hợp. Một phần hấp dẫn của thức ăn là cái nó được nhìn thấy, nên điều quan trọng là ảnh chụp của bạn phải ghi lại những màu sắc đúng của từng thực phẩm. Trước khi bắt đầu chụp, bạn nên luôn luôn chỉnh lại cân bằng trắng (white balance) với một tờ cạt-tông xám.
Ánh sáng tốt nhất
Loại ánh sáng tốt nhất để chụp đồ ăn phải dịu và đều, đó là tại sao bạn nên dùng phòng nhiếp ảnh (photo studio) với nhiều hộp tản sáng (softboxes). Nếu bạn không có điều kiện đó, bạn có thể đặt món ăn ở gần cửa sổ để lấy ánh sáng đều từ bên ngoài. Dùng miếng vải dù che lại món ăn nếu có nắng gắt chiếu vô.
Sự kết hợp giữa hình thù và kết cấu làm cho món bánh ngọt khá lôi cuốn, mặc dù bụng đã no.
Hậu cảnh
Nếu bạn dùng cái dĩa trưng bày thức ăn, nên dùng một dĩa sạch, không dính tèm lem xung quanh. Sau khi chụp tấm ảnh đầu tiên, rọi lớn ảnh để xem kỹ và để biết chắc chắn bạn đã lấy tất cả những chi tiết cần thiết.
Bạn có thể dùng giấy màu để làm màn bình phong, nên chọn những màu hợp với các món ăn. Những màu đậm đôi khi gây cảm giác ấm cúng và thoải mái, trong khi màu lợt hoặc sáng lại gợi ý món ăn tươi mát.
Một “tâm hồn ăn uống” kiên nhẫn chụp chung với phần Bánh Xèo trước khi… xực!
Cách sắp xếp
Cách hay nhất và dễ nhất là bạn hãy tham khảo cách sắp xếp món ăn của các nhà hàng sang trọng nổi tiếng. Thường thường những món tráng miệng được sắp theo từng hàng ngăn nắp trong tủ kiếng. Với cách sắp này, bạn có thể dùng khẩu độ mở rộng (f/2.8 hoặc f/4). Nếu loại thực phẩm là những hạt nhỏ và có nhiều (hạt đậu hoặc hạt cà phê), bạn có thể chọn kỹ thuật “Làm đầy khung” (xem GNA kỳ 33). Cân nhắc với góc cạnh để lấy chiều sâu, kích thước, và tầm nhìn. Bạn có thể dùng những đồ vật trong nhà bếp để trang trí cho bố cục, như tô, chén, đũa, gáo múc canh, cối xay tiêu, cối đâm tỏi… hoặc giả nếu chụp nước uống thì dùng ly kiểu và trái cây (nho, xê-ri, đào…).
Dĩa Bò Lúc Lắc hấp dẫn. Riêng tôi luôn thích thịt bò “juicy”, và đã chọn đó là điểm chính của ảnh này.
Ngoài những cú shot món ăn đã hoàn tất, một bộ ảnh thức ăn không thể thiếu phần quá trình nấu ăn. Bạn có thể thử lấy ảnh của những động tác như xắt (rau cải, thịt), chiên, trộn (bột, trứng), vắt (chanh), pha (nước mắm). Không những người chụp được thêm thích thú mà người xem cũng thêm phần… thèm.
Lần sau nếu Hoàng Dung muốn dụ Bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công dạy môn Đả Cẩu Bổng Pháp, nàng sẽ không cần diễn tả món ăn bằng miệng mà chỉ cần đưa ông ta xem tấm hình của món ăn, chụp theo phương pháp của GNA với máy Nikon Coolpix.
Ảnh “đang nấu”. Món pasta của Ý Đại Lợi do tôi tự chế biến gồm có 4 loại thịt và 12 loại rau (có luôn 3 loại ớt!!). Chỉ có Andy! 🙂