Menu Close

Kỷ vật của Mẹ

Vẫn cho xe chạy với tốc độ bình thường, một tay cầm vô lăng, một tay lùa trong giỏ xách để trên ghế kế bên, tôi cố tìm một hộp nhỏ, đựng trong túi vải nhung màu xanh nước biển. Theo thói quen, tôi cần cầm cái hộp này trong tay để cảm thấy được bình an.

Không biết từ lúc nào, các túi xách của tôi đã trở thành một kho chứa đủ thứ thượng vàng hạ cám, và cái nào cũng quan trọng: từ hóa đơn cũ, mới của tiền điện, điện thoại, internet, receipts mua hàng từ các siêu thị, đến các giấy lớn nhỏ đủ màu nhàu nhĩ, ghi vội điện thoại hay địa chỉ của một ai đó. Cộng thêm những hộp nhỏ đựng tăm, kẹo ngậm, chuỗi ngọc trai đeo cổ, cái lược, thỏi son, hộp phấn hồng… tất cả các thứ nằm ngổn ngang trong túi xách.

Tôi biết đến một lúc nào đó, phải dọn dẹp, sắp xếp lại, và tôi đã làm việc này vài hôm trước. Tôi thay túi xách mới. Sau một hồi lọc lựa, vất bớt các hoá đơn và receipts cũ, tôi quyết định trút phần còn lại từ túi cũ sang túi mới. Vì các thứ lỉnh kỉnh đều là kỷ niệm của mẹ tôi: Thỏi son, hộp phấn, chuỗi ngọc trai, mẹ tôi cho hơn bốn năm nay, cái lược của mẹ tôi, và cái hộp nhỏ cất vài lọn tóc của mẹ tôi được bọc trong bao vải nhung màu xanh nước biển.

Cách nay bốn năm, trước giờ tẩm liệm mẹ tôi, ông giám đốc nhà quàn hỏi chúng tôi có muốn giữ tóc của mẹ làm kỷ niệm không? Mẹ mất, đã khiến chúng tôi mất hết tinh anh, nên nghe hỏi tôi  mếu máo xua tay: “Đừng, đừng làm gì cả, hãy để mẹ tôi yên!” Nhưng giám dốc nhà quàn ôn tồn giải thích: “Cô yên tâm, đây là hảo ý của chúng tôi, và cũng là điều khách hàng của chúng tôi thường yêu cầu. Nếu cô đồng ý, chúng tôi sẽ cắt vài lọn tóc của bà cụ, bỏ vào từng hộp nhỏ và hàn lại. Gia đình cô từng người sẽ giữ lấy để tưởng nhớ đến mẹ.” Hiểu ra, tôi đã xin lỗi ông và xin ông thực hiện hộ bảy hộp. Một hộp cho bố tôi và sáu hộp dành cho mấy chị em.

Tang lễ xong, những ngày kế tiếp, chúng tôi thay phiên nhau ra mộ vun quén, tưới nước cho hoa tươi, nấu cơm cúng và đến chùa tụng kinh cầu siêu cho mẹ. Không ai nhớ đến những hộp nhỏ cất giữ những sợi tóc của mẹ.

Khoảng một tuần sau, em gái Út của tôi tìm thấy một bao giấy trong xe. Trong bao có bảy túi vải nhung nhỏ màu xanh nước biển, có dây cột chặt miệng túi. Em đưa cho tôi và nói: “Không biết cái gì, chị xem xem!” Vừa nhìn vào bao giấy màu tím, tôi nhớ ngay.  Nước mắt tràn ra, tôi cầm lên một hộp, mở dây cột và lấy ra một hộp nhỏ bằng nhựa trắng muốt có sợi dây nơ màu xanh nước biển cột ngang xinh xắn, bên trong là lọn tóc thật mỏng của mẹ tôi. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi hằng sống đến như thế, và gần tôi đến như thế.

Chúng tôi chia nhau, mỗi người một hộp. Bố tôi để lọn tóc bên cạnh di ảnh của mẹ trên bàn thờ, còn tôi luôn mang lọn tóc của mẹ bên mình, như một kỷ niệm, một trợ lực thiêng liêng và cũng là một thỏa nguyện được tiếp tục đi chung với mẹ nốt quãng đời còn lại.

Mẹ tôi là thiếu nữ Hà Nội, răng đen, tóc vấn khăn. Nhưng vào Nam được vài năm, mẹ tôi đã cạo răng vì thế tôi không được nhìn thấy răng đen của mẹ. Còn mái tóc vấn khăn, là kỷ niệm một thời của tôi.

Ngày tôi còn bé khoảng tám chín tuổi, mẹ tôi còn mái tóc dài, dài lắm, dài quá gót chân. Mái tóc ấy đã mê hoặc tuổi thơ của tôi. Tôi trải theo chu kỳ sống và tình tứ khi tóc ướt, tóc khô, tóc được vấn tròn trong khăn nhung, và tóc bung tràn trên gối.

… Mẹ tôi ngồi trên chiếc ghế thấp và cúi xuống thả tóc trong cái chậu tráng men. Tôi đứng bên cạnh, múc từng lon nước bồ kết âm ấm, dội lên mái tóc. Tóc thấm dầu bồ kết óng ánh như dòng suối chảy tràn xuống chậu! Tôi dội mãi, dội mãi, không muốn nghỉ.

… Mẹ đứng trên chiếc ghế con để tóc không chạm đất, tôi giúp mẹ hong khô tóc bằng cách tung từng làn tóc mỏng dưới nắng. Nắng chói mắt, tỏa sức nóng rát da, tôi ngửa cổ, phủ làn tóc thơm mát lên mặt. Trời bỗng như bay vút thật cao, đổi màu xanh ngắt và chợt rất dịu dàng.

… Tôi phụ mẹ rẽ ngôi và vén tóc sang một bên, đặt tóc vào chiếc khăn nhung rồi vấn tròn, và ghim chặt bằng những chiếc kim cúc. Cứ thế, suối tóc dài chẳng mấy chốc đã nằm gọn trong tấm vải nhung đen nhánh. Mẹ khéo léo quấn khăn nhung tóc vòng quanh đầu thành hình vành khăn.

…. Đêm về, trên chiếc giường trải chiếu hoa đỏ chót, mẹ nằm nghiêng cho em tôi bú, tóc mẹ đổ dài sau lưng. Tôi nằm sát vào mẹ, rúc mặt vào mái tóc thơm, lim dim ngủ mà tay vẫn vuốt ve từng sợi.

Cuộc đời là những chuỗi bất thường tiếp nối. Tuổi thơ của tôi không thể cứ mãi êm ả và thần tiên. Mẹ tôi cắt tóc ngắn tới cổ và uốn quăn tít. Mái tóc biến mất thật nhanh, khiến tôi hoảng hốt. Tôi đã trằn trọc nhiều đêm vì nhớ mái tóc dày, óng ả thơm mùi bồ kết. Có lần nhắc lại chuyện xưa, mẹ bảo tôi nhớ mái tóc như em tôi nhớ vú mẹ lúc cai sữa.

Không biết vì mẹ tôi bản chất yếu đuối hay vì tôi là con gái đầu lòng, lại có bản tính cứng cỏi, nên ngay từ lúc tôi hơi có trí khôn, mẹ đã dựa vào tôi, tin tưởng tôi và thường cho tôi đi chung với mẹ.

Năm tôi bảy tám tuổi, bố tôi bị tai nạn xe, mẹ đã nhờ hàng xóm trông coi các em tôi để tôi đi với mẹ vào nhà thương thăm bố. Xuống xe, mẹ tôi hai mắt đỏ hoe, rụt rè nhìn quanh rồi nói: “Con giúp mẹ, xem trại C bố nằm ở phía nào?” Tôi đang sụt sùi theo mẹ, cũng gật đầu lăng xăng chạy tới chạy lui đánh vần tên trại, và xem số phòng dọc hành lang.

Khi tôi vào học đại học ở Sàigòn, mỗi dịp nghỉ Tết hay Hè, mẹ thường vào Sàigòn đón tôi về Đà Nẵng. Tôi lại có thời gian riêng đi chơi với mẹ và ngủ với mẹ. Đây là lúc tôi được nghe mẹ tâm sự về những bất an trong đời sống, những nhớ thương luyến tiếc thời vô tư lự của tuổi thanh xuân. Tôi cũng bắt gặp mẹ e ấp hạnh phúc, khi chọn những tà áo dài có màu sắc mà bố tôi ưa thích, và tôi nghiễm nhiên trở thành cố vấn thời trang và sắc đẹp cho mẹ.

Biến cố 30 Tháng Tư năm 75, cha tôi đi tù cải tạo, mọi việc trong nhà, mẹ dựa hẳn vào tôi qua những câu như: “Để xem ý chị Nhớn thế nào!” hoặc: “Chị Nhớn, con nghĩ sao?” hay “Các con coi nhà, để chị Nhớn đi với mẹ!”.

Tôi đã mạnh mẽ nắm tay mẹ bước lên phía trước để bảo vệ gia đình và các em trong lúc trật tự xã hội bị đảo lộn. Nguy hiểm, tai họa rình rập!

Tôi lớn lên, bước những bước song hành cùng mẹ: đi chợ với mẹ, đi chùa với mẹ dâng sớ cầu an cho gia đình vào ngày rằm mỗi tháng và lao vào đời cùng mẹ..

Bốn năm trước, mẹ tôi khám sức khoẻ tổng quát để sang thăm tôi, bác sĩ cho biết mẹ tôi bị ung thư phổi. Cả nhà tôi không ai hút thuốc, mẹ tôi không thể bị ung thư phổi được. Chúng tôi từ chối chẩn đoán của bác sĩ gia đình. Tìm đến bác sĩ chuyên khoa, kết quả vẫn vậy. Mẹ tôi bình tĩnh chấp nhận, trong khi chúng tôi vẫn ở trong trạng thái hốt hoảng và không chấp nhận thực trạng.

Mẹ nói với tôi: “Mẹ định kỳ này sang thăm con, thăm các bác các chú và một số bạn cũ của bố mẹ nhưng bị bệnh này thì chắc mẹ không có cơ hội đi nữa đâu!” Tôi khoát tay, nói mạnh: “Còn làm thêm thử nghiệm, chưa chắc mẹ bị ung thư. Mẹ đừng lo, y học bây giờ tiến bộ lắm, nếu có bị ung thư, thì nó cũng không còn là căn bệnh đáng lo ngại như trước. Những nhà nghiên cứu trên thế giới cũng vừa tìm ra một loại thuốc trị ung thư phổi có tác dụng tốt đặc biệt với thể tạng của người Á châu. Mẹ đừng lo!” Ánh mắt mẹ chợt sáng và vui với tia hy vọng. Tôi nói thêm: “Mình chỉ tạm hoãn chuyến đi thôi, nếu có gì sau khi chữa trị, mẹ sẽ khoẻ, hai mẹ con mình sẽ đi Âu châu một chuyến!” Mẹ tôi cười thật tươi. Tôi hiểu mẹ đặt niềm tin vào tôi nhiều lắm.

Nhưng các bác sĩ đã có cùng một chẩn đoán: mẹ tôi bị ung thư phổi, sau đó đã chuyển di đến gan. Một năm sau mẹ tôi mất. Dự tính sang thăm tôi bị cắt ngang. Ước mơ đi Âu châu bị bỏ dở.

Tôi cho xe rẽ vào cây xăng, đậu xe, tắt máy và tìm chiếc hộp nhỏ. Càng hối hả, càng tìm không ra. Tôi dốc ngược túi xách, mọi thứ rơi xuống ghế nhưng không có chiếc hộp nhỏ đựng lọn tóc của mẹ tôi. Tim tôi đập thình thịch. Tôi không thể đi, khi không có hộp tóc của mẹ tôi. Tôi  cho xe chạy ngược về nhà.

Mở cửa bước nhanh vào nhà, tôi lục tìm trong túi xách cũ, vẫn trống trơn. Tôi nhìn lên bàn thờ, chiếc hộp nhỏ nằm cạnh di ảnh của mẹ tôi. Tôi không thể nhớ đã để chiếc hộp đựng tóc của mẹ trên bàn thờ, trong khi cả bốn năm nay, tôi luôn bỏ trong túi xách mang theo bên mình dù đi bất cứ đâu.

Tôi với tay lấy chiếc hộp, lọn tóc đen bóng, cong cong mảnh mai xen lẫn những sợi bạc lung linh. Tôi  mơ hồ thấy tóc đang ướt, thơm mùi bồ kết, lung linh dưới nắng, tóc đang phủ lên mặt tôi mát lạnh…

PDH – 7/13